Nhà đất đã được thế chấp cho ngân hàng, nay có khởi kiện yêu cầu chia đất thừa kế thì giải quyết thế nào?

Tòa án thụ lý giải quyết vụ án chia thừa kế, trong khi người đãng sử dụng đất đã thế chấp tài sản là nhà đất cho ngân hàng để vay vốn để sản xuất kinh doanh. Nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai, việc khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn là có căn cứ, thì việc chia thừa kế như thế nào để bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên?

Điều 623 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, do quy định này, ở nhiều điạ phương phát sinh vụ kiện chia thừa kế mà trước đây theo BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết; thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác (thông thường là cho một trong số những người con hay cho vợ chồng một trong số những người con của người để lại di sản).

Cũng có một thực trạng khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp này là khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tài sản là nhà đất cho ngân hàng để vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc hoặc với một mục đích nào đó. Trong trường hợp Tòa án xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai, việc khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn là có căn cứ, thì việc chia thừa kế như thế nào để bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên trong khi thửa đất đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay của bị đơn tại Ngân hàng đang là vướng mắc, có những quan điểm khác nhau.

Về các quan điểm, tập trung chủ yếu là ba loại quan điểm sau đây:

Quan điểm thứ nhất: Tòa án nên tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện yêu cầu chia thừa kế, chờ khi nào bị đơn thực hiện xong việc trả nợ, hoặc việc thế chấp tài sản giữa các bên được giải quyết xong, trong trường hợp bị đơn không trả nợ được, thì đưa vụ kiện yêu cầu chia di sản thừa kế ra để tiếp tục giải quyết. Bởi lẽ nguyên đơn thực hiện việc khởi kiện sau khi tài sản nhà đất đã được ngân hàng nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật, và tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong khi giao dịch dân sự vô hiệu có quy định: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Về vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng thế chấp tài sản là giao dịch dân sự không có việc chuyển giao tài sản, tài sản bên thế chấp vẫn giữ, nên trường hợp này không thể áp dụng khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 để xác định hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực pháp luật được; phải xác định đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Về ý kiến này tại Công văn số 64/TANDTC ngày 3/4/2019 của TANDTC về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính đã hướng dẫn là phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện, nên được áp dụng khoản 2 Điều 133 để xác định giao dịch thế chấp tài sản nói trên là không bị vô hiệu. Như vậy hợp đồng thế chấp tài sản là giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật, nên phải chờ việc giải quyết xong hợp đồng này mới giải quyết vụ kiện yêu cầu chia thừa kế.

Quan điểm thứ hai: Tòa án thực hiện việc chia thừa kế một cách bình thường, quyền lợi của Ngân hàng chỉ được bảo đảm bằng một phần tài sản đã được thế chấp là quyền sử dụng phần diện tích đất mà Tòa án chia cho nguyên đơn, và các tài sản khác đã thế chấp trên diện tích đất này, bởi lẽ đây có thể coi là rủi ro mà ngân hàng phải gánh chịu trong hoạt động kinh doanh.

Quan điểm thứ ba: Tòa án thực hiện việc chia thừa kế một cách bình thường, tuy nhiên do tài sản là nhà và quyền sử dụng đất đã được thế chấp tại ngân hàng, nên nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thuộc các hàng thừa kế chỉ được chia thừa kế bằng giá trị, không được chia bằng hiện vật.

Quan điểm thứ tư, là của tác giả: Tác giả nhất trí quan điểm thứ 3, bởi lẽ: Theo khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 và Công văn số 64/TANDTC ngày 3/4/2019 của TANDTC nói trên thì hợp đồng thế chấp tài sản giữa bị đơn với Ngân hàng là giao dịch dân sự không bị vô hiệu, Nhà nước phải công nhận hợp đồng này, nên khi có việc khởi kiện đòi chia thừa kế đối với nhà đất đã được thế chấp, thì Tòa án cần định giá tài sản để có cơ sở xác định kỷ phần của mỗi suất thừa kế, nhưng không chia cho các thừa kế khác (ngoài nguyên đơn) hiện vật, mà chia bằng giá trị là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Cũng có ý kiến cho rằng thực tế trong các vụ án tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất thì rất ít khi việc định giá tài sản là quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, mà thường là thấp hơn giá thị trường nhiều, do đây là một công việc rất phức tạp, vì giá đất trên trị trường luôn biến động và lấy căn cứ nào để xác định giá thị trường đối với thửa đất đang có tranh chấp cũng là một việc rất khó khăn; mặt khác khi chia giá trị mà không chia hiện vật nhiều trường hợp việc thi hành án rất khó khăn, nên lợi ích của nguyên đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng theo phía nguyên đơn không được bảo đảm, trong khi đó hợp đồng thế chấp nhà đất giữa nguyên đơn và ngân hàng dựa trên một giao dịch dân sự vô hiệu trước đó, nhưng lợi ích của ngân hàng lại được ưu tiên bảo đảm hơn. Điều này là không công bằng.

Về ý kiến này tác giả cho rằng trong ba quan điểm về cách giải quyết vụ án, quan điểm thứ ba vẫn là đúng đắn, phù hợp hơn cả, bởi nếu không theo quan điểm này, việc áp dụng pháp luật sẽ trái với khoản 2 Điều 133 BLDS, vô hiệu hóa quy định pháp luật này, hoặc làm cho vụ kiện trở thành rối rắm, phức tạp hơn như theo quan điểm thứ nhất. Mặt khác những khó khăn về định giá tài sản, thi hành án có thể khắc phục được, nên không vì những khó khăn này để làm trái các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp tín dụng, hoặc vô tình khuyến khích cho sự gia tăng những tranh chấp giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp tín dụng.

Trên đây chỉ là quan điểm của tác giả về giải quyết tình huống tranh chấp đã xảy ra nhiều trong thực tế này. Thiết nghĩ vướng mắc này cần được các cơ quan hữu quan, nhất là TANDTC và VKSNDTC phối hợp với nhau để ban hành văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các Tòa án trong công tác xét xử./.

 

Làng nghề Bát Tràng, Hà Nội – Ảnh minh họa của Thái Vũ

 

HOÀNG QUẢNG LỰC (Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình)