Một số quan điểm về áp dụng Điều 341 BLHS 2015

Thời gian gần đây, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính ở nước ta có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ của các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, nguy hiểm, nổi lên là tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

1.Các quan điểm khác nhau về định tội danh

1.1.Về định tội danh

Đối với hành vi đặt mua (thuê người khác làm) tài liệu giả (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe…), sau đó sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật, còn nhiều quan điểm khác nhau.

Tình huống: A đặt mua 01 giấy CNQSDĐ của một đối tượng tại thành phố Hồ Chí Minh (hiện không xác minh được nhân thân, lai lịch) với giá 8.000.000 đồng. Sau đó, A sử dụng giấy CNQSDĐ giả đã mua được lừa lấy lòng tin của bà B sau đó chiếm đoạt số tiền 300.000.000 đồng. Tại Bản kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Y kết luận 01 Giấy CNQSDĐ (A sử dụng) là giả. Trên cơ sở kết quả xác minh, làm rõ; Cơ quan CSĐT Công an huyện X đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, đối với hành vi đặt mua và sử dụng 01 giấy CNQSDĐ giả của A hiện có hai quan điểm giải quyết như sau:

Quan điểm thứ nhất: Khởi tố bị can đối với A về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Những người theo quan điểm này cho rằng A thông qua việc thực hiện hành vi cung cấp thông tin cá nhân, loại hình giấy tờ yêu cầu người khác làm giả đã đủ cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với vai trò đồng phạm. Nếu A không đặt mua cũng như không cung cấp thông tin cá nhân của mình thì đối tượng sẽ không thực hiện được hành vi làm giả con dấu, tài liệu.

Quan điểm thứ hai: Khởi tố bị can đối với A về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”

Việc A đặt mua giấy CNQSDĐ giả chỉ một quá trình thực hiện hành vi nhằm mục đích sử dụng giấy CNQSDĐ giả mua được để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà B. Do đó, hành vi của A chỉ cấu thành tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Quan điểm thứ ba: Khởi tố bị can đối với A về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”

A đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia). Hành vi khởi xướng việc làm giả giấy tờ với mục đích sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản có mối quan hệ tất yếu, chặt chẽ với nhau. Do đó, A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng.

Tác giả cho rằng cần khởi tố bị can đối với A về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan”, vì bị can chỉ phạm tội với hành vi “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan” mà không phạm tội tương ứng với hành vi làm giả.

Trong vụ án này, việc đánh giá hành vi của các bị can có tính chất đồng phạm với tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” là chưa phù hợp. Việc mua bán giữa các bị can và đối tượng làm giả chỉ là mối quan hệ mua bán – dựa trên cơ sở giao dịch mà không phải là một vụ án hình sự có tính chất đồng phạm nên không thể đánh giá bản chất việc đặt mua 01 giấy CNQSDĐ của bị can mang dáng dấp người khởi xướng, chủ mưu thực hiện tội phạm. Mặt khác, nếu xử lý bị can với tội danh trên sẽ không thể hiện được sự phân hoá về hành vi của người phạm tội (giữa hành vi trực tiếp sản xuất và hành vi sử dụng). Về khái niệm hành vi làm giả được hiểu là việc tạo ra các giấy tờ” – các hành vi được thể hiện dưới tác động thể chất của con người hoặc máy móc như cắt, dán, in, sao chép… hoặc vai trò của đồng phạm khi xúi giục, khởi xướng, giúp sức cho người phạm tội hoàn thành hành vi làm giả của mình. Thực tế hiện nay cho thấy, việc đặt mua con dấu, tài liệu giả dưới hình thức mua bán trực tuyến hoặc ngoại tuyến diễn ra phổ biến. Trong quá trình giao dịch, người đặt mua phải cung cấp thông tin, loại hình con dấu, giấy tờ cần làm giả để đối tượng làm giả thực hiện theo yêu cầu. Nếu đồng nhất khái niệm làm giả với việc đặt mua giấy tờ giả, vô hình chung sẽ không có ranh giới giữa hành vi sử dụng và hành vi làm giả; hoặc nếu chăng sẽ chỉ có trong các trường hợp rất hiếm khi xảy ra đó là có được giấy tờ giả (không phải do mình đặt mua) sau đó đem đi sử dụng.

