Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong triển khai Toà án điện tử

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Nghị quyết số 52 ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra chủ trương, định hướng và chiến lược rõ ràng để bắt kịp với xu thế thế giới của “thời đại số”. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 13, Đảng ta đã tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ “… chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số,…” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược và cũng là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Điều này thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt các cơ hội và thành tựu từ cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng và phát triển đất nước.

Đối với Tòa án nhân dân, trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, đó là: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện…”, “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, ….” và “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”. Bên cạnh đó, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử như cho phép gửi, nhận đơn và tống đạt văn bản tố tụng bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các quy định nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án; phục vụ người dân tốt hơn, điển hình như đưa vào sử dụng: (1) Dịch vụ công nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và nhận các văn bản thông báo tố tụng; (2) Đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng băng phương tiện điện tử; (3) Nộp tạm ứng án phí trực tuyến; (4) Đăng ký cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (5) Phần mềm quản lý án; (6) Nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho các Tòa án nhân dân để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Mặc dù Toà án nhân dân tối cao đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số tại Toà án nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Toà án nhân dân tối cao gặp phải một số khó khăn, bất cập, cụ thể như sau:

2. Đối với việc triển khai các dịch vụ công của Tòa án, đặc biệt là dịch vụ công nộp đơn khởi kiện trực tuyến:

Người dân khi đăng ký giao dịch điện tử với Toà án, mỗi khi nộp đơn khởi kiện trực tuyến cần nhập nhiều thông tin của người khởi kiện, người bị kiện, những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật tố tụng điển hình như các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, nơi làm việc, dân tộc, tôn giáo,  số điện thoại, căn cước công dân…, các thông tin về doanh nghiệp, ngoài ra còn điền các thông tin về nội dung khởi kiện và các tài liệu kèm theo. Việc thao tác, cập nhật nhiều thông tin như vậy gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi cập nhập thông tin dữ liệu làm cho người dân hạn chế lựa chọn hình thức giao dịch điện tử với Toà án. Ngoài ra, các thông tin này khi người dân tự khai báo trên các dịch vụ công khó bảo đảm đó là các thông tin chính xác nên Tòa án phải dành thêm thời gian để xác thực, đối chiếu thông tin khi tiếp nhận và giải quyết đơn khởi kiện.

2. Đối với việc định danh và xác thực điện tử đối với bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà tại địa điểm ngoài phòng xử án khi Toà án tổ chức xét xử trực tuyến.

Theo Quy định tại thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến thì Toà án kiểm tra sự có mặt của những người được triệu tập, căn cước của những người tham gia phiên toà thông qua so sánh trực tuyến hoặc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, việc xác định và định danh thông tin đối với người tham gia phiên toà trực tuyến hiện nay còn có những bất cập do phương thức định danh và xác thực đang thực hiện thủ công, chưa có sự hỗ trợ điện tử từ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin do chưa có sự kết nối thông tin giữa các ứng dụng nghiệp vụ của Toà án và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, làm mất nhiều thời gian định danh và xác thực những người tham gia phiên toà, ảnh hưởng đến thời gian diễn ra phiên toà và thời gian của các chủ thể tham gia phiên toà. Đặc biệt là đối với trường hợp người dân, doanh nghiệp tham gia phiên Tòa xét xử trực tuyến tại những địa điểm do chính họ đề nghị thì việc định danh và xác thực bằng phương pháp thủ công dễ dàng gặp sai sót, tốn nhiều thời gian và không bảo đảm tính chính xác gây khó khăn trong việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.

3. Đối với việc triển khai phần mềm quản lý án điện tử.

Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang triển khai phần mềm quản lý án điện tử dùng chung cho các Toà án nhân dân. Theo quy định của pháp luật tố tụng, khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ các vụ án Hình sự hoặc người dân, doanh nghiệp nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì cán bộ, công chức Tòa án phải cập nhật vào phần mềm nhiều thông tin dữ liệu cá nhân, đặc điểm nhân thân đối với toàn bộ bị cáo, bị hại, đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng của hồ sơ vụ án. Mặt khác, các thông tin này phải được theo dõi, xác thực, định danh thông tin và cập nhật vào phần mềm thường xuyên, tần suất cập nhật các thông tin này diễn ra thường xuyên hàng ngày, hàng giờ. Trong điều kiện số lượng hồ sơ, đơn khởi kiện của các loại vụ, việc nộp tại Toà án nhân dân các cấp tăng lên hàng năm nhưng số lượng cán bộ, công chức của Toà án phải giảm xuống (do thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế) đã tạo nên những thách thức cho cán bộ công chức của Toà án. Cán bộ, công chức Tòa án mất nhiều thời gian đề cập nhật các thông tin dữ liệu nệu trên, do vậy làm giảm thời gian nghiên cứu, giải quyết, xét xử các vụ, việc của cán bộ, công chức Toà án; dễ ảnh hưởng không tốt tới chất lượng xét xử tại Toà án.

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử góp phần chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án được phê duyệt là một nội dung rất quan trọng nằm trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đồng thời là một nội dung mang tính chất quyết định trong việc xây dựng thành công Toà án điện tử tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại để xây dựng Toà án điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân.

Với việc kết nối và đưa vào sử dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử tại Toà án nhân dân sẽ giải quyết được những khó khăn, bất cập nêu trên và phát huy hiệu quả hơn nữa những lợi ích vốn có của cơ sở dữ liệu quốc gia; Giúp xây dựng thành công Toà án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới; đồng thời cung cấp, bổ sung thông tin để làm giàu dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với người dân và doanh nghiệp: Chỉ cần kê khai thông tin 1 lần và được sử dụng nhiều lần tại các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất phải xuất trình các giấy tờ và cập nhập các thông tin khi tham gia giao dịch trực tuyến với Toà án nói riêng và các dịch vụ công trực tuyến nói chung; bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Khi nộp đơn khởi kiện trực tuyến, người dân chỉ cần nhập số căn cước công dân hoặc quét mã trên thẻ căn cước công dân thì các thông tin cần cung cấp sẽ tự động được điền đầy đủ trong mẫu đơn khởi kiện trực tuyến của Tòa án, bảo đảm các thông tin có nguồn gốc chính xác do được cung cấp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; làm giảm thời gian, chí phí đi lại và thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, sẽ tạo ra cơ chế thuận lợi, dễ dàng để các bị can, bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên toà xét xử trực tuyến bảo đảm các chủ thể tham gia phiên toà có đúng người, đúng đối tượng thông qua việc quét thông tin sinh trắc học để định danh và xác thực điện tử.

Đối với Toà án nhân dân: Giúp tăng năng suất lao động của Toà án; hỗ trợ các Thẩm phán xác thực và định danh chính xác, đầy đủ các thông tin về bị can, bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng trong hồ sơ vụ án giúp Thẩm phá ra các phán quyết chính xác; đặc biệt trong việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến khi triển khai thi hành Nghị quyết số 33 sẽ giúp Thẩm phán Toà án nhân dân các cấp có thể thực hiện quét thông tin sinh trắc học (quét căn cước công dân, quét vân tay hoặc khuôn mặt) để định danh và xác thực điện tử nhanh chóng thông tin về các chủ thể tham gia phiên toà có đúng người, đúng đối tượng trong hồ sơ vụ án hay không.

Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Khi kết nối và đưa vào sử dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử tại Toà án nhân dân thì Tòa án nhân dân cung cấp, bổ sung thông tin về các bản án, quyết định của Tòa án đối với cá nhân, pháp nhân thương mại; người khởi kiện, người bị kiện; thông tin về các quyết định thi hành án đối với các bị án … để làm giàu dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để; góp phần bảo đảm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn là nguồn dữ liệu mới nhất, chính xác nhất, đầy đủ nhất và toàn diện nhất.

TS. NGUYỄN TRÍ TUỆ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao