A phạm tội gì?

Về mặt lý thuyết, các tội phạm được phân biệt với nhau qua cấu thành, nhưng trong thực tiễn xét xử, việc định tội danh dựa trên hành vi là khó khăn, một phần là do quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau. Xin nêu một tình huống cụ thể.

Tình huống:

Nhóm công nhân quê ở NA (gồm A, B, C) - A là trưởng nhóm, có mâu thuẫn đã lâu với nhóm công nhân quê ở TH (gồm L, M, N) - L là trưởng nhóm. Sáng ngày 18/7/2022, A có cãi nhau với L vì vấn đề công việc. Trưa cùng ngày, sau khi ăn xong, nhóm của A và nhóm của L  đánh nhau vì chuyện của A và L nhưng có đội trưởng là H can ngăn nên 2 nhóm về phòng cho nhân viên nghỉ ngơi (2 nhóm ở chung 1 phòng).

Khoảng 20 giờ tối cùng ngày, A và M tiếp tục có mâu thuẫn, hẹn sau khi ăn tối xong 2 nhóm gặp nhau. Sau khi gặp nhau, 2 nhóm lại tiếp tục đánh nhau, H có mặt kịp thời can ngăn, cho 2 nhóm về phòng nghỉ. Sau đó, H gọi A lên để trách phạt vì hay để nhóm xảy ra mâu thuẫn. Sau khi trách phạt xong, H sai A về phòng gọi L lên để kiểm điểm. Khi A về đến phòng thì lúc này cả 2 nhóm đã tắt đèn đi ngủ. A mở cửa gọi L thì nhóm của L tưởng A gây sự tiếp nên nhanh chóng dậy đè A lên giường đánh A, A thoát được chạy lại giường mình lấy con dao cắt hoa quả đánh trả thì đâm trúng mạn sườn lưng của M. Lúc này, N chạy đi báo cho H. Do Xưởng làm của H ở vùng núi, cách xa bệnh viện, nên đến 2 giờ sáng hôm sau xe cấp cứu mới tới nơi, trên đường đi cấp cứu, do phổi bị thủng và vết thương làm mất máu quá nhiều nên M đã tử vong.

Có nhiều quan điểm xoay quanh vụ án này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: A phạm tội Giết người (Khoản 2 Điều 123 BLHS). Lập luận của quan điểm này như sau: Do lúc A bị nhóm của L đánh bằng tay và chân thì A có nhiều cách khác để phòng vệ như bỏ chạy ra ngoài (vì cửa lúc này đang mở) hoặc hô hoán lên để các công nhân khác sang can ngăn nhưng A là chọn cách lấy con dao A cất sẵn dưới giường để đâm trả lại nhóm của L. Ngoài ra, do biết dùng dao đâm trả có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng A vẫn dùng dao và đâm trúng mạn sườn của M (vị trí trọng yếu trên cơ thể) khiến M bị thủng phổi và bị thương ở mạn sườn. Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: A phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người (Điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS). Những người có quan điểm này cho rằng, việc A dùng dao đánh trả nhóm của L là do nhóm của L bất ngờ đánh A khi A vào gọi L lên gặp H để kiểm điểm. A đánh trả trong điều kiện phòng tối, không đủ ánh sáng để nhìn rõ nên đâm trúng M, khiến M bị thương. Khi thấy M bị thương thì A dừng lại. A không có ý định làm M chết, Việc M chết nằm ngoài ý muốn của A. Vì vậy, có căn cứ để xác định A phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS.

Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm tác giả cho rằng: A phạm tội Giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Khoản 1 Điều 126 BLHS). Bởi theo khoản 2 Điều 22 BLHS thì Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Trong trường hợp này, do A bị nhóm của L tấn công bất ngờ và dồn dập nên A phòng vệ lại bằng cách lấy dao chống trả. Tuy nhiên, hành vi lấy dao của A rất nguy hiểm, có thể gây chết người nhưng A vẫn lựa chọn dùng dao chống trả là quá mức cần thiết. Việc A dùng dao đâm lại M trúng vào sườn ngực của M có căn cứ cấu thành tội giết người. Vì vậy, A phạm tội Giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 BLHS là có cơ sở.

 Trên đây là tình huống và quan điểm của tác giả mong độc giả đóng góp ý kiến, xin cảm ơn!

 

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH