Pháp luật về chứng cứ điện tử tại Việt Nam

Trong tình hình hiện nay với sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, mọi giao dịch hầu hết diễn ra trên không gian mạng. Do đó, vấn đề cần giải quyết hiện nay là đưa ra mô hình lý luận nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về chứng cứ điện tử ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là thật sự cần thiết và thiết yếu.

Việt Nam và các nước trên thế giới đang sống trong thời đại công nghệ thông tin. Giao tiếp điện tử đã trở thành phương tiện thích hợp để kinh doanh và có thể thấy hiện nay giao dịch trong và ngoài nước thông qua internet trở nên phổ biến, nơi mọi người có thể kinh doanh mọi lúc, mọi nơi, không biên giới.

Với sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và cách thức truyền thông và điều này đã ít nhiều thay đổi trong đánh giá chứng cứ tại Tòa án khi truyền thông điện tử đang là xu hướng tất yếu. Hiện nay pháp luật Việt Nam thừa nhận giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu.

1.Những vấn đề lý luận về chứng cứ điện tử

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) ra đời có ý nghĩa lớn lao đối với thực tiễn công tác giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại. Một trong những quy định mới, tiến bộ trong quá trình hội nhập quốc tế xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quy định về nguồn chứng cứ là “dữ liệu điện tử[1]” hay được gọi là  “Chứng cứ điện tử”

Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2006 “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự[2], quy định này cho thấy “Dữ liệu điện tử” được coi là nguồn chứng cứ trong giao dịch điện tử.

Để “Dữ liệu điện tử” được xem là chứng cứ hay gọi là chứng cứ điện tử thì dữ liệu điện tử được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định về chứng cứ. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có khái niệm pháp lý về “chứng cứ điện tử” nhưng có thể hiểu “Electronic evidence consists of these two sub-forms: analog and; digital evidence[3], nghĩa là Chứng cứ điện tử bao gồm hai dạng analog hay digital evidence hay “Electronic evidence is any probative information stored or transmitted in digital form that a party to a court case may use at trial[4], nghĩa là chứng cứ điện tử là bất kỳ thông tin xác thực nào được lưu trữ hoặc truyền dưới dạng kỹ thuật số mà các bên có thể sử dụng trước tòa. Tức là bất kỳ thông tin nào lưu trữ hoặc truyền dưới dạng kỹ thuật số thì có thể xem là chứng cứ điện tử. “Electronic evidence means any evidence derived from data contained in or produced by any device, the functioning of which depends on a software program or data stored on or transmitted over a computer system or network[5]”. Từ nhận định trên có thể hiểu “Chứng cứ điện tử” là chứng cứ thu được từ dữ liệu có trong hoặc được tạo ra bởi bất kỳ thiết bị nào mà chức năng của nó phụ thuộc vào chương trình phần mềm hoặc từ dữ liệu được lưu trữ hoặc truyền tải qua hệ thống máy tính hoặc mạng truyền thông.

Từ những quan điểm về Chứng cứ điện tử, có thể khái quát “Chứng cứ điện tử” là tất cả những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu từ mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số... cũng như từ Internet.

Sự khác biệt giữa chứng cứ truyền thống và chứng cứ điện tử

BẢN CHẤT

Chứng cứ truyền thống

Chứng cứ điện tử

Khó có thể thay đổi cấu trúc

Có thể thay đổi cấu trúc trong máy tính hoặc đường truyền

Có thể để lại dấu vết khi thay đổi chứng cứ

Có thể thay đổi chứng cứ mà không để lại dấu vết

Dễ dàng nhận biết chứng cứ ngay từ cái nhìn đầu tiên

Khó có thể nhận biết chứng cứ vì chúng được lưu trữ và mã hóa

Tính nhân bảng khó

Dễ dàng nhân bảng

Điều kiện vật chất ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ

Tốc độ công nghệ ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ

 

1.1.Các loại chứng cứ điện tử

Một tài liệu hoặc thông tin điện tử bao gồm nhiều dữ liệu khác nhau. Ví dụ: email bao gồm dữ liệu truyền tải nội dung, nơi truyền đi và đến, thời gian, ngày tháng... Do đó, mỗi dữ liệu khác nhau sẽ tương ứng với mỗi loại chứng cứ điện tử khác nhau.

