Về tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức…

Tình tiết “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) được hiểu như thế nào?

Sau khi phạm tội, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người phạm tội có hồ sơ bệnh án bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì có xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này hay không?

Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức là người khi phạm tội họ mắc một bệnh mà bệnh đó làm cho họ nhận thức không đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi của mình, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra.

Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình là trường hợp họ vẫn nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó, nhưng họ không điều khiển được hành vi theo ý muốn.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS là tình tiết đã được quy định từ BLHS năm 1999. Tình tiết này có thể được hiểu như sau: Người phạm tội phải là người có bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (có hồ sơ bệnh án của cơ quan có thẩm quyền).

Ví dụ: A thường xuyên uống rượu. Một hôm, A sang nhà chị  B chơi. Tại đây, A uống một mình khoảng 1 lít rượu. Sau khi uống say mọi người đều đi ngủ, A nảy sinh ý định giao cấu với con của chị B là T nên đi vào phòng ngủ của T, dùng dao Thái Lan đe dọa T, T sợ nên không dám kêu la. Thực hiện hành vi giao cấu với T xong, A bỏ về nhà. Sáng hôm sau, T kể lại sự việc cho chị B nghe và chị B đưa T đến Công an huyện X trình báo. Trong quá trình điều tra, A có những biểu hiện bất thường nên CQTHTT tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với A.

Trung tâm Pháp y tâm thần TNB kết luận đối với A: Về y học: Trước, trong, sau khi phạm tội và hiện tại: Rối loạn nhân cách, hành vi do sử dụng rượu. Về năng lực: Tại thời điểm phạm tội và hiện tại: Đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Viện kiểm sát tỉnh H truy tố bị can A về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS.

Qua trường hợp trên, về tội danh thì A phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS. Tuy nhiên có các quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với A.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thực tế A là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nguyên nhân dẫn đến việc A bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là do A sử dụng rượu. Bệnh của A là do tác động của yếu tố chủ quan, đến từ bản thân A, do A tự đặt mình vào trong trường hợp dẫn đến hình thành bệnh, không phải do di truyền, bẩm sinh hoặc yếu tố khách quan khác... Do đó, A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS.

Quan điểm thứ hai đồng thời cũng là quan điểm của tác giả: Khi xác định có cho người phạm tội hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS hay không, không chỉ căn cứ vào sự hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội mà phải xác định xem do đâu mà người phạm tội bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi đó.

Có thể hiểu, tình tiết này chỉ được áp dụng khi có đầy đủ 2 điều kiện: Người phạm tội phải có bệnh và bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội. Việc xác định tình trạng một người còn, mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển phải do cơ quan giám định pháp y có thẩm quyền tiến hành giám định, xác định và kết luận. Do đó, khi thực hiện tội phạm cũng như sau khi phạm tội, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người phạm tội có hồ sơ bệnh án của cơ quan có thẩm quyền xác nhận bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS cho người phạm tội.

Như vậy, trong trường hợp này, do A mắc bệnh (bệnh lý về rượu), bệnh lý của A đã được cơ quan giám định pháp y có thẩm quyền kết luận, không chỉ là say rượu thông thường. Ở đây, người phạm tội là người mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi hạn chế, do đó, trách nhiệm hình sự của họ cũng hạn chế, họ được giảm nhẹ so với những trường hợp phạm tội thông thường. Mặt khác, theo quy định tại Điều 21 BLHS, thì người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng có đề cập đến bệnh khác và có quan điểm cho rằng bệnh khác ở đây cũng có thể là các bệnh lý về rượu... Do đó, A được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS.

Với việc có nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một vụ án dẫn đến việc chưa thống nhất khi xem xét việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS trong thực tiễn, tác giả kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn về quy định “một bệnh khác” tại Điều 51 BLHS cụ thể như thế nào? Để có căn cứ áp dụng pháp luật (như việc định tội, loại trừ hoặc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS) cho thống nhất./.

 

Tòa án huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Phương Thảo

 

                                     

PHAN THỊ THÚY AN (Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau)