Bảo vệ động vật hoang dã bằng pháp luật

Với mong muốn thực hiện mục tiêu đưa pháp luật, đặc biệt là quy định của BLHS 2015, gần hơn với cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, CHANGE và WildAid Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Việt Nam với những nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã” tại Hà Nội, sáng 30/1/2018.

Những con số nhức nhối

Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) mà Việt Nam đã tham gia, có đến hàng trăm loài cần được bảo vệ. Xin điểm một vài loài gần gũi với thị trường Việt Nam, để thấy mức độ khốc liệt trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm hiện nay.

Tê tê có nhiều loài, trong đó Việt Nam là quê hương của 2 loài tê tê vàng và tê tê Java. Tuổi thọ trung bình của tê tê từ 13 – 20 năm, nhưng tê tê bị con người sử dụng cho mục đích thưc phẩm, các loại thuốc gia truyền, thậm chí là trang sức. Số lượng tê tê bị săn bắt trộm và mua bán mỗi năm ước tính lên đến 100.000 con. Con số này làm cho tê tê trở thành loài động vật hoang dã có vú bị tiêu thụ nhiều nhất.

Tê giác cũng có nhiều loài, tuổi thọ từ 35 – 50 năm. Đây là loài vật sống trên đất liền lớn thứ hai thế giới, con tê giác lớn có thể nặng tới 3,5 tấn. Sừng của tê giác được cấu tạo từ keratin và phát triển suốt đời cũng như móng tay và tóc của con người, nhưng do những ngộ nhận về tác dụng của nó mà giá của sừng tê giác trên thị trường chợ đen đắt hơn vàng. Năm 2016 còn lại 5 loài tê giác và tất cả đều được xếp vào nhóm nguy cấp hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2011, tê giác đen miền tây Châu Phi đã bị tuyên bố tuyệt chủng. Số lượng tê giác trên thế giới vào đầu thế kỉ 20 là 500.000 con, nhưng hiện nay chỉ còn vẻn vẹn 30.000 con. 40 năm qua có đến 95% tê giác biến mất. Đáng buồn là Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới.

Hổ có tuổi thọ trung bình từ 20 – 26 năm. Năm 1990, ước tính có khoảng 100.000 con hổ hoang dã trên toàn thế giới, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 3.200 con. Ở Việt Nam hiện nay, số lượng hổ hoang dã chỉ còn 5 con. Nạn phá rừng lấy đất canh tác làm cho hổ không còn nơi sinh sống. Đặc biệt là quan niệm sai lầm, dùng các bộ phận của hổ để chữa bệnh dẫn đến hổ có nguy cơ bị diệt chủng rất cao.

Về voi, hiện tại chỉ còn hai loài voi còn sót lại trên thế giới: Voi châu Phi và voi châu Á. Ngà voi được cấu tạo từ keratin (như sừng tê giác, tóc và móng tay của con người). Hiện nay mỗi năm có hơn 33.000 cá thể voi bị săn bắn trộm vì ngà của chúng, hầu hết ở Trung Phi. Số lượng voi ở Việt Nam giảm rất mạnh từ 1500 – 2000 cá thể năm 1980 xuống còn ít hơn 100 con ngày nay.

Nếu không có những biện pháp mạnh, kịp thời và đồng bộ thì nhiều động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian không xa. 

Một vụ buôn lậu sừng tê giác bị bắt giữ

Bộ luật Hình sự 2015 nghiêm khắc hơn luật cũ 

Tại buổi Tọa đàm, Trung tướng, PGS-TS Trần Văn Độ, Nguyên Phó chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW, Đại biểu quốc hội khóa XII, XIII cho biết, BLHS năm 2015 mang tư tưởng nhân đạo, giảm nhẹ nhiều hình phạt, nhiều tội danh bỏ hình phạt tử hình, nhưng với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, quý hiếm thì BLHS đã tăng nặng khung hình phạt và tăng thêm điều luật. Điều đó cho thấy Việt Nam rất chú trọng công tác nội luật hóa Công ước CITES đã tham gia.

Ở BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ có một điều luật là Điều 190 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, với các hành vị săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ… với phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

 BLHS năm 2015 đã có hai điều luật điều chỉnh tội phạm này. Điều 234 quy định về  tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tang trữ, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý động vật nguy cấp, quý, hiếm… thì bị phạt từ từ 7 năm -12 năm; phạt tiền đến 3 tỉ đồng.  Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 Các chuyên gia pháp luật tham dự Tọa đàm

 Điều 244, quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;  Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm… có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; phạt tiền  đến 15 tỉ đồng; pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. 

Như vậy, BLHS 2015 đã bổ sung thêm điều luật, bổ sung thêm hành vi bị coi là tội phạm là  “tàng trữ” và mở rộng đến đối tượng “pháp nhân thương mại”, đặc biệt là chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với BLHS 1999. “Đó là những cố gắng vượt bậc. Vấn đề đăt ra hiện nay là thực thi BLHS 2015 triển khai những quy định mới của luật vào cuộc sống sao cho hiệu quả cao nhất”- PGS-TS Trần Văn Độ chốt lại vấn đề. 

Ký ức một giống loài – Giải Nhất 2017 về ảnh chụp động vật hoang dã của  Brent Stirton, Nam Phi.

Khó khăn trong thực thi pháp luật 

Chia sẻ về những khó khăn trong thực thi trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, TS Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, cho biết: Trước đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Điều 190 BLHS 1999, có sự tham gia của TANDTC,VKSNDTC, Bộ NNPTNT đi các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai và Tp HCM, làm việc với các cơ quan ở mỗi địa phương như Kiểm lâm, VKS, Tòa án, Trung tâm bảo tồn động vật… thì thấy rất khó khăn trong công tác xử lý, nhất là biện pháp hình sự. Những khó khăn đó là quy định của pháp luật chưa đầy đủ; văn bản không được sửa đổi, bổ sung kịp thời; thiếu các cơ quan giám định; bắt giữ, vận chuyển, bảo quản rất khó khăn; không định giá được khi quy định đó là hàng cấm… Vì vậy, đa số các vụ việc được xử phạt hành chính. Có địa phương 2 năm bắt được 35 vụ thì chỉ có 1 vụ xử lý hình sự.


  Các đại biểu dự Tọa đàm

Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cũng chia sẻ, năm 2017, Hải quan bắt giữ được 47 vụ, trong đó 6 vụ vận chuyển ngà voi, 6 vụ vận chuyển sừng tê giác, 10 vụ vảy tê tê… đã khởi tố 15 vụ. Theo khoản 1 Điều 33 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các Điều 188, 189 và 190 của BLHS thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có nhiệm vụ, quyền hạn khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tuy nhiên luật khống chế thời gian rất ngắn, vụ phức tạp cũng chỉ đến 7 ngày nên đa số không đủ thời gian, đều chuyển cho cơ quan CSĐT.

Ông Khánh nhận định, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, hầu hết các vụ bị phát hiện đều chỉ bắt được người vận chuyển thuê, không bắt được chủ hàng; nhiều vụ chỉ bắt được hàng, không bắt được người… Do đó, có cơ sở tin rằng có sự tiếp tay, cung cấp thông tin của lực lượng chức năng nhưng chưa thể xử lý được. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

TS Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TANDTC cho hay,  3 năm qua Tòa án xét xử ngày càng nhiều vụ tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, năm 2015 xử 36 vụ, năm 2016 xử 84 vụ và năm 2017 xử 87 vụ. Đáng chú ý là số lượng hàng bị bắt giữ ngày càng tăng, đến nay có những vụ chở cả container ngà voi, sừng tê giác… Tuy nhiên, chưa vụ nào bắt được chủ mưu, làm rõ cả đường dây phạm tội.

TS Trâm cũng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến Điều 234, 244 BLHS 2015 để việc xét xử của Tòa án được chặt chẽ, thuận lợi hơn.

TS Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, đồng tình với phân tích của PGS.TS Trần Văn Độ và nêu một tình huống cụ thể liên quan đến tội tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm, đó là những trường hợp tàng trữ, trưng bày những sản phẩm ngà voi, tê tê… trước khi có BLHS 1999 thì có bị coi là tội phạm không và hướng xử lý thế nào rất cần được hướng dẫn cụ thể.

Không có người mua, không còn kẻ giết

Việt Nam hiện chỉ còn 5 cá thể hổ hoang dã

Đây là một khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm, ở Việt Nam giá 1 kg sừng tê giác được mua bán có giá khoảng 65.000 USD. Đây là nguyên nhân khiến nhiều băng nhóm tội phạm liều mạng phạm pháp để săn cho bằng được tê giác. Đơn cử năm 2013, tại Nam Phi, 101 người bị bắt vì săn trộm tê giác thì có tới 77 người Việt Nam. Do đó, hơn các nước khác Việt Nam cần làm thật tốt hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Các chuyên gia Y tế đã khẳng định, sừng tê giác không phải là một thần dược có thể chữa các bệnh nan y, nó không khác gì móng tay, tóc của con người, vì vậy nên từ bỏ thói quen này để cứu lấy đẩy một loài vật quý báu của thiên nhiên hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng. Tương tự như vậy là giá trị thực của cao hổ, của vảy tê tê, cũng chỉ là sản phẩm của quảng cáo, nhằm nâng giá, làm giàu cho những kẻ tội phạm… Trước đây, phong trào sử dụng mật gấu rất mạnh, nhưng do được tuyên truyền tốt, đến nay thói quen này đã được dẹp bỏ.

Chúng tôi cho rằng hành vi sử dụng trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm như cao hổ cốt, vảy tê tê, thịt tê tê, ngà voi…cũng cần có chế tài xử phạt hành chính mới có tác dụng ngăn ngừa tiêu thụ. Hiện nay vẫn có nhiều nhà hàng ăn uống lén lút chế biến và bán động vật hoang dã như tê tê, rùa núi, khỉ… Nếu không xử phạt thích đáng hành vi tiêu thụ thì việc bảo vệ động vật quý hiếm vẫn chưa có hiệu quả cao, vì có cầu ắt sẽ có cung, “không có người mua” mới “không còn kẻ giết”.

Ảnh: Các chuyên gia pháp luật tham gia tọa đàm

 

NGUYỄN PHAN KHIÊM