Dựa vào cấu tạo chứng cứ điện tử

Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một các logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký[6]. Có thể thấy chữ ký điện tử gồm một số dạng cơ bản sau:

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác[7]. Theo định nghĩa này, có thể hiểu chữ ký điện tử đề cập đến tất cả các tài liệu điện tử và thông điệp dữ liệu điện tử có chữ ký điện tử được xác minh bằng khóa công khai được liệt kê trong thông điệp dữ liệu ban đầu.

Mật mã điện tử việc sử dụng các mã, để chỉ những người có mục đích sử dụng thông tin mới có thể đọc và xử lý nó nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó (Crytopraphy is a method of protecting information and communications through the use of codes, so that only those for whom the information is intended can read and process it[8]) một mã được bảo mật bí mật và bảo vệ thông tin cá nhân truyền qua các kênh công khai thành một biểu mẫu chỉ có thể giải mã bằng một khóa điện tử phù hợp

Ký hiệu điện tử là bất kỳ dấu hiệu, đặc điểm hay âm thanh đặc biệt ở dạng điện tử nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó (Encryption is a method of protecting data you don’t want to see[9]). Nó đại diện danh tính cho một cá nhân và được đính kèm hoặc liên kết một cách hợp lý với thông điệp điện tử hoặc tài liệu điện tử hoặc bất kỳ quy trình nào được một cá nhân sử dụng hoặc áp dụng và được cá nhân đó thực hiện hoặc thông qua với mục đích xác thực, ký hoặc phê duyệt dữ liệu điện tử.

Thông điệp dữ liệu điện tử (Thông điệp điện tử) là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật[10]. Có thể hiểu Thông điệp dữ liệu điện tử là thông tin được tạo ra, gửi, nhận hoặc lưu trữ bằng các phương tiện điện tử[11].

Tài liệu lưu trữ điện tử (tài liệu điện tử) là tài liệu được tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc được số hóa từ tài liệu trên các vật mang tin khác[12]. Có thể hiểu tài liệu điện tử là những thông tin, dữ liệu, số liệu, ký hiệu hoặc các phương thức diễn đạt bằng văn bản khác, được mô tả hoặc trình bày theo cách khác nhau dưới dạng số hóa[13].

Dựa vào nguồn chứng cứ điện tử[14]

Chứng cứ điện tử do con người tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và được lưu trữ trong bộ nhớ điện tử như văn bản, bảng biểu, thư điện tử...

Chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra từ việc xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã được xác định trước bởi chương trình máy tính như lịch trình thanh toán, mẫu thông tin đăng ký trực tuyến, lịch sử giao dịch....

Dựa vào khả năng lưu trữ[15]

Dữ liệu điện tử truyền thông là các dữ liệu được hình thành bởi các cuộc trò chuyện, tin nhắn văn bản qua điện thoại hay các cuộc trò chuyện, âm thanh và hình ảnh được truyền trực tuyến mà không được lưu giữ lại.

Dữ liệu điện tử trong hệ thống Thông tin và Tuyền thông là các dữ liệu được tạo, gửi, nhận, lưu trữ hoặc xử lý thông điệp dữ liệu điện tử hoặc tài liệu điện tử trên hệ thống máy tính hoặc các thiết bị tương tự mà được lưu giữ lại.

1.2Đặc điểm của chứng cứ điện tử[16]

Ngoài những đặc điểm của chứng cứ truyền thống, chứng cứ điện tử có một số đặc điểm riêng:

Một là, không thể nhìn thấy bằng mắt thường: Chứng cứ điện tử được tìm thông qua các lệnh, đôi khi chúng được tìm thấy ở những nơi mà các chuyên gia mới có thể tìm kiếm hoặc ở những nơi chỉ có thể tiếp cận bằng các công cụ đặc biệt.

