Bàn về giới hạn chứng minh và nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự

Xác định sự thật của vụ án là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam. Đây là những tư tưởng làm nền tảng, định hướng và chi phối toàn bộ tố tụng hình sự trong đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được toàn bộ sự kiện phạm tội đã xảy ra trên thực tế một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, hợp pháp và phải bảo đảm cho người bị buộc tội chứng minh sự vô tội của mình. Bài viết phân tích một số vấn đề về chứng minh đến đâu thì được coi là sáng tỏ được sự thật của vụ án, chủ thể có nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự.

1.Giới hạn chứng minh

Xác định sự thật của vụ án phải có điểm dừng. Đây chính là giới hạn của quá trình xác định sự thật của vụ án. Việc xác định giới hạn này luôn được đặt ra trong quá trình chứng minh nhằm xác định sự thật của vụ án và được cụ thể hoá trong Luật tố tụng hình sự (TTHS) bằng giới hạn chứng minh. Điều này xuất phát từ ý nghĩa của nó trong TTHS:

Một là, nếu xác định giới hạn chứng minh quá rộng thì hoặc là lãng phí thời gian và nguồn lực, không tập trung làm rõ được những vấn đề bản chất của vụ án hoặc rơi vào tình trạng “bất khả tri”, kết luận mơ hồ không biết thế nào là đủ làm cho quá trình giải quyết vụ án không có điểm kết thúc.

Hai là, nếu xác định giới hạn chứng minh quá hẹp thì dẫn đến bỏ sót các tình tiết có ý nghĩa pháp lý hình sự và TTHS, thu thập không đầy đủ tài liệu chứng cứ dẫn đến kết luận, bản án không đủ sức thuyết phục từ đó không những bỏ lọt tội phạm mà còn làm oan người vô tội.

Thực tế đó đặt lại câu hỏi về thế nào là sự thật của vụ án và điểm dừng của con đường đi tìm sự thật khách quan ấy là ở đâu và khi nào? Tôn trọng sự thật khách quan, việc điều tra, xét xử phải đi đến sự thật khách quan là điều cần thiết, nhưng cái gì là sự thật lại là vấn đề rất phức tạp và còn nhiều tranh cãi trong TTHS. Để giải quyết vấn đề này cần dựa trên nền tảng của lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng bởi quá trình xác định sự thật của vụ án là quá trình nhận thức để đạt được chân lý. Chân lý trong TTHS là sự kiện vật chất của vụ án hình sự được phản ánh trong kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở xác định bằng các chứng cứ thông qua các biện pháp hợp pháp và đã đánh giá chúng dưới góc độ pháp lý hình sự. Như vậy, chân lý trong tố tụng hình sự có tính pháp lý. Vì nó được xác định bằng sự hỗ trợ của các biện pháp được chỉ ra trong luật tố TTHS, trong trật tự pháp lý tố tụng nhất định và chặt chẽ. Điều đó cho thấy, chân lý được xác định trong vụ án là sự thể hiện ở sự phù hợp giữa các kết luận của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án với sự thật của vụ án diễn ra trong thế giới khách quan. Những kết luận đó chỉ được rút ra từ các thông tin đã được thu thập và nghiên cứu theo trật tự tố tụng được luật quy định.

Nhận thức của con người là một quá trình. Từ chưa biết đến biết, từ biết chưa đầy đủ đến biết đầy đủ, từ biết bộ phận đến biết toàn thể. Tương ứng với nó là cấp độ nhận thức. Trên cơ sở đó khẳng định đầu tiên là: Điểm dừng của con đường đi tìm sự thật khách quan ấy chính là giới hạn chứng minh.Về giới hạn chứng minh trong khoa học Luật TTHS còn nhiều quan điểm khác nhau

điểm thứ nhất, đồng nhất giới hạn chứng minh với đối tượng chứng minh. Theo đó, giới hạn chứng minh là giới hạn các vấn đề cần chứng minh bao gồm các nhóm nội dung cần chứng minh (đối tượng chứng minh).

