Bình luận án lệ số 28/2019/AL về tội Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh

Trong thực tiễn xét xử các vụ án việc phân biệt giữa tội giết người và tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau, việc Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là cơ sở để trong thực tiễn vận dụng vào để nhằm dễ dàng phân biệt hai tội danh này.

1. Nội dung vụ án

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 03-11-2016, Trần Văn C đang chơi game ở quán Internet “Su Su” thuộc thôn 1A, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk thì bạn là anh Nguyễn Hồng Q gọi điện thoại hỏi C đang ở đâu. Khi biết C đang chơi game ở quán Internet, anh Q cũng đến và vào chơi ở máy số 6. Trong lúc chơi game, anh Q nhiều lần đến chỗ C ngồi hỏi mượn tiền, nhưng C nói không có tiền. Một lúc sau, anh Q đến chỗ C đưa 02 chiếc điện thoại di động của mình nói C cầm cố đế mượn tiền, C vẫn không đồng ý nên anh Q bỏ về chỗ của mình tiếp tục ngồi chơi game.

Khoảng 15 phút sau, anh Q đi đến chỗ C nói “Anh không tin em sao, giúp em đi”, C trả lời “Anh không có tiền thật mà, mày làm ơn đi chỗ khác để anh chơi. Anh Q chửi “Đ.M mày, nhớ mặt tao”. C nghe vậy không nói gì, anh Q bỏ về chỗ máy của mình. Ít phút sau, anh Q đi đến chỗ C đang chơi game, tay phải đấm mạnh 01 cái vào má trái của C làm chảy máu. Bị đánh, C tức giận lấy dao Thái Lan có sẵn trên bàn giữa 02 máy vi tính, rồi cầm dao bằng tay phải đứng lên ghế mình ngồi. Thấy vậy, anh Q lao đến, C dùng dao quơ ngang qua lại trúng vào mặt anh Q làm chảy máu. Anh Q xông đến dùng hai tay kéo C xuống ghế, sau đó anh Q dùng hai tay kẹp cổ C theo tư thế phần đầu của C ở phía sau lưng anh Q, còn phần hai tay, thân người và hai chân của C ở phía trước người anh Q. Bị anh Q kẹp cổ, C dùng tay trái nắm vào phần hông bên phải anh Q, còn tay phải C cầm dao Thái Lan đâm 01 nhát trúng ngực anh Q. Anh Nguyễn Hải Q1 đang chơi game thấy vậy chạy đến giật con dao trên tay C vứt vào góc quán. Lúc này anh Q bị ngã xuống nền nhà, sau đó C và một số người có mặt trong quán đưa anh Q đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 04-11-2016, anh Q tử vong. Ngay sau đó, C đến Công an huyện K đầu thú.

Kết quả khám nghiệm tử thi anh Nguyễn Hồng Q ghi nhận: Vùng trán trái phía trên lông mày có vết rách da hình khe, dài 0,7cm. Đỉnh mũi có vết rách da hình khe dài 02cm, sâu 0,4 cm; cách vết này 03 cm tại môi trên có vết rách da hình khe dài 02 cm. Mép phải có vết rách da hình khe dài 03 cm, sâu 0,8 cm. Ba vết rách da tạo đường thẳng không liên tục hướng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Ngực phải cách núm vú phải 3,5 cm về phía dưới, cách đường giữa 09 cm có vết xây xát da nằm ngang hình khe dài 1,3 cm. Ngực trái cách gót chân trái 120 cm, cách đường giữa 05 cm có vết rách da dài 2,5 cm, hở rộng 01 cm, nằm ngang hướng từ trái sang phải, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 714/QĐPY ngày 24-11-2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Nguyên nhân tử vong của anh Nguyễn Hồng Q là vết thương thấu ngực trái gây nên thương tổn xuyên tim dẫn đến tim ngừng đập và mất máu suy tuần hoàn cấp không hồi phục.

Tại Bản kết luận pháp y thương tích số 113/PY-TgT ngày 04-01-2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Trần Văn C bị chấn thương vùng má trái với thương tích 02%.
Trước khi xét xử sơ thấm, gia đình Trần Văn C đã bồi thường cho gia đình người bị hại 95.000.000 đồng.

2. Nội dung án lệ

Bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị kích động mạnh về tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ” là có căn cứ.

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

Điều 125: Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

4. Bình luận

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác. Tuy nhiên đối với hành vi giết người luật hình sự phân chia thành các trạng thái như là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Trong BLHS năm 2015 thì tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 125, đây thực chất là một tội danh được tách ra từ tội giết người quy định tại khoản 3 Điều 101 trong BLHS năm 1985 và được quy định tại Điều 125 BLHS năm 1999, xét về mặt bản chất hành vi giết người trong trạng thái tnh thần bị kích động mạnh thì tính nguy hiểm của hành vi phạm tội ít hơn so với tội giết người.

Cần hiểu rằng các rối loạn được mô tả không phát triển từ đầu. Nó bị kích động bởi các yếu tố bên ngoài và nguyên nhân bên trong.

Tinh thần bị kích động trong y học là gì? Thuật ngữ này đề cập đến trạng thái phấn khích của một cá nhân, kèm theo lo lắng vận động, sợ hãi và lo lắng. Rối loạn ngôn ngữ cũng có thể xảy ra. Về nguyên tắc, kích động được coi là một phản ứng tự nhiên của cơ thể con người đối với căng thẳng gây ra bởi căng thẳng nghiêm trọng. Nói cách khác, tình trạng được mô tả được phát hiện dưới ảnh hưởng của yếu tố gây căng thẳng hoặc chấn thương tâm lý. Ở các cá nhân, hiện tượng được xem xét xuất hiện do sợ hãi nghiêm trọng hoặc thay đổi đột ngột trong môi trường xung quanh người. Ngoài ra, tình trạng này đôi khi là cố hữu ở những người có công việc nguy hiểm đến tính mạng của cá nhân.

Trong khoa học pháp lý tinh thần bị kích động mạnh là sự tác động từ các yếu tố khác kích thích lên tinh thần của người phạm tội, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Người bị tinh thần bị kích động mạnh là người không còn nhận thức được hành vi của mình, không có khả năng làm chủ hành vi của mình và chỉ diễn ra trong khoảnh khắc tức thời, sau đó thì người này trở lại trạng thái bình thường.

Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có nguyên nhân từ hành vi trái pháp luật của bị hại.

Trong thực tiễn việc phân biệt giữa hai tội danh giết người và giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh rất khó, chủ yếu dựa vào cảm quan đánh giá của Thẩm phán, vì vậy, khi xét xử các vụ án này vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau như trong vụ án nêu trên tại Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10-8-2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng hành vi của Trần Văn C phạm tội giết người. Trong vụ án nêu trên, có thể nhận thấy việc Nguyễn Hồng Q vô cớ đánh C đã gây ra sự bức xúc, sau đó mặc dù C đã cầm dao đứng lên ghế đây như là một lời cảnh báo cho Q biết nhưng bất chấp lời cảnh báo đó Q vẫn tiếp tục thực hiện một chuỗi các hành vi như kéo, kẹp cổ những hành vi này đã tác động đến tinh thần của C và việc dùng dao đâm Q là một phản xạ tự nhiên, mang tính tức thời khi không còn cách nào khác để tự giải thoát cho bản thân khi rơi vào tình huống này.

Nội dung Án lệ số 28/2019/AL là cơ sở để phân biệt giữa tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội giết người./.

TRẦN VĂN HÙNG ( Tòa án Quân sự Quân khu 4)