Tổng kết thực tiễn triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Sau 8 năm thi hành, các quy định của Luật đã góp phần cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Để có cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành, rà soát, đánh giá, xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, cụ thể như sau:

Những kết quả triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức TAND năm 2014

Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT- CA ngày 31/12/2014 về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án về nội dung của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức TAND, chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các Toà án về Luật Tổ chức TAND và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Trên cơ sở Chỉ thị của Chánh án TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-TA ngày 14/01/2015 triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 trong toàn hệ thống Tòa án Quân sự, TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản triển khai thi hành Luật tại Tòa án hai cấp ở địa phương, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động tại Tòa án các cấp được quán triệt đầy đủ nội dung của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc triển khai thi hành Luật.

Về công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014

TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương soạn thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về việc phê chuẩn bộ máy giúp việc của TANDTC. Thành lập 03 TAND cấp cao, thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, giao, bổ sung Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp cho Tòa án các cấp. Điều chỉnh, bổ sung Thẩm phán sơ cấp cho TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bổ sung chế độ chính sách, phụ cấp đối với một số chức danh, chức vụ trong TAND theo quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Quy định về trang phục và giấy chứng minh của Thẩm phán, Hội thẩm, quy định về tổ chức và biên chế của Tòa án quân sự theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, về Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.

Chánh án TANDTC đã ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Tòa án. Thành lập và quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của các Tòa án quân sự, các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp.  

Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp. Quy chế cấp phát, sử dụng và quản lý trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm, Giấy chứng nhận chức danh tư pháp, Giấy chứng nhận TAND. Quy chế chi tiêu trong hoạt động tuyển chọn, giám sát Thẩm phán, ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và mẫu hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán, Quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện và thủ tục, hồ sơ thi nâng ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Công tác tổ chức triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thể hiện được sự chủ động, tập trung của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thi hành, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Về việc kiện toàn tổ chức hệ thống TAND

Trước khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 ra đời, hệ thống tổ chức Tòa án ở nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002, bao gồm: TANDTC, các TAND cấp tỉnh, các TAND cấp huyện.

Tính đến 30/6/2013, cả nước có 764 Toà án nhân dân, bao gồm: TANDTC, 63 Toà án nhân dân cấp tỉnh và 700 Toà án nhân dân cấp huyện (riêng huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có Tòa án). Nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ thống Toà án nhân dân có thể phân chia thành 763 Toà án cấp sơ thẩm (bao gồm 700 Toà án cấp huyện và 63 Toà án cấp tỉnh), 66 Toà án phúc thẩm (bao gồm 63 Toà án cấp tỉnh và 03 Toà phúc thẩm TANDTC) và 69 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 63 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, 05 Toà chuyên trách của TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC)[1].

Sau khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực, hệ hống TAND được tổ chức theo 04 cấp, bao gồm: TANDTC, các TAND cấp cao, các TAND cấp tỉnh và các TAND cấp huyện. Tính đến thời điểm trước tháng 01/2019 thì hệ thống TAND có TANDTC, 03 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh và 710 TAND cấp huyện. Tuy nhiên, triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã[2] số TAND cấp huyện trong hệ thống giảm 08 Tòa án, còn 702 TAND cấp huyện.

Như vậy, hiện nay, nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ thống TAND có thể phân chia thành 765 Tòa án cấp sơ thẩm (bao gồm 702 Tòa án cấp huyện và 63 Tòa án tỉnh), 66 Tòa án cấp phúc thẩm (bao gồm 63 TAND cấp tỉnh và 03 TAND cấp cao), 04 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 03 Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Cơ cấu tổ chức của mỗi Tòa án đã và đang tiếp tục kiện toàn theo đúng quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể như sau:

