Áp dụng quy định pháp luật về “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong bối cảnh dịch Covid-19
Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số quan điểm, bình luận về cách thức áp dụng các quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề “thực hiện hợp đồng trong hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để giải quyết một số tranh chấp thường gặp hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Nhiều giao dịch dân sự đã buộc phải chấm dứt hoặc không thể thực hiện được do tác động của dịch bệnh và các chính sách phong tỏa, giãn cách dân số nhằm kiểm soát dịch bệnh của Nhà nước. Điều này đã tạo nên số lượng lớn các tranh chấp liên quan đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng.
Trong bối cảnh đó, một vấn đề pháp lý thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu pháp luật cũng như các cá nhân, tổ chức đang có tranh chấp liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chính là việc áp dụng căn cứ pháp lý “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”
2. Vận dụng quy định pháp luật về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam
Quy định về “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được ghi nhận tại Điều 420 BLDS 2015, theo đó một hoàn cảnh được xem là thay đổi cơ bản khi xuất hiện đầy đủ các điều kiện bao gồm: (i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; (ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.[1]
Trong phạm vi bài viết, tác giả không đi sâu phân tích hết tất cả những điều kiện để áp dụng căn cứ “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” mà chỉ tập trung phân tích về một số điều kiện đặc thù, gây khó khăn cho quá trình vận dụng vào thực tiễn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về điều kiện các bên không thể lường trước sự thay đổi về hoàn cảnh tại thời điểm giao kết hợp đồng
Hiểu một cách đơn giản, không thể lường trước được có nghĩa là hoàn cảnh xảy ra mà các bên không thể nhìn thấy trước hoặc dự đoán trước vào thời điểm giao kết hợp đồng và phải xảy ra sau khi kí kết hợp đồng.
Xem xét thực tiễn tại Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên hiệu quả của các biện pháp kiểm soát này rất khó để đạt được tỉ lệ 100%. Bằng chứng là vẫn có một số điểm dịch bùng phát một cách bất ngờ, gây nên nhiều sự bị động và khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc truy vết cũng như kiểm soát dịch bệnh. Như vậy, xét trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến được 2 năm, vậy có còn được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản nữa hay không ?
Theo quan điểm của tác giả, trường hợp nêu trên vẫn có khả năng được chấp nhận rằng hoàn cảnh đó là "không thể lường trước". Bởi vì, trong thực tế có nhiều trường hợp hoàn cảnh thay đổi mang tính chất kéo dài, có thể đó là sự phát triển của một chu kỳ xã hội nhất định như chu kỳ kinh tế hoặc chu kỳ địa chính trị; mặc dù vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên có thể nhận ra một số dấu hiệu cho thấy có khả năng xuất hiện "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" tại một thời gian nào đó trong tương lai, nhưng lại không thể dự đoán được thời điểm xuất hiện của hoàn cảnh đó sẽ rơi vào trong thời hạn hợp đồng của mình, thì điều này cũng có thể được xem là "không lường trước được". Dịch bệnh Covid-19 chính là một hoàn cảnh mang yếu tố tương tự như vậy
Hiện nay, quy định của BLDS 2015 chưa làm rõ về vấn đề này, tuy nhiên Bộ Nguyên tắc Unidroit 2016 đã có minh hoạ về trường hợp tương tự. Theo đó, tại mục Nhận xét của Điều 6.2.2 về Hardship (hoàn cảnh thay đổi cơ bản), PICC 2016 có một ví dụ như sau: "Trong hợp đồng mua bán giữa A và B, giá được biểu thị bằng đơn vị tiền tệ của quốc gia X, một loại tiền tệ đã và đang mất giá (với tốc độ chậm) so với các loại tiền tệ chính khác trước khi ký kết hợp đồng. Một tháng sau đó, một cuộc khủng hoảng ở quốc gia X dẫn đến sự mất giá lớn của đồng tiền của nó với mức 80%. Trừ khi các trường hợp chỉ ra một sự sắp đặt bất thường khác, điều này tạo thành một trường hợp khó khăn cơ bản, vì sự gia tăng mạnh mẽ của tốc độ mất giá trị đồng tiền của quốc gia X là không thể lường trước được". Theo tình huống này, rõ ràng các bên trong hợp đồng đều nhận ra dấu hiệu mất giá của tiền tệ quốc gia X, tuy nhiên lại không dự đoán được sự thay đổi đột biến về tốc độ mất giá của nó, điều này dẫn đến sự xuất hiện của "hoàn cảnh thay đổi cơ bản".
Đồng thời, tại Điều 6.2.2 này cũng nêu lên một diễn giải rằng "Đôi khi sự thay đổi trong hoàn cảnh là dần dần, nhưng kết quả cuối cùng của những thay đổi dần dần có thể tạo thành một trường hợp khó khăn. Nếu thay đổi bắt đầu trước khi hợp đồng được ký kết, khó khăn sẽ không phát sinh trừ khi tốc độ thay đổi tăng đáng kể trong suốt thời hạn của hợp đồng." Như vậy, có thể thấy quy định của PICC đã chấp nhận rằng việc nhận thấy trước những dấu hiệu của sự xuất hiện "hoàn cảnh thay đổi cơ bản", nhưng lại không thể dự đoán được sự thay đổi đột ngột về tốc độ phát triển của các dấu hiệu đó, thì khi hoàn cảnh khó khăn diễn ra vẫn được chấp nhận là "hoàn cảnh thay đổi cơ bản".
Áp dụng quan điểm trên vào trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện tại, có thể thấy rằng mặc dù nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội đã nhận thức được sự xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên không thể nào lường trước được tốc độ phát triển và địa điểm bùng phát của dịch bệnh. Cụ thể trong các trường hợp hợp đồng được giao kết tại những địa điểm chưa xuất hiện dịch bệnh, hoặc đã xuất hiện và được kiểm soát hiệu quả nhưng sau đó vì một số yếu tố bất ngờ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại, dẫn đến cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hoặc tạm ngưng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, dẫn đến một số nghĩa vụ hợp đồng không thể thực hiện được như nội dung thỏa thuận ban đầu, thì những trường hợp này nên xem xét chấp thuận áp dụng căn cứ về “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để xét xử theo hướng có lợi cho bên thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, có một vấn đề khác cũng cần phải quan tâm nghiên cứu khi xem xét điều kiện "không thể lường trước". Theo ý kiến của các tác giả, các nhà lập pháp Việt Nam đã bỏ sót một yếu tố quan trọng tại quy định này. Đó là không phải mọi hoàn cảnh "không thể lường trước" đều có thể được đưa vào xem xét áp dụng căn cứ "hoàn cảnh thay đổi cơ bản". Bởi vì trong thực tế, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn mà các bên không thể lường trước tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhưng những hoàn cảnh đó lại thuộc về phạm vi rủi ro mà bên có nghĩa vụ phải gánh chịu. Nói cách khác, nếu chỉ "không thể lường trước" thì chưa đủ, mà còn phải không thuộc phạm vi rủi ro gánh chịu của bên có nghĩa vụ thì mới đủ thuyết phục để xem xét như là một trong những yếu tố của cấu thành “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.