Quan điểm thứ hai, xác định giới hạn chứng minh là giới hạn nội dung chứng minh thuộc vấn đề cần chứng minh. Đó là số tài liệu, chứng cứ cần và đủ để chứng minh cho các tình tiết đó[2].

 Khái niệm đối tượng chứng minh gần với khái niệm sự thật của vụ án là tổng hợp những sự kiện và tình tiết của vụ án phải được xác định bằng chứng cứ để giải quyết vụ án đúng đắnđối tượng chứng minh chỉ ra yêu cầu đối với xác định sự thật của vụ án là chứng minh cái gì, thì giới hạn chứng minh xác định chứng minh đến đâu thì được coi là đủ.           

“Giới hạn chứng minh là tổng hợp những chứng cứ khác nhau, đủ và cần thiết cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn” . Như vậy, đối tượng chứng minh và giới hạn chứng minh là hai vấn đề khác nhau[5]. Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng: Đối tượng chứng minh là các tình tiết do luật định nói lên mục đích mà hoạt động chứng minh cần đạt được. Còn giới hạn chứng minh nhằm chỉ rõ khối lượng chứng cứ cần và đủ để xác định một cách khách quan, toàn diện các tình tiết có ý nghĩa đối với việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án[6]

Giới hạn chứng minh dừng ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cần thiết chứng minh cho những đối tượng cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, vấn đề là xác định thu thập chứng cứ thế nào là đủ và chứng minh đến đâu là đủ?

Lý luận về chứng cứ cũng như chứng minh trong TTHS đưa khái niệm “nghi ngờ hợp lý”- resonable doubt “vượt qua nghi ngờ hợp lý”- beyon reasonable doubt. Đây là hiện tượng của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự và đồng thời cũng là giới hạn chứng minh, hay là giới hạn cho vấn đề đủ của chứng cứ cũng như tiêu chuẩn đảm bảo chân lý trong các kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành TTHS trong nhiều mô hình TTHS.

Theo nguyên lý này, kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo không còn nghi ngờ hợp lý. Ngược lại, nếu kết luận đó vẫn còn nghi ngờ hợp lý thì quá trình chứng minh chưa đủ để kết tội. Nghi ngờ hợp lý đó chính là sự chưa đầy đủ về chứng cứ để buộc tội hoặc chưa rõ ràng về pháp luật. Nếu còn tồn tại các nghi ngờ hợp lý này, quá trình xác định sự thật của vụ án chưa thành công. Mặt khác, nếu đã tìm đủ mọi biện pháp trong giới hạn luật định mà không triệt tiêu được những nghi ngờ hợp lý trên thì một người luôn vô tội và quá trình xác định sự thật của vụ án cũng kết thúc. Sự thật ở đây là một người không thực hiện tội phạm.

Nghi ngờ hợp lý  là tiêu chuẩn chứng minh có tội và là một trong những khái niệm phức tạp nhất của tư pháp. Từ tòa án quận cho tới Tòa án tối cao Mỹ, chưa ai có đủ khả năng để đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về vấn đề này.

Nghi ngờ hợp lý thuộc phạm vi của quyền được truy tố theo trình tự pháp luật. Nó liên quan chặt chẽ với nguyên tắc suy đoán vô tội. Nghi ngờ hợp lý và suy đoán vô tội dịch chuyển gánh nặng xác định sự thật của vụ án bằng chứng chứng minh có tội sang cho bên buộc tội, thay vì người bị nghi ngờ phải tự khai ra. Chính vì vậy, suy đoán vô tội có thể sẽ bị vô hiệu hóa nếu không thấy nhắc tới tiêu chuẩn chứng minh có tội. Một cáo buộc về tội phạm của bên công tố được tòa án chấp nhận khi nó “vượt qua được nghi ngờ hợp lý(beyon a reasonable doubt). Ngược lại, chứng minh chưa vượt qua được nghi ngờ hợp lý hay vẫn còn nghi ngờ hợp lý bị coi là chưa thành công và bị cáo không phạm tội. Việc áp dụng tiêu chuẩn chứng minh “vượt quá yêu cầu nghi ngờ hợp lý” được tóm tắt như sau:  Một phiên tòa hình sự thực chất là quá trình tòa án nhận thức sự kiện phạm tội (chân lý) để áp dụng pháp luật hình sự. Quá trình này gồm luôn gồm ba yếu tố: chứng cứ, luật áp dụng, và áp dụng luật vào sự kiện phạm tội dựa vào chứng cứ đã thu thập được. Việc áp dụng luật vào sự kiện phạm tội  dựa vào chứng cứ phải đạt dựa trên tiêu chuẩn nhất định. Một trong những tiêu chuẩn được các tòa án áp dụng là: Vượt quá nghi ngờ hợp lý. Nói cách khác, “vượt quá nghi ngờ hợp lý” có thể được diễn giải là “không còn nghi ngờ gì nữa” tuy vẫn có thể không đạt 100% nhưng có sác xác suất hoặc mức độ chắc chắn trên 95%. Trong vụ án hình sự công tố viên phải có gánh nặng chứng minh các sự kiện và chứng cứ của họ vượt quá nghi ngờ hợp lý để buộc tội bị cáo. Tòa án đòi hỏi tòa tiêu chuẩn này vì việc buộc tội một người rất quan trọng, và đòi hỏi bằng chứng khá chắc chắn để có thể áp dụng trách nhiệm hình sự tước đi những tự do của bị cáo.Trong phiên họp bồi thẩm đoàn, sau khi bỏ phiếu quyết định, thông thường mọi người tham gia vàotranh luận, và ai cũng phải cố thuyết phục người khác theo ý mình. Do đó, ai cũng phải trình bày lý do tại sao họ bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý với tội phạm đưa ra. 

Ở Mỹ, trong vụ án nổi tiếng Commonwealth v. Webster 5 Cush. 295, 59 Mass. 295 March, 1850[7], Thẩm phán Shaw đưa ra định nghĩa nghi ngờ hợp lý như sau: Nghi ngờ hợp lý không chỉ đơn thuần là khả năng có nghi ngờ. Bởi vì trong mọi chuyện liên quan đến con người và chứng cứ đạo lý, sự tồn tại của nghi ngờ là mặc định. Chính vì vậy, tiêu chuẩn Vượt quá nghi ngờ hợp lý không phải là hoàn toàn không có tí nghi ngờ nào[8]. Chúng ta cảm thấy vượt quá tiêu chuẩn nghi ngờ hợp lý khi:  Sau khi xem xét các chứng cứ  tòa án có thể “cảm thấy” các chứng cứ của vụ án đều chỉ ra là bị cáo có tội. Sự “cảm thấy” này không thể chỉ là “linh cảm” dựa vào “trực giác”, mà nó phải xuất phát từ bằng chứng đạo lý của con người. Do đó, cảm giác này được định nghĩa là sự chắc chắn của đạo lý.       

Định nghĩa trên được phần lớn các tòa coi trọng. Bang California thậm chí còn hợp thức hóa 3 điều trên của Shaw thành luật tiểu bang. Thế nhưng, định nghĩa này lại bị chỉ trích bới tính không rõ ràng.

Một thẩm phán khác là Ginsburg đã có giải thích khác về Nghi ngờ hợp lý như sau: “Vượt qua nghi ngờ hợp lý có nghĩa là, sau khi thu thập toàn bộ bằng chứng, ta cảm thấy một sự kiên quyết là bị cáo có tội. Ngược lại, nếu sau khi thu thập bằng chứng mà ta vẫn có cảm giác có thể bị cáo vô tội, thì tiêu chuẩn của nghi ngờ hợp lý đã không được thỏa mãn.”[9]

Hiện tại, chỉ có một số tòa áp dụng định nghĩa mới của Ginsburg và một số khác cố gắng tự nghiên cứu và thử nghiệm định nghĩa riêng của mình, đa số vẫn áp dụng định nghĩa của Shaw. Theo đó, bị cáo sẽ được được tha bổng nếu bồi thẩm đoàn cho rằng tội trạng ghép cho bị cáo chưa được chứng minh đến mức “không còn một nghi vấn hợp lý”; tức là các bồi thẩm viên có tâm trạng còn phân vân chưa tin chắc rằng tội trạng có thật. Như vậy, mọi bằng chứng phải đủ để vượt qua nghi ngờ hợp lý là một trong những tiêu chuẩn để xác định giới hạn chứng minh trong TTHS. Theo đó, sự thật về việc bị cáo phạm tội chỉ được công nhận khi không thể đặt ra một giả thuyết, một chứng cứ nào khác ngoài các giả thuyết và chứng cứ xác định bị cáo phạm tội. Ngược lại nếu vẫn còn tồn tại những chứng cứ, những giải thuyết khác thì sự thật ở đây đồng nghĩa với công lý là bị cáo không phạm tội.

Về vấn đề giới hạn chứng minh sự thật của vụ án, pháp luật TTHS một số nước đã khẳng định kết luận có tội phải dựa trên bằng chứng cứ rõ ràng và thuyết phục. Chẳng hạn,  Luật TTHS Đức quy định tại Điều 26a: “Tòa án sẽ quyết định độc lập về kết quả chứng minh trên cơ sở tranh tụng cụ thể tại phiên tòa[10]

Theo Luật TTHS Canada, người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh có tội tại toà án luật định. Nhà nước phải chứng minh mỗi yếu tố cấu thành tội phạm của bị cáo bị buộc tội với “nghi ngờ có căn cứ”. Tiêu chuẩn để xác định “nghi ngờ có căn cứ” được Toà án tối cao Canada giải thích như sau:

Một nghi ngờ có căn cứ không phải là nghi ngờ dựa trên lẽ phải và khả năng khám phá thông thường;

Một nghi ngờ có căn cứ không phải là nghi ngờ dựa trên sự đồng cảm hay định kiến;

Nghi ngờ này không đòi hỏi phải chứng minh cho một điều chắc chắn, tuyệt đối;

Nghi ngờ này phải là nghi ngờ được kết nối một cách hợp lý đối với chứng cứ hoặc không chứng cứ;

Nghi ngờ này không phải là bằng chứng chắc chắn nhất cũng không phải là một nghi ngờ tưởng tượng;

Nghi ngờ có căn cứ được đòi hỏi hơn là chứng minh rằng bị cáo có tội – một thẩm phán chỉ kết luận rằng bị cáo có thể là có tội thì phải tuyên vô tội;

Chứng minh được khi không có sự nghi ngờ có căn cứ về điều gì đó gần với sự chắc chắn tuyệt đối hơn là gần với khả năng có tội

Ở Việt Nam Điều 10 Bộ luật TTHS 2013 và Điều 15 BLTTHS 2015 quy định: Các cơ quan tiến hành tố tụng… phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Làm rõ những chứng cứ xác định có tội và vô tội, những tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.

Như vậy, trong TTHS Việt Nam hiện nay, giới hạn chứng minh chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể kiểu như “vượt qua nghi ngờ hợp lý” như một số nước mà chỉ quy định giới hạn chứng minh mang tính chất định tính là: các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Giới hạn chứng minh cũng chính là cơ sở để xác định các giai đoạn TTHS cần thiết trong giải quyết vụ án hình sự. Tùy vào khả năng và điều kiện thực tiễn mà mỗi quốc gia sẽ quy định những vấn đề cần chứng minh và con đường xác định sự thật khách quan để đạt đến chân lý khách quan trong TTHS.   

