Bình Thuận: Vì sao chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật

Mặc dù, Bản án hành chính phúc thẩm số 604/2022/HCPT của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án đã có đơn yêu cầu người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, nhưng đến nay các cơ quan chức năng của TP. Phan Thiết cũng như tỉnh Bình Thuận vẫn không thực thi khiến doanh nghiệp “chới với” đến sức tàn, lực kiệt...

Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Diễm H., Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch My My (trụ sở Khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) gửi Tạp chí Tòa án phản ánh nội dung:

Từ năm 2003, khi nắm bắt được thông tin cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất phát triển cụm du lịch Phan Thiết – Mũi Né, Công ty My My đã tiến hành làm hồ sơ đăng ký lập dự án xin thuê đất để đầu tư xây dựng nhà hàng ăn uống và phục vụ sức khỏe tại phường Phú Hài.

Đến ngày 25/11/2003, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận có Tờ trình số 4023/KHĐT-DA trình UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 22/9/2004, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 4105/QĐ-UBND với nội dung thu hồi 19.000m2 đất tại phường Phú Hài (trong đó có 14.553m2 đất của hộ gia đình và 4.447m2 đất do UBND phường Phú Hài quản lý) và giao cho Công ty My My thuê 16.308m2 để thực hiện dự án xây dựng nêu trên.

Sau đó, UBND TP. Phan Thiết ban hành Quyết định 9077/QĐ-UBPT ngày 12/11/2004 để thu hồi 7.527m2 đất của hộ ông Trần Thúc Dương. Quyết định số 6925/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của UBND TP. Phan Thiết về việc điều chỉnh quyết định 9077 thu hồi tăng thêm 529m2. Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 10/4/2009 và 3629/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND TP. Phan Thiết về việc bồi thường đất, tài sản cho hộ ông Dương.

Tiếp đến, UBND TP. Phan Thiết đã ra quyết định cưỡng chế thi hành các quyết định thu hồi đất nhưng sau đó lại tạm dừng. Từ ngày 12/6/2012, hộ ông Trần Thúc Dương đã khởi kiện hành chính UBND TP. Phan Thiết ra tòa án.

Dự án hiện nay cỏ cây mọc um tùm

Được biết, kể từ khi được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi và giao đất cho thuê, Công ty My My đã đầu tư gần chục tỷ đồng xây dựng các công trình trên đất theo quy hoạch. Tuy nhiên, dự án đình trệ, nhiều công trình đầu tư nhiều tỷ đồng cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bỏ hoang phế gần 2 thập kỷ, có những công trình không chịu được đã sập đổ.

Chứng kiến công trình với những thân gỗ một người ôm không hết, đồ sộ ngày nào giờ đã mục rỗng, xiu vẹo, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào ai cũng cảm thấy xót xa, tiếc nuối. Với bao tâm huyết, hoài bão và tài sản của doanh nghiệp “đổ” vào dự án nhưng bị “treo” gần 02 thập kỷ đang bào mòn, vùi dập sức khỏe doanh nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Thị Diễm H., Giám đốc Công ty My My đau xót cho biết: “Những công trình xây dựng hàng chục năm, rồi cứ đổ sập vì mưa bão, thời tiết… Hàng chục tỷ đồng tài sản của doanh nghiệp cứ thế không cánh mà bay. Với mong muốn góp phần xây dựng Phan Thiết ngày càng giàu đẹp, văn minh nhưng gặp hoàn cảnh này, nhiều lúc doanh nghiệp như kiệt sức…”.

Mới nhất, ngày 03/4/2023, Tòa án nhân dân tối cao có Văn bản số 1285/CV-TANDTC gửi Công ty TNHH Thương mại du lịch My My khẳng định “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án trên”. Tức là, Bản án số 604/2022/HCPT ngày 09/8/2022 của Tòa án cấp cao tại TP.HCM vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật.

Trước đó, Bản án của Tòa án cấp cao tại TP.HCM nhận định:

Quyết định số 6925/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của UBND TP. Phan Thiết “về việc điều chỉnh diện tích đất thu hồi của hộ gia đình ông Trần Thúc Dương tại Quyết định số 9077/QĐ-UBPT ngày 12/11/2004 của UBND TP Phan Thiết là đúng thẩm quyền… Việc Phó chủ tịch ký thay Chủ tịch UBND TP không vi phạm quy định tại Điều 126 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003.

Về các Quyết định số 1914/QĐ-UBND và Quyết định số 3629/QĐ-UBND đều thể thể hiện cơ quan ban hành là UBND TP. Phan Thiết… Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định các quyết định trên ban hành đúng hình thức và thẩm quyền là có căn cứ.

Theo thời gian công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng

Bản án nêu rõ: Việc Công ty My My sử dụng đất để thực hiện dự án kinh doanh tại phường Phú Hài nêu trên là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 2408/QĐ-CTUBBT ngày 20/11/1998, đồng thời phù hợp với Quyết định số 1423/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Bản án khẳng định: Hồ sơ dự án đầu tư của Công ty My My đã được các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và phê duyệt chấp thuận cho phép thực hiện dự án từ ngày 12/12/2003 là trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành.

UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 4015/QĐ-CTUBT ngày 22/9/2004 về việc thu hồi và cho Công ty My My thuê đất để thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, ngày 12/11/2004, UBND TP. Phan Thiết ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân là phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm ban hành.

Bản án khẳng định có căn cứ xác định dự án của Công ty My My đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư trước ngày 01/7/2004 nên thuộc trường hợp Nhà nước ra quyết định thu hồi đất và bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, vào ngày 06/11/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trương có Văn bản số 6257/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Việc thu hồi đất, cho thuê đất thực hiện dự án xây dựng nhà hàng ăn uống và dịch vụ phục hồi sức khỏe Mimispa được áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2004. Pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2004 không có quy định nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 4105/QĐ-CTUBT ngày 22/9/2004 về việc thu hồi và cho Công ty My My thuê đất là phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm ban hành.

Căn cứ các quy định pháp luật, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao đã có hiệu lực thi hành và các bên đương sự buộc  phải chấp hành, pháp luật nghiêm cấm việc chây ì, trì hoãn thi hành án. Tuy nhiên, đến nay,  doanh nghiệp vẫn phải gửi đơn cầu cứu khắp các cơ quan, ban ngành để đề nghị thi hành bản án, tiếp tục thực hiện các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Bình Thuận và UBND TP. Phan Thiết để doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà hàng, chăm sóc phục hồi sức khỏe.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân qua tin nhắn,  ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết ngắn gọn, “việc này tỉnh và các sở đã họp triển khai”.

Có thể thấy rằng, Bản án của Tòa án đã bị trì hoãn, chậm trễ thi hành án, Mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Thuận sớm có phương án tháo gỡ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. 

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 về Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thi hành:

Điều 309. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành

1. Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

Theo khoản 2 Điều 311. về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Thời hạn tự nguyện thi hành án được xác định như sau:

a) Người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

b) Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án quy định tại khoản này bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

3. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật này.

Tại Nghị định Số: 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016,Chính phủ ban hành Nghị định quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án như sau:

Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án

1. Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu.

2. Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

3. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Điều 8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án

1. Kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc.

TRANG ANH