Trần Thanh T có phải chịu tình tiết tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” hay không?

Tính đến thời điểm bị bắt Trần Thanh T đã làm giả 7 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Trần Thanh T về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”. Vấn đề đặt ra là bị can T có phải chịu tình tiết tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” hay không?

Trần Thanh T có kỹ năng ký giả chữ ký của người khác nên đã nảy sinh ý định nhận làm giấy tờ giả để kiếm lời. Trần Thanh T đã thương xuyên đăng thông tin nhận làm các loại giấy tờ, căn cước công dân, sổ đăng kiểm, chứng nhận đăng ký xe mô tô, sổ đỏ… trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Khi khách hàng có nhu cầu làm giả các loại giấy tờ trên, Trần Thanh T sẽ lên mạng tìm hiểu mẫu giấy tờ, chữ ký, con dấu của người có chức vụ quyền hạn rồi sử dụng máy tính để thiết kế mẫu giấy tờ, mẫu con dấu. Sau khi thiết kế xong T sẽ sử dụng máy in màu để in ra và giả chữ ký. Sau khi làm xong các giấy tờ này, T sẽ giao cho người đặt làm và lấy tiền về để tiêu xài.

Tính đến thời điểm bị bắt Trần Thanh T đã làm giả 7 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thanh T về tội “ Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại khoản 3 Điều 341 BLHS. Khoản 3 Điều 341 BLHS quy định như sau:

“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên”.

Ở đây có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định của BLHS Phạm tội 02 lần trở lên" được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Và theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/9/2019 có hướng dẫn tại mục 4: "Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS. Do đó, Trần Thanh T phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng:  Ở trong vụ án này, Cơ quan điều tra căn cứ việc Trần Thanh T đã làm giả 07 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khởi tố Trần Thanh T theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 341 BLHS. Việc căn cứ số lượng tài liệu giả là tình tiết định khung hình phạt. Do đó theo khoản 2, Điều 51 BLHS quy định “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Do đó Trần Thanh T không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

 Tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến.

Tòa án huyện Tứ Kỳ, Hải Dương xét xử vụ án  Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức - Ảnh: Nguyễn Thị Khánh

 

 

 

LÊ ĐỨC ANH  (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân Khu 4)