A, H và T đều là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Ai là bị hại trong vụ án?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng ngày 02/11, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả và cho rằng cả H và anh A, anh T đều là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”.

Điều 170 BLHS quy định về mặt khách quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản” như sau: Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện bởi hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc không có vũ khí) chủ động tấn công vào một người cụ thể; hành động tấn công này có khả năng phương hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công như bắn, dùng dao chém, dùng gậy đánh… Việc dùng vũ lực là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và được thực hiện công nhiên để cho người bị tấn công biết, bất luận có người khác biết hay không[1].

Đối chiếu với nội dung vụ án thì: “Vì chờ lâu chưa có tiền nên L và một số đối tượng dùng gậy ba khúc đánh vào người anh A và anh T nhiều lần. Trong đó, có đối tượng Rơ Châm Th cầm bình hoa bằng sứ đánh vào đầu anh A làm anh A ngất xỉu, được người thân đưa đi cấp cứu”. Mục đích của L và các đối tượng dùng gậy ba khúc, bình hoa bằng sứ đánh A và anh T nhiều lần để chiếm đoạt tiền của anh A và anh T. Ngoài ra, L còn có hành vi đe dọa dùng vũ lực hay dùng các thủ đoạn khác (đe dọa trong vòng 10 phút tụi mày phải nộp số tiền 20.000.000đ, nếu không tao sẽ chặt tay thằng nhỏ này (nói và chỉ tay vào người H) nhằm thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói làm cho anh A và anh T bị uy hiếp tinh thần và có cảm giác sợ hãi. Mục đích của L và các đối tượng thực hiện các hành vi này cũng là buộc anh A và anh T đưa tiền cho mình. Từ đây, ta có thể kết luận hành vi khách quan của L và các đối tượng đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015.

Mặt khác, tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm (đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác). Việc L thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa sẽ dùng vũ lực và có hành vi khác; trên thực tế có chiếm được tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh. Hay nói cách khác, anh A và anh T, H là bị hại của vụ án cưỡng đoạt tài sản từ khi L có hành vi thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa sẽ dùng vũ lực và có hành vi khác với mục đích chiếm đoạt tài sản của anh A và anh T, H.

Ngoài ra, trong vụ án này, bị hại H là người dưới 16 tuổi. Do vậy, L phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 170 BLHS.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về bài viết, rất mong nhận được sự đóng góp của quý độc giả.

 

 


[1] Xem: Các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 2015, Nxb.Tư pháp, Hà Nội, 2022, tr72.

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)