“Đi tìm công lý” cuốn sách cuốn hút và gợi nhiều suy ngẫm
Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản cuốn sách “Đi tìm công lý” của nhà báo Nguyễn Phan Khiêm, với 31 bài viết chứa đựng trong đó biết bao trăn trở, niềm vui, nỗi buồn của các Thẩm phán, Luật sư, nhà nghiên cứu, người bị oan… gắn với rất nhiều thân phận con người, nhiều vụ án hình sự, dân sự ly kỳ.
Từ nhiều năm qua, nhà báo kỳ cựu của báo chí thuộc Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Phan Khiêm không còn mấy ai lạ lẫm, bởi anh có rất nhiều bài báo để lại thiện cảm đối với người đọc trong và ngoài ngành Tòa án; do đó tác phẩm Nhớ bác Phạm Hưng của Nguyễn Phan Khiêm đạt Giải Nhất thể loại Ký sự trong Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Thơ và Ký sự về Tòa án nhân dân nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân 13/9 (1945-2020) không khiến nhiều người bất ngờ.
Bằng văn phong giản dị, có sức cuốn hút người đọc, dưới ngòi bút của anh, những câu chuyện trong cuốn sách rất đời thường, được những con người bình thường tạo nên, nhưng hành động của họ lại rất đỗi phi thường vì cùng hướng đến một giá trị cao quý, đó là Công lý.
“Đi tìm Công lý” với 31 câu chuyện về cuộc đời của nhiều nhân vật khác nhau: Từ cán bộ cao cấp (Chánh án Phạm Văn Bạch, một trí thức lớn tâm huyết với sự nghiệp Tòa án; Nhớ bác Phạm Hưng; Người liêm chính cô đơn – Chánh án Trịnh Hồng Dương), hay cán bộ cơ sở trong ngành Tòa án (Nữ Chánh án đặc biệt, Thẩm phán nơi Ngã ba Đông Dương, Uống rượu với Chánh án Tủa Chùa, …) đến những người bị hàm oan (Thẩm phán Phùng Lê Trân - Người đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội, Kêu oan cho người dưới mộ, …), những Thẩm phán trăn trở khi đứng trước những bị cáo bị truy tố mức án tử hình (Tìm thấy lý do để họ được sống – viết về PGS.TS Trần Văn Độ; Chuyện nữ thẩm phán tuyên án tử hình) vị luật sư biện hộ bị vạ gió tai bay (Ông luật sư bị hàm oan), nhà khoa học pháp lý tận tụy với khoa học (Một nhà khoa học thuần thành - viết về GS Lê Cảm), trăn trở của các Thẩm phán về công tác xét xử và nghiên cứu sao cho bản án thấu lý đạt tình ( Ông Thẩm phán “khẩu xà tâm Phật – viết về Ths Đinh Văn Quế; Thấu tình đạt lý - viết về Chánh án Tòa án tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên)… nhà báo Nguyễn Phan Khiêm đã khắc họa nên bức tranh “Đi tìm Công lý” với góc nhìn đa chiều.
Đó là những cán bộ ngành Tòa án dẫu được đào tạo từ nước ngoài hay trong nước qua nhiều giai đoạn khác nhau, cho dù công tác ở cấp nào, địa phương nào, miền xuôi hay miền ngược… song họ đều giống nhau ở chỗ, tất cả hành trình cuộc đời của họ đều đi chung trên con đường bảo vệ công lý, bảo vệ thân phận những con người liên quan đến pháp luật, trước "những con sóng hung hãn" tưởng chừng như có thể cuốn trôi ai đó ra khỏi cuộc đời này…
Một không gian trải dài, từ vùng Tây Bắc hiểm trở, miền Trung Tây nguyên xa xôi đến biển đảo, rồi vùng cực Nam của Tổ quốc, chúng ta đều gặp họ - những người lặng lẽ bảo vệ công lý, họ không chỉ “cõng nhân chứng” như trong một bài viết mà cõng cả niềm tin của Nhân dân đã đặt vào họ để tìm ra lẽ công bằng, thậm chí họ còn kêu oan giúp cho người đang nằm dưới mộ.
Chúng ta còn bắt gặp một người trí thức ở cao nguyên, dẫu nay đã về miền mây trắng, nhưng nỗi oan khiên kia trong hành trình đi tìm công lý của ông suốt hơn ba thập kỷ vẫn còn dang dở; một doanh nhân làm ăn phát đạt điển hình ở vùng sông nước miền Tây bỗng dưng vướng vòng lao lý do bệnh “hình sự hóa” của một số vị quan chức trong cơ quan tiến hành tố tụng, đã xô đẩy một thương gia giỏi giang, hiền hậu ra khỏi thương trường, rồi cuối cùng phải ra đi, ngậm ngùi nơi chín suối khi công lý sắp đến gần. Hay vụ án ở Đồng Nai, không phức tạp mà xử đi xử lại đến 20 năm… Những câu chuyện như thế khiến chúng ta thấy trọng trách của những người tiến hành tố tụng đòi hỏi họ phải trung thực, liêm chính cần thiết biết bao.
Khi những trang sách cuối cùng chuẩn bị khép lại là giấc mơ của “Cô gái trở về từ bên kia biên giới” sắp trở thành hiện thực, “Những ánh sao đêm” - tên của nhóm những con người bất hạnh, là nạn nhân của việc mua bán phụ nữ qua biên giới, như tỏa sáng lên thì hành trình “Đi tìm Công lý” của họ vẫn còn dằng dặc ở phía trước. Đó cũng là lẽ thường tình của một đất nước đang đổi mới, đang hoàn thiện dần các thiết chế để xây dựng Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó.
Trong “Đi tìm Công lý”, chúng ta khó phân biệt đâu là văn học, đâu là pháp lý. Dù là những câu chuyện liên quan đến pháp luật nhưng tác giả dẫn bạn đọc tới nhiều vùng miền trong cả nước, với những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa rất thú vị. Tất cả đã hòa quyện nhau trong từng câu chữ, vì mục tiêu hướng đến con người.
Đây thật sự là một tác phẩm văn học - pháp lý giàu tâm huyết của nhà báo Nguyễn Phan Khiêm, đáng được độc giả trân trọng, cảm thụ và cùng suy ngẫm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận