Ngày xuân thăm chùa Khmer Nam Bộ

Đến với miền Tây Nam bộ, qua Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang… tôi có cơ may nhiều lần được đi thăm những ngôi chùa của đồng bào Khmer. Chùa ở đây hoàn toàn khác biệt với chùa miền Bắc, cả về kiến trúc, thờ tự và vị thế của ngôi chùa với cư dân.

 

1.Hôm xuống cửa Định An, một trong chín cửa sông của hệ thống Cửu Long Giang đổ ra biển, chúng tôi ghé thăm ngôi chùa Kompông Chrây cổ kính. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1637, trải qua nhiều thay đổi do thời gian và chiến tranh, năm 1977 ngôi chùa được phục dựng lại. Chùa nằm trong một khuôn viên rộng đến 6 ha, cây cổ thụ um tùm như khu rừng nhỏ, với những cây dầu, cây sao, cây thốt nốt cao vút, tạo cho chốn tu hành một vẻ tĩnh lặng mà đầy sức sống.

Lý giải vì sao lại có tên nôm là chùa Hang dù ở đây không có núi non, hang động, anh bạn quê Vĩnh Long dẫn tôi ra xem cổng phụ nằm trên tỉnh lộ 36 có cái cổng lớn, tường rất dày và cổng sâu đến 12 mét, dân chúng thấy cổng hun hút, bên trong cây cối che rợp như cái hang nên mới gọi như thế.

Cũng như các ngôi chùa Khmer Nam Bộ khác, chánh điện Kompông Chrây sơn màu vàng nhạt, nổi bật bởi được xây dựng trên nền cao đến 3m, có hệ thống bậc lên xuống khá rộng rãi. Mái của chánh điện được thiết kế nhiều lớp chồng lên nhau, với độ dốc lớn, được ghép sành sứ như một tấm thảm và chính giữa là một tháp mái tinh xảo, cao vút. Ở mỗi đầu mái là những đầu đao cong cong, duyên dáng.

Chánh điện có hành lang chạy xung quanh, chiều dọc có 11 cây cột, chiều ngang có 6 cây cột, ở đầu các cột góc có tượng thần Krud đầu chim, thân người và các cột khác là  tượng vũ nữ Kây no, đang múa điệu Apsara, dang đôi tay chống đỡ mái một cách thanh thoát. Như mọi ngôi chùa Khmer khác, chánh điện chùa Kompông Chrây nhìn về hướng đông, có cửa ra vào ở hai phía đông và tây, hai bên nam và bắc có 8 cửa sổ được trang trí đẹp mắt. Một đặc điểm chung của chùa Khmer là cửa chính ở mặt tiền được mở sang hai bên, không có cửa chính giữa nhìn thẳng vào chánh điện.

Nội thất chánh điện có hai hàng cột tròn lớn, chính giữa là bàn thờ với tượng thếp vàng Phật tổ Thích ca Mâu ni cỡ lớn, một tay trái tượng để ngửa, tay phải tượng úp trên đầu gối. Trong các ngôi chùa Khmer, tay tượng Phật tổ luôn luôn để ở tư thế tự nhiên, không cầm nắm hay kết ấn, với hàm ý khi đó ngài đã giác ngộ thành Phật. Xung quanh tượng chính có đến gần 20 tượng nhỏ thể hiện cuộc đời đức Phật từ lúc còn trẻ, khất thực, thuyết pháp đến nhập Niết bàn.

Đây là dấu hiệu đặc trưng khác biệt của Phật giáo Nam tông (hay còn gọi là Tiểu thừa, Phật giáo nguyên thủy) so với Phật giáo Bắc tông (tức Đại thừa, Phật giáo phát triển). Nam tông chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca, trong khi Bắc tông thờ rất nhiều vị Phật và Bồ tát với quan niệm “Hằng hà sa số Phật”- Phật nhiều như cát sông Hằng. Tiêu biểu như chùa Mía tức Sùng Nghiêm Tự (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có 287 pho tượng lớn nhỏ, là những tác phẩm có tính nghệ thuật cao.

 

Chính điện chùa Mahatup (chùa Dơi)

Nếu các ngôi chùa cổ miền Bắc theo Bắc tông thường dàn hàng ngang với kiến trúc ba dãy nhà song song kiểu chữ Tam (三 ) hay chữ Đinh (), các bàn thờ, tượng Phật chiếm phần lớn không gian, thì ở chùa Khmer tôi thấy kiến trúc tương đồng với nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ Hồi giáo, thiết kế theo chiều dọc, phần bàn thờ chiếm không gian nhỏ, phần lớn diện tích dành cho Phật tử đến hành lễ.

Không những chùa Khmer Nam bộ mà các ngôi chùa ở Lào, Campuchia, Thái Lan tôi đã đến thăm cũng đều thấy kiến trúc theo một chuẩn mực chung như thế. Ngoài chánh điện, chùa còn có rất nhiều công trình khác như nhà hội (sala) là nơi tín đồ dâng cúng, nơi thọ trai của sư sãi và bà con trong những ngày lễ hội; trai đường, nơi dùng bữa trưa của các sư;  giảng đường, nơi dạy học cho trẻ em trong phum sóc; tháp để tro cốt, tháp thiêu… Ở chùa Kompông Chrây còn có một xưởng mộc để các sư làm việc.

2.

Nếu như ở trước các ngôi chùa Bắc tông thường có cột cây phướn làm bằng tre, gỗ hay bê tông là cây cột thẳng đơn giản, ngày lễ tết có hình con quạ cắp phướn thì ở chùa Kompông Chrây, chùa Mahatup, chùa Poothi Somrôn… đều có cây cột trang trí cầu kỳ với hình rắn thần Naga 7 đầu tượng trưng cho 7 ngày 7 đêm chuyên tâm bảo vệ Phật Thích Ca ngồi thiền định. Naga vốn là quái vật nhưng được Đức Phật cảm hóa mà trở thành linh vật bảo hộ Phật pháp. Trong sự tích về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nhắc đến rắn Naga. Đó là lúc hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tì Ni, ngài đã được rắn Naga chín đầu phun nước tắm... Vì sự tích này mà các chùa Bắc tông luôn có bộ tượng Cửu long, trong đó có tượng Thích Ca sơ sinh ở chính giữa.

Ngay cạnh cột rắn thần, ở chùa Kompông Chrây  cũng như nhiều chùa khác có một cây cổ thụ trổ hoa màu hồng có nhụy vàng, được gắn biển “cây Sa La (Long Thọ)”. Tuy nhiên, ở đây có sự nhầm lẫn khá phổ biến. Cuộc đời đức Phật liên quan đến ba loại cây là cây vô ưu, cây bồ đề và cây sa la. Cây vô ưu thường được gọi là cây vàng anh lá bé, gắn với sự tích khi Hoàng hậu Maya sinh đức Phật tại vườn Lâm Tỳ Ni đã vịn vào cây này; cây bồ đề gắn với sự kiện đức Phật thành đạo; và cuối cùng đức Phật nhập niết bàn dưới bóng cây sa la.

Cây “sa la” ở chùa  Kompông Chrây và nhiều ngôi chùa khác thực chất là cây đầu lân, còn gọi là cây hàm rồng, đây là loài cây có nguồn gốc Nam Mỹ. Do người Bồ Đào Nha mang loài cây này trồng nhiều ở Sri Lanka từ thế kỷ 17, lan dần ra Đông Nam Á, dẫn đến nhầm lẫn. Cây sa la có nguồn gốc Ấn Độ, thân thẳng, gỗ cứng, hoa mọc từng chùm như hoa nhãn…

3. 

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Một vị Hòa thượng xa quê đã viết về nỗi “Nhớ chùa” như thế, nhưng dù cùng là nơi thờ Phật, chùa Khmer có gắn bó trọn vẹn với cộng đồng dân cư, khiến các nhà nghiên cứu phải gọi đây là một “thiết chế văn hóa đặc biệt”, khác hẳn với ngôi chùa của các cộng đồng dân cư khác.  Cuộc sống của mỗi người dân Khmer gắn liền với ngôi chùa của phum sóc, từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, nên dù mỗi ngôi nhà của các gia đình còn đơn sơ, vì họ không coi trọng vật chất, coi của cải là thứ ngoài thân, thì ngôi chùa chung luôn được chăm chút tốt đẹp nhất có thể.

Chùa Pôthi Somrôn

Ngôi chùa còn là nơi gìn giữ những di sản văn hóa Khmer. Đơn cử như chùa Pôthi Somrôn nằm bên sông Ô Môn, Cần Thơ, hiện đang lưu giữ rất  nhiều cổ vật. Trong đó có hơn 100 bộ kinh chép trên lá buông, gần 20 pho tượng gần 200 tuổi, trong đó pho tượng Phật Thích ca Mâu ni ở chánh điện được tạo tác năm 1885, ngoài ra là chiếc ghe ngo tuyệt đẹp, được đánh giá là “báu vật vô giá không tách rời trong không gian Pôthi Somrôn”.

Riêng về kinh lá buông, rất nhiều ngôi chùa cổ Khmer còn giữ được di sản này. Kinh thường được viết bằng chữ Khmer cổ hoặc chữ Pali với kỹ thuật cao, rất sắc nét, dễ đọc. Để có được những tấm lá viết kinh, người xưa phải chọn lá từ khi còn là búp trên cây, ghép vào khung để lá phát triển theo ý muốn, tránh ánh sáng mặt trời từ 3 đến 5 tháng, sau đó mới cắt lá xuống phơi và viết chữ. Viết chữ trên lá bằng bút sắt, sau đó dùng vải chấm than trộn dầu thông nhúng qua lửa và quét lên chữ, tạo nên một màu nâu nhạt trên nền lá trắng ngả vàng rất đẹp mắt. Mỗi bộ kinh có từ 4 đến 10 quyển, mỗi quyển có từ 20 đến 60 lá, mỗi mặt lá có 5 dòng, khoảng 150 chữ, lá được viết cả hai mặt. Với giá trị về tâm linh, kỹ thuật và mỹ thuật, kinh lá buông là di sản quý giá của cộng đồng Khmer.

Cộng đồng Khmer có nhiều lễ hội diễn như lễ Kathan Ne Tean (dâng y), lễ Bon Visaka Bochesa (Phật đản), lễ Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), lễ Sen Dolta (báo hiếu tổ tiên), lễ Ook Om Bok (cúng trăng) đua ghe ngo… Tất cả các lễ hội đó đều tổ chức tại chùa, do các sư chủ trì[1]. Mọi sự kiện vui buồn trong mỗi gia đình đều thỉnh chư tăng đến cầu nguyện giúp,  từ mừng nhà mới, sinh con đến cầu an, cầu siêu…

Gắn bó với chùa suốt cả cuộc đời, đến lúc chết, mỗi Phật tử Khmer lại được hỏa thiêu, gửi tro cốt vào những ngôi tháp trong khuôn viên chùa để nương tựa cõi an lành, mong được về cõi Phật. Vì thế, có người nói, người Khmer không sợ nghèo đói, chỉ sợ khi chết đi không được hỏa thiêu, đưa tro cốt vào chùa.

Ở ngôi chùa Pôthi Somrôn cũng có nhiều tháp chứa cốt nhưng điều đặc biệt hơn là có ngôi tháp cổ, đã hơn 200 năm, được xây bằng gạch thẻ, đá ong còn nguyên vẹn. Mỗi ngôi tháp trong các ngôi chùa Khmer chứa rất nhiều hũ tro cốt.

4.

Ở hệ phái Bắc Tông, những người đã xuất gia là xác định cả đời dốc tâm tu hành, trừ những trường hợp bất thường mới hoàn tục, nhưng truyền thống Nam tông thì trong cuộc đời mỗi người nam giới phải có một thời gian xuất gia để hồi hướng công đức, báo hiếu ông bà cha mẹ và học tập. Thông thường, các thanh thiếu niên 12-13 tuổi đã được gia đình gửi vào chùa. Các vị này sẽ thọ giữ 105 giới nên được gọi là những vị Sāmaṇera (hay Sadi), Sāmaṇera là một từ rút gọn trong ngôn ngữ Pali, có nghĩa là "người xuất gia nhỏ tuổi hoặc trẻ tuổi ", không phải như các chú tiểu của Bắc Tông. Sau thời gian tu tập, tùy theo căn duyên của các vị mà có thể tu học 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm… hoặc tu cả đời. Sau đó, họ có thể hoàn tục về xây dựng gia đình, làm việc, như người Phật tử tại gia.

 

Tác giả và Thượng tọa Bhikkhu Vanna Thera

Nhà chùa cũng là cơ sở giáo dục, đào tạo của cộng đồng, ở đây không chỉ dạy giáo lý nhà Phật, chữ Khmer, chữ Pali mà còn truyền thụ kiến thức về văn hóa, nghệ thuật dân tộc, dạy nghề… cho thanh thiếu niên, cho cộng đồng. Nhờ có nhà chùa mà người Khmer không bị mất gốc, đứt quãng về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc. Hiện nay, có hiện tượng lớp trẻ của nhiều dân tộc thiểu số không còn nói được tiếng nói của dân tộc mình, mới thấy vai trò đặc biệt của ngôi chùa, của các vị sư sãi Khmer.

Ngôi chùa Khmer thật sự  là một trường học và các vị sư chính là nhà giáo,  họ được người dân kính trọng gọi là Kru hay Achar Kru, nghĩa là người hiểu biết. Các ngôi chùa Khmer vì vậy thường rất đông sư sãi, như ngôi chùa Kal Bô Prưk  trên triền núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, An Giang) hôm chúng tôi đến thăm, được biết đang có 42 sư đang tu học tại chùa.

Trong thời gian ở chùa, các vị tỳ khưu và sadi còn đi học phổ thông, học nghề, học đại học để sau khi rời chùa trở về họ có một nghề, một công việc để sinh sống. Sư Panna Patipo (Tuệ Đăng) sư phó chùa Kal Bô Prưk cho hay, sư đã có ba năm học Cao đẳng tại trường Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ với chuyên ngành Bảo vệ thực vật và có 4 năm học Phật giáo tại Thái Lan, có bằng Cử nhân Phật học.

Nhà giáo nhân dân Lâm Es, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sóc Trăng từng nói rằng: Tôi được như hôm nay một phần chủ yếu là nhờ nhà chùa. Lúc nhỏ tôi được mẹ gửi lên chùa Cần Đước ở Mỹ Xuyên để đi học, ăn cơm chùa, áo quần bà con phum sóc cho. Suốt chín năm tu ở chùa để trả hiếu, cầu kinh, niệm Phật, mua sách vở tiếng Việt, tiếng Pháp về tự học và tìm kiếm sách tiếng Khmer trong các chùa về nghiên cứu, dạy chữ Pali cho trẻ nhỏ tại các phum sóc lân cận. Đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi.

5.

Bắc tông có hai chúng xuất gia, là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, nhưng hệ phái Nam tông chỉ có tăng mà không có ni. Sư Panna Patipo cho hay: Phật giáo Nam tông dựa vào những giới luật thời đức Phật còn tại thế đã đề ra gồm: 227 giới của các vị Tỳ kheo, 105 giới của các vị Sadi (Sāmaṇera) và 311 giới của tỳ kheo ni. Ngày nay, Phật giáo theo hệ phái Nam tông không có tỳ kheo ni nữa, đó là vì sau khi Đức Phật nhập diệt được khoảng 500 năm thì đã không còn có tỳ kheo ni, chỉ có tu nữ và không có ni đoàn.

Tôi đã chứng kiến những buổi sớm mai các sư ở Viêng Chăn (Lào) trì bình khất thực, có những phụ nữ mặc áo tràng màu ghi, đầu đã cạo tóc, cũng quỳ ở ven đường để dâng vật phẩm lên các sư như mọi Phật tử khác. Hỏi ra thì họ là những nữ tu nhưng không được xuất gia. Có người quan niệm rằng dù không phải là tỳ kheo ni nhưng họ cũng là người đã xuất gia trong ý nghĩa là người thực hành giới hạnh.

 

Tác giả và Tỳ khưu Panna Patipo

Khất thực là một khác biệt rõ nét so với hệ phái Bắc tông. Khất thực là hàng ngày các vị sư mang bình bát vào phum sóc để trợ duyên cho việc tạo phước bố thí của Phật tử. Theo giáo lý nhà Phật, khất thực mang lại nhiều lợi ích cho các vị tu sĩ và cho chúng sinh. Đối với các tu sĩ,  ôm bình bát đi khất thực khiến cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não, họ không  phải lo kiếm kế sinh nhai, có nhiều thì giờ để tu hành và đoạn trừ được tâm kiêu căng ngã mạn, cũng như đoạn trừ lòng tham, tránh khỏi sự tích trữ vật thực, tiền của.

Xã hội biến đổi từng ngày, nông thôn nói chung, các phum sóc của đồng bào Khmer nói riêng cũng biến đổi nên sinh hoạt tu hành tại các ngôi chùa Khmer cũng phải thay đổi. Tỳ khưu Panna Patipo cho hay, suốt bao nhiêu năm qua các sư của chùa vẫn thực hiện việc khất thực hàng ngày, trừ ngày Trăng rằm và ngày 30 Âm lịch. Hằng ngày, vào khoảng 9-10 giờ sáng, các sư quàng y cà sa, ôm bình bát, xếp một hàng dọc thong thả đi vào các phum sóc khất thực.

Cũng có Phật tử phát tâm xin đến nấu ăn tại chùa nhưng các vị sư không đồng ý (ngoại trừ có Phật tử đến xin làm chay tăng). Sư nói rằng, theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật luôn thực hiện năm công việc là: Buổi sáng thì Ngài đi bát để hóa duyên rồi thọ thực. Buổi trưa đến buổi chiều tối thì Ngài thuyết pháp tế độ cho chúng sinh. Buổi chiều tối đến nửa đêm, Ngài thuyết pháp và giải đáp những hoài nghi cho các vị tỳ khưu. Lúc đêm khuya thì Đức Phật giải đáp các câu hỏi của chư Thiên, Phạm Thiên về giáo pháp. Lúc gần sáng thì Ngài quan sát thế gian bằng Phật nhãn xem coi có thể tế độ ai, những người đạo hạnh và những người cần đến, dầu ở cách xa thế nào Ngài cũng nhận ra và, mở lòng bi mẫn, tự ý đến với họ để đem lại sự hỗ trợ cần thiết. Chúng ta không làm được như đức Phật, chỉ còn đi bát, nên phải giữ.

Đây là điều khá bất ngờ với chúng tôi vì nhiều chùa đã không còn duy trì được việc đi bát thường xuyên như thế. Hỏi thăm các sư chùa Pôthi Somrôn thì biết rằng mỗi tháng chùa chỉ tổ chức đi bát một hai lần, còn lại là thọ  thực tại chùa. Chùa Kal Bô Prưk duy trì được việc đi bát vì chùa nằm trong địa bàn có phum sóc của bà con Khmer đông đúc ở quanh núi, ở các địa bàn khác thì buộc phải thay đổi.

Có chùa để bà con Phật tử đến nấu ăn tại chùa; có nơi thì Phật tử tập trung nấu ăn tại một gia đình, các sư cử người đến nhận thức ăn; có nơi Phật tử phân công nhau hằng ngày đến dâng thức ăn cho chư tăng. Ở một số chùa tọa lạc trong khu vực thành thị, có nhiều sư ở các tỉnh xa về tu học nên đa số Phật tử cúng dường bằng tiền để các sư thuận tiện trong việc độ thực.

6.

Chúng tôi đến thăm chùa Pitu Khôsa Răngsây ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, rất gần với Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm (trước đây trường mang tên Phan Thanh Giản) thì thấy, dù phong cách kiến trúc, hoa văn, màu sắc mang đặc trưng Khmer nhưng ngôi chùa được xây cất cao tầng, do chật hẹp về mặt bằng. Thượng tọa Bhikkhu Vanna Thera tức Tiến sĩ Lý Hùng, trụ trì ngôi chùa, cũng là Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Cần Thơ, cho hay: Hiện nay, chùa có 12 vị sư và 7 sinh viên Đại học Cần Thơ, chùa cũng đỡ đầu cho 21 sinh viên Campuchia. Do thời gian tu học xuyên suốt, nhà chùa không thể duy trì việc đi khất thực theo truyền thống nên Phật tử quanh vùng phân công nhau dâng vật thực cho quý sư hằng ngày. Điều thú vị là không chỉ bà con Khmer mà Phật tử Kinh, Hoa, Khmer cùng chung tay cúng dường. Họ chia thành từng nhóm cúng từng ngày, nếu có thực phẩm tươi sống thì các sinh viên nhận để tự đun nấu.

Một sa di trẻ quét dọn sân chùa

Theo truyền thống Phật giáo Nam tông xưa thì nhà chùa không có bếp, chư tăng đi khất thực, Phật tử chỉ cúng dường thức ăn đã nấu chín, cúng gì các sư nhận nấy, không phân biệt chay mặn; không cúng tiền mặt vì sư không được có tài sản riêng; sư không đi giày dép, không đội mũ để đầu đội trời, chân đạp đất… thì nay những nếp xưa đó buộc phải thay đổi để thích nghi – tỳ khưu Vanna Thera cho hay. Trước đây, Phật tử đến thỉnh sư nhờ cầu an, cầu siêu, lễ cưới, tân gia… thì phải có bó hương và hai cây đèn cầy (nến) nhưng nay Phật tử gọi điện thoại, sư cũng hoan hỷ chấp nhận.

Một vấn đề trăn trở khác, Thượng tọa Bhikkhu Vanna Thera chia sẻ với chúng tôi: Trước đây các gia đình Khmer đông con, nhà lại nghèo nên gửi bớt con vào chùa. Bây giờ mỗi gia đình có hai con, kinh tế đã khá hơn, lại có trường dân tộc nội trú của tỉnh nên học xong lớp 12 là đi học nghề, học đại học, các thanh thiếu niên không vào chùa tu nữa. Vậy là nhiều người sẽ không có thời gian tu, họ sẽ ra dần xa nguồn cội của mình, không tiếp cận được ngôn ngữ Pali, chữ Khmer cũng không biết, số lượng tu sĩ cũng sẽ giảm dần, đây là vấn đề rất lớn đối với Phật giáo Nam tông hiện nay. Do đó, “chúng tôi phải “gieo duyên”, phải đi vận động”.

Ngày xưa sư chờ bà con cúng dường nhưng nay với tinh thần nhập thế, sư phối hợp với chính quyền tham gia làm cầu cho bà con, tham gia xóa đói giảm nghèo. Bà con Khmer làm nông nghiệp thu nhập thấp, nhiều người thất nghiệp, làm sao để họ có việc làm, có các nghề thủ công để gắn bó với phum sóc, không bỏ quê để đi kiếm việc làm ở các thành phố… Đó là những vấn đề hết sức trăn trở của chúng tôi - tỳ khưu Vanna Thera, chia sẻ.

**

Đứng trên tầng thượng ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây, tựa vào đầu rắn thần Naga nhìn thành phố Cần Thơ, đô thị trung tâm đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển sầm uất, nhà cao tầng chen nhau, tôi hiểu rằng theo quy luật vô thường của nhà Phật mọi sự vật, hiện tượng không có gì bất biến.

Đây là vùng đất vốn có tên là Prek Rusey – Sông Tre, nhưng địa danh Cần Thơ, các nhà nghiên cứu cho rằng xuất phát từ tiếng Khmer là trei kantho, nghĩa là cá sặc rằn hay còn gọi là cá lò tho, cá sặc bổi mà ra. Tên gọi, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội theo thời gian đang thay đổi từng ngày, nhưng làm thế nào để giữ được những tinh hoa đúc kết qua lịch sử ngàn năm Khmer để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối là một câu hỏi lớn cho Phật giáo Nam tông, cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách…

 

Khung cảnh chùa Hang - Ảnh của tác giả

 

 

[1] Xem thêm Dương Thị Minh Ngọc, Về vai trò của ngôi chùa Khmer Nam Bộ - Tạp chí Di sản văn hóa, tháng 11/2015

 

Ký sự của NGUYỄN PHAN KHIÊM