Thanh Hóa: Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao
Nói đến văn hóa xứ Thanh có thể hiểu như tấm gương phản ánh chiều sâu văn hóa Việt Nam - nền văn hóa thể hiện tinh thần dân tộc và nhân văn sâu sắc. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của tỉnh thì đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được nâng một cách rõ rệt. Điều này góp phần rất lớn trong việc đưa Thanh Hóa phát triển ngày một giàu đẹp, văn minh.
Thanh Hóa in đậm với những cái tên nổi tiếng di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong, văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc và đặc biệt là văn hóa Đông Sơn; Mo Mường trên địa bàn 11 huyện miền núi. Đến thời đại Hồ Chí Minh, các thế hệ người dân xứ Thanh đã sáng tạo, trao truyền di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, giàu có và đậm đà bản sắc. Trong đó, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - di tích kiến trúc quân sự có giá trị cao đã làm rạng rỡ thêm kỷ nguyên xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam; Lam Kinh - kinh đô tưởng niệm của nhà Lê, đất dựng cơ nghiệp của vua Lê Thái tổ; dấu tích kinh đô Vạn Lại - Yên Trường của nhà Lê ở thế kỷ XVI...
Lễ hội Mường Đoàn một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Mường tại huyện Thạch Thành.
Tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng những tinh hoa di sản văn hóa đã được cha ông ta vun đắp; các thế hệ người dân xứ Thanh hôm nay đang ra sức kế thừa và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa - lịch sử ấy, nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho mọi sự phát triển. Trước hết, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Do đó, cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di sản; Đến nay, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt đền Lê Hoàn, Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, hang Con Moong... đã và đang được đầu tư nguồn kinh phí lớn để bảo tồn và dần trở thành những trọng điểm du lịch của tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 707 di tích cấp tỉnh; 11 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hàng trăm lễ hội lớn nhỏ và kho tàng dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho Nhân dân; mà còn quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa. Đồng thời, tạo nền tảng cho việc định hình các chuẩn mực văn hóa chung cho cả cộng đồng; cũng như xây dựng các sản phẩm văn hóa mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc và có sức lan tỏa, thấm sâu vào đời sống.
Giải bóng chuyền Ngọc Trạo mở rộng tại huyện Thạch Thành với bề dày hơn 20 năm luôn thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến xem, cổ vũ.
Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3298/HD-SVHTTDL ngày 05/11/2018 về việc rà soát hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát hương ước, quy ước. Trong tổng số 4.357 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành 4.233 hương ước, quy ước; trong đó có 3.956 hương ước, quy ước đã được rà soát, sửa đổi, phê duyệt lại; trong đó không có hương ước, quy ước vi phạm về thẩm quyền công nhận; có 51 hương ước, quy ước, vi phạm về nội dung; 92 hương ước, quy ước đã xử lý và tiếp tục tiến hành sửa đổi cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Hầu hết các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng; đã khơi dậy, phát huy được những phong tục, tập quán, tuyền thống tốt đẹp của làng xóm, dòng họ; bố cục ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 23/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn toàn tỉnh; Quy chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo các Chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
Duy trì, nâng cao kết quả và chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hoá - thể thao hiện có nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân; chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm xã hội, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống và hành vi ứng xử văn hoá trong gia đình, trường học, cơ quan, công sở và xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng gọn nhẹ, phù hợp; phát triển các câu lạc bộ sở thích nhằm thu hút người dân tham gia, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức và sức khỏe như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, câu lạc bộ văn nghệ, phát triển phong trào bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Đưa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong quần chúng nhân dân.
Chính vì lẽ đó, để văn hóa thấm sâu vào đời sống và tạo ra điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi sự phát triển, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI). Qua đó, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh hay tiền đề vững chắc, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giáo dục nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời, hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng và phát triển con người một cách toàn diện; lên án mạnh mẽ và quyết tâm đẩy lùi các biểu hiện phản văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, cái ác, lạc hậu; tích cực bảo vệ, khuyến khích, nhân rộng cái tốt, cái thiện, các giá trị nhân văn, thuần phong mỹ tục trong đời sống xã hội…
Trên quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết liên quan, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực trí tuệ và vật chất, nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu “Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống và tạo bước đột phá trong phát triển toàn diện tỉnh Thanh Hóa.
ảnh: Lễ hội Lam Kinh 2022 kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Bình luận