  1. 2.Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự

Một trong những nội dung của nguyên tắc xác định sự thật của vụ án là xác định chủ thể có nghĩa vụ chứng minh trong TTHS.  Để làm rõ nội dung này cần đi từ lịch sử của vấn đề. Nghĩa vụ chứng minh nội dung còn gọi là nghĩa vụ thuyết phục, nghĩa vụ khẳng định, nghĩa vụ nội dung, nghĩa vụ theo luật, nghĩa vụ khách quan …. là nghĩa vụ được ấn định cho nguyên đơn, công tố và không thể chuyển cho bên kiaChủ thể có nghĩa vụ chứng minh sẽ thua kiện nếu anh ta không thực hiện được việc chứng minh của mình. Để chứng minh, họ phải không chỉ xuất trình các chứng cứ, mà còn phải đưa ra lập luận viện dẫn các cơ sở thực tiễn, logic và pháp lý cho các yêu cầu đó. Người ta gọi nghĩa vụ chứng minh là “nghĩa vụ thuyết phục các quan tòa”. Trong thực tiễn và học thuật, “nghĩa vụ chứng minh nội dung” (burden of persuasion) tương đương “nghĩa vụ chứng minh” (burden of proof)[13]. Ngay từ thời La Mã cổ đại, một tố cáo được đệ trình lên tòa cũng có nghĩa là bên tố cáo đã đặt phía bên kia vào một trạng thái bất lợi (bị cáo buộc) và cũng đồng thời tự ràng buộc mình vào tình trạng phải cân nhắc về nghĩa vụ chứng minh để tránh bị hiểu là lạm dụng quyền khởi kiện. Bởi vậy, trách nhiệm chứng minh thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định (onus probandi actori incumbit). Người đi kiện phải chứng minh cho giả thuyết của mình đã đưa ra là có cơ sở và hoàn toàn không lạm dụng việc khởi kiện (tức là khởi kiện không có căn cứ). Nguyên tắc onus probandi actori incumbit còn được áp dụng đối với cả những phản tố của các đương sự khác không phải là nguyên cáo, khi đó, nó được hiểu là “nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khẳng định, chứ không phải là bên từ chối” (ei incumbit probatio, qui dicit, non qui negattừ chối ở đây được hiểu là bên bị không thừa nhận cáo buộc của bên nguyên. Anh ta sẽ xuất trình chứng cứ cho sự từ chối hay bác bỏ này theo yêu cầu của tòa án, nhưng việc chứng minh cho sự không đúng sự thật của cáo buộc chỉ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của anh ta. Trường hợp bên nguyên không thuyết phục được tòa án về tính có căn cứ của cáo buộc, cáo buộc sẽ bị bác bỏ và việc phản đối hay từ chối cáo buộc không cần thiết phải chứng minh.

Trong các vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh được đặt lên vai cơ quan công tố, cơ quan này phải làm sáng tỏ trước khi quan tòa ra phán quyết, rằng bị cáo đã thực hiện một tội phạm và tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả hành vi của anh ta tương xứng với những hình phạt nhất định. Nghĩa vụ chứng minh của bên buộc tội còn được giải thích từ mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Theo đó, Nhà nước với tư cách là một tổ chức quyền lực công cộng, tồn tại bằng tiền thuế của người dân và các nguồn lực xã hội chung phải có nghĩa vụ bảo vệ xã hội trước sự xâm phạm của tội phạm.

TTHS nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định về nghĩa vụ chứng minh. Khoản 2 Điều 14 Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định: “Người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Trách nhiệm chứng minh sự buộc tội và bác bỏ những lý do nhằm bảo vệ cho người bị tình nghi và bị can, bị cáo thuộc bên buộc tội”[15]. Bên buộc tội theo luật TTHS Liên bang Nga là: kiểm sát viên, dự thẩm viên, cơ quan điều tra ban đầu, nhân viên điều tra ban đầu, người bị hại, tư tố viên, nguyên đơn dân sự, người đại diện của họ.

Trách nhiệm chứng minh cũng được bộ luật TTHS Hàn Quốc quy định tại Điều 275-2: “Bị cáo sẽ được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội”[16].

Trong khoa học Luật TTHS Việt Nam có tranh luận về chủ thể xác định sự thật của vụ án là Toà án và người bào chữa. Tranh luận này xuất phát từ vấn đề các chức năng buộc tội, gỡ tội, xét xử trong TTHS ở Việt Nam chưa phân định rõ ràng.

Xuất phát từ chức năng của TTHS bao gồm chức năng buộc tội, gỡ tội (bào chữa) và xét xử, có ý kiến cho rằng trong TTHS, toà án luôn phải là bên thứ ba vô tư để phán quyết, do đó, toà án phải được thoát ra khỏi vai trò theo đuổi mục đích đi tìm sự thật khách quan của vụ án, để rồi từ đó đóng luôn cả vai trò của phía buộc tội. Việc toà án có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo những quy định như tại Điều 179 BLTTHS là biểu hiện của việc vi phạm nguyên tắc quan trọng của tố tụng tranh tụng là: Một chủ thể tố tụng chỉ thực hiện một chức năng tố tụng. Toà án trong tố tụng tranh tụng chỉ xét xử trong phạm vi và mức độ buộc tội theo nguyên lý “nemo judex sine actore[17] – sẽ không có xét xử nếu không có bên nguyên.

Cùng quan điểm này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí cho rằng: Với định hướng phân định rõ chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng như Nghị quyết số 49/NQ-TW Về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã nêu thì nên bỏ trách nhiệm chứng minh tội phạm của tòa án do trách nhiệm này thuộc chức năng của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Mặt khác, việc phải chứng minh tội phạm sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan của Tòa án khi ra bản án và phán quyết của mình, đồng thời thiên chức “trọng tài anh minh”, “người cầm cân nảy mực” của tòa án dễ bị hiểu sai lệch. Vì vậy, nguyên tắc này cũng nên sửa đổi theo hướng toà án không có trách nhiệm chứng minh tội phạm[18].

Quan điểm thứ hai khẳng định, trong TTHS Toà vẫn là chủ thể xác định sự thật của vụ án. Đây là quan điểm khá phổ biến trong khoa học luật TTHS ở Việt Nam hiện nay. Các quan điểm này chủ yếu dựa trên cơ sở luật thực định tức là căn cứ vào điều 10 BLTTHS 2003 và Điều 15 Bộ luật TTHS 2015 quy định “các cơ quan THTT có nghĩa vụ phải chứng minh”. Pháp luật TTHS quy định như vậy xuất phát từ sự khác nhau về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động TTHS, nên việc chứng minh có tội hay không có tội phải do cơ quan và người tiến hành tố tụng. Điều đó thể hiện tính nhân đạo cách mạng, bởi vì chỉ cơ quan nhà nước mới có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện hoạt động chứng minh có tội hay không có có tội

Theo chúng tôi, việc toà án có nghĩa vụ xác định sự thật hay không theo chúng tôi nằm ở mục đích của TTHS và mô hình tố tụng hình sự . Nghiên cứu các mô hình tố tụng và tố tụng hình sự của nhiều nước, cho thấy không phải mục đích của mô hình tố tụng nào cũng giống nhau. Trên cơ sở các mục đích khác nhau đó, TTHS được thiết kế và vận hành theo các mô hình và cơ chế khác nhau. Ngoài ra, quan niệm về sự thật của vụ án ở các mô hình tố tụng cũng không đồng nhất.

Trong mô hình tố tụng thẩm vấn, người ta cho rằng, mục đích của TTHS là xác định sự thật khách quan và lấy việc phát hiện tội phạm làm nhiệm vụ quan trọng nhất. Chính vì vậy, hệ thống TTHS đề cao vai trò của Nhà nước trong TTHS nói chung và trong quá trình tìm kiếm sự thật của vụ án nói riêng. Nói cách khác, toàn bộ thiết chế của TTHS bao gồm cả toà án được huy động để thực hiện nhiệm vụ này. Toà án có nhiệm vụ xác định sự thật (chứng minh).

