Áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về thừa kế

Trong thời gian gần đây, có nhiều vụ án phức tạp liên quan đến pháp luật về thừa kế, gây khó khăn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau đối với việc giải quyết vụ án. Tác giả giới thiệu về vụ án còn có quan điểm khác nhau:

Tóm tắt nội dung vụ án:

Năm 1960, ông Lê Đình A kết hôn với bà Ngô Thị B và sinh được 02 người con là anh Lê Đình C và chị Lê Thị  D. Năm 1974, ông A cưới bà Nguyễn Thị Đ (không có đăng ký kết hôn) và đưa về sống chung cùng ông A, bà B và gia đình (tại  tổ 18, thành phố HA, tỉnh QN) từ đó đến nay. Trong quá trình chung sống, bà Đ có tên trong sổ hộ khẩu chung của hộ gia đình ông A. Năm 2007, ông A chết không để lại di chúc, bà Đ được ghi vào bia mộ ông A với tư cách là vợ.

Ngày 25/5/2009, bà Đ làm đơn khởi kiện đến TAND thành phố HA, yêu cầu chia di sản của ông A để lại. Ngày 05/10/2009, bà Đ có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu chia tài sản chung trong khối tài sản của gia đình ông A.

 Với các diễn biến nêu trên, hiện nay còn có những quan điểm khác nhau:

–  Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tuy có việc ông A cưới bà B theo phong tục địa phương, nhưng quan hệ giữa ông A với bà Đ không được coi là hôn nhân thực tế vì không thuộc trường hợp theo quy định tại điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, bà Đ không phải là vợ của ông A theo quy định của pháp luật và không được hưởng thừa kế của ông A.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: Căn cứ Nghị quyết số 76-CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước; căn cứ điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế năm 1990; căn cứ điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì ông A và bà Đ là vợ chồng, bà Đ được hưởng thừa kế của ông Đ.

Theo quan điểm cá nhân tác giả thì quan điểm thứ hai đúng, bởi vì:

Để giải quyết tranh chấp pháp luật thừa kế trong vụ án nêu trên, trước tiên cần phải xem xét đến tính hợp pháp của quan hệ vợ chồng giữa ông A và bà Đ. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam về Hôn nhân và gia đình có quy định khác nhau qua các thời kỳ, cụ thể:

Khi hai miền Nam, Bắc chưa thống nhất, ngày 13-01-1960 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 ra đời (có hiệu lực ở miền Bắc). Ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cả nước: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 có hiệu lực ở miền Nam (kể từ ngày 25-3-1977). Có nghĩa là: Trước ngày 25-3-1977, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chưa có hiệu lực ở miền Nam.

Tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ”.

Thực tế, ông Lê Đình A kết hôn với bà Ngô Thị B năm 1960 và có 02 người con chung. Năm 1974 (trước ngày 25-3-1977), ông A có tổ chức lễ cưới và sống chung với bà Nguyễn Thị Đ (không có đăng ký kết hôn) tại  tổ 18, thành phố HA, tỉnh QN (thuộc địa phận miền Nam); bà Đ có tên trong hộ khẩu gia đình và sau khi ông A chết, bà Đ được ghi vào bia mộ ông A với tư cách là vợ. Thời điểm này, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chưa có hiệu lực ở miền Nam. Do đó, có cơ sở xác định quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông A và bà Đ là hợp pháp, không vi phạm Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959: “Cấm lấy vợ lẽ”.

Tại điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật thừa kế năm 1990 quy định: “Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13/01/1960 ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đối với Miền Bắc; trước ngày 25/3/1977 ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với Miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở Miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng Bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ…”.

Theo quy định nêu trên thì ông A và bà Đ chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1974 tại thành phố HA, tỉnh QN (thuộc địa phận miền Nam) nên được pháp luật công nhận là vợ chồng và bà Đ là người thừa kế hàng thứ nhất của ông A. Như vậy, quan điểm thứ hai là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09-6-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”. Áp dụng trong vụ án này, thấy: Pháp luật chỉ khuyến khích ông A và bà Đ đăng ký kết hôn; chứ không phải pháp luật không công nhận ông A và bà Đ là vợ chồng. Việc vận dụng quy định tại Nghị quyết 35 để giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng. Tác giả cho rằng khi xem xét, giải quyết tranh chấp pháp luật về thừa kế mà trong đó có quan hệ hôn nhân thực tế thì ngoài việc áp dụng Pháp lệnh về thừa kế; Bộ luật dân sự qua các thời kỳ, chúng ta cần phải lưu ý đến Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ để xác định tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân, hàng thừa kế, quyền thừa kế… để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Do đó, không có cơ sở chấp nhận quan điểm thứ nhất.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đọc giả./.

 

 

 

 

 

LÝ VƯƠNG THẢO, Đại học Luật Hà Nội