Về tiêu chí lựa chọn, rà soát, phát hiện các bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ

Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ là văn bản pháp lý đầu tiên của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam về án lệ. Với ý nghĩa là cơ sở pháp lý quan trọng của án lệ, thực tiễn của công tác phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian qua có được những thành công nhất định là nhờ có sự đóng góp của Nghị quyết này. Bài viết sẽ phân tích và có một số ý kiên về tiêu chí lựa chọn án lệ việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ...

Phát triển án lệ tại Việt Nam trong thời gian gần đây, là một trong những thành công của công cuộc cải cách tư pháp nói chung và của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác xét xử các loại vụ án thuộc thẩm quyển của Tòa án nhân dân và cũng là một trong số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân. Để việc phát triển án lệ trở thành nhiệm vụ thường xuyên, thiết thực và phát huy được tác dụng của án lệ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam về án lệ. Bài viết phân tích và có một số ý kiến về tiêu chí lựa chọn án lệ; việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ.

Về tiêu chí lựa chọn án lệ

Trước hết, đối với nội dung tiêu chí lựa chọn án lệ, đây là hướng dẫn quan trọng của Tòa án nhân dân tối cao về án lệ Việt Nam, bởi vì, muốn lựa chọn được án lệ thì cần thiết phải xác định các tiêu chí để lựa chọn. Với ý nghĩa đó, theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 03/2015) đã xác định các tiêu chí lựa chọn án lệ như sau:

“Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong vụ việc cụ thể;

Có tính chuẩn mực;

Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau phải được giải quyết như nhau.”

Các nội dung nêu trên về tiêu chí lựa chọn án lệ là tương đối đầy đủ và thuận lợi trong quá trình vận dụng để phát hiện, lựa chọn án lệ. Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc hơn những nội dung này, cần thiết phải có những ví dụ cụ thể để minh họa cho các nội dung có tính khái quát. Cụ thể là: đối với tiêu chí “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau”, trong thực tế công tác xét xử cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan thực thi pháp luật, thì phát sinh rất nhiều những quy định của pháp luật mà còn có cách hiểu khác nhau, sở dĩ có tình trạng này là do quá trình xây dựng pháp luật, hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền đã không thể lường trước được những hiện tượng đó. Ví dụ: Trong thực tế xét xử các vụ kiện dân sự về thừa kế thì vấn đề “tài sản chung chưa chia” của các đồng thừa kế, với việc thời hiệu chia thừa kế, khi áp dụng pháp luật về các quy định này trong quá trình giải quyết vụ kiện giữa các cấp Tòa án còn có những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, không thống nhất. Do vậy, những vụ kiện về dân sự thuộc loại việc này thường kéo dài nhiều năm và qua nhiều cấp xét xử. Chính vì lý do đó, các bản án, quyết định giải quyết các vụ kiện thuộc dạng trên mà chứa đựng những lập luận nhằm mục đích làm rõ các quy định của pháp luật về những vướng mắc, cách hiểu, áp dụng pháp luật và được các đương sự trong vụ kiện “tâm phục, khẩu phục”, được dư luận xã hội ủng hộ và thừa nhận, thì có thể được phát hiện, lựa chọn thành án lệ. Hoặc đối với tiêu chí “phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong vụ việc cụ thể”. Nội dung của tiêu chí này cũng bao hàm tính khái quát, do vậy, để thuận lợi trong quá trình vận dụng cần có ví dụ minh họa. Trong thực tiễn xét xử, cũng như thực tiễn cuộc sống xã hội, các sự kiện pháp lý, hiện tượng cụ thể phát sinh mà pháp luật chưa thể có những quy định để điều chỉnh, xử lý, hoặc chưa có hướng dẫn cách thức giải quyết đối với các hiện tượng, sự kiện pháp lý đó. Chẳng hạn như, trong thực tiễn đời sống xã hội những năm gần đây xuất hiện loại hình “bán hàng đa cấp” mà ranh giới giữa giao dịch dân sự với tội phạm của hình thức kinh doanh đa cấp là rất mong manh. Thế nên bản án nào khi giải quyết loại việc này mà trong đó đứa được những phân tích, lập luận của Thẩm phán đồng thời đưa ra được khi nào thì xử lý bằng vụ việc dân sự, khi nào thì hành vi đó là tội phạm và xử lý về tội gì được quy định trong Bộ Luật hình sự, thì bản án đó có thể được phát hiện, lựa chọn thành án lệ.

Đối với tiêu chí “có tính chuẩn mực cao”, đây là tiêu chí, xác định của bản án hoặc quyết định được lựa chọn thành án lệ phải là những bản án, quyết định có chứa đựng những lập luận chặt chẽ, dễ hiểu không sử dụng từ đa nghĩa dẫn tới có nhiều cách hiểu khác nhau, không sử dụng các thuật ngữ nước ngoài, văn phong trong sáng phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đúng chính tả, và hình thức của bản án, quyết định phải đúng với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về thể thức và kỹ thuật trình bày bản án, quyết định. Để đảm bảo tiêu chí này, thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm mục đích hướng dẫn để giúp cho các Thẩm phán có những kiến thức xã hội để nâng cao tính chuẩn mực của bản án hoặc quyết định. Tiêu chí này còn bao hàm ý nghĩa xã hội đối với công tác xét xử nhằm tôn vinh công việc của các Thẩm phán nói chung, các Thẩm phán có bản án, quyết định có tính chuẩn mực cao nói riêng. Bởi vì, các bản án, quyết định chính là sản phẩm lao động của các Thẩm phán và của cả hệ thống Tòa án.

Đối với tiêu chí “Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau phải được giải quyết như nhau”, là rõ ràng vì đây là tiêu chí xác định về giá trị thực tiễn của bản án, quyết định được lựa chọn, công bố là án lệ. Muốn xác định được tiêu chí này thì cần thiết phải đòi hỏi công tác thống kê, tổng hợp không riêng gì công tác xét xử của Tòa án các cấp phải được thực hiện thường xuyên, khoa học khách quan và chính xác. Có như vậy, mới xác định được đúng đắn tiêu chí vừa nêu.

Như vậy, hệ thống các tiêu chí lựa chọn án lệ không những có ý nghĩa pháp lý ở chỗ là căn cứ pháp lý để lựa chọn án lệ mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, bởi vì, dựa vào các tiêu chí này thì các cơ quan các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có cơ sở để giám sát công tác xét xử của các cấp Tòa án nói chung, gián sát công việc lựa chọn án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nói riêng, với mục đích nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử của toàn hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam.

Một số kiến nghị

Công tác rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ nên tiến hành thường xuyên: Công tác rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ là quy trình đầu tiên của công tác phát triển án lệ, được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 03/2015 quy định: “Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Tòa án được tiến hành theo định kỳ 6 tháng”, nhưng theo tác giả, việc này phải tiến hành thường xuyên và coi là công việc hàng ngày của mỗi Tòa án, bằng việc giám đốc xét xử các bản án, quyết định, đây vừa là thẩm quyền vừa là trách nhiệm của Lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp.

Bởi vì, thông qua việc giám đốc xét xử của Lãnh đạo Tòa án các cấp đối với các Thẩm phán thuộc quyền quản lý, không chỉ bao hàm ý nghĩa là phát hiện những sai lầm hoặc thiếu sót nếu có của các bản án, quyết định, mà còn bao hàm việc phát hiện những bản án, quyết định thỏa mãn các tiêu chí của án lệ nếu có của bản án, quyết định thuộc Tòa án đó. Có được như vậy, thì công việc tổng kết kinh nghiệm xét xử nhằm rà soát, phát hiện án lệ theo định kỳ 06 tháng mới đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho công việc lựa chọn án lệ mà còn hiệu quả thiết thực cho công tác xét xử của Tòa án đó.

Cần có sự phối hợp tốt với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên Đoàn luật sư Việt Nam trong việc rà soát phát hiện ra các bản án, quyết định của Tòa án để đề xuất phát triển thành án lệ

Thẩm quyền, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án Tòa án Quân sự quân khu và tương đương; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án Tòa án Quân sự trung ương đối với việc tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để rà soát, phát triển án lệ được quy định tại điểm a, điểm b của khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 03/2015 là rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng. Tuy nhiên, tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2015 nêu: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để phát triển thành án lệ”, thì quy định này còn mang tính tùy nghi, không có tính ràng buộc mà chỉ mang tính kêu gọi. Bởi vì, đối tượng nêu trong quy định đó là rất rộng và khả năng tiếp cận các bản án, quyết định của Tòa án đối với các đối tượng cũng khác nhau, điều kiện nghiên cứu cũng như khả năng hiểu biết về công tác xét xử của Tòa án đối với những đối tượng nêu trên cũng khác nhau, nó phụ thuộc vào quan hệ công tác của họ đối với hoạt động của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng. Do đó, để quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2015 có giá trị hơn nhằm tạo được nhiều nguồn phát hiện án lệ, tôi xin đề xuất kiến nghị như sau: Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản đề nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên Đoàn luật sư Việt Nam chỉ đạo các cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án hoặc các Luật sư tham gia bào chữa cho các đương sự tại phiên tòa, thông qua các hoạt động tố tụng của mình, họ có quyền và trách nhiệm rà soát phát hiện ra các bản án, quyết định của Tòa án thỏa mãn các tiêu chí của án lệ để đề xuất phát triển thành án lệ. Đồng thời, đề xuất của họ sẽ gửi cho cơ quan quản lý của họ sau đó các cơ quan đó sẽ tổng hợp gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thực hiện được như vậy sẽ đảm bảo được tính ràng buộc và sự phối hợp công tác chặt chẽ giữa Tòa án nhân dân tối cao với các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa Tòa án nhân dân tối cao với Liên đoàn Luật sư Việt nam. Còn đối với các tổ chức, cá nhân, nếu phát hiện ra những bản án, quyết định đủ những tiêu chí theo quy định để đề xuất làm án lệ thì họ gửi đề xuất lựa chọn của họ đến Tòa án nơi ban hành ra bản án, quyết định đó thay vì gửi trực tiếp đến Tòa án nhân dân tối cao. Bởi vì, khi gửi bản án, quyết định được đề xuất phát triển án lệ về Tòa án phát hành ra bản án, quyết định đó, thì Tòa án đó có điều kiện thuận lợi hơn để rà soát, phát hiện án lệ như quy trình nêu tại điểm a,b,c của Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2015.

Nên quy định hàng năm trong dịp tổng kết công tác hoạt động của Tòa án các cấp phải có nội dung tổng kết kinh nghiệm xét xử để đề xuất, lựa chọn các bản án, quyết định thỏa mãn tiêu chí án lệ để phát triển thành án lệ

Đối với quy định về thời gian định kỳ của công việc rà soát, phát triển án lệ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số  03/2015 có nêu: “Việc tổ chức rà soát phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Tòa án được tiến hành theo định kỳ 6 tháng”, thực chất quy định này tính khả thi không cao. Bởi vì, như phần trên tôi đã trình bày, thực chất công việc giám đốc xét xử qua bản án của Tòa án nhân dân các cấp là việc làm thường xuyên, hàng ngày và đây thực chất cũng chính là công việc rà soát, phát hiện án lệ. Hơn nữa, với quy định thời gian là 06 tháng chưa đủ thời gian thực tiễn kiểm nghiệm chất lượng của bản án hoặc quyết định của Tòa án. Do vậy, thay vì quy định định kỳ 6 tháng chúng ta nên nghiên cứu xem xét quy định hàng năm trong dịp tổng kết công tác hoạt động của Tòa án các cấp nhất thiết phải có nội dung tổng kết kinh nghiệm xét xử của Tòa án  cấp đó căn cứ vào kết quả tổng kết kinh nghiệm xét xử và kết quả công tác giám đốc kiểm tra công tác xét xử để đề xuất, lựa chọn các bản án, quyết định thỏa mãn tiêu chí án lệ để phát triển thành án lệ. Quy định như vậy, nhằm đảm bảo công tác tổng kết công tác hàng năm của các cấp Tòa án vừa thiết thực với công tác, vừa gắn với sự phối hợp công tác giữa các cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án.

Trên đây là một số nội dung tác giả trao đổi về tiêu chí lựa chọn án lệ và công việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để để xuất phát triển thành án lệ. Với ý thức mong muốn hoạt động phát triển án lệ của Tòa án đạt hiệu quả cao hơn, mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả.

TRẦN THỊ MINH CHÂU (Phòng Lưu trữ hồ sơ -Vụ Tổng hợp TANDTC)