Trần Thanh T bị áp dụng tình tiết tăng nặng Phạm tội hai lần trở lên

Nghiên cứu bài viết của tác giả Lê Đức Anh đăng ngày 10/01/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng ngoài việc áp dụng khung hình phạt tương ứng với số tài liệu giả thì T còn phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

Phạm tội hai lần trở lên là trường hợp người phạm tội có từ 2 lần thực hiện hành vi phạm tội trở lên, xâm phạm đến cùng một khách thể, các hành vi này chỉ cấu thành một tội danh và chưa lần nào bị đưa ra xét xử.  Nếu người phạm tội cũng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng mỗi lần phạm tội lại xâm phạm đến các khách thể khác nhau, cấu thành các tội khác nhau thì chỉ bị truy tố, xét xử về các tội danh tương ứng mà không bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên”. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ khi nào là phạm tội hai lần trở lên ? Khi nào là phạm tội liên tục? Phạm tội liên tục khác phạm tội hai lần trở lên ở chỗ phạm tội liên tục là do một hoạt các hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, nhằm đạt đến mục đích phạm tội, trong các hành vi này, có hành vi đã cấu thành tội phạm, có hành vi chưa cấu thành tội phạm nhưng nó là tội phạm thống nhất[1].

Vấn đề đặt ra trong vụ án tác giả nêu ra đó là nếu đã cộng tổng số giấy tờ giả để áp dụng là tình tiết định khung theo điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS thì có được áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên” hay không?

Tham khảo tinh thần tại mục 3.3 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngàu 17/4/2023 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quy định: “3.3. Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.” Theo hướng dẫn trên, phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự, tức là dùng để định khung hình phạt, cùng với đó, nếu có hai lần phạm tội trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả để xác định trách nhiệm hình sự thì phải áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần.

Trở lại vụ án, Trần Thanh T đã làm giả 7 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đến thời điểm bị bắt. Theo khoản 1 Điều 341 BLHS thì chỉ cần có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức đã thỏa mãn cấu thành tội phạm. T đã thực hiện nhiều lần phạm tội, như làm giả căn cước công dân, sổ đăng kiểm, chứng nhận đăng kí xe…. Mỗi lần phạm tội này đều cấu thành tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của hướng dẫn tại mục 3.3 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP thì khi xác định trách nhiệm hình sự đối với T cần phải cộng tổng số giấy tờ giả mà T đã làm để định khung hình phạt, tức là 7 tài liệu giả nên phải bị truy tố, xét xử ở khoản 3 Điều 341 BLHS. Ngoài ra, T còn thực hiện phạm tội nhiều lần, chưa lần nào bị xử lý nên T phải chịu thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên” tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

Tòa án tỉnh An Giang  xét xử vụ án Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép- Ảnh: BAG

 

[1] Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ nhất Những quy định chung, tr.282-283

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)