ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ
Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật thì việc hiểu và vận dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành khi xét xử đối với các trường hợp có lợi theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 là thực sự có ý nghĩa.
Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/7/2016. Để thi hành Bộ luật này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 trong đó hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của BLHS 2015. Tuy nhiên, quá trình chờ BLHS 2015 có hiệu lực thi hành đã phát sinh nhiều sai sót nên ngày 29/6/2016 Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 (có hiệu lực thi hành ngày 30/6/2016) để lùi hiệu lực thi hành BLHS 2015; song song đó tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Ngoài ra Nghị quyết số 144/2016/QH13 còn nhấn mạnh trong thời gian sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 thì những quy định có lợi của Bộ luật này so với BLHS 1999 sẽ tiếp tục được áp dụng đến khi có quy định mới. Để thống nhất áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 (được thông qua ngày 16/6/2016 và có hiệu lực ngày 01/8/2016).
Đến ngày 20/6/2017 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS số 100/2015/QH13, đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 08/2017/LCTN ngày 03/7/2017. Để thực hiện Luật này Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 05/7/2017), trong đó hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì Nghị quyết 109 và Nghị quyết 144 trước đó cũng chấm dứt hiệu lực thi hành. Tiếp đó, vào ngày 31/7/2017 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 256/TANDTC-PC về việc thi hành khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội để thống nhất trong việc áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội.
Như vậy, kể từ ngày 05/7/2017 những quy định có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14. BLHS 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 (sau đây gọi chung là BLHS 2015) sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2018, kể từ thời điểm này thì tất cả các quy định của BLHS sẽ được áp dụng để thi hành. Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 05/7/2017 (ngày Nghị quyết 41 có hiệu lực thi hành) đến trước ngày 01/01/2018 (ngày BLHS 2015 có hiệu lực thi hành) thì cần kết hợp quy định của Nghị quyết số 41 và công văn số 256 của Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội như sau:
1. Đối với hình phạt tử hình
Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40[1] của BLHS năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
2. Đối với các trường hợp không xử lý hình sự
2.1. Các trường hợp được áp dụng
a) Đối các tội mà BLHS 2015 không còn quy định là tội phạm nữa[2], gồm: Tảo hôn; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ, quyền sở hữu công nghiệp; Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
b) Đối với hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa.
c) Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi từ giai đoạn 9/12/2015 – trước 5/7/2017 mà BLHS 2017 không quy định là tội phạm nữa; (ví dụ: tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS 2015)
d) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội không được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015;
đ) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội không phải là tội giết người và cướp tài sản;
e) Người đủ 16 tuổi trở lên thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội không được quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS 2015;
2.2. Hướng xử lý trong quá trình xét xử
Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ, thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 của BLTTHS năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 277 của BLTTHS năm 2015) ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát;
Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án đó áp dụng một trong các điểm d, đ hoặc e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41 và Điều 181 của BLTTHS năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng Điều 285 của BLTTHS năm 2015) ra quyết định đình chỉ vụ án;
Trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên toà sơ thẩm) áp dụng một trong các điểm d, đ hoặc e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41, khoản 2 Điều 107 và Điều 180 của BLTTHS năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 282 của BLTTHS năm 2015) ra quyết định đình chỉ vụ án;
Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử áp dụng một trong các điểm d, đ hoặc e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41, khoản 2 Điều 107 và Điều 251 của BLTTHS năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 359 của BLTTHS năm 2015) quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án;
Trường hợp đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và vụ án đang trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm áp dụng một trong các điểm d, đ hoặc e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41, khoản 2 Điều 107 và Điều 286 hoặc khoản 3 Điều 298 của BLTTHS năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 392 hoặc khoản 3 Điều 402 của BLTTHS năm 2015) quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên người bị kết án không có tội và đình chỉ vụ án.
Việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp được quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41 là đình chỉ về trách nhiệm hình sự. Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc trong bản án lý do của việc đình chỉ là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được đình chỉ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển bản án, quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.3. Hướng xử lý trong quá trình thi hành án
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, thì Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAQS cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù;
Đối với người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thì Chánh án TAND cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục;
Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế, thì Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án TAQS khu vực nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời hạn quản chế còn lại theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt;
Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, thì Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án TAQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thời hạn tước một số quyền công dân còn lại theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKSQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc;
Đối với người bị xử phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAQS cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSQS cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc;
Đối với người bị xử phạt bằng các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án TAQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKSQS khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc;
2.4. Một số lưu ý khi xem xét, quyết định việc miễn chấp hành hình phạt
a) Các trường hợp được liệt kê tại tiểu mục 2.1 trên đây (điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41) chỉ quy định việc miễn chấp hành hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), đối với các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng…. thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành;
b) Trường hợp một người bị kết án về nhiều tội (trong cùng một bản án hoặc trong nhiều bản án), trong đó có tội mà BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm nữa, thì việc miễn chấp hành hình phạt đối với tội này được thực hiện như sau:
– Nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang chấp hành hình phạt nhưng thời gian đã chấp hành hình phạt chưa vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không thuộc các trường hợp được liệt kê tại tiểu mục 2.1 trên đây (các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41), thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với tội mà BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm nữa.
– Nếu người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt hoặc đang chấp hành hình phạt nhưng thời gian đã chấp hành hình phạt bằng hoặc vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không thuộc các trường hợp được liệt kê tại tiểu mục 2.1 trên đây (các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41), thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối với các đối tượng được liệt kê tại tiểu mục 2.1 trên đây (các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41) mà đang bị truy nã, thì Tòa án đã ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc miễn chấp hành hình phạt phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định (lệnh) truy nã biết để cơ quan này ra quyết định đình nã, nếu họ không bị truy nã về hành vi phạm tội khác.
2.5. Về án tích
Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại thuộc các trường hợp được liệt kê tại tiểu mục 2.1 trên đây thì đương nhiên được xóa án tích.
3. Áp dụng các quy định có lợi theo khoản 3 Điều 7 BLHS 2015
3.1. Các trường hợp được xem là có lợi
Điều luật xóa bỏ một tội phạm; Điều luật xóa bỏ một hình phạt; Điều luật xóa bỏ một tình tiết tăng nặng; Điều luật quy định hình phạt nhẹ hơn; Tình tiết giảm nhẹ mới; Mở rộng phạm vi áp dụng án treo; Miễn trách nhiệm hình sự; Loại trừ trách nhiệm hình sự; Miễn hình phạt; Giảm hình phạt; Tha tù trước thời hạn có điều kiện; Xóa án tích; Quy định có lợi khác cho người phạm tội.
3.2. Hướng giải quyết
Trong quá trình giải quyết vụ án nếu thuộc các trường hợp được liệt kê tại tiểu mục 3.1 trên thì kể từ ngày 5/7/2017 khi quyết định các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án thì phải áp dụng các quy định này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phạm tội.
4. Áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Theo hướng dẫn tại điểm i khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41 thì “chỉ áp dụng những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội”. Như vậy kể từ ngày 5/7/2017, chỉ được áp dụng thủ tục tố tụng của BLTTHS 2015 vào việc giải quyết vụ án khi thủ tục đó nhằm để cho người bị buộc tội được hưởng các quy định có lợi của BLHS 2015. Những thủ tục khác mặc dù có lợi cho người phạm tội nhưng không nhằm để thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội được quy định trong BLHS 2015 thì không được áp dụng đến khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành.
Trên đây là tổng hợp quy định của Nghị quyết 41 và hướng dẫn tại Công văn 256 của TANDTC để áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Lưu ý, trong quá trình giải quyết vụ án chỉ được áp dụng Nghị quyết 41 và tinh thần của BLHS 2015 để giải quyết, không được trực tiếp áp dụng quy BLHS 2015 vào bản án, quyết định vì các quy định này chưa có hiệu lực pháp luật./.
[1] Điểm c khoản 3 Điều 40: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
[2] Đối với các hành vi Hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì không áp dụng quy định này vì Bộ luật hình sự 2015 vẫn tiếp tục quy định những hành vi này là tội phạm nhưng với tên gọi khác.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận