A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Phạm tội hai lần trở lên

Qua nghiên cứu bài viết “Xác định tình tiết phạm tội hai lần trở lên” của tác giả Đoàn Phước Hòa đăng ngày 02/01/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả cho rằng A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội hai lần trở lên”.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA-VKSNDTC- TANDTC- BTP đều quy định như sau: Tình tiết “phạm tội nhiều lần” được hiểu là:

- Đã có từ 2 lần phạm tội trở lên (chẳng hạn, 2 lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…);

- Mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng;

- Trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Việc phạm tội chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ hướng dẫn trên ta có thể hiểu: Phạm tội 2 lần trở lên là thực hiện một tội phạm mà trước đó chủ thể đã phạm tội đó ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. Đây là trường hợp một người đã phạm ít nhất hai lần về cùng một tội phạm (cùng một tội danh) và cả hai lần đó đều chưa bị xét xử. Các lần phạm tội đó có thể có cùng đối tượng hoặc khác đối tượng, có thể thuộc cùng khung hình phạt hoặc thuộc các khung hình phạt khác nhau, các hành vi phạm tội và hậu quả của các hành vi đó có tính độc lập với nhau.

Đối chiếu với vụ án nêu trên có thể thấy, việc A lại gần kéo mở khóa túi và lấy từ trong túi ra 1 chiếc điện thoại, 1 ví tiền, 1 phong bì (Tổng giá trị tài sản trên 5.000.000 đồng), cho vào túi áo khoác đang mặc trên người rồi đi về nhà. Hành vi này của A rõ ràng thể hiện sự lén lút, nhằm chiếm đoạt tài sản của B.

Đối với hành vi dùng thẻ ngân hàng và mật khẩu ghi trong sổ, rút được số tiền 15.000.000 đồng, mặc dù thẻ ATM của B đã bị mất nhưng tài sản trên vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ thẻ. Thẻ ATM không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự nhưng tiền là tài sản của chủ sở hữu. A đã sử dụng mặt khẩu rồi rút tiền ra khỏi tài khoản mà không được sự cho phép của chủ tài khoản thực chất là đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Mặc dù A có hai lần chiếm đoạt tài sản nhưng giữa các lần có tính liên tục và kế tiếp nhau về mặt thời gian. Việc A rút được tiền tại cây ATM được thực hiện trong bối cảnh A đã trộm cắp tài sản được ngay trước đó.

Hành vi của A là thực hiện hành vi một cách liên tục. Vì vậy, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” đối với A là có căn cứ.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả  mong nhận được ý kiến của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

 

 TAND tỉnh Bình Dương xét xử 17 bị cáo trong vụ án làm giả giấy tờ, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trái phép-  Ảnh: Hà Phạm

NGÔ THỊ HUỆ (Tòa án quân sự Quân khu 3)