Xác định lỗi chở số người vượt quá quy định hay không?

Người điều khiển mô tô chở vượt quá số người quy định, đâm vào xe khác gây tai nạn thì có xác định lỗi về chở quá số người quy định hay không, đây là tình huống gây nhiều tranh luận.

1.Tình huống pháp lý

Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày 30/8/2018, Đà điều khiển xe mô tô có dung tích xilanh 108 cm3 chở phía sau là Toàn và Mãi, lưu thông theo hướng Trung Lương – Mỹ Thuận để đến nhà bạn uống rượu. Khi bị cáo Đà điều khiển xe đến km 2011 +200m Quốc lộ 1 lưu thông trên làn đường ở giữa, phía trước có xe môtô do ông Phong điều khiển chở chị Châu lưu thông cùng chiều, nhưng Đà không giảm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn nên xe đụng vào đuôi xe của ông Phong gây tai nạn. Hậu quả: Mãi bị thương nặng được đưa đi cấp cứu và tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Đà bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực CL. Anh Phong, chị Châu và anh Toàn bị thương nhẹ, hai xe mô tô hư hỏng.

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện X, tỉnh T đã truy tố đối với bị cáo Đà về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo đó, lỗi dẫn đến vụ tai nạn là do bị cáo Đà khi chưa được cấp giấy phép lái xe hạng A1 mà vẫn điều khiển phương tiện có dung tích xi lanh trên 50cm3, không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước. Hành vi của bị cáo đã vi phạm khoản 9 Điều 8, khoản 1 Điều 12 Luật giao thông đường bộ:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

“…9. Điu khin xe cơ gii không có giy phép lái xe theo quy định.

Điu khin xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường b không có chng ch bi dưỡng kiến thc pháp lut v giao thông đường b, bng hoc chng ch điu khin xe máy chuyên dùng…”

Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình…”

2.Các quan điểm xác định lỗi trong tình huống pháp lý nêu trên

Từ tình huống pháp lý trên, xuất hiện một số quan điểm khác nhau trong việc xác định lỗi của bị cáo Đà như sau:

Quan điểm thứ nhất: Trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì việc xác định lỗi của người phạm tội là những lỗi trực tiếp gây ra tai nạn và có mối quan hệ nhân quả giữa lỗi đó và hậu quả đã xảy ra. Mặt khác, trong những vụ án như trường hợp nêu trên đã nêu thì có thể bị cáo có rất nhiều lỗi (nhiều vi phạm quy định Luật giao thông đường bộ ) nhưng trong những lỗi đó có những lỗi hành chính như không đội nón bảo hiểm, chở vượt quá số người quy định,… và những lỗi này sẽ không được xác định để định lượng khung hình phạt đối với bị cáo. Do đó, việc VKSND huyện X, tỉnh T không nêu lỗi chở vượt quá số người quy định trong cáo trạng là phù hợp vì nó không phải là lỗi trực tiếp gây nên tai nạn.

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Thống nhất lỗi chở số người vượt quá quy định là lỗi hành chính, không phải là lỗi trực tiếp gây ra tai nạn nhưng tùy vào trường hợp cụ thể mà áp dụng sao cho phù hợp. Trong trường hợp như nêu trên thì phải xác định lỗi chở vượt quá số người quy định đối với bị cáo Đà trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử thì việc định lượng về khung hình phạt mới đảm bảo chính xác và thuyết phục. Mặc dù, lỗi này không trực tiếp gây ra tai nạn nhưng lỗi này đã làm tăng số người bị hại. Nếu bị cáo Đà chở đúng số người theo quy định thì trong trường hợp này số bị hại chỉ là 3 người nhưng do chở số người vượt quá quy định nên số người bị hại tăng lên thành 4 người. Lỗi vi phạm này của bị cáo Đà đã trực tiếp làm phát sinh thêm một người bị hại, do đó, thiết nghĩ khi khởi tố, truy tố, xét xử thì các cơ quan tố tụng cần xác định thêm lỗi này đối với người phạm tội để có khung hình phạt thích đáng đủ sức răn đe tội phạm.

Tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí!

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)