BÀN VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN THEO QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 5 ĐIỀU 397 CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) dành hẳn Chương III trong Phần thứ nhất - Những quy định chung để quy định về thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, không phải lúc nào việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể cũng rõ ràng, dễ xác định.

     Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39 BLTTDS thì Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

      Trong quá trình giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, trường hợp Thẩm phán tiến hành hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS.

     Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp khi chuyển hồ sơ việc dân sự thành vụ án dân sự thì Tòa án đang giải quyết lại không phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn và cũng không ít trường hợp bị đơn gây khó khăn nhằm kéo dài vụ án.

       Ví dụ: Vợ chồng anh A, chị B chung sống tại huyện L tỉnh H. Sau khi phát sinh mâu thuẫn, anh A đã về quận X thành phố Y sinh sống, làm việc; chị B và các con vẫn sinh sống tại huyện L tỉnh H. Tháng 10/2017, anh A và chị B có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại TAND quận X thành phố H. TAND quận X tiến hành hòa giải đoàn tụ nhưng không thành, anh A vẫn tiếp tục yêu cầu ly hôn, chị B không đồng ý ly hôn và thay đổi ý kiến đã thỏa thuận về nuôi con, chia tài sản. TAND quận X đã ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS.

      Vậy, trong trường hợp này, Tòa án sẽ xử lý như thế nào khi BLTTDS không có quy định cụ thể: Tòa án nhân dân quận X đang giải quyết tiếp tục giải quyết vụ án hay ra quyết định chuyển vụ án đến Tòa án huyện L tỉnh H là Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc của chị B – bị đơn giải quyết?

      Về vấn đề này, hiện nay cũng đang có hai quan điểm khác nhau:

      – Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ án cần phải căn cứ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của BLTTDS.

      – Quan điểm thứ hai lại cho cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS thì đây là quy định cho trường hợp cụ thể khi đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Quy định này là “quy định ẩn” về việc không thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án, kể cả trong trường hợp Tòa án thụ lý vụ án không phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn.

       Qua nghiên cứu các quy định của BLTTDS 2015, tác giả thấy rằng:

       – Với quy định tại khoản 5[1] Điều 397 BLTTDS 2015 thì về cơ bản các nhà làm luật đã khắc phục những bất cập trong giải quyết việc dân sự yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con của BLTTDS 2004 và tạo thuận lợi cho đương sự trong giải quyết vụ, việc dân sự. Tuy nhiên, quy định này đã không bao quát được trường hợp như nêu ở trên.

      – Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì:

       “1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

       a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

       b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;…”

       Như vậy, theo quy định nêu trên thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là: (1) Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn hoặc (2) Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn trong trường hợp các đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết.

      Tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS quy định: “….Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung”. Quy định này có thể hiểu là bao gồm cả việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS. Nếu hiểu khoản 5 Điều 397 là “quy định ẩn” việc không thay đổi thẩm quyền của Tòa án đang giải quyết vụ án thì sẽ rất khó khăn cho việc giải quyết vụ án trong trường hợp bị đơn không có thiện chí, gây khó khăn.

     Bên cạnh đó, Điều 41 BLTTDS về chuyển vụ việc cho Tòa án khác có quy định như sau: “Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý”.

     Do đó, tác giả đồng tình với về quan điểm thứ nhất, tức là, khi hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết cũng cần xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS 2015.  Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ tố tụng của các đương sự, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án giải quyết vụ án, theo tác giả:

     (1) Trường hợp Tòa án đang giải quyết đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản Điều 39 BLTTDS thì Tòa án đang giải quyết vụ án tiếp tục giải quyết vụ án.

     (2) Trường hợp Tòa án đang giải quyết vụ án không phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:

     – Trường hợp bị đơn phản đối về thẩm quyền giải quyết vụ án hoặc có văn bản đề nghị chuyển vụ án cho Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn để giải quyết thì Tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng điểm a khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 41 BLTTDS ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn giải quyết.

     – Trường hợp bị đơn có văn bản đề nghị Tòa án đang giải quyết vụ án tiếp tục giải quyết vụ án thì Tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

      Tuy nhiên, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

[1] Khoản 5 Điều 397 BLTTDS 2015 quy định:

“5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.”

KIM QUỲNH