A không phải chịu tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên

Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định tình tiết phạm tội hai lần trở lên” của Đoàn Phước Hòa, đăng ngày 2/1/2024, tôi cho rằng A không phải chịu tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên.

Hiện nay BLHS 2015 không sử dụng thuật ngữ phạm tội nhiều lần nữa mà chuyển qua là phạm tội hai lần trở lên. Bản chất hai thuật ngữ này như nhau, sở dĩ nhà làm luật sử dụng thuật ngữ phạm tội hai lần trở lên nhằm thống nhất với quy định “số hóa”  với các quy định khác trong Bộ luật này. Phạm tội hai lần trở lên có thể hiểu là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi đấy đã đủ các yếu tố để cấu thành một tội phạm độc lập.

Thông qua một số văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan tư pháp trung ương, giáo trình luật hình sự, tình tiết này được giải thích như sau:

Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì: “... tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134a... mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản.”.

Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, do nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001, tại trang 214 “Phạm tội nhiều lần là trường hợp thực hiện tội phạm mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. Hành vi phạm tội trong trường hợp này là sự lặp lại tội đã phạm trước đó nên có mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp bình thường.”

Đối với hành vi của A có thể thấy khi chiếm đoạt được tài sản gồm hiện vật, tiền và giấy tờ, thẻ ATM có giá trị tức là A đã chiếm hữu được số tài sản đó. Hành vi mở sổ và biết được mật khẩu để rút tiền là liên tục đối với hành vi trộm cắp và lúc B chưa phát hiện mình bị mất tài sản và lúc này B không thể kiểm soát được tài khoản ngân hàng. Do đó, việc A rút tiền khi biết được mật khẩu sau khi trộm cắp tài sản khi chủ nhân chưa thể quản lý tài sản thì không phải chịu tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên. 

 

Rút tiền bằng thẻ ATM - Ảnh: MH

 

 

ĐẶNG ĐÌNH THÁI (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)