A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Qua nghiên cứu bài viết “Về tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức…” của tác giả Phan Thị Thúy An, đăng ngày 30/8/2022, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng: A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ...

A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”, quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS bởi những lý do sau:

Thứ nhất, một người được xem là có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi phải thỏa mãn hai dấu hiệu: dấu hiệu bị mắc bệnh (y học) và dấu hiệu về tâm lý (điều khiển nhận thức và hành vi). Hai dấu hiệu trên phải có mối quan hệ biện chứng cho nhau: Một người vì mắc bệnh nên họ bị hạn chế khả năng điều khiển dẫn đến phạm tội và người đó bị hạn chế khả năng điều khiển (phạm tội) do họ mắc bệnh.

Ở trường hợp này, ta có thể thấy rằng dấu hiệu bệnh lý của A không có mối quan hệ biện chứng với dấu hiệu tâm lý; có nghĩa là: Không phải vì A mắc chứng “Rối loạn nhân cách, hành vi do sử dụng rượu” mà dẫn đến hành vi phạm tội, mà do A đã uống quá nhiều rượu nên nảy sinh ý định và thực hiện hành vi phạm tội với T.

Thứ hai, xét về nguyên nhân bệnh để dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cơ bản có hai nguyên nhân:

Nguyên nhân khách quan: Người bệnh không mong muốn nhưng có thể do nhiều yếu tố tác động từ môi trường hoặc do di truyền nên mắc bệnh. Đối với trường hợp này người phạm tội được xem xét và cho hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Nguyên nhân chủ quan: Là nguyên nhân đến từ yếu tố bản thân của người phạm tội như việc uống rượu, bia, dùng các chất kích thích khác dẫn đến mắc bệnh. Trường hợp này, tác giả cho rằng người phạm tội không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là phù hợp theo tinh thần quy định tại Điều 13 BLHS “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia… thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, đối với vụ án trên khi xem xét để áp dụng tình tiết giảm nhẹ không được chỉ căn cứ vào kết luận giám định mà cần phải có sự đánh giá toàn diện và khách quan, tránh việc áp dụng tùy tiện làm mất đi tính đấu tranh phòng, chống tội phạm và bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta. Trong trường hợp này theo kết luận giám định, A bị “Rối loạn nhân cách, hành vi do sử dụng rượu (đây là nguyên nhân chủ quan dẫn đến bệnh). Cùng với đó, A đã tự mình uống hết 1 lít rượu và qua tình tiết vụ án có thể thấy rằng quá trình phạm tội A vẫn đủ nhận thức để cố ý thực hiện (điều khiển) hành vi của mình hoàn thành đến cùng (dùng dao Thái Lan đe dọa T để T sợ nên không dám kêu la và sau khi xong việc thì bỏ về nhà).

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS đối với A là phù hợp; đảm bảo được tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi từ đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, Bình Phước xét xử vụ án Cố ý gây thương tích - Ảnh: Quốc Trung

 

 

BÙI VIẾT VINH (Toà án quân sự Quân khu 5)