Ví dụ: Một doanh nghiệp A kinh doanh trong lĩnh vực lọc dầu (đặc thù của ngành nghề này là phải luôn dự trữ một lượng lớn nguyên vật liệu (dầu thô) trong kho để sản xuất thành phẩm) giao kết hợp đồng mua dầu thô của doanh nghiệp B trong thời hạn 5 năm với giá cố định. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hợp đồng được 1 năm thì thế giới xảy ra chiến tranh dầu mỏ giữa các quốc gia xuất khẩu dầu, dẫn đến giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh. Điều này dẫn đến thực tế là giá nguyên liệu tồn kho của doanh nghiệp A sẽ cao hơn giá thành phẩm bán ra sau khi lọc, kết quả doanh nghiệp A chịu thua lỗ nghiêm trọng. Mặc dù việc xảy ra chiến tranh dầu mỏ dẫn đến giá xăng dầu giảm mạnh là hoàn cảnh các bên không thể lường trước được tại thời điểm ký kết, tuy nhiên vấn đề này lại nằm trong phạm vi rủi ro kinh doanh mà một doanh nghiệp lọc dầu phải chịu. Do đó, sự việc này không thể áp dụng căn cứ về "hoàn cảnh thay đổi cơ bản".
Bộ PICC 2016 cũng có sự điều chỉnh tương tự, tại Điều 6.2.2 đưa ra một điều kiện về áp dụng hardship, đó là "rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu", bên cạnh điều kiện "bên bị bất lợi đã không tính một cách hợp lý đến các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng".[2]
Theo cách diễn giải này, áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, những doanh nghiệp kinh doanh có phạm vi rủi ro gánh chịu bao gồm các vấn đề dịch bệnh thì sẽ không thể áp dụng căn cứ về "hoàn cảnh thay đổi cơ bản". Ví dụ như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm về sức khoẻ, rõ ràng rằng việc sức khoẻ khách hàng bị tác động xấu dẫn đến xảy ra sự kiện bảo hiểm là vấn đề về rủi ro kinh doanh mà những doanh nghiệp này phải gánh chịu, nên Điều 420 BLDS 2015 sẽ không được áp dụng trong những trường hợp này.
Thứ hai, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.
BLDS 2015 không có quy định tiêu chuẩn để xác định như thế nào là thiệt hại nghiêm trọng. Như vậy, việc xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại trong thực tế sẽ tuỳ thuộc vào từng bối cảnh hợp đồng, phụ thuộc ý chí và khả năng chứng minh của các bên cũng như quan điểm của cơ quan xét xử.
Theo quan điểm của cá tác giả, có thể diễn giải theo hướng "thiệt hại nghiêm trọng" là thiệt hại đến mức mà bên bị thiệt hại đánh mất đi lợi ích họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, nói cách khác là đã mất đi mục đích giao kết hợp đồng ban đầu. Chúng ta có thể xem xét về thiệt hại nghiêm trong theo 2 biểu hiện sau:
Một là, hoàn cảnh thay đổi dẫn đến sự tăng lên đáng kể về chi phí.
Có nghĩa là có sự gia tăng đáng kể chi phí cho một bên để thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên này thường sẽ là người thực hiện nghĩa vụ phi tiền tệ. Chẳng hạn, sự gia tăng đáng kể về chi phí có thể là do tăng giá quá mức đối với nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, hoặc đưa ra các quy định an toàn mới đòi hỏi tốn nhiều chi phí đầu tư hoặc xử lý hơn so với quy trình sản xuất ban đầu.
Hai là, sự suy giảm đáng kể giá trị của lợi ích mà một bên có quyền trông đợi ở hợp đồng, bao gồm cả các trường hợp lợi ích bị mất đi hoàn toàn.
Thiệt hại này có thể liên quan đến nghĩa vụ tiền tệ hoặc phi tiền tệ. Việc giảm đáng kể giá trị hoặc tổng thiệt hại của bất kỳ giá trị nào trong lợi ích hợp đồng có thể là do thay đổi mạnh mẽ trong điều kiện thị trường (ví dụ như tác động của sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát đối với giá thỏa thuận theo hợp đồng) hoặc sự kiện làm chấm dứt tồn tại của mục đích giao kết hợp đồng ban đầu (ví dụ: lệnh cấm vận xuất khẩu đối với hợp đồng mua hàng hoá nhằm mục đích xuất khẩu). Đương nhiên, việc giảm giá trị của lợi ích hợp đồng phải có khả năng đo lường một cách khách quan, một sự thay đổi đơn thuần trong quan điểm cá nhân của bên có lợi ích sẽ không được xem xét đến.