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của TANDTC

  • Về Hội đồng Thẩm phán TANDTC: TANDTC đã chuẩn bị nhân sự, trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 9 biểu quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Trong 07 năm qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiếp tục được bổ sung, kiện toàn để thay thế vị trí của 01 đồng chí được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang và các Thẩm phán khác nghỉ hưu theo quy định. Hiện nay, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm có 16 người (bao gồm Chánh án TANDTC).
  • Về bộ máy giúp việc: Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì bộ máy giúp việc của TANDTC có 17 đơn vị[3], nhưng với tinh thần đổi mới của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Bộ máy giúp việc được tổ chức theo hướng tinh gọn, phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị nhằm bảo đảm giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của TANDTC. Theo đó, bộ máy giúp việc của TANDTC còn 15 đơn vị (12 đơn vị chuyên môn, 03 đơn vị sự nghiệp)[4], được thành lập trên cơ sở kế thừa 09 đơn vị giúp việc cũ của TANDTC[5], thành lập 03 Vụ Giám đốc kiểm tra[6] để giúp Chánh án TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của các Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
  • Về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng: Thi hành quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng Đề án về Học viện Tòa án. Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1191/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở kế thừa và phát triển chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Trường Cán bộ Tòa án (trước đây). Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện. Đến nay, Học viện Tòa án được thành lập 13 khoa, phòng[7]. Đến nay, tổ chức và hoạt động của Học viện đã cơ bản được kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả, đã tổ chức thành công các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán, thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính, đã đào tạo 05 khóa đại học, bổ sung chức năng đào tạo sau đại học. Sinh viên Khóa 1, Khóa 2 của Học viện Tòa án tốt nghiệp cử nhân luật đã tham gia thi tuyển dụng vào làm việc tại các TAND.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của TAND cấp cao

Thực hiện Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 03 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nằng và Thành phố Hồ Chí Minh, nhân sự, tổ chức bộ máy của các TAND cấp cao đã được kiện toàn như sau:

  • Về nhân sự: Chánh án TANDTC đã trình Chủ tịch nước chuyển đổi 66 Thẩm phán cao cấp (trong số 120 Thẩm phán TANDTC theo Luật Tổ chức TAND năm 2002) để phân bổ cho các TAND cấp cao, xem xét, thông qua phương án sắp xếp, bố trí cán bộ cho các TAND cấp cao trên cơ sở điều chuyển số cán bộ, công chức đã được Chánh án TANDTC phân bổ cho các Tòa phúc thẩm, các Tòa chuyên trách và các đơn vị khác của TANDTC trước đây (trừ số biên chế đã được phân bổ bố trí cho đơn vị mới của TANDTC). Trong quá trình hoạt động, số Thẩm phán cao cấp của các TAND cấp cao đã được bổ sung đáp ứng yêu cầu xét xử, giải quyết các vụ, việc của từng TAND cấp cao.[8]
  • Về cơ cấu tổ chức bộ máy: các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc của các TAND cấp cao được thành lập trên cơ sở bảo đảm phù hợp với khối lượng công việc và đặc thù của từng TAND cấp cao. Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thành lập 06 Tòa chuyên trách[9] và 04 đơn vị giúp việc[10], TAND cấp cao tại Đà Nằng thành lập 05 Tòa chuyên trách[11] và 03 đơn vị giúp việc[12].

Sau 07 năm đi vào hoạt động, bộ máy, cơ cấu tổ chức của các TAND cấp cao cơ bản được kiện toàn, hoạt động ổn định, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn theo thẩm quyền của mình.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện

  • Về tổ chức các Tòa chuyên trách: Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì TAND cấp tỉnh có các Tòa chuyên trách là Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, TAND cấp huyện có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Căn cứ quy định này, ngày 21/01/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện[13]. Như vậy, một trong những điểm mới quan trọng của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 là việc tổ chức các tòa chuyên trách tại các TAND cấp huyện và quy định hai loại tòa chuyên trách mới là Tòa gia đình và người chưa thành niên và Tòa xử lý hành chính. Hiện nay, có 38/63 TAND cấp tỉnh đã thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên, các đơn vị còn lại chưa thành lập do không đủ biên chế và số lượng Thẩm phán trung cấp.

Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, Chánh án TANDTC đã ban hành các quyết định về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và chỉ đạo sắp xếp đội ngũ cán bộ, Thẩm phán tại các Tòa chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, 63 TAND cấp tỉnh có 247 Tòa chuyên trách (giảm 34 Tòa chuyên trách so với trước đây), 69/702 TAND cấp huyện có 02 Tòa chuyên trách (gồm Tòa Hình sự và Tòa Dân sự), 01/702 TAND cấp huyện[14] có 05 Tòa chuyên trách (gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình & Người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính và Tòa Kinh tế).

  • Về bộ máy giúp việc: Ngày 07/4/2016, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 345/2016/QĐ-CA về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện[15]. Đến nay, bộ máy giúp việc của các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện cơ bản đã được kiện toàn đầy đủ và đi vào hoạt động hiệu quả[16].

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của các Tòa án quân sự

Ngay sau khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực thi hành, để bảo đảm hoạt động của các Tòa án quân sự theo quy định của Luật, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, trình Chủ tịch nước chuyển đổi 12 Thẩm phán cao cấp (là các Thẩm phán TANDTC theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 đang làm việc tại Tòa án quân sự Trung ương trước đây), Chánh án TANDTC đã quyết định thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương, thành lập bộ máy giúp việc của Tòa án quân sự Trung ương gồm 05 phòng chức năng, gồm: Văn phòng, Phòng Giám đốc kiểm tra, Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Phòng Thông tin tư liệu và Quản lý lý lịch tư pháp. Tòa án quân sự quân khu và tương đương gồm có Ủy ban Thẩm phán và Ban hành chính tổng hợp.[17]

Trên cơ sở Đề án cải cách các cơ quan tư pháp trong Quân đội của Quân ủy Trung ương, TANDTC đã phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH14 ngày 10/9/2018 về việc thành lập Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực, biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp. Theo đó, hệ thống Tòa án quân sự được tổ chức theo 03 cấp, tổng số 20 đầu mối Tòa án quân sự trong toàn quân, bao gồm: Tòa án quân sự trung ương, 09 Tòa án quân sự quân khu và tương đương, 10 Tòa án quân sự khu vực.

Về nhiệm vụ, thẩm quyền của các TAND

Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 , hệ thống tổ chức Tòa án ở nước ta thành lập thêm TAND cấp cao, cùng với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy đó thì thẩm quyền của TAND các cấp cũng có sự thay đổi.

Nhiệm vụ, thẩm quyền của TANDTC

Trên cơ sở các định hướng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều nhiệm vụ mới của TANDTC đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND năm 2014, cụ thể:

  • Công tác phát triển án lệ: Phát triển án lệ là nhiệm vụ mới của TANDTC[1], nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử cũng đã được ghi nhận trong các đạo luật về tố tụng[2]. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ[3], Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về Tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ[4]. Cho tới nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được 56 án lệ[5].
  • Công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm: TANDTC không còn chức năng xét xử phúc thẩm, theo đó, chỉ tập trung vào công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, nhằm chuyên môn hóa hơn trong công tác này, góp phần thể hiện đúng vị trí, vai trò của TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
  • Công tác tổng kết thực tiễn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật: công tác tổng kết thực tiễn xét xử thời gian qua tại Tòa án được thực hiện dưới nhiều hình thức mới, hiệu quả nhằm tổng hợp kịp thời, đầy đủ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật tại các Tòa án. TANDTC đã mở hòm thư điện tử phapchetoaan2016@gmail.com để tiếp nhận các vướng mắc trong thực tiễn xét xử do các TAND phản án. Thông qua đó, nhiều vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm mà các Tòa án đang gặp vướng mắc về đường lối xử lý đã được tổng hợp và được Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp kịp thời bằng văn bản hoặc tại các Hội nghị đối thoại, Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc, để các Tòa án tham khảo trong quá trình giải quyết vụ việc[6].
  • Công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp trong TAND: Công tác đào tạo, bồi dưỡng không phải là một nhiệm vụ mới của TANDTC, tuy nhiên phải đến Luật Tổ chức TAND năm 2014 mới được khẳng định bằng một quy định cụ thể[7], thể hiện rõ đây là một nhiệm vụ quan trọng của TANDTC, là sự cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đối với công tác này. Triển khai thực hiện quy định của Luật, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân tối cao trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Học viện Tòa án với vai trò là sở đào tạo, bồi dưỡng của TANDTC cũng đã được thành lập[8] trên cơ sở kế thừa và phát triển chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Trường Cán bộ Tòa án (trước đây).

Nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND cấp cao

Theo quy định tại Điều 29 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các TAND cấp cao xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc thuộc phạm vi theo thẩm quyền về lãnh thổ. Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Hà Tĩnh trở ra[9], TAND cấp cao tại Đà Nằng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực miền Trung và Tây Nguyên[10], TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực Nam bộ[11].

Các TAND cấp cao thực hiện phần lớn nhiệm vụ trước đây của TANDTC và phần nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh[12]. Tuy nhiên, đối với các Tòa chuyên trách của TAND cấp cao thì Chánh tòa không có thẩm quyền trả lời đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm như các Tòa chuyên trách của TANDTC trước đây, thẩm quyền trả lời đơn là của Chánh án TAND cấp cao. Các Tòa chuyên trách tập trung vào nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các vụ, việc thuộc thẩm quyền. Quy định như vậy là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND cấp tỉnh

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật, phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện, chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị[13], không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm như trước đây, khắc phục được tình trạng có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm dẫn đến ở các cấp giám đốc thẩm khác nhau có đường lối không thống nhất về cùng vụ án có tính chất tương tự.

Nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của TAND cấp huyện

TAND cấp huyện có thẩm quyền sơ thẩm vụ việc và giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật[14]. Hiện nay, các TAND cấp huyện đã được tăng thẩm quyền theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc đưa các vụ án ra xét xử đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, chuẩn bị và tổ chức tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp nên chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết án hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm hơn so với trước khi được tăng thẩm quyền.

(còn nữa)


[1]     Theo điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức TAND năm 2014 thì Hội đồng thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ '“Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”, Khoản 5 Điều 27 của Luật quy định Chánh án TANDTC có nhiệm vụ: ““Chỉ đạo việc tổng kết thực tiên xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.

[2]     Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[3]     Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019

[4]     Chỉ thị số 04/2016/CT-TA ngày 30/5/2016 của Chánh án TANDTC

[5]     Gồm 11 án lệ về hình sự, 31 án lệ về dân sự, tố tụng dân sự, 10 án lệ về kinh doanh thương mại, 01 án lệ về lao động, 03 án lệ về tố tụng hành chính.

[6]     Đến nay TANDTC đã ban hành 08 giải đáp và 04 thông báo giải đáp các vấn đề vướng mắc về hình sự, hành chính, dân sự trong thực tiễn xét xử.

[7]     Khoản 4 Điều 20 Luật tổ chức TAND năm 2014

[8]     Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 30/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ

[9]     TAND cấp cao tại Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

[10]    TAND cấp cao tại Đà Nằng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm: Thành phố Đà Nằng, các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Turn và Đắk Lắk.

[11]    TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

[12]   Điều 29 Luật Tổ chức TAND năm 2014. Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp cao

  1. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
  2. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

[13]   Điều 37 Luật Tổ chức TAND năm 2014.

[14]   Điều 44 Luật Tổ chức TAND năm 2014.


[1] Báo cáo số 78/BC-TA ngày 19/12/2013 Tổng kết thi hành Luật tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002.

[2]   05 địa phương gồm thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Quảng Ngãi đã thực hiện sát nhập 08 đơn vị hành chính cấp huyện.

[3]    Gồm 5 Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm(Toà phúc thẩm tại Hà Nội, Toà phúc thẩm tại Đà Nằng và Toà phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh) và 11 đơn vị khác là: Văn phòng, Vụ Thống kê- Tổng hợp, Ban Thư ký, Ban Thanh tra, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện khoa học xét xử, Báo công lý, Tạp chí Toà án nhân dân và Trường cán bộ Toà án.

[4]   Văn phòng, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp, Vụ Giám đốc kiểm tra I, Vụ Giám đốc kiểm tra II, Vụ Giám đốc kiểm tra III, Vụ Công tác phía Nam, Ban Thanh tra, Cục Kế hoạch - Tài chính, Báo Công lý, Tạp chí TAND và Học viện Tòa án.

[5]   Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học được thành lập trên cơ sở Viện khoa học xét xử, Vụ Tổng hợp được thành lập trên cơ sở Vụ Thống kê - Tổng hợp, Cục Kế hoạch - Tài chính được thành lập trên cơ sở Vụ Kế hoạch - Tài chính, Học viện Tòa án được thành lập trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án trước đây.

[6]   Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính (Vụ Giám đốc kiểm tra I), Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại (Vụ Giám đốc kiểm tra II), Vụ Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc kiểm tra III).

[7]   Bao gồm: Khoa Đào tạo đại học, Khoa Đào tạo sau đại học (là những nhiệm vụ mới của Học viện Tòa án), Khoa Đào tạo Thẩm phán, Khoa Đào tạo Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Phòng Đào tạo và khảo thí, Phòng Quản lý Học viên, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Nghiên cứu khoa học Tòa án, Phòng Tư liệu và Thư viện, Văn phòng Học viện, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh

[8]   Hiện nay, 03 TAND cấp cao có tổng số 324 biên chế, gồm: 101 Thẩm phán cao cấp, 22 Thẩm tra viên chính, 04 Thư ký viên chính, 77 Thẩm tra viên, 94 Thư ký viên và 26 công chức khác. Cùng với việc bố trí đủ nhân sự cho các TAND cấp cao, Chánh án TANDTC đã ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các TAND cấp cao, quyết định về việc cử thành viên Ủy ban Thẩm phán của các TAND cấp cao.

[9]  Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

[10]    Văn phòng, Phòng Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính, Phòng Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại, Phòng Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên.

[11]   Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động.

[12]    Văn phòng, Phòng Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên, Phòng Giám đốc, kiểm tra về dân sự, lao động, kinh doanh - thương mại.

[13]   Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì không quy định Tòa chuyên trách tại TAND cấp huyện, còn Tòa chuyên trách tại cấp tỉnh có thể có Toà hình sự, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động, Toà hành chính.

[14]   TAND Tp. Thủ Đức-TP. HCM

[15]   Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì Toà án nhân dân cấp tỉnh gồm có Ủy ban Thẩm phán, Toà hình sự, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động, Toà hành chính, bộ máy giúp việc (hiện tại có 3 đơn vị, bao gồm Văn phòng, Phòng giám đốc - kiểm tra và Phòng Tổ chức - Cán bộ), Bộ máy giúp việc của TAND cấp huyện là Văn phòng.

[16] - TAND cấp tỉnh có Ủy ban Thẩm phán (kiêm nhiệm), các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc, trong đó, 04 TAND cấp tỉnh có 06 Tòa chuyên trách, 12 TAND cấp tỉnh có 05 Tòa chuyên trách, 22 TAND cấp tỉnh có 04 Tòa chuyên trách, 25 TAND cấp tỉnh có 03 Tòa chuyên trách.

- TAND cấp huyện: 69/702 TAND cấp huyện có 141 Tòa chuyên trách (mỗi đơn vị có 2 Tòa chuyên trách16) và Văn phòng, 01 đơn vị (TAND Tp. Thủ Đức-TP. HCM) có 5 tòa chuyên trách (Hình sự, Dân sự, Gia đình & người chưa thành niên, Xử lý hành chính, Kinh tế) và Văn phòng.

[17]  Theo Quyết định số 31/QĐ-TCCB ngày 24/4/2003 của Chánh án TANDTC, bộ máy giúp việc của Toà án quân sự Trung ương gồm có: Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, Phòng Giám đốc- Kiểm tra, Phòng Tổ chức - Cán bộ và Văn phòng (trực thuộc Văn phòng có các ban: Hành chính, Tài chính và Thông tin - Tư liệu). Toà án quân sự cấp quân khu có Ủy ban Thẩm phán và Ban hành chính tổng hợp. Toà án quân sự khu vực có Chánh án, Phó Chánh án, các Thẩm phán, Thư ký và Ban hành chính tổng hợp.

HÀ XUÂN