Bài học về sự chuyên nghiệp trong cứu hộ từ Thái Lan

Trong những ngày qua, một sự kiện khiến World Cup tại Nga cũng có phần bị lu mờ, đó là giải cứu đội bóng thiếu niên bị kẹt trong hang sâu tại Thái Lan. Nhìn lại chiến dịch giải cứu, Việt Nam cũng có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu, cũng như những dự liệu đối phó tình huống có thể xảy ra, vì Việt Nam cũng là một quốc gia nhiều hang động đẹp, thu hút khách du lịch.

Trưa ngày 23/6, một nhóm gồm 12 thiếu niên trong độ tuổi 11 tới 16 thuộc đội bóng cùng huấn luyện viên vào hang Tham Luang để khám phá và tổ chức mừng sinh nhật một cầu thủ trong đội. Điều bất ngờ là mưa lớn ập tới khiến nước trong hang dâng cao, chặn kín lối ra.

Một chiến dịch tìm kiếm và giải cứu kịch tính tới nghẹt thở bắt đầu, trong khi mưa vẫn trút xuống xối xả, đồng nghĩa với việc nước trong hang sẽ mỗi ngày một dâng cao, lượng ô xy ngày một ít đi. Suốt mấy ngày liền, dù các thợ lặn tiến sâu vào hang vài kilomet nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng các cầu thủ. Thủ tướng Thái Lan đã kêu gọi các nước hỗ trợ tìm kiếm.

 

Các cầu thủ nhí sau khi được tìm thấy

 

Các thợ lặn quốc tế, một người đã thiệt mạng

 

Trực thăng sãn sàng đưa các cầu thủ đến bệnh viện.

 

Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Chính phủ Thái Lan, lực lượng cứu hộ quốc tế, gồm các chuyên gia về hang động, chuyên gia sinh tồn, thợ lặn từ nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia, Trung Quốc… lần lượt có mặt để trợ giúp. Cuộc giải cứu huy động đến 1000 người, trong đó một thợ lặn đã tử nạn vì kiệt sức.

Tới ngày thứ 7 của cuộc tìm kiếm, vẫn chưa tiếp cận được các nạn nhân, Thủ tướng Thái Prayuth Chan Ocha tới khu vực hang, kêu gọi người thân các cầu thủ không từ bỏ hy vọng.

Tối muộn ngày 2/7, sau 9 ngày tột cùng căng thẳng các thợ lặn đã tìm thấy toàn bộ 12 thành viên đội bóng và huấn luyện viên. Và điều kỳ diệu là tất cả đều còn sống. Không chỉ người thân của đội bóng òa khóc mà cả thế giới theo dõi cuộc giải cứu này cũng vui mừng và xúc động.

Các em được tiếp thực phẩm, ô xy, sơ cứu y tế để chuẩn bị cho hành trình trở ra đầy hiểm nguy vì hang vẫn ngập nước và địa hình phức tạp, có chỗ hẹp chỉ còn chưa đến 40 cm.

Sau rất nhiều nỗ lực, cho đến chiều ngày 10/7, tất cả 13 thành viên đã được đưa ra ngoài an toàn, hoàn tất chiến dịch giải cứu. Nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới chúc mừng Thái Lan…

Cuộc giải cứu ly kỳ đến nghẹt thở trên đây trên đất Thái Lan khiến Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm quý giá, bởi Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều hang động đẹp, thu hút khách du lịch.

Điều 13 Luật Du lịch năm 2017 của Việt Nam về bảo đảm an toàn cho khách du lịch quy định:

“1.Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch.

2.Tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

3.Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; áp dụng biện pháp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch”.

Do đó phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch là quy định bắt buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch phải tuân thủ. Nhìn vào cuộc giải cứu của nước bạn để ta tự kiểm tra, đánh giá khả năng của mình khi xảy ra tình huống tương tự cũng là sự so sánh rất thiết thực.

Trước hết, Thái Lan đã cho thế giới thấy họ là quốc gia nhân văn, đề cao con người, họ đã dành mọi điều kiện có thể để cứu các thành viên đội bóng, dường như không hạn chế kinh phí cho cuộc giải cứu này.

Việc tổ chức cứu hộ của họ cũng rất chuyên nghiệp, các phương tiện như máy bơm, bình ô xy, máy bay trực thăng… đều rất sẵn sàng. Công tác hậu cần cho cả ngàn người thuộc nhiều quốc tịch hầu như không xảy ra trở ngại nào.

Khi đưa được nạn nhân đầu tiên ra ngoài, máy bay trực thăng đã nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện lớn.

Cũng với những nỗ lực, khi thấy ngoài khả năng, Chính phủ Thái Lan không ngần ngại kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Có thể nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ của quốc tế thì không có kết quả tốt đẹp như vậy.

Một điều đáng quan tâm, khen ngợi  khác là kỹ năng sống rất tốt của các thiếu niên, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên là một thanh niên 25 tuổi, trong bóng tối, không có thức ăn và đầy sợ hãi như vậy. Các cháu được hướng dẫn uống nước từ trên các nhũ đá nhỏ xuống và ngồi thiền đề tĩnh tâm, không hoảng sợ và đỡ tốn năng lượng.

Nhờ giữ được kỷ luật như vậy, khi ánh sáng đầu tiên của người cứu hộ đến, các cháu vẫn tươi cười, hồn nhiên và rất bình tĩnh.

Một khía cạnh khác cũng cho thấy sự chuyên nghiệp của Thái Lan, đó là cung cấp thông tin cho báo chí. Dù rất nhiều phóng viên bám sát cuộc giải cứu nhưng đưa tin đều rất tích cực, không làm rối tình hình và dù lần lượt các nạn nhân được đưa ra nhưng không phóng viên nào được tiếp cận để chụp ảnh, đưa tin. Sự hạn chế này bảo đảm quyền hình ảnh của các em nhưng quan trọng hơn là sức khỏe các em đang rất yếu sau nhiều ngày sống trong bóng tối, ẩm thấp và đói khát… cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Ở khía cạnh báo chí truyền thông còn cho thấy một kết quả tích cực, đó là Thái Lan qua sự kiện này được quảng bá rộng rãi bằng tin bài của hầu hết các hãng truyền thông lớn trên thế giới theo dõi, cập nhật suốt hơn hai tuần lễ. Du lịch Thái Lan vốn đã rất mạnh, nay lại có thêm một điểm cộng.

Vì vậy, bài học chung nhất ta có thể tiếp thu  đó là sự chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của chiến dịch này. Cuộc giải cứu đã ghi thêm điểm cho đất nước Thái Lan, con người và du lịch Thái Lan.

 

 

THÁI VŨ