Một vấn đề cần được chú ý đối với 2 điều kiện trên là việc gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ hay việc giảm giá trị lợi ích mong đợi đều phải liên quan trực tiếp đến hợp đồng đang xem xét. Tránh nhầm lẫn việc sử dụng khó khăn của một hợp đồng thứ nhất để viện dẫn đến khó khăn cho một hợp đồng thứ hai.
Việc gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ hầu hết chỉ xảy ra với những nghĩa vụ phi tiền tệ, trừ một số trường hợp thực hiện nghĩa vụ tiền tệ nhưng vì hoàn cảnh thay đổi dẫn đến các tác động làm giảm sút giá trị nội tại của đồng tiền.
Ví dụ: Doanh nghiệp lọc dầu A ký hợp đồng bán xăng thành phẩm cho doanh nghiệp B với giá 18.000 đồng/lít, thời hạn hợp đồng là 3 năm. Tuy nhiên mới thực hiện được 1 năm thì xảy ra sự kiện chiến tranh bằng súng đạn giữa các quốc gia vùng Trung Đông, dẫn tới giá dầu thô tăng lên 25.000 đồng/lít. Lúc này, doanh nghiệp A phải nhập khẩu nguyên liệu với giá 25.000 đồng/lít để sản xuất ra sản phẩm bán với giá 18.000 đồng/lít, điều này đã dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp A mà nguyên nhân trực tiếp là do sự tăng giá nhanh chóng đối với nguyên liệu đầu vào. Lúc này doanh nghiệp A có quyền yêu cầu áp dụng quy định pháp luật về "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" để sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng nhằm hạn chế thiệt hại.
Áp dụng đối với các thiệt hại gánh chịu bởi dịch Covid-19, các tác giả nhận thấy những thiệt hại trong thực tiễn chủ yếu mang dấu hiệu thứ hai, đó là sự giảm giá trị đối với lợi ích trông đợi từ hợp đồng. Nói cách khác, việc thua lỗ hiện nay phần lớn là do kết quả kinh doanh kém, trong khi chi phí đầu vào vẫn giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể, trừ một số ngành nghề liên quan đến sản phẩm thiết yếu.
Ví dụ: Doanh nghiệp A ký hợp đồng cho doanh nghiệp B vay một số tiền tính bằng đồng Việt Nam. Giả định rằng để đối phó với dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã tung ra hàng loạt gói cứu trợ nhằm bơm tiền kích thích nền kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này sẽ khiến lạm phát tăng mạnh trong thời gian ngắn, đồng nghĩa với sự giảm giá của đồng nội tệ. Nếu mức lạm phát tăng lên một mức đủ cao, dẫn đến lãi suất phát sinh từ hợp đồng vay không đủ bù lại mức giảm giá trị đồng tiền, khi đó sẽ gây ra thiệt hại đối với bên cho vay, trên cơ sở đó bên cho vay có quyền đề nghị áp dụng quy định về " thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản". Thiệt hại xảy ra ở đây liên quan đến việc giảm giá trị lợi ích mà bên cho vay trông đợi từ hợp đồng.
Thứ ba, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Hai yếu tố quan trọng để đáp được được điều kiện này đó là: (i) đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và (ii) không thể ngăn chặn, giảm thiểu sự ảnh hưởng. Khi và chỉ khi kết hợp đồng thời 2 yếu tố này thì mới xác định là đã phù hợp quy định pháp luật. Nếu thiếu một trong hai thì “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” không thể xác lập.
