Anh D hoàn toàn có quyền được hưởng phần tài sản bằng hiện vật

Sau khi nghiên cứu bài viết “Bàn về đường lối giải quyết vụ án chia tài sản chung là đối tượng của hợp đồng cho tặng có điều kiện”, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai tài sản chung của vợ chồng và được chia bình thường theo quy định và C có quyền được hưởng phần tài sản theo quy định.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng: Hợp đồng tặng cho chung đã có hiệu lực; quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đã được chuyển hoàn toàn sang cho chị C và anh D, nên đây là tài sản chung của vợ chồng và được chia bình thường theo quy định. Anh C hoàn toàn có quyền được hưởng phần tài sản bằng hiện vật vì nhà và đất có thể chia bằng hiện vật cho cả chị C và anh D.

Thứ nhất, xác định tính hợp pháp của điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện

Tác giả cho rằng điều kiện “không được chuyển nhượng” trong trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Cụ thể, trong vụ việc ông A và bà B lập hợp đồng tặng cho con gái duy nhất là chị C và chồng là anh D, trong đó có nội dung: nhà đất không được chuyển nhượng và để sau này thờ cúng bố mẹ, ông bà. Cần xác định rằng “đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện” theo quy định tại khoản 1 Điều 462 BLDS 2015.

Tác giả cho rằng điều kiện bên tặng cho đưa ra là căn nhà và đất chỉ để ở và thờ cúng ông bà, bố mẹ là phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của người Việt Nam từ trước đến nay, hơn nữa phù hợp với mục đích của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, vì căn nhà có giá trị lớn gần như là tài sản của cả một đời con người, hơn nữa gắn bó với cả cuộc đời của chủ sở hữu, của cả một gia tộc. Cho nên bên tặng cho muốn trao quyền sử dụng cho bên được tặng cho, nhưng muốn giữ lại thờ cúng là đúng. Vì vậy, điều kiện “không được chuyển nhượng” không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, nên điều kiện này được tôn trọng và bảo vệ bởi pháp luật.

Thứ hai, tài sản chung của vợ chồng C và D và được chia bình thường theo quy định.

Theo nội dung tình huống: Ông A và bà B có ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất rộng 200m2, ông A và bà B lập hợp đồng tặng cho con gái duy nhất là chị C và chồng là anh D. Hợp đồng tặng cho được công chứng hợp lệ và GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà đã được hiệu chỉnh mang tên vợ chồng C và D. Như vậy đây là tài sản của chị C và anh D phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên đây xác định là tài sản chung vơ chồng theo quy định khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 462 BLDS 2015 quy định: “3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Trong trường hợp này ông A và bà đã chết cho nên quyền đòi lại tài sản tặng cho không còn (ông A và bà B có chị C là con gái duy nhất nên không có người khác được hưởng quyền thừa kế) nên dẫn đến nghĩa vụ thực hiện đúng điều kiện tặng cho cũng không còn.

Như vậy, đây là tài sản chung của vợ chồng và được chia bình thường theo quy định. Anh D hoàn toàn có quyền được hưởng phần tài sản bằng hiện vật vì nhà và đất có thể chia bằng hiện vật cho cả chị C và anh D.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tác giả, rất mong được bạn đọc và đồng nghiệp đóng góp ý kiến./.

 

Đường làng mùa nắng - Ảnh: Thái Vũ

TRUNG HUY – DUY LINH (Toà án quân sự Quân khu 3) –