Xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố – vướng mắc và kiến nghị
Có thể hiểu “Giới hạn của việc xét xử” là phạm vi giới hạn, khuôn khổ nhất định mà Toà án trong quá trình xét xử, ra phán quyết không thể hoặc không được vượt qua. Trong đó, xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố là vấn đề còn có những vướng mắc.
Quy định “Giới hạn của việc xét xử” trong pháp luật tố tụng hình sự có mục đích nhằm đảm bảo tính định hướng cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, các chủ thể tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là xác định giới hạn cho Toà án trong việc thực hiện quyền hạn của mình trong quá trình giải quyết vụ án; tránh tình trạng lạm quyền, vượt quyền, trái quyền gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng. Mặt khác, quy định về giới hạn xét xử còn nhằm bảo đảm cho bị cáo và người bào chữa có thể chủ động chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để tranh tụng với quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát.
Quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015, thì trong trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “cần” dưới hình thức động từ được hiểu là “không thể không làm, không thể không có, vì nếu không làm, không có thì sẽ có hại”. Còn “cần” dưới hình thức tính từ được hiểu là “phải được giải quyết gấp, vì để chậm trễ sẽ có hại”. Như vậy, theo Từ điển Tiếng Việt “cần” được hiểu theo hướng có lợi, nhưng quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 sử dụng từ “cần” theo hướng gây bất lợi cho bị cáo (cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố) là chưa hợp lý về mặt từ ngữ tiếng Việt. Mặt khác, cụm từ “cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn” trong quy định trên còn cho thấy việc xét xử, định tội danh đối với bị cáo thể hiện ý chí chủ quan của Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử) hoặc của Hội đồng xét xử (khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) chứ không căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm – thuật ngữ khoa học pháp lý trong pháp luật hình sự về việc định tội danh đối với hành vi phạm tội.
Từ phân tích trên, theo tác giả cần sửa đổi, bổ sung cụm từ “cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn” thành cụm từ “hành vi phạm tội của bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn” tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015. Cụ thể: “Trường hợp xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên không những khắc phục được trường hợp mang tính chủ quan của Thẩm phán và Hội đồng xét xử mà còn phù hợp với thuật ngữ khoa học pháp lý. Bởi vì, mỗi tội phạm đều khác các tội khác về đặc điểm cấu trúc của bốn yếu tố của tội phạm (khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan). Nhưng tất cả các tội phạm thuộc một tội danh đều có những đặc điểm chung về bốn yếu tố đó. Những đặc điểm chung này được phản ánh trong các cấu thành tội phạm.
Cấu thành tội phạm không chỉ là cơ sở pháp lý để các CQTHTT truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà còn là căn cứ để xác định tội danh cũng như khung hình phạt cần áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội trong từng trường hợp cụ thể. Qua đó, trong nhiều trường hợp sự mô tả kỹ trong cấu thành tội phạm còn giúp các nhà áp dụng luật nhìn nhận chính xác các trường hợp chuyển hóa tội phạm (từ tội danh này sang tội danh khác) hoặc trong nhiều trường hợp còn xác định chính xác dấu hiệu chuyển hóa từ yếu tố định tội sang yếu tố định khung hình phạt hoặc từ yếu tố định khung hình phạt sang tội danh khác nặng hơn.
Thẩm quyền
Quy định nêu trên mới chỉ giải quyết được trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền xét xử theo cấp của Toà án đã thụ lý hồ sơ vụ án và có thể giải quyết được dứt điểm bất cập trong quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, nếu Tòa án đã thụ lý hồ sơ vụ án là TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp Quân khu. Bởi lẽ, TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu có thẩm quyền xét xử những vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng nhưng Tòa án cho rằng bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên đã trả hồ sơ để viện kiểm sát truy tố lại. Theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu có quyền xét xử bị cáo về tội danh đặc biệt nghiêm trọng đó. Trong trường hợp này, TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu chỉ cần thi hành đúng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm được phép xét xử bị cáo nặng hơn về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố có thể dẫn đến vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm là TAND cấp huyện, TAQS cấp khu vực. Trường hợp các Tòa án này xét xử sơ thẩm đối với bị cáo bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội ít nghiêm trọng; nghiêm trọng; rất nghiêm trọng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thuộc vào khoản nặng hơn hoặc tội nặng hơn mà Viện kiểm sát đã truy tố và tội danh nặng hơn đó lại thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực theo quy định tại Điều 268 BLTTHS 2015.
Hơn nữa việc xét xử loại tội đặc biệt nghiêm trọng cũng dẫn đến sự thay đổi rất nhiều về thủ tục tố tụng như sự thay đổi về thành phần Hội đồng xét xử (Điều 254 BLTTHS 2015) và việc chỉ định người bào chữa… Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển vụ án theo quy định tại Điều 274 BLTTHS 2015. Tuy nhiên Điều 298 quy định về giới hạn xét xử lại chưa quy định cách giải quyết cụ thể đối với vấn đề này.
Do đó, theo tác giả, nên bổ sung khoản 3 Điều 298 theo hướng như sau: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó; trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy tội danh cần xét xử vượt quá thẩm quyền xét xử thì phải chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền”.
TAND huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã tổ chức xét xử lưu động 2 vụ án hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Đánh bạc”. Ảnh: Lê Nguyệt (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
2 Bình luận
Jr. Violet
05:50 12/01.2025Trả lời
le cuong
05:50 12/01.2025Trả lời