Bộ trang sức bằng bạc của người Dao đỏ

Tôi là một cán bộ Tòa án cấp huyện ở khu vực miền núi đã gắn bó với ngành được 10 năm. Chặng đường tuy chưa dài nhưng đây kỷ niệm. Một trong những điềụ ấn tượng nhất là những nẻo đường đi xác minh thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự, liên quan đến bộ trang sức bằng bạc quý giá của người Dao đỏ.

Thời điểm năm 2011 khi mới vào ngành được 2 năm, tôi được lãnh đạo phân công là Thư ký trong một vụ án hôn nhân gia đình. Đây là vụ án xin ly hôn của vợ chồng dân tộc Dao đỏ, sống ở khu vực đặc biệt khó khăn của vùng núi thuộc thôn Khuổi Slương, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Vụ án ly hôn đã được Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Người vợ cương quyết xin ly hôn do cuộc sống hôn nhân không thể cứu vãn và hàn gắn được.

Vụ án sẽ không có gì đặc biệt nếu không liên quan đến phần tài sản là của hồi môn của nhà chồng đã đưa cho người vợ khi tổ chức lễ cưới. Theo phong tục người Dao đỏ ở đây, khi tổ chức lễ cưới nhà chồng sẽ tặng cô dâu một bộ đồ trang sức bằng bạc. Bộ trang sức này vô cùng đẹp mắt và đắt giá so với thu nhập của họ, gia đình càng có điều kiện thì giá trị của bộ trang sức càng cao. Đây được xem như quà tặng cho cô dâu, được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác nên vô cùng có ý nghĩa đối với cả người cho và nhận.

Theo lời khai của người vợ trước Tòa, sau khi cưới do giá trị của bộ trang sức lớn, nên dù đã cho cô dâu nhưng bố chồng là người trực tiếp giữ hộ. Ông cất giữ cẩn thận trong chiếc rương của gia đình. Tuy nhiên, cô luôn nghĩ đó là tài sàn của mình và sau này thằng con trai đầu lấy vợ, cô sẽ tận tay trao cho cô gái may mắn nào sẽ về làm dâu nhà mình. Nhưng cuộc sống dường như không phải khi nào cũng chiều lòng người, sau khi kết hôn, chồng không chịu khó làm ăn, suốt ngày chỉ uống rượu, rồi cũng đến cái ngày cô bị chồng say rượu đánh, đuổi ra khỏi nhà đến nỗi quần áo không kịp lấy chứ nói gì đến bộ đồ trang sức bằng bạc đắt giá. Theo như cô miêu tả thì cả Thẩm phán và Thư ký đều phải kinh ngạc, vì bộ trang sức bằng bạc này nặng đến hơn 10 kg bao gồm vòng cổ, vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây xà tích, rên phần yếm, áo, mũ... được trang trí bởi hàng trăm đồng xu, quả chuông nhỏ, cúc vuông, cúc tròn, ngôi sao, dây chuyền... Cô gái quyết phải đòi bàng được tài sàn này, dù biết người trực tiếp giữ là bố chồng.

Để giải quyết vụ án, Tòa án sẽ cần xác minh vụ việc. Sau khi đã liên lục, trao đổi lên hoạch làm việc cùng với địa phương, Thẩm phán và tôi quyết định lên đường bằng chiếc xe Sirius cũ kỹ nhưng khỏe đi đường rừng của cơ quan đã gắn bó nhiều năm. Chúng tôi đi từ 5 giờ sáng vì được địa phương cho biết quãng đường vô cùng xa xôi vất vả. Nếu may mắn thì đến trưa mới tới được nơi xác minh là nhà của bố chồng cô gái. Hơn nữa, phải đi sớm vì buổi trưa bà con mới đi làm về và trưởng thôn đã thông báo cho bố chồng cô gái lịch làm việc. Ông nhất trí làm việc tại nhà do ông đã già, không thể xuống núi được.

Đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã khoảng 8 giờ sáng, tôi và Thẩm phán nhìn nhau tự hỏi, không hiểu thôn bản nào mà lại xa đến mức trưa mới đến nơi, hay các bộ xã lại hù cán bộ huyện. Xã bố trí một cán bộ và anh trưởng thôn chờ sẵn để đưa chúng tôi xuống bản. Trước khi đi anh trưởng thôn nhìn tôi hỏi: “Chú tay lái thế nào?”, tôi nói “Cũng tạm được ạ”. Mà thực sự thì kinh qua các chặng đường công tác như thế này tôi tự thấy tay lái của mình đã “lụa" lên rất nhiều so với ngày mới ra trường. Hôm đó, ngoài chúng tôi còn có nguyên đơn và mẹ của cô chờ sẵn ở Ủy ban nhân dân xã để cùng đi. Tôi còn trẻ được giao nhiệm vụ chở mẹ cô gái, Thẩm phán mượn xe mô tô của xã xã chở cô gái. Trưởng thôn và công chức tư pháp xã cùng một xe mô tô theo đoàn.

Vượt qua Ủy ban xã 5 km thì chúng tôi bắt đầu đến gần thôn của đương sự. Tôi nghĩ việc di chuyển sẽ không phải là vấn đề, nhưng tôi đã nhầm. Trời bắt đầu đổ mưa, đường trở nên trơn trượt, chiếc xe mô tô của chúng tôi lúc này như con ngựa bất kham, như chỉ chờ tôi nháy mắt thôi thì sẽ phải trả giá ngay tức khắc. Tôi thì đeo kính cận đi sau cùng gắng theo kịp đoàn với những khúc cua vừa trơn vừa gập ghềnh sỏi đá, lên xuống đèo dốc đứng liên tục. Đến đoạn phải chạy xe mô tô dọc suối thì tôi không thể theo kịp. Đến đoạn ngã ba đường nằm sâu trong rừng thì tôi không biết rẽ hướng nào, nhìn điện thoại thì không có sóng để gọi đoàn. Tôi quay lại hỏi mẹ cô gái thì mới phát hiện ra bác không biết tiếng Kinh, cũng không biết viết. Bác chỉ đường bên này, rồi lại chỉ đường bên kia. Tôi rẽ hướng nào bác cũng yêu cầu quay lại. Bất đồng ngôn ngữ, tôi đành dựng xe ven đường và ra hiệu để bác đi trước. Hóa ra từ đây phải đi bộ mới đến được nhà đương sự. Sau này tôi mới biết trước đó đoàn đã gửi xe mô tô ở nhà trưởng thôn cách chỗ tôi vài km.

Chặng đường đi bộ thật gian nan vất vả hơn đi xe máy nhiều lần. Càng đi tôi càng thấm hơn nỗi vất vả của bà con khi phải sống ở khu vực xa xôi, thiếu thốn mọi bề. Bác gái đi cùng cứ chỉ dẫn liên tục mà sao hai bác cháu đi mãi không đến nơi. Chân tôi sưng nề, muỗi và vắt cắn no tôi cũng chẳng buồn gỡ vì mệt quá. Quá trưa, tôi cũng đến nơi nhưng chưa dám vào nhà vì thấy không có ai và cũng không có nhà nào gần đó để hỏi. Chờ khoảng 30 phút thì đoàn cũng vừa đến, anh trường thôn tưởng tôi bị lạc nên cứ chờ làm đoàn đến chậm. Hỏi ra mới biết chúng tôi đã đi bộ bằng hai con đường khác nhau. Lúc này đồng hồ đã chỉ 12 giờ 50 phút, ai nấy đều thấm mệt.

Vấn đề là tìm đương sự ở đâu khi nhà không có ai, hay vì báo trước mà bác lấy lý do đi vắng mất rồi? Đang không biết làm thế nào thì anh trưởng thôn gọi bằng tiếng dân tộc và hú gọi một tràng dài. Vẳng đâu xa lắm là tiếng đáp lại. Anh nói vui: Ở đây vậy đó, không có sóng điện thoại, nếu gọi chỉ có thể “Hú” như vậy. Tôi thì lại nghĩ đến câu hát “Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau”. Đang say sưa nghĩ ngợi và ngắm núi rừng thì dòng suy nghĩ của tôi bị ngắt quãng khi đương sự đã về. Đó là một ông già với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

Mọi thứ không dễ dàng như tôi nghĩ. Đương sự về đến nhà chỉ cho phép đoàn chúng tôi vào nhà uống nước, còn mẹ cô gái và cô gái ông không đồng ý. Theo như trưởng thôn phiên dịch thì khi con dâu đã bị đuổi ra khỏi nhà, ông không cho phép bước quay lại. Phải mất một thời gian thuyết phục ông mới đông ý cho bước qua cửa nhà nhưng cũng không được vào đến chỗ mọi người uống nước. Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu khi thấy ông đặt mạnh con dao lến chiếc rương mà tôi đoán là nơi ông cất giữ bộ trang sức bằng bạc cùng ánh mắt vô cùng cảnh giác. Qua trao đổi của cả đoàn công tác, tôi mới biết ông lo sợ cả đoàn vào cưỡng chế, cướp vòng bạc của ông nên ông sẽ giữ đến cùng. Dù cả đoàn có nói chuyện ra sao ông cũng không thay đổi thái độ.

Bằng tất cả tấm lòng, sự cảm thông và hiểu biết về phong tục, Thẩm phán đã trao đổi, phân tích để đương sự hiểu ra sự khác biệt giữa tập quán địa phương và quy định của pháp luật. Sau khi lắng nghe, ông thoải mái hơn và cho chúng tôi xem bộ đô trang sức bằng bạc với cả sự xúc động và trân trọng. Sau một hồi suy nghĩ ông vẫn quyết định không trả lại bộ trang sức này do đây là tài sản trong gia đình qua nhiều thế hệ, nó có ý nghĩa thiêng liêng không thể vì các con ly hôn mà ông để mất bộ trang sức bằng bạc. Ông chỉ nhất trí sẽ thanh toán giá trị bằng tiền cho cô gái, còn bộ trang sức sau này cháu nội lấy vợ ông sẽ trao lại cho các cháu.

Sau khi được phân tích cô gái đã nhất trí sẽ không nhất quyết đòi lại bộ vòng bạc nữa, bố chồng của cô sẽ giữ nó, để sau này khi con trai của cô lớn lên và dựng vợ theo phong tục nơi đây thì ông nội sẽ đích thân trao lại cho đứa cháu dâu như một niềm nhắn nhủ và hy vọng về hạnh phúc mãi mãi. Ông cũng đề nghị Thẩm phán ghi nhận sẽ hỗ trợ cô một khoản tiền để nuôi con cái, nhất là trong giai đoạn khó khăn này. Như hiểu ra mọi chuyện, cô vui vẻ đồng ý và cũng xin lỗi ông vì sự mâu thuẫn của vợ chồng trẻ trong gia đình đã khiến ông buồn lòng suy nghĩ.

Chuyến công tác thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi thấy đường về tuy xa mà trong lòng phấn chấn đến lạ. Chúng tôi về đến đơn vị khi mọi người đã ăn xong bữa tối. Tay cầm đũa bưng bát cơm vẫn còn run run do dư âm của những con dốc và khúc cua trơn trượt sáng nay nhưng tôi thấy mọi thứ thật ý nghĩa. Chúng tôi đã tìm được lối ra cho vụ án, tìm được phương án giải quyết vấn đề tốt nhất, vừa đúng quy định của pháp luật, vừa phù hợp với tập quán của bà con nhân dân địa phương.

Tôi chợt nghĩ, trong khó khăn chỉ cần mình có cái tâm nhiệt thành với công việc thôi thì kiểu gì cũng sẽ được đền đáp. Những gì xuất phát từ trái tim bao giờ cũng đến được trái tim. Ăn vội bát cơm tôi chợt nhớ, ngày mai còn một cuộc hòa giải các đương sự khác đang chờ chúng tôi.

Đám cưới của người Dao đỏ - Ảnh: ST

BẢO THANH TOÀN ( Thẩm tra viên TAND huyện Chợ Mới, Bắc Kạn)