Ngoài ra, trong vụ án này, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan nhà nước (không phải là tổ chức) có con dấu, tài liệu chịu tác động của hành vi phạm tội nên Điều luật được trích dẫn chính xác trong vụ án này phải là tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan” mà không phải là “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

1.2.Thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử, đã có rất nhiều bản án của TAND các cấp có quan điểm, nhận thức khác nhau đối với hành vi đặt mua giấy CNQSDĐ giả sau đó sử dụng dẫn đến việc tuyên tội danh được áp dụng với bị cáo khác nhau. Cụ thể:

Vụ án thứ nhất: Vào khoảng tháng 3 năm 2019, thông qua mạng xã hội Facebook, H mua xe Airblade có số máy VD68H152QMIN 0001517, số khung RNDSCJ2MD41-001517 của đối tượng tên Ngọc ở TP. Hồ Chí Minh với số tiền 18.000.000 đồng. Do xe không chính chủ nên bị cáo nảy sinh ý định thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mang biển số tỉnh Cà Mau và do bị cáo đứng tên sở hữu để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông khi sử dụng. Để thực hiện ý định, Huỳnh Trung H đã liên hệ với người có tài khoản facebook là “Hoàng Long” đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô biển số 69M1-024.68 mang tên Huỳnh Trung H với giá 2.000.000 đồng. Sau một thời gian sử dụng xe với giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô nêu trên thì Huỳnh Trung H đăng thông tin lên trang website Chợ Tốt: Bán xe mô tô gắn biển số 69M1-024.68 với giá 16.000.000 đồng và được anh Mai Hữu D đồng ý mua với giá 12.000.000 đồng. Khi Huỳnh Trung H cùng anh D đến Văn phòng Công chứng Mai Hương lập hợp đồng mua bán xe thì bị phát hiện giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô của H là giả.

 

Tại Kết luận giám định số 104/GĐ-2019 ngày 09/8/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Cà Mau, kết luận: “Chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy” số 017018, tên chủ xe Huỳnh Trung H, biển số đăng ký 61M1-024.68 đổi, cấp lại lần thứ nhất ngày 14/02/2019 là giả.

 

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 104/2020/HS-ST ngày 09 /6 /2020 của TAND thành phố Cà Mau, quyết định căn cứ khoản 1 Điều 341 BLHS, tuyên bố bị cáo Huỳnh Trung H phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

 

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 89/2020/HS-PT ngày 26 /8 /2020 của TAND tỉnh Cà Mau giữ nguyên phần tuyên bố bị cáo phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

 

Vụ án thứ hai: Từ khoảng tháng 12 năm 2018, Trần Thị Lệ H đã có hành vi thuê người (không xác định được) làm giả 01 giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. mang tên Trần Thị Lệ H đối với thửa đất số 01, tờ bản đồ số 94, diện tích 535 m2, ở tại thôn L, xã M, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, mục đích để đem đi thế chấp vay tiền. Sau khi làm xong giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả trên, Trần Thị Lệ H đem đi sử dụng thì bị phát hiện.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS-ST ngày 23/ 4 /2020, Toà án huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã căn cứ khoản 1 Điều 341 tuyên bố bị cáo phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.       

Vụ án thứ ba: Khoảng tháng 4/2019, Vũ C có hành vi cung cấp thông tin địa chỉ số đường M, Phường 5, Quận 3 và số đường K, Phường 6, Quận 3 và hình ảnh của mình cho đối tượng sử dụng nick zalo “XX” để làm giả 02 sổ hộ khẩu mang tên chủ hộ Mai D tại địa chỉ số đường M, Phường 5, Quận 3 và số đường K, Phường 6, Quận 3 có tên Mai K trong hộ khẩu và 01 giấy chứng minh nhân dân, 01 giấy lái phép xe mang tên Mai K với mục đích vay tiền tín chấp. Sau đó, C đã sử dụng sổ hộ khẩu có địa chỉ số đường M, Phường 5, Quận 3 liên lạc với “DK” (tên người cho vay online) và dẫn đến địa chỉ trên rồi đưa cho Dũng giữ chứng minh nhân dân mang tên Mai K để làm tin vay số tiền 70.000.000 đồng. Ngày 17/04/2019, C lại liên hệ với Nguyễn M và C lái xe ô tô Honda Civic biển số 51G –706.39 thuê của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Vận tải Bảo Bảo đến gặp Mạnh và đưa cho Mạnh 01 sổ hộ khẩu có địa chỉ đường M, Phường 5, Quận 3 có tên Mai K và viết giấy biên nhận bán xe rồi nhận cọc số tiền 100.000.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2020/HS-ST ngày 5/5/2020, Toà án Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ điểm c khoản 2 Điều 341 tuyên bố bị cáo Vũ C phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

2.Cấu thành cơ bản

Tình huống: A và B có quan hệ tình cảm. A thường xuyên bị B chê nghèo và nói A không có tiền đủ để mua nhà và lo việc làm cho B. Nghĩ B xem thường mình nên A đã làm giả 01 con dấu của Công an phường X, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội với mục đích để B tin rằng gia đình của A có địa vị, giàu có. Hành vi của A sau đó bị Công an phát hiện và tiến hành xử lý. Quá trình giải quyết tồn tại hai quan điểm xử lý đối với A như sau:

Quan điểm thứ nhất: Phải khởi tố A về tội “Làm giả con dấu của cơ quan”

A đã có hành vi tự làm giả 01 con dấu – đây là con dấu do cơ quan có thẩm quyền sử dụng. A không phải là người có chức vụ, quyền hạn cũng như thẩm quyền tạo lập, sử dụng con dấu nêu trên. Do đó, hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Làm giả con dấu của cơ quan quy định tại Điều 341 BLHS.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Không khởi tố mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của A.

Mặc dù A là người không thẩm quyền trong việc tạo lập cũng như sử dụng con dấu của Công an phường X nhưng đã có hành vi tự khắc dấu giả, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, mục đích phạm tội của A không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật mà chỉ để khiến B tin tưởng rằng gia đình của A giàu có và sẽ không chê A nghèo. Thực tế nội dung vụ án đã cho thấy A sau khi làm giả con dấu nêu trên chỉ đăng trên mạng xã hội với mục đích để B thấy được mà không sử dụng con dấu (giả) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khoản 1 Điều 341 BLHS quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”. Những người theo quan điểm thứ nhất cho rằng, cụm từ “thực hiện hành vi trái pháp luật” được gắn liền với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả chứ không thuộc phạm vi của hành vi làm giả. Chỉ cần một người đảm bảo năng lực TNHS (không thuộc các trường hợp khác theo quy định của BLHS) thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức sẽ phải chịu TNHS quy định tại Điều này. Tác giả cho rằng quan điểm trên chưa chính xác.

- Xét về kết cấu của Điều 341 có thể thấy cụm từ “thực hiện hành vi trái pháp luật” gắn liền với cả hành vi làm giả cũng như hành vi sử dụng. Theo Từ điển Tiếng Việt, từ “hoặc” để biểu thị quan hệ tuyển chọn giữa hai điều được nói đến, có điều này thì không có điều kia và ngược lại. Trong cùng một đoạn nếu tách các cụm riêng biệt sẽ có thể hình thành một câu có ý nghĩa tương tự (Ví dụ: Anh hoặc tôi phải ở lại – nói cách khác anh phải ở lại hoặc tôi phải ở lại). Do đó, quy định tại Điều 341 phải được hiểu theo nghĩa cụ thể đó là: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”. Kết cấu này có thể thấy ở một số Điều luật khác. Ví dụ: “Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác”. Nếu theo quan điểm thứ nhất, tách hành vi chiếm đoạt, mua bán thành một vế riêng biệt không gắn liền với cụm “trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác” sẽ khiến vế câu này trở nên vô nghĩa (chiếm đoạt, mua bán cái gì?).

- Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là ranh giới để phân biệt các hành vi có dấu hiệu tội phạm phải truy cứu TNHS và các hành vi chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Tại điểm d khoản 4 Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)…b)…;c)…;d) khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả”. Có thể thấy, quy định nêu trên rõ ràng đã phân định ranh giới giữa hành vi làm dấu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật với các hành vi làm dấu giả với các mục đích khác. Do đó, hành vi của A trong tình huống nêu trên chỉ bị xử phạt hành chính.

Trên đây là một số quan điểm tác giả về một số quan điểm đối với Điều 341 BLHS 2015. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả./.

           

 Tòa án  quận Liên Chiểu, tp Đà Nẵng xét xử các bị cáo bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 BLHS - Ảnh: Đức Thắng                  

           

NGUYỄN ĐỨC HÀ (Viện kiểm sát nhân dân thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)