A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Phan Thị Thúy An đăng ngày 30/8/ 2022, tôi cho rằng, A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tình tiết này trong thực tế, tuy nhiên có thể hiểu người phạm tội phải là người có bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (có hồ sơ bệnh án hoặc kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền), từ đó phát sinh hành vi phạm tội.

Để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, phải đáp ứng đầy đủ hai yếu tố sau:
Thứ nhất, người phạm tội phải là người có bệnh. Bệnh ở đây phải là bệnh lý theo quy định trong y sinh học.

Thứ hai, bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội (trong trường hợp chưa có đủ căn cứ kết luận thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định). Có thể hiểu, nếu người phạm tội về mặt thực tế có bệnh lý, tuy nhiên nếu đây không phải là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi mà thực hiện hành vi phạm tội thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này.

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi hạn chế, bởi người phạm tội bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng làm chủ hành vi do có bệnh lý và bệnh lý đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức hoặc làm chủ hành vi của họ, khiến họ không có đầy đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, trách nhiệm hình sự của họ cũng được giảm nhẹ so với những trường hợp phạm tội thông thường.

Đối với vụ án được tác giả nêu ra trao đổi, A là người thường xuyên uống rượu, sau khi uống khoảng 1 lít rượu thì A đã nảy sinh ý định giao cấu với T nên đã dùng dao đe dọa T để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Kết luận giám định pháp y đã kết luận: Trước, trong, sau khi phạm tội và hiện tại, A bị rối loạn nhân cách, hành vi do sử dụng rượu và bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Ở đây, A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do sử dụng rượu. Say rượu trong trường hợp này không được coi là một bệnh lý được quy định trong y sinh học. Khi không sử dụng rượu bia, A hoàn toàn có đầy đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nhưng A đã tự mình uống rượu và bị rơi vào trạng thái bị hạn chế khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Vì vậy, mặc dù việc say rượu là nguyên nhân dẫn đến A bị hạn chế khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nhưng đây không được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Điều 13 BLHS có quy định phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trước khi sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác, người phạm tội vẫn trong trạng thái bình thường, nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Họ hoàn toàn ý thức được việc sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác có thể làm bản thân không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình nhưng họ vẫn tự đặt mình vào trạng thái hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Chính vì vậy, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả./.

 

TAND huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” - Ảnh: Nguyễn Khánh

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-