Đối với yếu tố (i) đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Cần hiểu rằng việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết này phải thuộc vào phạm vi khả năng của chủ thể có nghĩa vụ. Vậy bao nhiêu thì được gọi là "mọi" biện pháp ? Điều này phụ thuộc vào từng hoàn cảnh hợp đồng riêng và đặc biệt phụ thuộc vào khả năng chứng minh của các chủ thể khi xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài, bên yêu cầu áp dụng “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” phải có trách nhiệm chứng minh việc mình đã áp dụng đầy đủ mọi biện pháp trong khả năng có thể. Nếu đối phương có thể chứng minh ngược lại rằng vẫn còn phương pháp khác có thể khắc phục hợp đồng và nằm trong phạm vi khả năng của bên có nghĩa vụ, nhưng bên có nghĩa vụ chưa thực hiện, thì sẽ không đủ căn cứ để áp dụng quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.
Đối với yếu tố (ii) không thể ngăn chặn, giảm thiểu sự ảnh hưởng. Có nghĩa là trong quá trình diễn ra hoàn cảnh thay đổi, bên có nghĩa vụ đã áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết trong khả năng của mình, nhưng hoàn toàn không tìm được cách thức nào có thể giúp thực hiện được nghĩa vụ. Thực tế cũng có những trường hợp chủ thể đã tìm ra được cách thức để khắc phục khó khăn, nhưng việc áp dụng cách thứ đó sẽ khiến bên có nghĩa vụ phải chịu một thiệt hại nghiêm trọng vượt qua giá trị thu được khi thực hiện hợp đồng, khi đó phần lớn các chủ thể sẽ lựa chọn phương án không thực hiện nghĩa vụ và đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận bồi thường thiệt hại.
Theo quan điểm tác giả, trong bối cảnh hiện nay, ít có nghĩa vụ hợp đồng nào lại chịu sự tác động của Covid-19 đến mức hoàn toàn không thể thực hiện được. Khó để có thể phân tích được vấn đề này một cách khái quát, bởi vì trong thực tế có vô vàn những hợp đồng với các nghĩa vụ khác biệt nhau. Tác giả sẽ phân tích nghĩa vụ phổ biến nhất đó là nghĩa vụ trả tiền. Đây là nghĩa vụ rất thường gặp trong các loại hợp đồng song vụ. Thực tế Covid-19 rất khó để có thể ngăn cản hoàn toàn được việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, bởi vì nghĩa vụ này ít chịu tác động của ngoại cảnh, chỉ phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của chủ thể. Việc trả tiền có thể thực hiện bằng phương thức trả tiền mặt, hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, và thực tế trong suốt quá trình diễn ra dịch bệnh thì các ngân hàng vẫn được phép hoạt động với thời gian gần như bình thường.
Cần phải phân biệt rõ giữa việc không thể thực hiện được nghĩa vụ khác với việc thực hiện nghĩa vụ nhưng gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng. Sự giảm sút của thu nhập trong hoạt động thương mại là rủi ro kinh doanh mà các chủ thể khi tham gia vào thị trường phải gánh chịu, không thể viện dẫn lý do thua lỗ để giải thoát khỏi nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng.
3. Kết luận
Trong bối cảnh dịch Covid-hiện nay, xuất hiện rất nhiều hợp đồng gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ và phát sinh thiệt hại nghiêm trọng, tuy nhiên cần chú ý rằng việc áp dụng các quy định về "thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản" cần phải phân tích trong từng bối cảnh riêng biệt, gắn kết với các yếu tố nội tại của mỗi hợp đồng, tránh diễn giải phạm vi điều chỉnh của những quy định pháp luật nói trên xa rời với hợp đồng ban đầu.
Thông qua bài viết này, tác giả đã phân tích một số vấn đề về áp dụng căn cứ "thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản" trong BLDS 2015, đồng thời đưa ra những quan điểm về việc vận dụng vào các tình huống thực tế trong giai đoạn Covid hiện nay, có ý nghĩa tham khảo đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như những chủ thể trực tiếp tham gia vào quan hệ hợp đồng.
Nhà máy chế biến thủy sản Caseamex tại Cần Thơ - Ảnh: Khánh An
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận