ÁN LỆ- MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN

Thạc sĩ, NCS. Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. HCM

           Đặt vấn đề

       Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng các vấn đề liên quan đến hoạt tạo lập án lệ như thẩm quyền ban hành án lệ, quy trình, thủ tục công bố án lệ…vv. Có thể nói, đây là điểm đặc biệt ở Việt Nam so với các nước trên thế giới bởi ở các nước thông thường các vấn đề này được thực hiện theo các quy tắc tập quán (convention). Vấn đề hoạt động tạo lập án lệ của tòa án vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, pháp luật hiện hành quy định về vấn đế này vẫn còn một số điểm còn chưa thực sự phù hợp cũng như hoạt động tạo lập án lệ của tòa án vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ chỉ ra những hạn chế, bất cập đồng thời sẽ đưa ra một kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện hoạt động này.

           Một số hạn chế, bất cập về hoạt động tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam hiện nay

           Thứ nhất, pháp luật quy định thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC[2] như hiện nay chỉ có thể kiểm soát được chất lượng “đầu ra” của án lệ chứ không thể kiểm soát được chất lượng “đầu vào” vào của án lệ.  Như vậy, TANDTC thực hiện thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC nhằm hai mục đích: (i) lựa chọn những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định xứng đáng để công bố làm án lệ; (ii) xác định hiệu lực pháp lý của án lệ. Quan sát 10 án lệ đã công bố thì phần “Nội dung án lệ” trích lại phần lập luận trong bản án, quyết định gốc. Nói cách khác, nội dung án lệ không có gì khác so với nội dung lập luận trong bản án, quyết định gốc (nguồn của án lệ). Chất lượng án lệ không thể thay đổi hay gia tăng sau khi bản án, quyết định gốc được ban hành. Vì vậy, trong một bài viết tạp chí, tác giả Đậu Công Hiệp và Hà Thị Phương Trà đã thắc mắc về khái niệm “phát triển án lệ” như sau: “không thể phát triển một bản án thành án lệ bởi bản thân án lệ đã chính là bản án rồi”.[3] Bởi các tác giả này hiểu phát triển án lệ ở khía cạnh nội dung chứ không phải hình thức công nhận hiệu lực pháp lý của án lệ.

          Thứ hai, pháp luật quy định quy trình lựa chọn, công bố án lệ quá chặt chẽ. Cụ thể:

  •            Một là, thời gian ban hành án lệ, theo quy định Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC năm 2015 thì quy trình lựa chọn, công bố án lệ phải trải qua các bước sau: Bước 1: Rà soát, phát hiện các bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ (Điều 3); Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ (Điều 4); Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn (Điều 5); Bước 4: Thông qua án lệ (Điều 6); Bước 5: Công bố án lệ (Điều 6). Theo quy định của Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP năm 2015 thì từ khi đề xuất án lệ đến khi án lệ có hiệu lực có thể mất gần 1 năm (bao gồm: rà soát đề xuất án lệ 06 tháng; lấy ý kiến 02 tháng; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học báo cáo Chánh án TANDTC 01 tháng; tổ chức phiên hợp Hội đồng tư vấn 15 ngày; án lệ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày công bố). Thời gian này là chưa tính đến thời gian Chánh án TANDTC ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và tổ chức phiên họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thông qua án lệ. Thực tiễn các án lệ được công bố trong thời gian vừa qua, thời gian ngắn nhất tính từ thời điểm ban hành bản án, quyết định gốc đến khi án lệ có hiệu lực là hơn 2 năm. Đối với án lệ số 01 thì ngày ban hành quyết định là ngày 16 tháng 04 năm 2014 đến ngày án lệ có hiệu lực là ngày 01 tháng 06 năm 2016; Còn án lệ số 10 thì ngày ban hành quyết định là ngày 19 tháng 08 năm 2014 đến ngày án lệ có hiệu lực là ngày 01 tháng 12 năm 2016. Điều này chắc chắn sẽ làm hạn chế vai trò của án lệ là khắc phục các lỗ hổng của văn bản pháp luật nhanh chóng và kịp thời. Hệ quả là tính cập nhật của án lệ không theo kịp tốc độ thay đổi của văn bản pháp luật.
  •           Hai là, về hiệu quả tạo lập án lệ, theo số liệu tổng kết của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học của TANDTC về hoạt động ban hành án lệ của TANDTC thì: “Tính đến ngày 31-5-2017, thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, rà soát khoảng 000 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao (cũ) và của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn xây dựng 18 dự thảo án lệ, gửi đăng các dự thảo án lệ trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, trên Trang tin điện tử về án lệ và đưa ra xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo về án lệ. Trên cơ sở đề xuất của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học về việc xin ý kiến tư vấn của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ đối với 09 quyết định giám đốc thẩm dự kiến phát triển thành án lệ và 09 dự thảo án lệ, ngày 16-8-2017, Hội đồng tư vấn án lệ đã họp cho ý kiến đối với nội dung của từng quyết định giám đốc thẩm và từng dự thảo án lệ, trong đó đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, thông qua 07 dự thảo án lệ”.[4] Như vậy, cho đến nay, Việt Nam chỉ có 10 án lệ đã công bố và 07 dự thảo án lệ chính thức chuẩn bị thông qua và công bố. Đây quả thật là con số án lệ quá sức khiêm tốn để thực hiện vai trò bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất.
  •           Thứ ba, thực tiễn tạo lập án lệ của tòa án chưa thực sự tập trung vào việc nâng cao chất lượng của lập luận tạo lập án lệ hay chất lượng của các giải pháp pháp lý của tòa án.  Quan sát các án lệ đã công bố cho thấy phần lập luận hay lý lẽ của tòa án đưa ra còn khá đơn giản, ngắn gọn chưa đi sâu vào việc vận dụng các nguyên tắc pháp lý hoặc học thuyết pháp lý làm cơ sở cho lập luận của mình. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm đi chất lượng hay sức thuyết phục của án lệ. Chẳng hạn, phần nội dung án lệ số 02,  lý lẽ của tòa án đưa ra để giải quyết vụ việc như sau “Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời, xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự. (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia). Trong toàn bộ phần lập luận này chúng ta không tìm thấy tòa án dựa trên các nguyên tắc pháp luật hay đạo đức hoặc học thuyết pháp lý nào làm cơ sở cho giải pháp pháp lý của mình. Điều này dẫn đến một số người hoài nghi về chất lượng các giải pháp pháp lý của tòa án. Chẳng hạn, Luật sư Hồng Hà cho rằng nên hủy án lệ số 02 với các lý do sau: “Thứ nhất, sẽ cổ súy cho các chủ thể vi phạm Luật Nhà ở 2015, Luật Đất đai 2013 và BLDS 2015 không đủ điều kiện giao dịch nhưng vẫn xác lập giao dịch ngầm, nhà nước không quản lý được. Thứ hai, đường lối án lệ này giúp cho bên đứng tên giùm “lật kèo” được hưởng lợi từ giá trị chênh lệch. Cổ súy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác…”.

           Thứ tư, công bố án lệ theo mẫu như hiện nay gồm có phần “Khái quát nội dung của án lệ” và phần “Nội dung án lệ” dẫn đến lúng túng trong việc xác định yếu tố bắt buộc của án lệ. Theo Điều 1 của Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP có quy định rõ: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, yếu tố bắt buộc của án lệ nằm ở phần lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định (Nội dung án lệ). Tuy nhiên, theo Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC ngày 11 tháng 7 năm 2017 có hướng dẫn xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở phần “Khái quát nội dung của án lệ”.[5]

           Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tạo lập án lệ của tòa án ở Việt Nam hiện nay

           Thứ nhất, về trình tự và thủ tục công bố bản án, quyết định làm án lệ, pháp luật nên thay đổi theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho án lệ được hình thành nhanh chóng và kịp thời khắc phục lỗ hổng của văn bản pháp luật. Nếu thay đổi theo hướng này sẽ phải các quy định về quy trình công bố án lệ từ Điều 3 đến Điều 6 của Nghị quyết số 03/2015/ NQ – HĐTP về các vấn đề như đề xuất án lệ, lấy ý kiến, vai trò của Hội đồng tư vấn, thông qua và công bố án lệ. Thay vào đó, pháp luật quy định thiết lập nên một cơ chế hay quy trình công bố án lệ mới đơn giản hơn. Cụ thể:

SƠ ĐỒ CÔNG BỐ ÁN LỆ:

   

             ——>Phê duyệt

              Đề xuất

            Hoạt động của quy trình công bố án lệ này như sau:

           Một là, Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC có các nhiệm vụ sau: (i) lựa chọn trực tiếp hoặc tiếp nhận đề xuất các bản án, quyết định của TANDTC để công bố làm án lệ; (ii) tiếp nhận đề xuất các bản án, quyết định của các TAND cấp cao để công bố làm án lệ; (iii) tiếp nhận các kiến nghị về hủy bỏ và thay thế án lệ. Các bản án, quyết định được lựa chọn để công bố làm án lệ sẽ được thảo luận tại Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC. Quá trình thảo luận có thể có sự tham gia của các thẩm phán của TANDTC đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại diện của Bộ tư pháp, các luật gia danh tiếng. Những người tham gia thảo luận sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với các bản án, quyết định nào được công bố. Việc mời thành viên nào tham gia thảo luận sẽ do Bộ phận chuyên trách quyết định.

           Hai là, Bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm lựa chọn các bản án, quyết định để công bố làm án lệ ở mỗi TAND cấp cao ở ba khu vực. Các Bộ phận chuyên trách này chịu trách nhiệm lựa chọn các bản án, quyết định của Ủy ban Thẩm phán và các Tòa chuyên trách ở tòa án mình để đề xuất lên Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC để công bố làm án lệ. Nguồn đề xuất các bản án, quyết định công bố làm án lệ từ các nguồn sau: (i) tất cả các quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán sẽ được gửi cho Bộ phận chuyên trách để Bộ phận này chọn lọc; (ii) các thẩm phán tham gia xét xử có thể đề xuất các bản án, quyết định để công bố làm án lệ trực tiếp cho Bộ phận chuyên trách; (iii) Bộ phận chuyên trách có thể tiếp nhận từ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử của Chánh án TAND cấp cao nhằm phát hiện các bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới.

           Ba là, về thời gian thực hiện đề xuất án lệ và quyết định công bố án lệ. Theo định kỳ hàng tháng, các Bộ phận chuyên trách thuộc TAND cấp cao sẽ thực hiện đề xuất lên Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC. Trường hợp nếu không có bản án, quyết định nào đề xuất cũng báo cáo cho Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC. Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày phát hiện các bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC hoặc từ ngày nhận được đề xuất án lệ từ các Bộ phận chuyên trách thuộc TAND cấp cao, các nhà khoa học pháp lý, luật sư và các cá nhân tổ chức khác, Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC phải quyết định về việc công bố hay không công bố bản án, quyết định được đề xuất. Đối với các bản án, quyết định có tính chất phức tạp hay còn nhiều quan điểm trái chiều, Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC có thể tổ chức hội thảo để lấy ý kiến từ các chuyên gia pháp lý và những người làm công việc thực tiễn thì thời gian quyết định về việc công bố hay không công bố bản án, quyết định được đề xuất làm án lệ có thể kéo dài đến 6 tháng.

           Bốn là, về chủ thể xét duyệt án lệ, chánh án TANDTC đồng ý công bố các bản án, quyết định được Bộ phận chuyên trách thuộc TANDTC lựa chọn trước khi công bố. Quy định này nhằm kiểm tra chất lượng của án lệ ở cả khía cạnh tính hợp pháp lẫn tính hợp lý của bản án, quyết định định công bố làm án lệ. Ở các nước trên thế giới cũng có sự kiểm duyệt trước khi công bố bản án, quyết định làm án lệ nhằm kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các án lệ trước khi công bố.

           Thứ hai, về cách thức công bố án lệ, nên công bố án lệ dưới hình thức bản án, quyết định của tòa án có thể kèm theo phần tóm tắt thay cho hình thức công bố án lệ mẫu như hiện nay nhưng cần phải cải cách viết phần lập luận trong bản án, quyết định theo hướng người đọc có thể dễ nắm bắt vấn đề pháp lý và giải pháp pháp lý của án lệ. Sỡ dĩ hiện nay cần có phần khái quát nội dung của án lệ bởi vì các tòa án chưa có sự chủ động trong hoạt động tạo lập án lệ, phần lập luận thường thể hiện chi tiết vào các tình tiết cụ thể chứ không đưa ra một quy tắc mang tính khái quát làm cơ sở để ra quyết định.  Vai trò của Phần tóm tắt chỉ nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt vấn đề pháp lý và giải pháp pháp lý của án lệ. Cách thức công bố này sẽ tránh được tình trạng sai lệch giữa phần lập luận trong bản án, quyết định gốc (nội dung án lệ) với phần khái quát nội dung của án lệ do Ban biên tập viết. Vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo cách thức công bố án lệ ở Anh. Các bản án của tòa án ở Anh được công bố trên các website bằng file điện tử gồm: Phần nội dung đầy đủ của bản án (judgemment) và Phần tóm tắt (press summary). Phần tóm tắt có vai trò giúp cho các thẩm phán, luật sư và chuyên gia pháp lý có thể dễ dàng nhận thức nội dung quy tắc án lệ trong bản án và nó cũng có thể đưa các thông tin xét xử của tòa án tới công chúng một cách nhanh chóng. Mặc dù phần này được tòa án công bố chính thức bởi tòa án nhưng không có giá trị pháp lý, khi xét xử các thẩm phán không được viện dẫn Phần tóm tắt làm cơ sở pháp lý để ra quyết định mà phải sử dụng quyết định chính thức của tòa án. Nếu áp dụng cách thức công bố này sẽ tạo ra sự thống nhất xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ngay trong bản án, quyết định của tòa án cũng như có thể thực hiện được nguyên tắc tương tự.

           Thứ ba, cần nâng cao chất lượng “đầu vào” của án lệ hay tính thuyết phục của các giải pháp pháp lý của tòa án đưa ra. Để có thể thực hiện được mục tiêu này, phần lập luận của tòa án không những phải chiều sâu mà còn phải đa dạng về lý lẽ và quan điểm. Cụ thể:

           Một là, phần lập luận của tòa án cần nêu ra nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau và giải pháp pháp lý của tòa án là một sự lựa chọn tốt nhất trong nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau đó. Mặt khác, nghiên cứu và có thể bổ sung hình thức ý kiến bất đồng và tranh luận khác nhau của các thẩm phán trong hội đồng xét xử ghi nhận trực tiếp vào bản án, quyết định giống như tòa án ở các nước common law, nhất là đối với TANDTC. Những tranh luận của các thẩm phán trong Hội đồng xét xử không còn là bí mật hay công việc nội bộ của ngành tòa án. Điều này giúp công chúng an tâm hơn đối với các quyết định tư pháp (án lệ). Ở điểm này có thể tiếp thu bài học kinh nghiệm từ Hà Lan. Về mặt lịch sử, Hà Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng từ văn hóa pháp luật của Pháp nên phong cách lý lẽ tạo lập án lệ truyền thống ở Hà Lan là phong cách lý lẽ mang tính áp đặt, theo logic diễn dịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây Hà Lan đã tích cực tiếp thu phong cách lý lẽ từ các nước common law là phong cách lý lẽ tranh luận, theo logic quy nạp.[6] Biểu hiện rõ nét nhất của sự tiếp thu này là phong cách lý lẽ tranh luận, theo logic quy nạp mang tính thể hiện trong phần lập luận của bản án của Tòa án hiến pháp Hà Lan.[7] Các ý kiến bất đồng của các thẩm phán đều được ghi nhận trong quyết định của tòa án. Mức độ lý lẽ có tính chất suy luận được sử dụng cao hơn trong các vụ việc có mức độ tranh luận cao, có nhiều quan điểm, ý kiến bất đồng xuất hiện, đặc biệt là sự bất đồng quan điểm từ phía công chúng. Ví dụ như, vấn đề truyền giáo trong các trường học công hoặc các vấn đề thuộc về y đức.

           Hai là, phần lập luận của các tòa án ở Việt Nam cần bổ sung thêm cơ sở hợp lý cho các giải pháp hay lập luận tạo lập án lệ của tòa án dựa vào các nguyên tắc pháp lý, chính sách hoặc học thuyết pháp lý, nhất là đối với loại án lệ tạo lập trong trường hợp văn bản pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng cứng nhắc. Những án lệ nổi tiếng ở các nước trên thế giới thường được xây dựng dựa theo quan niệm cấu trúc pháp luật nhiều tầng. Giải pháp pháp lý của tòa án cần phải được xây dựng ở ba tầng: tầng thứ nhất là bề mặt (surface structure of law) tồn tại dưới hình thức các quy tắc; tầng thứ hai là tầng sâu bên trong (deep structure of law) tồn tại dưới hình thức các nguyên tắc là nền tảng của quy tắc; tầng thứ ba là hạ tầng pháp luật (infrastructure of law) tồn tại dưới hình thức chính sách hoặc các học thuyết pháp lý làm nền tảng cho các quy tắc và nguyên tắc. Chẳng hạn, Tòa phúc thẩm New York đã bác bỏ án lệ trong vụ Whalen v Union Bag Paper Co (208 N. Y. 1) năm 1913 khi giải quyết vụ Boomers v Atlantic Cement Co năm 1970. Tòa này phán quyết rằng, bị đơn không phải đóng cửa nhà máy mà chỉ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Tòa án đã vận dụng lý thuyết kinh tế luật (economic analysis of law) là cơ sở hợp lý cho phán quyết của mình.Thực trạng phần lập luận của bản án hoặc nội dung án lệ đã công bố ở Việt Nam rất ngắn gọn chỉ đạt được tầng thứ nhất là cung cấp quy tắc, còn tầng thứ hai và thứ ba là các nguyên tắc pháp lý, chính sách hoặc học thuyết pháp lý làm cơ sở hợp lý cho các án lệ vẫn chưa được thể hiện. Chẳng hạn, trong phần nội dung án lệ số 04, tòa chỉ nêu các lập luận mà không dựa trên các nguyên tắc, học thuyết pháp lý. Trường hợp này, tòa án có thể phân tích sâu hơn các vấn đề như sự im lặng trong giao kết hợp đồng, học thuyết về sự thể hiện ý chí và ý chí đích thực trong hợp đồng. Hoặc trong phần nội dung của dự thảo án lệ số 08, tòa án chỉ nêu lập luận của mình một cách ngắn gọn như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xác định diện tích đất nêu trên của bà Mạc Thị Đ là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm buộc vợ chồng anh Phạm Văn D phải tháo dỡ nhà và các tài sản khác gắn liền trên đất để lại đất cho bà Mạc Thị Đ cũng là không đúng. Lẽ ra, Tòa án cần xác định rõ giá trị sử dụng còn lại của các tài sản này giao cho bà Mạc Thị Đ sở hữu, buộc bà Mạc Thị Đ thanh toán lại giá trị cho anh Phạm Văn D mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo quyền lợi của các đương sự”. Như vậy, có thể thấy rằng tòa án đưa ra giải pháp nhưng không lý giải vì sao mình chọn giải pháp này. Trường hợp này tòa án có thể vận dụng học thuyết kinh tế luật làm cơ sở hợp lý cho quyết định của mình.

 

[2] Tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”; tại khoản 5 năm Điều 27 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDC: “tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”; Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC năm 2015 cũng quy định rõ thẩm quyền này tại khoản 1 Điều 6: “Trên cơ sở Báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ”.

[3] Đậu Công Hiệp, Hà Thị Phương Trà (2016), “Quy định về án lệ trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 – nhìn từ góc độ bản chất của án lệ”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (4).

[4] Bài tham luận của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học của TANDTC “Những kết quả đạt được trong quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ”- Kỷ yếu hội thảo “Kỹ năng của tổ chức và cá nhân ngoài tòa án về đề xuất xây dựng, áp dụng án lệ trong quan hệ dân sự cụ thể”, ngày 21 tháng 09 năm 2017.

[5] Nội dung hướng dẫn của Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC ngày 11 tháng 7 năm 2017: “Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần Nhận định của Tòa án”.

[6] Sebastiaan Pompe (2013), “Tóm tắt báo cáo nghiên cứu về áp dụng tiền lệ án ở Indonesia, Hà Lan, Nga và Hoa Kỳ” – Chương trình đối tác tư pháp Việt Nam, tr. 65.

[7] Lech Morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing company, p. 225.

Đỗ Thanh Trung