Bắc Giang: Quy hoạch Công viên nghĩa trang sinh thái theo mô hình quản lý, bảo tồn môi trường tự nhiên và di sản văn hóa

Công viên nghĩa trang đang là một trong những hạng mục hạ tầng xã hội văn minh và thiết yếu trong đời sống hiện đại ngày nay. Ở Việt Nam, nơi nào có cộng đồng dân cư sinh sống thì nơi đó đều có sự hình thành các nghĩa trang tập trung. Nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn và quyết liệt trong việc quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang theo hướng sinh thái, bảo tồn môi trường tự nhiên và di sản văn hóa. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) quy hoạch Dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái tại xã Đông Hưng sẽ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và là động lực để địa phương ngày càng phát triển một cách toàn diện hơn.

Khung cảnh một phần của dự án

Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam được quy hoạch xây dựng với mục tiêu hình thành công viên nghĩa trang hoàn toàn mới, văn minh, hiện đại, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh môi trường và phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đồng thời sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu dịch vụ tang lễ của nhân dân trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.

Ngày 6/7/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/500).

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ranh giới được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía Đông giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía Tây giáp đường trục xã Đông Hưng, quy hoạch đường tỉnh 293C.

Về quy mô đồ án: Diện tích nghiên cứu khoảng 320ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 180ha, dự kiến chia làm 3 phân khu bao gồm: Phân khu A (Công viên tâm linh) quy mô khoảng 20ha; Phân khu B (Công viên nghĩa trang) quy mô khoảng 150ha; Phân khu C (Công viên du lịch sinh thái) quy mô khoảng 10ha.

Công viên tưởng niệm Thiên Đức

Phân khu A (Công viên tâm linh) là không gian chức năng kết nối với cổng ra vào dự kiến, nơi bố trí công trình tâm linh, gồm: Tam quan Đại Quang Minh, Đền Trình, Thiên An Đại Bảo Tự, Pháp Bảo Tháp, Quảng trường Đại Quang Minh. Phân khu B (Công viên nghĩa trang) là không gian chức năng kết nối với cổng ra vào, là nơi chôn cất mộ cát táng, trung tâm dịch vụ tang lễ, hỏa táng, gồm: Cổng tam quan khu nghĩa trang, các cơ sở hỏa táng, quần thể khu Địa Tạng Vương, Tịnh Độ Đạo - Phủ Hoàng Tuyền, đền thờ ông Cai Vàng, hệ thống an táng. Phân khu C (Công viên du lịch sinh thái) là không gian cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của địa phương, cụ thể: Quần thể khu nghỉ dưỡng tâm linh là điểm du lịch sinh thái, 4 nghỉ dưỡng, kết hợp du lịch khám phá trải nghiệm.

Công viên tưởng niệm Thiên Đức

Tỉnh Bắc Giang hiện đang được đánh giá là tỉnh năng động, đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và tăng trưởng kinh kế. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, Công viên nghĩa trang tập trung đang là hạng mục hạ tầng xã hội còn thiếu duy nhất. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang sinh thái tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang thể hiện tầm nhìn chiến lược và chủ trương đúng đắn của tỉnh Bắc Giang, phù hợp với xu thế văn minh về xây dựng công viên nghĩa trang sinh thái của cả nước và thế giới đã thực hiện. Dự án được các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng thuận cũng như mong muốn thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống hiếu đạo. Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; phát triển du lịch địa phương; chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch; nâng cao năng suất lao động./.

QC