Bài học từ COVID-19: Chấm dứt buôn bán ĐVHD để phòng ngừa dịch bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong vòng 30 năm qua được lây truyền từ động vật sang người. Tiếp xúc giữa con người với ĐVHD là nguồn gốc của nhiều loại virus bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, SARS, Ebola, MERS và bây giờ là Covid-19.

Cả thế giới đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Các quốc gia đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô để nỗ lực ứng phó với Covid-19 – dịch bệnh đã và đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người và gây tổn hại lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến nay, thế giới mới chứng kiến ​​một dịch bệnh với quy mô lây lan toàn cầu và diễn biến phức tạp như Covid-19. Tuy nhiên, Covid-19 không phải là chủng virus gây chết người duy nhất được cho là lây lan do sự tiếp xúc giữa con người và ĐVHD trong những thập kỷ gần đây.

Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để ngăn chặn Covid-19 bùng phát nhưng đại dịch này vẫn gây ra những tổn thất lớn cho mọi mặt của đời sống xã hội. Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dịch bệnh xảy ra đã khiến nhiều công ty, nhà máy và dịch vụ đóng cửa, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ đã lâm vào tình trạng phá sản, kéo theo nhiều người  bị mất việc và tiêu hao các khoản tiền dự trữ.

Quan trọng hơn, ngay cả khi được kiểm soát, Covid-19 gần như chắc chắn sẽ không phải là dịch bệnh nguy hiểm cuối cùng có khả năng lây lan từ ĐVHD nếu chúng ta không quyết tâm thay đổi cách thức ứng xử với thiên nhiên.

Đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên và môi trường.

Vậy chúng ta phải làm gì để xử lý Covid-19 và ngăn chặn các đại dịch tương tự xảy ra trong tương lai?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong vòng 30 năm qua được lây truyền từ động vật sang người. Tiếp xúc giữa con người với ĐVHD là nguồn gốc của nhiều loại virus bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, SARS, Ebola, MERS và bây giờ là Covid-19.

Theo quan điểm của ENV, các cơ quan quản lý và cơ quan chức năng tại Việt Nam trước hết phải xác định được các khu vực có nguy cơ phát tán mầm bệnh cao để từ đó có các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Dưới đây là một số nguồn lây hoặc khu vực có nguy cơ phát tán mầm bệnh từ ĐVHD rất cao:

Nhà hàng, quán ăn kinh doanh ĐVHD: Các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, quán ăn có cung cấp các món ăn từ ĐVHD không chỉ đem đến rủi ro cho khách hàng mà còn cho cả những nhân viên tại đây dù họ có hay không trực tiếp tiêu thụ ĐVHD. Khu vực bếp – nơi làm thịt và chế biến ĐVHD thành các món ăn, khu vực bảo quản thực phẩm và quá trình vận chuyển ĐVHD từ nguồn cung đến nơi tiêu thụ – hợp pháp hay bất hợp pháp đều là những khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật rất cao.

Cơ sở nuôi ĐVHD: Công tác quản lý các cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại hiện vẫn còn lỏng lẻo. Vì vậy, những cơ sở này rất dễ trở thành nơi ủ bệnh. Đây là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nghiêm trọng hơn, nhiều cơ sở nuôi thương mại ĐVHD thường nhập lậu ĐVHD có nguồn gốc từ tự nhiên, hợp pháp hóa tại cơ sở rồi đưa đi tiêu thụ trên thị trường. Những ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp này nhiều khả năng là vật chủ, có thể mang mầm bệnh từ tự nhiên và lây lan sang con người, khiến các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe cho con người cần thực hiện trong hoạt động nuôi thương mại ĐVHD hợp pháp trở nên vô nghĩa.

Khu vực chợ bán ĐVHD: Mặc dù quy mô và số lượng khó có thể so sánh với Trung Quốc, các chợ bán ĐVHD, chủ yếu chim, bò sát và một số loài thú nhỏ, vẫn tồn tại ở Việt Nam. Những khu chợ thường xuyên đông đúc người qua lại này rất có thể trở thành nơi khởi nguồn của các ổ dịch do có sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người và ĐVHD.

ĐVHD được nuôi làm cảnh: Nuôi động vật ĐVHD làm cảnh hay thú cưng ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Việc mua bán và nuôi ĐVHD trong nhiều trường hợp không chỉ là bất hợp pháp mà còn gia tăng rủi ro lây lan dịch bệnh từ ĐVHD sang con người. Một cá thể khỉ tưởng chừng như vô hại nhưng hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho một đại dịch nguy hiểm tiếp theo.

Các hiệu thuốc y học cổ truyền và các cơ sở bào chế dược liệu từ ĐVHD: Dược liệu được bào chế từ ĐVHD vẫn thường được kê đơn cho bệnh nhân. Quá trình bào chế thuốc đông y tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh cho con người vì có sự tiếp xúc trực tiếp của con người với ĐVHD, từ khâu giết mổ ĐVHD, thu thập các bộ phận cơ thể đến bào chế để tạo ra thuốc dược liệu.

Chính vì vậy, ENV đề nghị các cơ quan chức năng quyết tâm tiến hành các biện pháp cần thiết để giảm thiểu và loại bỏ những nguy cơ tại các khu vực trên nhằm chủ động phòng ngừa các mối đe dọa tiềm tàng đến an toàn của con người trong tương tương lai.

Cơ quan có thẩm quyền các cấp cần thực hiện những hành động cụ thể như sau:

Đối với chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh

Chỉ đạo và hướng dẫn tất cả các cơ quan chức năng trực thuộc tích cực xử lý vi phạm về ĐVHD ở tất cả các khâu từ săn bắt, vận chuyển ĐVHD đến quảng cáo, bán và tiêu thụ ĐVHD.

Hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách có liên quan để hạn chế và giảm thiểu tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD cũng như quản lý hiệu quả các cơ sở nuôi ĐVHD thương mại và phi thương mại, đặc biệt cần kiên quyết xóa bỏ và xử lý tình trạng nhập lậu ĐVHD từ tự nhiên và hợp pháp hóa tại các cơ sở đã đăng ký.

Loại bỏ tận gốc tham nhũng trong hoạt động của đội ngũ các cơ quan nhà nước, đặc biệt các hành vi tham nhũng tạo điều kiện cho tình trạng vận chuyển, chế biến, nhập lậu và buôn bán ĐVHD trái phép.

Phát triển các sáng kiến, chương trình ​​nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật để góp phần kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD.

Đối với các cơ quan thực thi pháp luật     

Tăng cường thực thi pháp luật, sẵn sàng đóng cửa các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, chợ, các hiệu thuốc y dược cổ truyền và các cơ sở khác nếu những cơ sở này buôn bán, phục vụ ĐVHD và sản phẩm của chúng trái phép. Hoạt động nuôi nhốt, tàng trữ trái phép ĐVHD hay sản phẩm của chúng cũng phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Điều tra, bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng chuyên buôn bán ĐVHD lớn và những kẻ cầm đầu các đường dây tội phạm về ĐVHD.

Đóng cửa các cơ sở nuôi thương mại, nhập lậu ĐVHD, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự chủ cơ sở theo quy định của pháp luật.

Xóa bỏ tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là tham nhũng liên quan đến việc cấp phép cho các cơ sở nuôi ĐVHD cũng như cấp giấy phép vận chuyển và các giấy tờ khác phục vụ cho việc nhập lậu ĐVHD.

Ưu tiên và đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng chống tội phạm về ĐVHD trên internet.

Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải nghĩ khác, làm khác để có thể giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn của con người cũng như bảo vệ nền kinh tế. Bằng việc chủ động xác định các khu vực tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và tiến hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro, chúng ta có thể bảo vệ chính mình và cả cộng đồng khỏi các nguồn lây lan đại dịch trong tương lai. Mặc dù vẫn cần phải hoàn thiện và bổ sung quy định pháp luật trong một số lĩnh vực, điều quan trọng nhất hiện nay đối với mỗi cơ quan Nhà nước là làm tròn các nhiệm vụ được giao.

HÀ CHI