Áp dụng thuyết nữ quyền khi phán xét vụ việc - Bình luận bản án dưới góc nhìn nữ quyền
Trong bài viết này, tác giả phân tích thuyết nữ quyền và ảnh hưởng của thuyết này khi phán xét, xét xử các vụ án. Từ đó đưa ra những kết luận và đề xuất để có thể vận dụng thuyết nữ quyền hiệu quả hơn trong quá trình xét xử.
Khi xét xử vụ án, nguyên tắc độc lập, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu đối với mỗi thẩm phán. Tuy nhiên, vì là con người nên tâm lí, tình cảm cũng tác động không nhỏ tới vấn đề đưa ra các phán quyết. Đặc biệt là trên quan điểm nữ quyền, việc bảo vệ quyền lợi phụ nữ, phụ nữ làm chủ và vấn đề bình đẳng giới cũng tác động không nhỏ tới việc phán xét, nhận định vụ việc.
1. Thuyết nữ quyền
1.1 Khái niệm nữ quyền
Khái niệm nữ quyền (tiếng Anh là “Feminism”, “women’s right”) gắn liền với hoạt động chính trị và xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Khái niệm này chỉ quyền lợi về chính trị và xã hội của người phụ nữ. Thông qua những hoạt động đấu tranh chính trị và xã hội, giới nữ giành lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới.
1.2. Lý thuyết nữ quyền (chủ nghĩa nữ quyền)
Lý thuyết nữ quyền là phần mở rộng của chủ nghĩa nữ quyền vào giảng lý thuyết hay triết học. Nó nhằm mục đích để hiểu bản chất của sự bất bình đẳng giới. Nó xem xét vai trò xã hội của phụ nữ bao gồm kinh nghiệm, sở thích, công việc, và chính trị nữ quyền trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nhân học và xã hội học, truyền thông, phân tâm học, kinh tế gia đình, văn học, giáo dục và triết học. Lý thuyết nữ quyền tập trung phân tích sự bất bình đẳng giới.
Chủ đề khám phá trong phong trào nữ quyền bao gồm phân biệt đối xử, sự cụ thể (thể hiện khách quan đặc biệt là tình dục), áp bức, chế độ phụ hệ, rập khuôn, lịch sử nghệ thuật và nghệ thuật đương đại, và thẩm mỹ. Chủ nghĩa nữ giới hay chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa duy nữ là một tập hợp của các phong trào và ý thức hệ nhằm mục đích xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bình đẳng cho phụ nữ. Điều này bao gồm tìm cách thiết lập cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong giáo dục và việc làm. Người theo chủ nghĩa nữ giới là người vận động hoặc ủng hộ các quyền và bình đẳng của phụ nữ.
Các vấn đề thường liên quan với khái niệm quyền của phụ nữ bao gồm nhưng không giới hạn các vấn đề về cơ thể toàn vẹn và tự chủ; quyền được giáo dục và làm việc; được trả lương như nhau; quyền sở hữu tài sản; tham gia vào các hợp đồng hợp pháp, tổ chức các cơ quan công quyền; quyền bầu cử; quyền tự do kết hôn, bình đẳng trong gia đình và tự do tôn giáo. Lý thuyết nữ quyền xem xét vai trò xã hội của người phụ nữ và sống kinh nghiệm. Cũng nó là có liên quan với sự bình đẳng giữa người đàn ông và phụ nữ và cơ hội bình đẳng và tự do cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới.
1.3. Nội dung thuyết nữ quyền Xã hội chủ nghĩa
1.3.1. Lý thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa (Socialist Feminism)
Thuyết này xuất hiện vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 19 tại Pháp và Anh. Trong thời kỳ này, các lý luận gia nữ quyền xã hội chủ nghĩa tập trung phân tích về vấn đề bình đẳng, quyền công dân, những vấn đề loại trừ phụ nữ ra khỏi trật tự chính trị, những vấn đề thay đổi xã hội từ khía cạnh đạo đức. Lý thuyết này cho rằng sự áp bức đối với phụ nữ là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản và nó được củng cố bởi luật pháp bất bình đẳng.
Ở Mỹ vào những năm 1920, 1939, còn có sự phát triển không ngừng của Thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa. Sự tranh luận của các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa như Charlotte Perkins Gilman về sự tự do kinh tế của phụ nữ khỏi đàn ông được trình bày trong cuốn “Thế giới do đàn ông tạo ra” (The Man-Made World, 1911). Sự đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ đã thành công ở việc bổ sung sửa đổi Điều thứ 19 trong Luật về trao cho phụ nữ quyền bầu cử vào năm 1920. Tại kì họp Quốc hội năm 1923, Đảng Phụ nữ lần đầu tiên đưa ra yêu cầu sửa đổi điều: “Nam giới và nữ giới trên toàn nước Mỹ có quyền bình đẳng về pháp luật” của Hiếp pháp và điều này đã trở thành trọng tâm của phong trào tân nữ quyền cuối thập kỉ 1960.
1.3.2. Nội dung của thuyết nữ quyền Xã hội chủ nghĩa (XHCN)
Để vượt qua sự hạn chế của các thuyết nữ quyền trước như Macxit, phân tâm học... thuyết nữ quyền XHCN đã phát triển thành 2 cách tiếp cận khác nhau:
Lý thuyết hệ thống kép: Lý thuyết này cho rằng chế độ nam trị và chủ nghĩa tư bản là hai hình thức quan hệ xã hội khác nhau và chúng cùng áp bức phụ nữ. Để hiểu được sự áp bức của chúng cần phải phân tích riêng biệt rồi sau đó xem xét chúng trọng mối quan hệ biện chứng với nhau.
Lý thuyết các hệ thống thống nhất: Lý thuyết này cố gắng phân tích chủ nghĩa tư bản và chế độ nam trị cùng với nhau thông qua một hệ thống khái niệm. Lý thuyết này cho rằng chủ nghĩa tư bản và chế độ nam trị không tách rời nhau mà có mối quan hệ mật thiết với nhau.
1.3.3. Nhận xét, đánh giá ưu điểm và nhược điểm của thuyết nữ quyền
Ưu điểm: Các nhà nữ quyền XHCN cho rằng: Cả giới và giai cấp đều đóng vai trò gần ngang nhau trong việc lí giải sự áp bức phụ nữ.
Hạn chế: Thuyết nữ quyền hậu hiện đại cho rằng: Không thể và không nên tìm kiếm một sự thống nhất vào một khái niệm như vậy. Không thể bởi vì phụ nữ có cách cảm nghiệm khác nhau theo giai cấp, sắc tộc.
Thuyết nữ quyền là đa dạng chứ không đơn nhất vì phụ nữ là nhiều người chứ không phải một người.
Lý thuyết hệ thống kép: Hầu hết các nhà lý thuyết đều coi chủ nghĩa tư bản là một phương thức sản xuất, một cơ cấu vật chất có cội nguồn lịch sử nhưng chế độ nam trị lại là cơ cấu phi vật chất, nghĩa là mang nhiều tính chất hệ tư tưởng và phân tâm học, không mang tính chất cụ thể với không gian và thời gian.
Lý thuyết các hệ thống thống nhất: Các nhà nữ quyền XHCN muốn tập hợp, thâu tóm tất cả những nguyên nhân, những yếu tố dẫn đến áp bức phụ nữ và những quan điểm của những lý thuyết nữ quyền vào cùng một khái niệm.
2. Vận dụng Thuyết nữ quyền để viết lại nội dung một vụ án dân sự
2.1. Tóm tắt nội dung vụ án
Bản án số 151/2021/HNGĐ-PT ngày 31/12/2021 về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con do TAND Tp Hà Nội xét xử.
Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm:
-Thẩm phán - Chủ toạ phiên tòa: Bà Phạm Thị Hoàng Phúc
-Các Thẩm phán: Bà Mai Vân Anh; Ông Nguyễn Anh Dũng
-Thư ký phiên tòa: Bà Trương Việt Hoa
-Đại diện VKSND Tp Hà Nội tham gia phiên tòa: Bà Ngô Phương Liên, Kiểm sát viên.
Tóm tắt nội dung bản án:
Chị Nguyễn Thị Thu H và anh Nguyễn Hồng T tự nguyện kết hôn, có đăng ký kết hôn tại UBND phường H, thành phố B, tỉnh B ngày 19/3/2012. Vợ chồng chung sống hạnh phúc đến năm 2015 thì phát sinh mâu thuẫn dẫn đến vợ chồng sống ly thân 01 năm. Tháng 10/2016 vợ chồng đoàn tụ, sinh thêm con thứ 2 năm 2018. Từ tháng 8/2020 vợ chồng lại mâu thuẫn, sống ly thân cho đến nay. Ngày 15/6/2021, chị Nguyễn Thị Thu H nộp đơn ly hôn tại TAND quận H.
Chị H và anh T đều xác định nguyên nhân dẫn đến việc chị H đề nghị ly hôn là do anh T bị mất kiểm soát về tài chính, dẫn đến nợ nần; không chăm sóc vợ con. Nay chị H không còn tình cảm và lòng tin với anh T nữa, không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này nên kiên quyết ly hôn. Còn anh T cho rằng mặc dù anh là người có lỗi nhưng anh đã xin lỗi vợ; nay anh đã kiểm soát được tài chính và anh vẫn còn thương yêu vợ nên không muốn ly hôn; anh muốn các con được sống trong gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ; đề nghị chị H cho anh thêm thời gian khoảng 6 tháng đến 01 năm để anh thể hiện thành ý, sửa chữa lỗi lầm.
Vợ chồng có 02 con chung là Nguyễn Ngọc Minh A sinh ngày 01/10/2012 (nữ) và Nguyễn Nhật C sinh ngày 09/5/2018 (nam). Hiện cả hai con chung đang do chị H trực tiếp nuôi dưỡng. Chị H yêu cầu được nuôi 02 con chung, không yêu cầu anh T phải cấp dưỡng nuôi con. Anh T không đồng ý, đề nghị được trực tiếp nuôi dưỡng con chung.
Về tài sản chung, công sức và nợ chung: Chị H và anh T không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản án số 40/2021/HNGĐ-ST ngày 30/9/2021 của TAND quận H đã xử cho chị H được ly hôn anh T; giao 02 con chung cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng; chị H không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con chung nên Tòa án không xét; các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản nên Tòa án không xem xét.
Sau khi xét xử sơ thẩm, anh T kháng cáo không đồng ý ly hôn, yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con chung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị H giữ yêu cầu khởi kiện; anh T giữ yêu cầu kháng cáo, đề nghị được nuôi dưỡng 01 hoặc cả 02 con chung. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử TAND Tp Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Trong suốt 10 năm chung sống, anh Nguyễn Hồng T đã không cùng vợ xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; không quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ vợ; không cùng vợ chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, vi phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 3 Điều 2 và khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình; tại khoản 3 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình.
Tòa án hai cấp đã cố gắng hòa giải nhưng chị H vẫn cương quyết xin ly hôn vì không còn tình cảm với anh T; còn anh T còn tình cảm với chị H nhưng không có cách gì làm cho chị H thay đổi quyết định, trong khi hôn nhân hạnh phúc phải xuất phát từ 02 phía. Cấp sơ thẩm xử cho chị H ly hôn với nên Tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận kháng cáo đoàn tụ của anh T.
Chị H và anh T không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Việc giao con cho bên nào trực tiếp nuôi không phải là đảm bảo quyền của cha hay mẹ mà là đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con và cũng không tước đi quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình.
Chị H, anh T không có nhà ở riêng, đều phải ở nhờ, ở thuê. Chị H có thu nhập ổn định tại Ngân hàng TMCP H từ 34.250.498đ – 42.269.959đ/tháng. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, anh T chưa hết hợp đồng lao động 01 năm với Ngân hàng TMCP Q thì chuyển sang làm việc tại Ngân hàng TMCP M; hiện anh T đang trong thời gian thử việc 06 tháng với mức lương thử việc = 100% lương cơ bản là 6.521.000đ + 50% lương kinh doanh cố định (9.123.000đ x 50% là 4.561.000đ) = 11.082.000đ; trong thời gian thử việc không được hưởng các khoản phụ cấp, cơm, công tác phí và điện thoại.
Thu nhập của chị H đảm bảo có thể trực tiếp nuôi dưỡng hai con mà không cần đóng góp cấp dưỡng nuôi con của anh T. Anh T khai hiện nay đã trả hết nợ nhưng không có gì để chứng minh và việc anh T không cấp dưỡng cho con trong trường hợp chị H nuôi cả hai con chứng minh anh T không có đủ điều kiện kinh tế để trực tiếp nuôi con.
Hiện nay đang trong thời gian dịch bệnh Covid–19, các trường học đều không học tập trung mà học online nên việc giao 02 con cho một người trực tiếp nuôi sẽ đảm bảo hai con đều được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập như nhau, không có thêm sự thay đổi. Bản án sơ thẩm giao 02 con cho chị H trực tiếp nuôi là có căn cứ, đảm bảo. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu được trực tiếp nuôi con của anh T.
Không có căn cứ chấp nhận toàn bộ kháng cáo của anh T, giữ nguyên án sơ thẩm nên anh T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định: Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 40/2021/HNGĐ-ST…
2.2 Bình luận đánh giá dưới góc nhìn đánh giá bản án theo nữ quyền
Bản án phúc thẩm của TAND Tp Hà Nội đã thể hiện rõ quan điểm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Việc TAND Tp Hà Nội quyết định cho chị H nuôi cả hai con là hoàn toàn hợp lí vì theo nguyện vọng của người con lớn muốn ở với mẹ và đứa con nhỏ chưa đủ 3 tuổi được sống với mẹ là đúng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.[1] Chị H có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng hai con trưởng thành, cụ thể chị có công việc ổn định và mức lương cao, đủ điều kiện để chi trả các chi phí nuôi con, chị cũng là một người phụ nữ đảm đang, có trách nhiệm với gia đình nên sẽ đáp ứng được yêu cầu nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc nuôi con cái đủ 18 tuổi là cả một quá trình dài, cần nhiều nỗ lực của cả bố và mẹ, không chỉ về mặt tinh thần mà còn vật chất.[2] Một khoảng thời gian từ khi hai con còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, đủ 18 tuổi, cần sự đóng góp về mặt vật chất, tài chính của cả anh T. Tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định “Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Vì vậy, dưới góc nhìn của thuyết nữ quyền, để bảo vệ quyền của người phụ nữ và sự san sẻ trách nhiệm, gánh nặng nuôi dạy con cái, không nên miễn trách nhiệm đóng góp tiền nuôi con của cho anh T, mà nên quy đinh một khoản đóng góp tài chính cụ thể đối với anh T nuôi hai con cho đến khi chúng đủ 18 tuổi. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của chị H và hai con nhỏ mà còn tạo điều kiện để anh T thực hiện nghĩa vụ của người bố đối với hai con.[3]
Ngoài ra, đối với người con thứ 2 đã hơn 3 tuổi, sẽ xem xét giao cho anh T nuôi nếu lúc bé đủ 7 tuổi có nguyện vọng sống với anh T và anh T có đủ điều kiện kinh tế và tư cách đạo đức để nuôi dưỡng. Điều này cũng là san sẻ một phần trách nhiệm cho chị H, cũng là bảo vệ quyền bình đẳng về trách nhiệm nuôi dạy con cái theo quy định của pháp luật.
3. Kết luận và đề xuất
Từ những phân tích và đánh giá trên, có thể thấy rằng việc ra quyết định, bản án theo thuyết nữ quyền có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Nó không chỉ thể hiện tính bình đẳng, công bằng của pháp luật mà còn thể hiện cái nhìn nhân văn của xã hội đối với người phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Đối với thẩm phán là phụ nữ, họ không chỉ có cách đánh giá vụ việc dựa trên quy định của pháp luật, và còn có cái nhìn cảm thông, đồng cảm đối với hoàn cảnh người phụ nữ trong vụ việc. Từ đó, họ sẽ đưa ra những quyết định, bản án không chỉ hợp pháp mà còn bảo vệ quyền còn người, quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ.
Pháp luật cũng cần có những quy định mềm dẻo để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ một cách tốt nhất, không chỉ thể hiện chính sách bình đẳng giới mà còn thể hiện một cái nhìn nhân văn sâu sắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, phù hợp với xu thế pháp triển chung của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
TANDCC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyên Anh
[1] Xem Khoản 2,3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
[2] Xem quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
[3] Xem quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
- Khoản 1 Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Khoản 2,3 Điều 82, “2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận