Nhân xuân Tân Sửu kể chuyện án tranh chấp trâu

Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm Thẩm phán của tôi đó là vụ án giải quyết tranh chấp con trâu xảy ra năm 2013 tại xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc. Lúc đó tôi là Chánh án TAND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khoảng giữa tháng 8/2013, vợ chồng anh Bùi D và chị Trần Thị N ở thôn 8 xã Lộc Hòa gửi đơn khởi kiện về việc đòi lại hai mẹ con trâu, trong điều kiện thời gian chỉ còn lại 1 tháng rưỡi là tổng kết công tác năm. Bản thân tôi còn phải giải quyết hàng chục vụ án đang dang dở chưa xong, tôi nói thật với vợ chồng anh D, chị N “Chúng tôi sắp tổng kết, có gì qua đầu tháng 10 tôi sẽ giải quyết”. Chị N khóc òa, rồi mếu máo nói trong dòng nước mắt “Họ sẽ bán trâu ngay anh à, gia đình tôi chỉ có một tài sản duy nhất có giá trị là hai con trâu, cả đời mới ky cóp mới mua được, chúng tôi đã nhờ Công an huyện hơn 6 tháng rồi mà không được, giờ mới chỉ vợ chồng tôi sang tòa, mong anh giải quyết ngay cho, được hay không chúng tôi cũng thỏa mãn.

Nghe vậy, thoái thác để được việc tổng kết thi đua mà trễ việc dân cần thấy cũng khó, thụ lý phân công Thẩm phán thì ai cũng xin từ chối vì quá khó và đang còn nhiều án, tình thế khiến tôi phải “Miệng làm cai, vai làm Thẩm phán”.

Một vụ án tuy giá trị tranh chấp không lớn, nhưng nếu không giải quyết kịp thời thì chứng cứ sẽ bị “trôi”, vật chứng sẽ không còn. Vì vậy, tôi đã lên một kế hoạch tố tụng “thần tốc” để giải quyết, bằng cả những trải nghiệm của một thời đi chăn trâu và phải áp dụng nhiều biện pháp tố tụng đồng bộ, tôi đã buộc “Con trâu biết nói” trong khoảng thời gian 01 tháng 12 ngày là tuyên được một bản án sơ thẩm để trả lại công lý kịp thời cho các đương sự.

 Bây giờ thỉnh thoảng ngồi đọc lại những tờ báo có tiêu đề “Giá như con trâu biết nói” và đọc lại Bản án sơ thẩm ngày đó, tôi xem như đó là “Án lệ” trong cuộc đời làm Thẩm phán của mình.

            Xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một xã nghèo vùng đồi núi, so với các xã khác thì đất đai tương đối màu mỡ, nằm ở phía Tây của huyện Phú Lộc, thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã. Sau 1975 nơi đây được gọi là vùng kinh tế mới Khe Dài, chủ yếu cho nhân dân các xã Lộc An, Lộc Điền vào làm rẫy. Đến khoản năm 1990 thì được thành lập đơn vị hành chính cấp xã.

Do đặc điểm ven rừng và còn nhiều diện tích hoang vu nên người dân nơi đây có tập quán nuôi trâu thả rông vào rừng để phát triển kinh tế. Tập quán nuôi trâu bò thả rông ấy cũng có nhiều tác hại đến hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Bạch Mã, bên cạnh đó cũng đã phát sinh nhiều tranh chấp trâu bò.

Trâu, bò không mất đi đâu cả nhưng do sống bầy đàn trong rừng cả năm trời, hằng tuần, hoặc hàng tháng những người nuôi trâu mới vào một lần để kiếm trâu, kiểm tra rồi sau đó thả lên lại rừng, chỉ thỉnh thoảng mới lùa về khi cần bán trâu. Mỗi lần lùa trâu về là họ lùa luôn cả đàn, trong đó có trâu của những người khác, sau mấy hôm không ai đi tìm, do nổi lòng tham nên họ nhốt luôn, để nhập với đàn trâu của mình. Do vậy, tình trạng mất trâu cũng xảy ra khá thường xuyên, người mất trâu trình báo nhưng chính quyền, thậm chí cả cơ quan công an huyện nhưng nhiều vụ việc bế tắc, giải quyết chủ yếu bằng hòa giải, không được thì cũng đành chịu, bởi lẽ thu thập chứng cứ về phân định trâu, bò là rất khó.

Cho dù rằng còn cả hàng chục vụ án đã lên kế hoạch xét xử nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm không để vụ án “Tranh chấp trâu” tồn đọng, kịp thời tìm mọi bằng chứng để đưa ra phán quyết.

Sau khi nhận đơn, thụ lý vụ án, tôi đã bỏ một ngày đăng ký làm việc với lãnh đạo thôn và xã để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến hai mẹ con con trâu tranh chấp, cũng như tình hình tập quán nuôi trâu thả rông ở xã Lộc Hòa. Từ những trải nghiệm một thời chăn trâu với kinh nghiệm của ông cha qua các câu tục ngữ “Lạc nhà bắt đuôi chó, lạc cửa ngõ bắt đuôi trâu”.Trâu sống lâu thì thương nhau, người ở lâu thì ghét nhau” đã được tôi vận dụng đưa ra để dùng làm biện pháp thu thập chứng cứ của vụ án.

Sau khi hoàn thành các thủ tục, lấy lời khai đương sự xong, tôi đã trưng cầu giám định về độ tuổi, về các xoáy, màu sắc đồng thời yêu cầu đương sự nhốt trâu lại để giám định và xem xét thẩm định tại chỗ, trực tiếp tại chuồng trâu.

Khi đến chuồng trâu của gia đình bị đơn đang quản lý hai con trâu tranh chấp, chuồng được làm lộ thiên, bằng cọc gỗ và thép gai bao quanh rộng chừng 100 m2, do môi trường chăn nuôi thường xuyên thả vào rừng nên lúc có người lạ trâu phản ứng để tự vệ, chúng đứng dạt về một phía, chỏng sừng và chằm chằm nhìn vào tôi như đe dọa sẽ lao vào tấn công, tôi đứng lặng yên một lát để cho đàn trâu trở lại bình thường và tỏ vẻ thân thiện giống như đang làm quen với chúng để quan sát, tôi thấy giữa đàn trâu của bị đơn với hai mẹ con trâu đang tranh chấp có sự khác biệt rõ về màu sắc, một bên là đàn trâu khoản 30 con rất hung dữ của gia đình bị đơn, lông có màu đen huyền, cặp sừng mỗi con chỉa lên, nhọn hoắc, còn hai mẹ con con trâu đang tranh chấp có màu lông, làn da bạc hơn, nó chỉ đứng riêng lẻ về một phía, tôi thử lùa chung vào thì những con trâu to trong đàn trâu của bị đơn dùng sừng húc đuổi hai mẹ con trâu  chạy ra khỏi đàn. Kiểm tra trên thân thể hai mẹ con con trâu thì có một số vết thương ở mông, có vết đã liền sẹo, có vết còn rướm máu.

Chúng tôi cùng với các giám định viên của Trạm thú y Phú Lộc xem xét ghi nhận, quay video lại diễn biến của việc xem xét. Đặc biệt một tình tiết quan trọng là gia đình bị đơn cho rằng các con trâu đều được làm dấu bằng cách dùng tấm tôn có đường kính khoảng 10 cm nung đỏ rồi đóng dấu vào mông lưng của trâu nhưng khi xem xét tại chỗ thì hai mẹ con trâu tranh chấp không có dấu nung này.

Một tuần sau, cơ quan thú y có văn bản gởi cho Tòa án đưa ra một số kết luận về độ tuổi, về hình dáng, sừng… nhưng cũng chỉ với nhận định “khả năng” là hai con trâu tranh chấp không cùng bầy đàn với đàn trâu của gia đình bị đơn.

Qua những lời khai của đương sự, của người làm chứng và xem xét thẩm định, tuy rằng có nhiều niềm tin hai mẹ con trâu không phải của gia đình bị đơn nhưng tôi vẫn còn băn khoăn, cảm thấy có thể vẫn chưa làm cho đương sự “tâm phục khẩu phục” do vậy tôi tiếp tục “thẩm định” thêm một lần nữa bằng cách mượn đàn trâu của ông Nguyễn T (chủ trâu trước đây đã bán con trâu cho anh D, chị N) để cho toàn bộ đàn trâu của bị đơn trong đó có hai con trâu tranh chấp tiếp cận với đàn trâu của ông Nguyễn T. Sau khi thuyết phục thống nhất và chuẩn bị, vào sáng ngày 5 tháng 9 tôi yêu cầu  hai bên ngẫu nhiên lùa cả hai đàn trâu đến khu vườn trống phía sau trụ sở UBND xã Lộc Hòa, để cho cả 2 đàn “gặp mặt” nhau. Kết quả thật sự bất ngờ là hai mẹ con con trâu lại chạy đến giao đầu “chào hỏi” những con trâu trong đàn trâu nhà ông Nguyễn T, với những cử chỉ gần gủi, thân thiện và những tiếng “ nghẹ” như hỏi thăm nhau sau bao ngày xa cách.

Với những kết quả đã thu thập được, tôi quyết định mở phiên tòa để xét xử vào cuối tháng 9. Diễn biến tại phiên tòa cũng thật gay cấn, bởi lẽ tại giai đoạn này bị đơn đã nhờ một số “thầy dùi” về pháp luật, bày vẽ việc đôi chối, nên có những phản ứng gây gắt, nhất là phản đối các kết quả giám định, thẩm định và việc thu thập chứng cứ của Tòa án. Nhưng mọi việc dường như đã muộn, những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được đã làm cho “Con trâu biết nói”, tôi đã đưa ra phán quyết buộc gia đình bị đơn phải trả lại hai mẹ con con trâu cho gia đình nguyên đơn.

Sau đó, do phía bị đơn kháng cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử phúc thẩm lại vụ án và đã tuyên y án sơ thẩm.

Trong quá trình thi hành án về hai con trâu cũng khá vất vả cho Cơ quan Thi hành án dân sự, bởi lẽ lúc ấy đã phát sinh thêm một con trâu nghé mới, có người hỏi tôi giải quyết con nghé này như thế nào. Tôi nói đùa “ nó là lãi chậm trả trâu nên cần phải thi hành án, bằng không thì phải giải quyết bằng một quan hệ dân sự khác.”

Mấy năm sau tôi trở lại xã Lộc Hòa, giờ đây, người ta không còn chăn nuôi trâu, bò theo kiểu trả rông nữa, tôi nhìn những đồi sim, thỉnh thoảng còn lại vài quả chín mọng đen, hái bỏ vào miệng và mỉm cười về câu chuyện “công lý tìm trâu của mình”.

TRƯƠNG CÔNG THI ( Thẩm phán TANDTTC tại Đà Nẵng)