Bàn về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà và kiến nghị

Bài viết phân tích quy định của pháp luật một số nước trên thế giới và so sánh đối chiếu với pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà và thực tiễn xét xử tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Từ bao đời nay, quan hệ giữa cha mẹ với con cái là quan hệ đặc biệt bền chặt và việc chăm sóc, nuôi dưỡng con đã được xem như trách nhiệm đương nhiên mà cha mẹ không thể chối từ. Ở góc độ pháp lý, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con vừa là nghĩa vụ đồng thời cũng là quyền của cha mẹ.

Ở Việt Nam, pháp luật hôn nhân và gia đình xác định cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của cha mẹ không phụ thuộc vào việc cha mẹ có hay không có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ cha mẹ có còn tồn tại hay đã chấm dứt trong trường hợp ly hôn hoặc bị hủy hôn nhân do kết hôn trái pháp luật hay không công nhận quan hệ vợ chồng. Về nguyên tắc, nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của cha mẹ được ưu tiên xác định trên cơ sở đặt lợi ích chính đáng của người con lên hàng đầu[1]. Thực tiễn cho thấy, do nhiều nguyên nhân nên con cái có thể không thể thụ hưởng được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng từ cha mẹ. Chính vì vậy, việc xác định quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của người không phải là cha mẹ, trong đó có ông bà để thay thế nghĩa vụ và quyền của cha mẹ là hoàn toàn cần thiết.

1. Quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà theo pháp luật của một số nước

Tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông bà không có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu theo truyền thống của pháp lý. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây không ít tiểu bang đã thừa nhận quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà đối với cháu - quyền hình thành từ yếu tố mang tính huyết thống tự nhiên bằng cơ chế pháp lý[2]. Dựa trên nguyên tắc quyền nuôi con của cha mẹ được ưu tiên hàng đầu, Tòa án chỉ quyết định quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu khi ông bà đáp ứng những điều kiện theo luật tiểu bang, vì lợi ích tốt nhất của cháu. Thông thường, nếu cả cha và mẹ đều không còn sống hoặc nếu cha và mẹ đều được xác định là không thích hợp để giữ quyền nuôi con. Chẳng hạn như có căn cứ xác định cha mẹ bỏ bê, lạm dụng con và cháu đã được ông bà giám hộ về thể chất từ một năm trở lên; trong trường hợp này, cha mẹ có thể được yêu cầu phải trả tiền cấp dưỡng cho con cái và ông bà vượt qua sự ưu tiên của cha mẹ, được chỉ định là người giám hộ để thực hiện quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu.[3]

Ở Trung Quốc, Luật Hôn nhân năm 1950 sửa đổi năm 1980 và 2001 quy định: Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng và giáo dục con, kể cả con sinh ra ngoài giá thú cho đến khi con có thể tự lập (Điều 21 và Điều 25); khi cha mẹ chết hoặc cha mẹ họ không còn khả năng nuôi dưỡng con, thì anh, chị, em ruột nếu đủ điều kiện phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau (Điều 29). Đặc biệt là Luật Hôn nhân của Trung Quốc còn xác định ông bà nội, ông bà ngoại nếu có đủ điều kiện thì phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên trong trường hợp cha mẹ cháu đã chết hoặc cha mẹ cháu không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng con (Điều 28).[4]

Ở Pháp, theo quy định tại Đạo luật số 96 - 604 ngày 05/7/1996, thì khi cha mẹ ly hôn hoặc ly thân mà một trong các bên không thực hiện được quyền đối với con, thì vì lợi ích của con, trong một số trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể quyết định giao con cho người thứ ba - người được ưu tiên lựa chọn trong số họ hàng của con, trong đó có cả ông bà.[5]

Pháp luật nhiều nước trên thế giới đã luật hóa và áp dụng rất sớm quy định về quyền của người giám hộ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cần được giám hộ là con sau khi cha mẹ ly hôn - khi có căn cứ là cần thiết vì lợi ích của con[6]. Theo đó, cha mẹ sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân mà không đủ điều kiện hoặc không đủ tư cách để chăm sóc, nuôi dưỡng con, thì vì lợi ích tốt nhất của con, quyền của họ sẽ được chuyển giao cho người thân thích của con hoặc con sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi các cơ sở bảo trợ xã hội.

Điển hình như: Án lệ Bottoms v. Bottoms[7], khi giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con (trẻ Tyler Doustou, sinh năm 1991) giữa mẹ của đứa trẻ (bà Sharon Bottoms) và bà ngoại của trẻ (bà Kay Bottoms), Tòa án quận Henrico thuộc tiểu bang Virginia Hoa Kỳ vào năm 1993 đã phán quyết giao trẻ Tyler Doustou cho bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng với quan điểm hành vi đồng tính luyến ái giữa bà Sharon (mẹ đứa trẻ) cùng đối tác April Wade sau khi bà Sharon ly hôn là “vô đạo đức, bất hợp pháp”, nên người mẹ này “không thích hợp” để thực hiện quyền của mình đối với con. Vụ án này đã trải qua nhiều cấp giải quyết, nhưng cuối cùng vào năm 1995, Tòa án tối cao Virginia giữ nguyên phán quyết ban đầu của Tòa án sơ cấp, tiếp tục trao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ cho bà ngoại với tư cách là người giám hộ thay vì mẹ của đứa trẻ với quan điểm: Trong một cuộc tranh chấp quyền nuôi con giữa cha, mẹ và người không phải là cha mẹ, “lợi ích tốt nhất của đứa trẻ là điều quan trọng và là cơ sở để Tòa án quyết định”. Trên cơ sở nhận định quan hệ đồng tính của người mẹ sẽ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến con, đồng thời xét “các bằng chứng khác”, chẳng hạn cha đứa trẻ Tyler Doustou đã không còn quan tâm đến trẻ từ nhiều năm sau khi ly hôn; mẹ của trẻ - bà Sharon Bottoms chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, bị thất nghiệp từ ba năm trước đến thời điểm xét xử,… Tòa án kết luận rằng lợi ích tốt nhất của trẻ Tyler Doustou sẽ được thúc đẩy bằng cách trao quyền nuôi trẻ cho bà ngoại.

2. Quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà theo pháp luật Việt Nam

Qua khảo sát quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà theo pháp luật của một số nước trên thế giới cho thấy, pháp luật Việt Nam cũng có nét tương đồng và phù hợp với truyền thống văn hóa cũng như thực tiễn gia đình Việt Nam. Theo đó, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 69 của Luật Hôn nhân – Gia đình (LHNGĐ) năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: “Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Tại khoản 1 Điều 71 quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Và khoản 3 Điều 70 quy định: Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Vấn đề đặt ra, khi cha mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp thực hiện nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con hoặc trong trường hợp con không còn cha mẹ thì nghĩa vụ và quyền này được đảm bảo thực hiện bởi chủ thể nào? Tương tự pháp luật của các nước, pháp luật nước ta cũng có cơ chế xác định người thứ ba thực hiện nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con thay thế cho cha mẹ, trong đó có ông bà. Theo đó, tại khoản 1 Điều 104 của LHNGĐ năm 2014 quy định: Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này[8] thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. Như vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình nước ta thừa nhận quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà ở hàng thứ ba và có thể phát sinh trong các trường hợp sau:

- Một là, khi cha mẹ của cháu không còn và cháu không thể nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ anh, chị, em (do không có anh, chị, em; anh, chị, em đều là người chưa thành niên hoặc đã thành niên, nhưng họ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ);

- Hai là, khi cha mẹ của cháu không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con (do cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên hoặc do cha mẹ không có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con) mà cháu không có anh, chị, em chăm sóc, nuôi dưỡng; không phụ thuộc vào việc cha mẹ của cháu có hay không có quan hệ hôn nhân; quan hệ cha mẹ của cháu còn tồn tại hay đã chấm dứt, nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà có thể được xác định vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của cháu.

Ngoài ra, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn còn quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Theo đó, tại khoản 2 Điều 81 của LHNGĐ năm 2014 quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”. Tại khoản 2 Điều 82 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Và theo quy định tại Điều 84 của LHNGĐ năm 2014 cho thấy, cùng với một số chủ thể khác (Người thân thích, Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ), cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc người thân thích của con, trong đó có ông bà với tư cách là người có quan hệ trực hệ với cháu[9] có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con trên cơ sở lợi ích của con. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của BLDS năm 2015.

Có thể nhận thấy, pháp luật hôn nhân và gia đình nước ta không có sự khác biệt lớn so với pháp luật của các nước về vấn đề này. LHNGĐ năm 2014 định hướng giải quyết việc ly hôn, cũng như trong việc hủy kết hôn trái pháp luật, không công nhận quan hệ vợ chồng, thì Tòa án cần quán triệt nguyên tắc giao con cho cha, mẹ hay người giám hộ chăm sóc, nuôi dưỡng phải xuất phát từ quyền lợi mọi mặt của con[10]. Theo quy định tại Điều 84 của LHNGĐ năm 2014, thì Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu bên (cha hoặc mẹ) trực tiếp nuôi con “không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Tại điểm b khoản 1 Điều 47 và Điều 52 của BLDS năm 2015, thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên có cha mẹ, nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên được xác định theo thứ tự: (i) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; (ii) Trường hợp không có người giám hộ trong trường hợp nêu trên, thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Quan điểm, thực tiễn xét xử và đề xuất, kiến nghị