Trong mô hình tố tụng tranh tụng, mục đích cũng là tìm kiếm sự thật đó là sự thật pháp lý chứ không phải sự thật khách quan. Sự thật pháp lý được diễn giải theo nguyên tắc “cái không có trong hồ sơ vụ án là cái không tồn tại” (quod non est in actua non in mundo). Chính vì vậy, tố tụng tranh tụng ưu tiên bảo vệ quyền con người trong TTHS, coi TTHS là sự giải quyết tranh chấp giữa công quyền và phía bên kia là người bị tình nghi, luật nội dung- luật hình sự không được quan tâm bằng luật hình thức- luật tố tụng. Tố tụng tranh tụng coi trọng sự bình đẳng của các bên buộc tội và gỡ tội, đồng thời toà án là bên thứ ba để phán quyết chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh.

Bên cạnh đó, nếu tố tụng thẩm vấn xác định điểm dừng của tố tụng là khi tìm được sự thật khách quan thì tố tụng tranh tụng nhiều khi chấp nhận điểm dừng của tố tụng chính là sự thoả mãn nhu cầu của các bên buộc tội và gỡ tội. Việc toà án có là chủ thể có nghĩa vụ xác định sự thật khách quan hay không phụ thuộc vào mục đích và mô hình tố tụng cụ thể. TTHS Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn, mục đích là xác định sự thật của vụ án, nhấn mạnh việc phát hiện xử lý tội phạm hơn bảo vệ quyền con người, chính vì vậy trong TTHS Việt Nam, toà án có nghĩa vụ phải xác định sự thật của vụ án. Điều này được thể hiện ngay trong Điều 1 BLTTHS năm 2003, mặc dù không sử dụng khái niệm “mục đích” nhưng đã dùng từ “nhằm”. Trong tiếng Việt “nhằm” cũng có thể được hiểu là mục đích cần đạt đượcTheo đó, TTHS có mục đích “phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý “công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. TTHS Việt Nam cũng có mục đích bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là toà án chứng minh sự thật của vụ án như thế nào, việc xác định sự thật của vụ án của toà án bị quy định bởi đặc trưng của hoạt động xét xử ra sao và làm thế nào để toà án thực hiện việc xác định sự thật của vụ án là nhiệm vụ mà luật TTHS Việt Nam cần quy định cụ thể.

Vấn đề tiếp theo đang tranh luận trong khoa học luật TTHS đó là người bào chữa có nghĩa vụ phải chứng minh sự thật của vụ án hay không? Có quan điểm cho rằng: Nghĩa vụ chứng minh là nghĩa vụ bảo vệ các quan điểm của mình đưa ra, nghĩa vụ tạo điều kiện để xác định sự thật của vụ án, nên nó không chỉ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng mà bao gồm cả những người tham gia tố tụng

Để giải quyết vấn đề nghĩa vụ chứng minh của người bào chữa cần xuất phát từ chức năng bào chữa trong TTHS. Chức năng bào chữa là phương diện hoạt động trong TTHS, trong đó chủ thể thực hiện các quyền bào chữa của mình. Quyền bào chữa là tập hợp các quyền tố tụng, nhờ đó mà họ có thể đưa ra chứng cứ bảo vệ, phản bác lại kết luận buộc tội, đưa chứng cứ gỡ tội hoặc làm giảm bớt trách nhiệm hình sựbào chữa có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của bị can, bị cáo hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ. Nhưng nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ trong quan hệ với bị can, bị cáo chứ không phải nghĩa vụ chứng minh trong TTHS. Bởi lẽ, nếu người bào chữa không đưa ra được chứng cứ, lập luận chứng minh bị can, bị cáo vô tội hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì không được phép khẳng định bị can, bị cáo phạm tội. Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng không được phép dùng các biện pháp cưỡng chế để buộc người bào chữa phải có nghĩa vụ chứng minh.

Hơn nữa, nếu xét quan hệ trong TTHS, người bào chữa thuộc bên gỡ tội và đúng nguyên lý trách nhiệm chứng minh thuộc bên buộc tội như đã nói ở trên thì việc yêu cầu người bào chữa bắt buộc phải có nghĩa vụ chứng minh là không phù hợp. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng trong TTHS, người bào chữa không phải là chủ thể có nghĩa vụ xác định sự thật của vụ án.

Từ việc khẳng định trách nhiệm xác định sự thật của vụ án thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, Luật TTHS phải thiết kế các quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đảm tính bảo hợp lý, hiệu quả nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.

 

[1] Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, nxb Tư pháp, 2006, tr. 17.

[2] Nguyễn Văn Tiệp, Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Cao học Luật, Viện Nhà nước và Pháp luật năm 1997, Tr. 31

[3] M.X Xtroigovic, Lý luận chứng cứ,  nxb Khoa học Matxcova, tr. 172.

[4] Trường Cao đẳng kiểm sát, Giáo trình công tác Kiểm sát, Tập 1, nxb Công an Nhân dân, Hà Nội 1996, tr. 49

[5] Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, nxb Tư pháp 2006, tr.28-29

[6] Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, Nxb Tư pháp 2006, tr.30.

[7] http://masscases.com/cases/sjc/59/59mass295.html, truy cập, 7/11/2017

[8] [8] https://en.wikipedia.org/wiki/Lemuel_Shaw, truy cập 30/10/2017

[9] http://www.nytimes.com/1994/03/23/us/high-court-warns-about-test-for-reasonable-doubt.html, truy cập 7/11/2017

[10] https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stpo/englisch_stpo.html, truy cập ngày 8/11/2017

[11] Thẩm phán Nancy Philip, Vai trò của Thẩm phán và Toà án trong hệ thống tư pháp hình sự Canada, Kỷ yếu hội thảo về sửa đổi Bộ luật TTHS do Hiệp hội luật sư Canada và Hội luật gia Việt Nam tổ chức, Hà Nội tháng 3/2011

[12] Ngô Vĩnh Bạch Dương, Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 7 năm 2015, tr. 23.

[13] Trần Quang Tiệp, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam, nxb Chính trị quốc gia năm 2005, tr. 24.

[14] Ngô Vĩnh Bạch Dương Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng, Tạp chí Ngiên cứu lập pháp số 7 năm 2015, tr. 24

[15] Viện Khoa học Kiểm sát, Bộ luật TTHS Liên Bang Nga, Hà Nội, năm 2003, tr. 25

[16] Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ luật TTHS Hàn Quốc, Hà Nội năm 1998, tr.73

[17] Đào Trí Úc, Xác định tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm, Tạp chí Kiểm sát số 4 năm 2014, tr. 27

[18]Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền,  Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội năm 2004, tr. 156.

[19] Phùng Thế Vắc, Lý luận về chứng cứ và sự vận dụng nó trong quá trình chứng minh đối với vụ án gián điệp ở giai đoạn điều tra trong TTHS Việt Nam, Luận án Tiến sỹ luật học, 1997, tr. 33

[20] Đào Trí Úc, Tố tụng hình sự Việt Nam xây dựng theo mô hình nào? Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5/2013, tr. 27

[21] Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, nxb Tư pháp 2006, tr.33

[22] I.A Vưsinxki, Lý luận về chứng cứ tư pháp trong pháp luật Xô viết, Tòa án nhân dân Tối cao, năm 1967, tr. 381

[23] Trần Đình Nhã, Nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam, trong sách Tội phạm học, Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật, NXB Chính trị quốc gia 1994, tr. 387

TS. ĐINH THẾ HƯNG ( Viện Nhà nước và Pháp luật) - ThS. NGUYỄN TRƯỜNG GIANG (Học viện Cảnh sát nhân dân)