Xét xử vụ Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 15 bị cáo từ 2 đến 10 năm tù; đề nghị tòa chấp nhận cho hơn 6.600 nhà đầu tư được nhận tiền gốc mua trái phiếu do thiệt hại đã được các bị cáo khắc phục.

Ngày 22/03 phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh bước sang ngày làm việc thứ 4, tiếp tục phần bào chữa của luật sư, bị cáo.

Trước đó, chiều ngày 21/3 Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh và 14 đồng phạm trong vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án từ 9 - 10 năm tù, Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó TGĐ Cty Tân Hoàng Minh) từ 5 - 6 năm tù, Phùng Thế Tính (cựu GĐ Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán Tân Hoàng Minh) và Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó GĐ Trung Tâm Tài chính - Kế toán, kiêm GĐ Ban Tài chính - Kế toán) cùng bị đề nghị từ 4 - 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 24 tháng đến cao nhất 42 tháng tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đại diện VKS, quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật và Nhà nước bảo vệ.

Trong vụ án này, các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật nhưng do động cơ tư lợi vẫn cố ý thực hiện, để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn là 8.643 tỷ đồng.

Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS luận tội

Theo VKS, các bị cáo đã lấy danh nghĩa của Tân Hoàng Minh để khiến các bị hại mua trái phiếu rồi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

VKS nhận thấy Tân Hoàng Minh là công ty gia đình, trong đó bị cáo Đỗ Anh Dũng là người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát hành 9 gói trái phiếu để huy động tiền trái pháp luật cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt. Do vậy, VKS cho rằng cần thiết áp dụng hình phạt tù ở mức cao nhất đối với Đỗ Anh Dũng so với các bị cáo khác.

Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức và thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Dũng. Họ là những người làm công hưởng lương, không được hưởng lợi từ hành vi chiếm đoạt tiền của các bị hại. Nhóm đồng phạm giúp sức này được chia thành các nhóm với tính chất, mức độ hành vi phạm tội giảm dần.

Sau khi lập luận, phân tích, đại diện VKS khẳng định việc truy tố 15 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Một số bị hại trong vụ án tại phiên tòa

Tuy nhiên, khi cân nhắc mức hình phạt áp dụng với các bị cáo, VKS đã đánh giá thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Trong đó, cơ quan công tố cân nhắc việc các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình một số bị cáo có công với cách mạng…

“Đặc biệt là các bị cáo đã có ý thức bồi thường khắc phục hậu quả, nộp lại toàn bộ số tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư, từ đó xem xét cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án”, đại diện VKS nói

Triệu Hồ