Trên thực tiễn có quan điểm cho rằng: “Pháp luật chỉ quy định về quyền được nuôi con, quyền thay đổi việc nuôi con của cha mẹ chứ không hề có quy định về quyền nuôi con của ông bà thay cho cha mẹ khi cha hoặc mẹ còn sống, chịu đứng ra đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cái”[11]. Quan điểm khác lại cho rằng: “Chỉ cha mẹ mới có quyền và nghĩa vụ với con cái trước và sau thời kỳ hôn nhân. Quyền và nghĩa vụ đó sẽ không được chuyển giao cho ai khác ngoài cha mẹ khi họ vẫn còn năng lực dân sự. Do vậy, những trường hợp ông bà, người thân thích khác trong gia đình nội, ngoại của trẻ muốn nhận nuôi cháu khi cha mẹ chúng không hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc con cũng không được phép”[12].

Thực tiễn xét xử cho thấy, phần lớn các Tòa án không dám “xé rào” do LHNGĐ quy định quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng theo thứ tự ưu tiên: Cha mẹ được xếp ở hàng ưu tiên thứ nhất, anh chị em được xếp ở hàng thứ hai, còn ông bà được xếp ở hàng thứ ba. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cả cha và mẹ đều không đảm bảo điều kiện để chăm sóc con, nên Tòa án đã giao cho ông bà nuôi dưỡng. Cụ thể: Tại Quyết định công nhận thuận ly hôn số 94/2013/QĐST-HNGĐ ngày 17/4/2013 của TAND thành phố H, tỉnh H đã ghi nhận sự tự thỏa thuận của anh P với chị L giao cháu P1 (sinh ngày 08/10/2010) cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn, do chị L phải sang Liên bang Nga làm ăn, nên chị L lập ủy quyền cho ông Đ và bà S (cha mẹ ruột) chăm sóc, nuôi dưỡng cháu P. Cho nên, anh P khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con. Tại Bản án sơ thẩm số 13/2014/HNGĐ-ST ngày 19/5/2014, TAND tỉnh T xét xử giao cháu P1 cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng. Do không đồng ý với bản án sơ thẩm nên chị L, ông Đ và bà S kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 55/2016/HNGĐ-PT ngày 30/5/2016, TANDCC tại H đã chấp nhận kháng cáo của chị L, ông Đ và bà S, sửa án sơ thẩm, giao cháu P1 cho ông Đ và bà S (ông bà ngoại) trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu P1 đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác, với lý do: Sau khi xét xử sơ thẩm, anh P đã sang Liên bang Nga sinh sống và tại thời điểm Tòa án giải quyết vụ án, cả chị L và anh P đều không có mặt tại Việt Nam, nên cả hai đều không có điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu P1. Trong khi đó, từ khi chị L, anh P ly hôn đến hiện tại, cháu P1 vẫn ở với ông Đ, bà S và được ông Đ, bà S chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.

Chúng tôi đồng tình với phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm, bởi cả cha và mẹ đều không thể trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con; đồng thời, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà và đảm bảo lợi ích tốt của đứa trẻ. Thiết nghĩ, trong thời gian tới Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm thông qua vụ án điển hình để làm án lệ về quyền và nghĩa vụ chăm sóc cháu của ông bà. Đồng thời, trong tương lai, khi LHNGĐ năm 2014 sửa đổi, thì cần có quy định mở cho phép Tòa án được quyền giao đứa trẻ không bắt buộc phải theo thứ tự ưu tiên như trên mà chỉ cần dựa trên cơ sở một trong những người trong hàng ưu tiên đó đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.

 

Ảnh minh họa của Kids Plaza

 

[1] Các điều 15, 58, 68, 69, 71, 79 và 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[2] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh - Lê Vĩnh Châu chủ biên (2018), Sách tình huống (Bình luận bản án) Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 330.

[5] Xem: http://lexinter.net/english/civil_code.htm, truy cập ngày 11/10/2021.

[6] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh - Lê Vĩnh Châu chủ biên (2018), Sách tình huống (Bình luận bản án) Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 336.

[7] Án lệ Bottoms v. Bottoms 249 Va. 410, 457 SE2d 102 (1995).

[8] Điều 105 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em: “Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”.

[9] Khoản 19 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[10] Khoản 2 Điều 12, khoản 1 Điều 14, Điều 15, khoản 2 Điều 53 và Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[11] Nguyên Trường (2009), Ly hôn tòa lại giao con cho bà ngoại, Trang thông tin điện tử Báo Pháp luật: http://plo.vn/thoi-su/ly-hon-toa-lai-giao-con-cho-ba-ngoai-344859.html, truy cập ngày 11/10/2021.

[12] Xem tại Trang thông tin điện tử Báo Phụ nữ: http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=21167&CatId175, truy cập ngày 11/10/2021.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)- HUỲNH THỊ NGỌC (Sinh viên ngành Luật kinh tế, Khóa 19, Trường Đại học Cửu Long)