Những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Hà Nội và các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa

Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, đây cũng là địa bàn còn tồn tại sự phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bài viết phân tích thủ đoạn của tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thủ đô, chỉ ra nguyên nhân của tội phạm này, từ đó đề xuất một số giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới.

       Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

         Hà Nội được xác định là địa bàn có nhiều nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) lợi dụng hoạt động. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong điều kiện công tác quản lý nhà nước nhiều hạn chế, pháp luật còn nhiều khe hở đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, tài chính ngân hàng, quản lý các giao dịch dân sự là điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm này trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, đang có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng, quy mô và mức độ thiệt hại, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

          Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017, lực lượng CSKT Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra 1.048 vụ án về kinh tế, 90 vụ xâm phạm sở hữu tài sản. Trong đó, tội phạm LĐCĐTS 65 vụ (chiếm 72,22% tổng số vụ án xâm phạm sở hữu tài sản), 89 đối tượng, thiệt hại tài sản 22.555 triệu đồng.

          Qua nghiên cứu tổng kết tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua cho thấy phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này vô cùng phong phú và đa dạng. Tùy thuộc vào hệ thống quy định về quản lý tài sản trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể mà đối tượng sẽ thực hiện các thủ đoạn thích hợp. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm LĐCĐTS thể hiện trong một số lĩnh vực như:

Thứ nhất là lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng:

– Đối với đối tượng ngoài ngành ngân hàng, bọn chúng thường sử dụng một số thủ đoạn sau:

+ Thế chấp khống hàng hóa với khối lượng lớn tuy thực chất chỉ có một ít hàng; lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho ba bên khống, hóa đơn VAT khống, hóa đơn VAT giả… trường hợp này thường có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, sau khi thế chấp vay được tiền đối tượng sẽ chiếm đoạt khoản tiền đó.

+ Thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa hình thành từ vốn vay, ngân hàng giám sát không chặt chẽ để khách hàng bán tài sản nhưng không trả nợ.

+ Lập hồ sơ, phương án kinh doanh giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng.

+ Lợi dụng thuê nhà, thuê đất để kinh doanh rồi dùng giấy tờ sở hữu của chủ nhà, chủ đất làm giả sang tên cho mình hoặc làm sổ đỏ giả thế chấp vay tiền ngân hàng, chiếm đoạt.

– Thủ đoạn của các đối tượng là cán bộ ngân hàng:

+ Giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, kế toán viên, thủ quỹ để làm thủ tục chuyển tiền cho chi nhánh ngân hàng khác trong hệ thống rồi rút lại tiền.

+ Lợi dụng sơ hở, thiếu cẩn trọng trong công việc của các đồng nghiệp để lồng các chứng từ chuyển tiền giả mạo vào công văn trình ký.

Thứ hai, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính:

– Sử dụng những giấy tờ giả các Tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước… lừa đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về cho vay tín dụng.

– Lập công ty “ma”, tổ hợp “ma” vay tiền, huy động vốn. Hiện nay xuất hiện rất nhiều những trang web lập nên nhằm mục đích lừa đảo dưới hình thức huy động tài chính đa cấp.

Thứ ba, lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán:

– Nhận vay hộ vốn ngân hàng bằng sổ đỏ. Thực tế trong những năm qua ở một số vùng quê, các đối tượng phạm tội lợi dụng nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh của các hộ dân, đặt vấn đề vay hộ với điều kiện những người này phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký các giấy ủy quyền thế chấp nhà cửa, để bảo lãnh cho chúng vay vốn. Sau khi rút được tiền của ngân hàng chúng không đưa lại tiền cho họ và cũng không trả lại sổ đỏ, chỉ sau khi hết hạn vay ngân hàng yêu cầu những người bảo lãnh phải thanh toán, họ mới biết là mình bị lừa.

– Mang đất đã thế chấp vay vốn ngân hàng ra chia lô để bán.

– Dùng thủ đoạn gian dối, mạo nhận quen biết với các cán bộ quan chức, người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Nhà nước, các dự án lớn hứa hẹn và nhận tiền để “chạy”, lo thủ tục cấp phép cho dự án hoặc gây ảnh hướng với người khác rồi nhận tiền, nhưng sau đó không làm được việc như đã hứa hẹn, không hoàn trả được tiền mà chiếm đoạt hoặc bỏ trốn.

– Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về thông tin về dự án của các khách hàng, đưa ra thông tin sai lệch để khách hàng tin là có thật. Sau đó nhận tiền của khách hàng chiếm đoạt hoặc bỏ trốn.

– Mạo danh nhà đầu tư thứ cấp của các công ty bất động sản lớn để kêu gọi đầu tư, rao bán nhà và lừa gạt khách hàng.

– Làm giả giấy tờ, tài liệu, các quyết định giao đất của các cơ quan như: UBND thành phố, Sở tài nguyên môi trường, Sở kế hoạch đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc lập dự án “ma” rồi tổ chức huy động vốn hoặc lừa bán căn hộ, nhà “trên giấy” chiếm đoạt tài sản.

– Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc làm giả bộ hồ sơ, hợp đồng góp vốn, mua căn hộ, nhà đất của một chủ đầu tư dự án có thật để thu tiền, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

– Thuê pháp nhân lập dự án, tự lập bản vẽ thiết kế 1/500, phối cảnh bắt mắt trên một mảnh đất chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, sau đó vẽ sơ đồ, chia lô đất thành các suất nhà liền kề và khuếch trương, thông qua các sàn giao dịch BĐS để chào bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, công trình phúc lợi cộng đồng với giá rẻ, thu tiền, rồi chiếm đoạt của khách hàng.

– Thủ đoạn tung tin các doanh nghiệp đang cổ phần hóa hoặc doanh nghiệp sắp thành lập để lừa người mua.

Thứ tư, lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động: Thông qua việc môi giới lao động, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài.

– Lợi dụng quy định của Luật Doanh nghiệp đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn với chức năng xúc tiến việc làm tạo vỏ bọc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp bóng dưới danh nghĩa các cơ quan nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo.

– Thành lập công ty “ma” sử dụng con dấu giả để LĐCĐTS của người dân có nhu cầu muốn đi lao động ở nước ngoài.

– Quảng bá xuất khẩu lao động sai với sự thật, dùng hình thức đi du lịch trong thời gian ngắn hoặc sử dụng visa, thẻ thuyền viên giả để đưa người lao động ra nước ngoài để LĐCĐTS của họ.

– Tuyển lao động vào công ty hứa sẽ cho đi xuất khẩu lao động, nhưng thực chất chỉ là đi thăm quan, giới thiệu sản phẩm, tham gia dự triển lãm ở nước ngoài, sau đó bỏ mặc họ tự tìm việc ở nước ngoài để LĐCĐTS.

– Móc nối với một số phần tử xấu ở nước ngoài để xây dựng “kịch bản” đưa người xuất khẩu lao động ra nước ngoài chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thời gian qua, thì hoạt động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiết sót như: Công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu sát đến quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản; Công tác nghiệp vụ cơ bản ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, đối phó; Hoạt động điều tra xử lý chưa đủ để răn đe các đối tượng; Công tác phối hợp trong phòng ngừa tội phạm này có trường hợp còn chưa được tạo điều kiện thuận lợi…

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa

        Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

        Thứ nhất, Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS. Thông qua hoạt động phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm LĐCĐTS trong những năm qua cho thấy, ở nhiều địa bàn, trong nhiều lĩnh vực kinh tế còn bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo quản tài sản, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và xuất khẩu lao động. Do đó, trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong những lĩnh vực này để hạn chế những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng phạm tội LĐCĐTS có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

          Thứ hai, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS. Xuất phát từ bản chất hành vi của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội LĐCĐTS đó là sử dụng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản tin nhầm mà trao tài sản cho đối tượng để đối tượng chiếm đoạt, vì thế công tác tuyên truyền phải gắn với những người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản này với những nội dung cụ thể. Đây là nhiệm vụ thiết thực nhất mà công tác này cần đạt được. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội LĐCĐTS có tinh vi đến đâu nhưng những người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc theo các quy định về bảo vệ tài sản thì đối tượng cũng không thể đạt được mục đích của mình.

          Thứ ba, tăng cường công tác nắm tình hình theo địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Công tác nắm tình hình theo địa bàn, lĩnh vực trọng điểm là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của lực lượng CSKT và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm LĐCĐTS; được xác định là bước đệm cho tất cả các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng CSKT. Chỉ có thể tiến hành công tác nghiệp vụ khác đạt kết quả cao nhất khi công tác nắm tình hình địa bàn đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có khoa học.

          Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm. Lực lượng Cảnh sát kinh tế cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thu thập, xử lý thông tin tài liệu phản ánh về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Sử dụng tốt hệ thống mạng lưới thông tin trinh sát để phát hiện thông tin kịp thời. Sau khi đã tiếp nhận tin báo, phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ buộc tội bằng những hoạt động như: xác minh qua người báo tin, bị hại, người làm chứng, lấy lời khai ban đầu, khám xét… tránh để đối tượng tiêu hủy tài liệu chứng cứ cũng như tẩu tán tài sản có được từ hoạt động phạm tội. Mỗi điều tra viên thuộc lực lượng Cảnh sát kinh tế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kiến thức nghiệp vụ để có thể phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoạt động điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản góp phần làm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, xử lý đúng người, đúng tội. Hơn nữa, thông qua hoạt động này còn có tác dụng răn đe các đối tượng khác không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội tránh hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội với những đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị.

          Thứ năm, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSKT với các lực lượng trong và ngoài ngành trong phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua công tác phối hợp này để chủ động phát hiện sớm tội phạm LĐCĐTS cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP Hà Nội.

Giáo trình “Phòng ngừa, điều tra các tội phạm kinh tế cụ thế, tập II”, Học viện CSND, năm 2015.

Ths Lê Quang Thắng - Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân