.jpg)
Bàn về thực tiễn Tòa án xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để giao cho cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định
Hiệu lực thi hành của bản án, quyết định là một trong những yếu tố quan trọng trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là điều kiện tiên quyết để cơ quan thi hành án nói riêng và các đương sự nói chung “thực hiện nghĩa vụ pháp lý”.
Theo nguyên tắc “chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”[1]. Thực tiễn giải quyết các loại án cho thấy, các vụ việc sau khi được Tòa án giải quyết sơ thẩm nếu như không có kháng cáo, kháng nghị của đương sự hoặc Viện kiểm sát thì bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật ngay; còn nếu có kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm sẽ là căn cứ để thi hành án[2]. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào, để Tòa án có căn cứ xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thực hiện việc đóng dấu “Để thi hành[3]” và chuyển giao cho cơ quan thi hành án để thi hành bản án còn gặp những khó khăn, vướng mắc… do đó cần được bàn luận và trao đổi dưới góc độ lý luận và thực tiễn.
1. Căn cứ để Tòa án xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
Về cách xác định hiệu lực để thi hành của bản án, quyết định thì trong hệ thống pháp luật tố tụng của Việt Nam đều có cách xác định thời hạn giống nhau, cụ thể:
Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay. Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án[4].
Mặt khác, bản án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay[5] và những bản án của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị đó là: Bản án về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công[6]; phần bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay[7]. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án[8].
Đối với bản án phúc thẩm thì hiệu lực của bản án được xác định từ kể từ ngày tuyên án[9].
Như vậy, sau 30 ngày[10] kể từ ngày tuyên án và bản án được tống đạt hợp lệ, nếu bản án không bị kháng cáo, không bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp kháng nghị thì bản án có hiệu lực pháp luật.
2. Thực trạng xác định bản án có hiệu lực và cách thức Tòa án thực hiện quy định “Để thi hành” hiện nay
Việc cấp Bản án có hiệu lực và chuyển giao cho cơ quan Thi hành án để thi hành đã được luật quy định rõ như đã nêu[11]. Thực tiễn cho thấy, một số Tòa án đóng dấu “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ ĐỂ THI HÀNH/ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” vào trang đầu của bản án, quyết định chỉ là các thức mà mỗi Tòa án sử dụng để quản lý bản án, quyết định, cách lưu trữ, nhận diện riêng của từng Tòa, còn thực tế không có quy định chính thức về vấn đề này của cấp có thẩm quyền. Cụ thể:
Về sử dụng tên: Tòa án nhân dân Thành phố H xác định bản án có hiệu lực pháp luật bằng cách thức khắc dấu có dòng chữ “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT”; Tòa án nhân dân tỉnh BR xác định bản án có hiệu lực pháp luật bằng cách thức khắc dấu có dòng chữ “ĐỂ THI HÀNH” và một số Tòa án tỉnh thành khác thì xác định bằng cách sử dụng khắc dấu có dòng chữ “ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” để đóng lên trang đầu của bản án.
Ngoài ra, một số Tòa án nhân dân sử dụng khắc dấu có dòng chữ “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT” để cấp cho đương sự khi đương sự yêu cầu; còn chuyển giao bản án có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án dân sự bằng cách lập biên bản giao nhận bản án giữa bên giao là Văn thư lưu trữ của Tòa án với bên nhận là người đại diện cho cơ quan thi hành án (Chấp hành viên, văn thư).
Về khung hình khắc dấu: Một số Tòa án sử dụng khắc dấu hình chữ nhật, một số Tòa án khác lại sử dụng khắc dấu hình vuông.
Về màu sắc: Một số Tòa án dùng màu đỏ, có Tòa án sử dụng màu xanh…
3. Bất cập khi sử dụng khắc dấu có dòng chữ “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ĐỂ THI HÀNH/ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” đóng lên trang đầu của Bản án
Việc đóng dấu “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ĐỂ THI HÀNH/ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” tại các Tòa là một thủ tục hành chính quan trọng nhằm xác nhận rằng bản án, quyết định đã có hiệu lực và có thể được thi hành. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, việc đóng dấu này còn tồn tại nhiều bất cập:
Thứ nhất, không thể áp dụng trong một số bản án, quyết định:
Các dòng chữ trên không thể đóng lên đầu trang của Bản án vừa có kháng cáo 01 phần và có hiệu lực 01 phần hoặc bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay 01 phần. Vì đối với trường hợp này, Tòa án phải xác định rõ phần nào kháng cáo, kháng nghị, phần nào có hiệu lực pháp luật, phần nào để thi hành trong cùng 01 bản án hoặc án chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay; như vậy nếu sử dụng những dòng chữ trên thì hoàn toàn không thể áp dụng.
Thứ hai, khó khăn trong xác định ngày Bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật
Sau khi đóng một trong các dấu “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ĐỂ THI HÀNH/ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” vào trang đầu của Bản án/quyết định và đưa hồ sơ vào lưu trữ, mà Tòa án mới nhận được đơn đề nghị Tòa án xác định thời điểm phát sinh bản án có hiệu lực pháp luật của đương sự vắng mặt tại phiên tòa là rất khó khăn. Vì, trong hồ sơ lưu trữ không có văn bản nào thể hiện ngày bản án có hiệu lực pháp luật nên người được giao trả lời sẽ không thể trả lời cụ thể về ngày có hiệu lực của bản án.
Thứ ba, chưa thống nhất về hình thức theo mẫu bản án của Tòa án nhân dân tối cao, chưa thống nhất quy trình đóng dấu và cơ chế giám sát, kiểm tra hiệu quả:
Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mẫu dấu, vị trí đóng dấu, thời điểm đóng dấu, và cơ chế kiểm soát về việc đóng dấu. Mặt khác, mẫu bản án của Tòa án quy định chỉ có một dấu tròn hình Quốc huy được đóng lên chữ ký của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nếu đóng một trong các dấu “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ ĐỂ THI HÀNH/ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” vào trang đầu của bản án thì như vậy bản án sẽ xuất hiện 02 loại dấu. Điều này trái ngược với mẫu bản án tại các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[12] và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[13].
Ngoài ra, việc đóng dấu ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT/ĐỂ THI HÀNH/ ÁN KHÔNG BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ” phần lớn do cán bộ hành chính hoặc thư ký Tòa án thực hiện, trong khi đó không có cơ chế kiểm tra, hậu kiểm rõ ràng. Dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý hoặc lợi dụng trong một số trường hợp tiêu cực.
Thứ tư, chưa có sự tích hợp với hệ thống điện tử:
Trong thời đại chuyển đổi số, việc chưa tích hợp dấu hiệu lực về hệ thống án điện tử cũng là bất cập lớn. Việc Tòa án tự xác định thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bằng cách thủ công như hiên nay dễ dẫn đến tình trạng xác định sai thời điểm án có hiệu lực, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và tiến độ thi hành án.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Việc đóng dấu xác định hiệu lực của bản án, quyết định là bước cuối cùng để khẳng định bản án, quyết định đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Nếu không đảm bảo tính đúng thời hạn bản án, quyết định có thể bị tạm ngừng thi hành không chính đáng, làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Mặc dù việc đóng dấu này không ảnh hưởng đến việc xác định hiệu lực thi hành của bản án, quyết định theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu không đóng một trong các thông tin trên vào các trang đầu của bản án, quyết định thì có thể sẽ gặp khó khăn khi chuyển giao cho cơ quan thi hành án.
Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”[14] là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[15].
Đồng thời, việc xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thi hành bản án và việc phát sinh quyền nghĩa vụ khác của đương sự như quyền thừa kế tài sản, nghĩa vụ thanh toán tài sản…
Nhằm khắc phục những bất cập trên, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu và có hướng dẫn thực hiện thống nhất trong hệ thống Tòa án nhân dân.
Tác giả xin đưa ra 03 giải pháp để mọi người cùng thảo luận, góp ý như sau:
Giải pháp thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ hoặc quy chế chung về việc đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” trong đó quy định mẫu dấu và nội dung chuẩn hóa, quy định cơ quan, bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện, kiểm tra, và lập sổ theo dõi xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể:
Về mẫu dấu, quy định một mẫu dấu chung trên cả nước về khung hình khắc dấu, về màu sắc con dấu và nội dung con dấu.
Về trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của thư ký trong việc theo dõi thời hạn kháng cáo/ kháng nghị, trách nhiệm của Thẩm phán trong việc xác nhận ngày bản án/ quyết định có hiệu lực, và trách nhiệm của Chánh án trong việc giám sát tiến độ, chất lượng công việc.
Về hình thức, nên có thêm quy định các mẫu tố tụng về việc theo dõi xác định ngày bản án có hiệu lực pháp luật để áp dụng thống nhất trên cả nước. Biểu mẫu thể hiện các nội dung gồm: Số bản án (ngày, tháng, năm)/ Có kháng cáo (ngày, tháng, năm)/ Có kháng nghị (ngày, tháng, năm)/ Chưa có hiệu lực pháp luật/Có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay/ Có hiệu lực một phần (ngày, tháng, năm).
Giải pháp thứ hai, áp dụng Tòa án điện tử: Xây dựng phần mềm quản lý án tự động để theo dõi thời hạn kháng cáo, kháng nghị hoặc lập thêm một thư mục án có hiệu lực trên hệ thống Tòa án điện tử, để sau khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp nên lấy số bản án, ngày ban hành bản án và thông tin đầy đủ các đương sự có mặt, vắng mặt, ngày thực hiện thủ tục tống đạt, niêm yết và nhập ngày kháng cáo, kháng nghị lên hệ thống điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi nhập đầy đủ thông tin thì thiết lập hệ thống kiểm đếm ngày hiệu lực tự động. Mặt khác, sử dụng chữ ký số để đóng dấu bản án/ quyết định trên hệ thống điện tử, và khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì hệ thống sẽ thông báo trực tiếp lên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Sau khi đóng dấu, Tòa án nên chủ động gửi bản án/quyết định có hiệu lực cho cơ quan thi hành án bằng cả hình thức điện tử và bản giấy. Thiết lập hệ thống chia sẽ dữ liệu tự động hoặc thư mục án có hiệu lực phải được công khai để các đương sự, Viện kiểm sát, và cơ quan thi hành án có thể cập nhật được hiệu lực bản án mà không cần đến hình thức con dấu thi hành án.
Kết luận
Với những phân tích, kiến nghị và giải pháp pháp luật nêu trên thì về cơ bản các Tòa án có thể dễ dàng xác định đâu là những bản án đã có hiệu lực pháp luật, đâu là bản án chưa có hiệu lực nhưng được đưa ra thi hành, xác định được trách nhiệm của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án và khắc phục các thiếu sót cũng như Tòa án tối cao cần nhanh chóng có sự nhất quán trong việc sử dụng hay không sử dụng dấu “Để thi hành” khi bản án có hiệu lực pháp luật để hệ thống Tòa án áp dụng vào thực tiễn.
[1] Khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
[2] Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
[3] Điều 484 BLTTDS năm 2015; Điều 363 BLTTHS năm 2015; Điều 309 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[4] Khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280 BLTTDS năm 2015; Điều 213 BLTTHS năm 2015; Điều 337 BLTTHS năm 2015.
[5] Khoản 1 Điều 202 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[6] Khoản 2 Điều 482 BLTTDS năm 2015.
[7] Khoản 1 Điều 282 BLTTDS năm 2015; Điều 343 BLTTHS năm 2015.
[8] Điều 482 BLTTDS năm 2015.
[9] Khoản 6 Điều 313 BLTTDS năm 2015; Khoản 2 Điều 355 BLTTHS năm 2015; Khoản 7 Điều 242 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[10] Điều 313 BLTTDS năm 2015; Điều 363 BLTTHS năm 2015; Điều 242 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[11] Điều 484 BLTTDS năm 2015; Khoản 2 Điều 212 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 364 BLTTHS năm 2015.
[12] Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 /01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/ 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự.
[13] Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
[14] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
[15] Hiến pháp năm 2013.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 những quy định về thẩm quyền của các Tòa án
-
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 một số điểm lưu ý
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Áp dụng pháp luật hay áp dụng “nhận thức” pháp luật
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
Bình luận