Áp dụng “án treo” - Khó khăn, vướng mắc và  kiến nghị

Thực tiễn việc áp dụng chế định án treo trong những năm qua đã thể hiện được tính tích cực của chế định án treo. Tuy nhiên, một số quy định về chế định án treo không còn phù hợp với đời sống xã hội.

Các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn được ban hành nhiều nhưng chưa thật sự khoa học là một trong các nguyên nhân làm cho nhận thức pháp luật về chế định án treo không thống nhất, dẫn đến việc áp dụng pháp luật về “án treo” trong thực tiễn xét xử gặp nhiều khó khăn, bất cập, làm giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

1. Những khó khăn vướng mắc

1.1.Nhận thức và xử lý không thống nhất các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, lên án.

Trường hợp thứ nhất: Ngày 2/8/2017, Trần Văn K có hành vi dâm ô với cháu Nguyễn Thị N 7 tuổi, phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015, K có 4 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS, K có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, K có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt và cho K được hưởng án treo.

Bản án hình sự sơ thẩm xử phạt Trần Văn K 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng. Sau đó, Viện kiểm sát ra Quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với bị cáo K. Ngày 10/4/2018, khi xứt xử phúc thẩm HĐXX đã sửa Bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt K 12 tháng tù. Qua vụ án trên có 2 quan điểm xử lý đối với Trần Văn K.

Quan điểm thứ nhất: K có các điều kiện để được hưởng án treo nhưng hành vi dâm ô với cháu N của K làm tổn thương nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về tâm sinh lý và nhân cách của cháu N, gây dư luận xấu trong xã hội, bị xã hội lên án. Vì vậy K không đủ điều kiện xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Quan điểm thứ hai: K có đủ điều kiện để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, bởi lẽ K có 4 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS, K có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, K có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt, cho K được hưởng án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta.

Quan điểm của tác giả: K không đủ điều kiện để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, mặc dù K có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng TNHS, có nhân thân tốt, nhưng trường hợp của K không được xem là “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, bởi lẽ hành vi của K dâm ô với trẻ em gây dư luận xấu, bị xã hội lên án. Mặt khác Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017, đề nghị TANDTC, VKSNDTC chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Vì vậy, chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất.

Trường hợp thứ hai: Trong ngày 24/12/2018, khi lên xe ô tô trở về đơn vị sau luyện tập Nguyễn Đức H và Nguyễn Thái S cãi nhau dẫn đến xô xát, H dùng tay đánh vào mặt S một cái, sau đó được mọi người can ngăn nên sự việc chấm dứt. Khoảng 17 giờ cùng ngày về đến đơn vị, S đi tìm H. Trên đường đi S nhặt một gậy gỗ dài khoảng 70 cm cứng, rắn chắc mang theo. S dùng gậy gỗ đánh H. Hậu quả, H bị thương tích 5%. Người bị hại Nguyễn Đức H có đơn yêu cầu xử lý bằng pháp luật hình sự đối với Nguyễn Thái S.

Bản án hình sự sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; Điểm b, đ, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 BLHS, xử phạtNguyễn Thái S 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 tháng. Sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên tòa, các thành phần quá khích đã quay video đăng tải trên mạng xã hội, thể hiện sự bức xúc của gia đình và người thân, cho rằng mức xử phạt đối với bị cáo là quá nhẹ, chưa nghiêm… Sau đó, bị hại kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Bản án hình sự phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Nguyễn Thái S 9 tháng tù.

Qua vụ án trên, tác giả cho rằng: Do bực tức vì bị đánh trong lúc lên xe ô tô trở về đơn vị, S đã dùng gậy gỗ đánh và gây thương tích cho H với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 5%. Sau khi phạm tội bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; hành vi của bị cáo thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên HĐXX cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; các điểm b, đ, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo S 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 tháng là phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật.

1.2.Căn cứ vào đặc điểm nhân thân người phạm tội để cho hưởng án treo, vẫn có sự nhận thức không thống nhất

Khoản 1 Điều 65 BLHS quy định: Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, nếu xét thấy không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù… Như vậy, điều luật không hề đòi hỏi người phạm tội phải có nhân thân tốt như nhiều người vẫn quan niệm trong khoa học luật hình sự và thực tiễn gần đây[1] . Điều luật chỉ quy định các đặc điểm nhân thân là thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù mà thôi; thậm chí, có thời kỳ tình tiết này được hướng dẫn chỉ cần người phạm tội “Có nhân thân không xấu” là có thể cho hưởng án treo[2]. “nhân thân tốt” và “nhân thân không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” tất nhiên không thể là một được. Chính đây là điều kiện cần phải được nhận thức chính xác, hướng dẫn áp dụng thống nhất án treo, mà không thu hẹp phạm vi áp dụng án treo theo tinh thần luật định.

Ví dụ qua vụ án: Nguyễn Văn C làm nghề lái xe ôm, chở vợ đi ăn tiệc cưới. Trên đường chở vợ về nhà, do không làm chủ được tay lái, C đâm phải mố cầu làm cả 2 vợ chồng rơi xuống sông; hậu quả là vợ C chết. Về nhân thân, trước đó khoảng 02 tháng, C đã bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định về an toàn giao thông; C có 02 con nhỏ (5 tuổi và 3 tuổi); gia đình thân thích nội ngoại không còn ai… Tòa án xét xử sơ thẩm cho rằng, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, nhưng nhân thân không tốt, nên đã xử phạt C 02 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 260 BLHS.

Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Tòa án xét xử phúc thẩm xử phạt bị cáo C 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 48 tháng) vì cho rằng: không cần bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù để có điều kiện nuôi dạy các con nhỏ”. Trong vụ án này rõ ràng bị cáo C có nhân thân không tốt, nhưng nhân thân đó là không cần bắt phải chấp hành hình phạt tù theo luật định. Khi xét xử, việc đánh giá của Tòa án như thế nào là “không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù” xuất phát từ các yếu tố nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án, yêu cầu phòng, chống tội phạm…

1.3.Trong trường hợp người phạm tội nhiều lần nhưng thuộc các trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, có nơi cư trú rõ ràng, có khung hình phạt dưới 03 năm tù

Ví dụ qua vụ án: Ngày 22/7/2020, Võ Văn K trộm cắp 01 điện thoại di động giá trị theo định giá là 2.200.000 đồng; ngày 16/8/2020, K trộm cắp số tiền 2.010.000 đồng. K bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng là “phạm tội từ 02 lần trở lên”. Tuy nhiên, K cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 51 BLHS và có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, là lao động chính trong gia đình, có con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo đang cần điều trị, nhưng xét theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ thì bị cáo K không được hưởng án treo.

Như vậy nếu áp dụng quy định này để xét xử không cho K được hưởng án treo sẽ gây bất lợi cho người phạm tội, không thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì K phạm tội nhiều lần nhưng cùng một tội và giá trị tài sản không lớn, vẫn thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm… Có quan điểm cho rằng, khi gặp các trường hợp này, HĐXX thường “lách luật” bằng cách chuyển sang xử phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có hướng dẫn rõ ràng để áp dụng trên thực tiễn, tránh trường hợp “lách luật” như đã nói trên làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, trong BLHS năm 2015 quy định chế định án treo chỉ có một điều luật nên không chứa đựng hết các yếu tố thuộc nội hàm của án treo. Chính sự hạn chế này làm cho việc hướng dẫn áp dụng pháp luật về án treo của HĐTP-TANDTC gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì chỉ có một điều luật nên không thể bao quát hết các nhu cầu của xã hội về án treo trong tình hình mới; đây cũng là một thiếu sót cần khắc phục. Vì vậy, theo tác giả, qua thực tiễn thi hành BLHS năm 2015 nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng một chế định án treo mới theo hướng chế định án treo có nhiều điều luật. Tác giả đề xuất có thể là 03 điều luật: 01 điều luật nói về khái niệm, căn cứ và những điều kiện để áp dụng án treo; 01 điều luật quy định về thời gian thử thách và cách tính thời gian thử thách án treo; 01 điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người được hưởng án treo. Đồng thời nên thay đổi chế định “án treo” trở thành chế định “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” cho dễ hiểu và phù hợp với tính chất của các biện pháp không tước tự do khác.

Hai là, bổ sung vào Nghị quyết số 02/2018/NQ: Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với tội phạm mà dư luận xã hội lên án như tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”, ... Đối với các tội phạm về chức vụ, tùy vào hành vi phạm tội cụ thể, có thể xem xét cho người phạm tội được hưởng án treo để đảm bảo sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta.

Ba là, HĐTP-TANDTC cần quán triệt chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa, hạn chế hình phạt tù của Đảng và Nhà nước ta, nhận thức chính xác, đầy đủ, quán triệt tốt Điều 65 BLHS năm 2015 và tổng kết thực tiễn xét xử những năm qua để tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018/NQ, đặc biệt là hướng dẫn về điều kiện, nhất là điều kiện về nhân thân không cần bắt chấp hành hình phạt tù để áp dụng án treo; hạn chế các hướng dẫn mang tính máy móc, cứng nhắc trong áp dụng chế định này.

Trên đây là quan điểm của tác giả, mong được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Một bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ Sadeco - Ảnh: Anh Tú

 

[1] Điểm b tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” trong BLHS; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết  số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS năm 1999 về án treo; điểm 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS 2015 về án treo; Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự phần chung, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, 2019, tr.652.

[2] Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/3/1993 của TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

NGUYỄN TẤT TRÌNH (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)