Hai là, dễ bị ẩn hay biến mất: Một số thiết bị và một số điều kiện nhất định bộ nhớ máy tính (dữ liệu chứa chứng cứ) có thể bị đè (hoặc thay đổi) bởi chức năng hoặc hoạt động thông thường của thiết bị. Điều này có thể do sự dừng đột ngột của hệ thống hay do cài đặt thông tin mới đè lên thông tin cũ do thiếu dung lượng bộ nhớ hay có thể yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, ẩm ướt làm hỏng bộ nhớ lưu trữ.

Ba là, có thể bị thay đổi hoặc bị phá hủy: Trong quá trình sử dụng thông thường, các thiết bị điện tử luôn thay đổi trạng thái bộ nhớ của chúng theo yêu cầu của người sử dụng trong quá trình cập nhật dữ liệu hay lưu các thay đổi hay do quá trình cập nhật tự động dữ liệu của hệ điều hành thiết bị.

Bốn là, tính nguyên bản: Dữ liệu điện tử có thể được sao chép vô thời hạn với bản sao giống hệt như bản gốc. Tức là, mặc dù bản sao nhưng vẫn có thể xem là chứng cứ bởi mang đầy đủ các đặc tính nguyên bản của bản gốc.

2. Pháp luật về chứng cứ điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

2.1. Xác thực chứng cứ điện tử

Các phương tiện liên lạc và kinh doanh đã thay đổi rất nhiều với sự ra đời của Internet. Nó là cơ sở ra đời của bằng chứng điện tử trên toàn cầu đã thách thức các quy luật truyền thống về chứng cứ, vốn yêu cầu xuất trình tài liệu gốc. Do đó, xác thực các dữ liệu điện tử được thu thập có giá trị là bằng chứng điện tử phải rõ ràng, không bị mất hoặc bị ẩn và không ảnh hưởng đến quyền tác giả, quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức hay xâm phạm an ninh, quốc phòng. Vấn đề đặt ra, các dữ liệu điện tử được thu thập có tin cậy và chính xác chưa? Có đảm bảo tính nguyên vẹn của chứng cứ không?

Một ví dụ điển hình về điều này, tại Bản án số 735/2019/DS-PT ngày 21/8/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của TAND Tp Hồ Chí Minh thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử. Cụ thể, nguyên đơn là Trường Mầm Non H cung cấp chứng cứ là Vi bằng số 452/2016/VB-TPLQ.TĐ ngày 12/7/2016 của Văn phòng thừa phát lại quận Thủ Đức về hình ảnh đăng tin “Ai có con em học ở trường mầm non H thì cẩn thận trường đang dùng nước giếng khoan gần nghĩa địa cho các cháu dùng” là Facebook có tên “HN”. Do phía nguyên đơn không chứng minh được bị đơn ông Nguyễn Huy H là người tạo ra và là người sử dụng Facebook với tên gọi “HN” để đăng tin nói trên nên Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Từ Bản án trên có thể thấy, thông tin tài khoản Facebook là thông tin cá nhân dễ dàng tạo lập trên mạng truyền thông mà chưa có cơ quan nào xác thực các thông tin cá nhân đó và phía nguyên đơn cũng không thể xâm phạm quyền riêng tư về tài khoản Facebook với tên “HN”. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ bác yêu cầu của nguyên đơn bởi tính xác thực của chứng cứ điện tử trên.

Một vấn đề liên quan đến xác thực chứng cứ điện tử, tại Bản án số 20/2019/KDTM-PT ngày 12/8/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của TAND tỉnh Bình Dương thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử. Cụ thể, phía bị đơn Công ty TNHH SX DN hàng hóa mà phía nguyên đơn Công ty TNHH CN B giao hàng hóa bị lỗi, sơn kém chất lượng nên xuất đi nước ngoài bị yêu cầu bồi thường và phạt trừ tiền và phía bị đơn có cung cấp chứng cứ là văn bản gửi qua email: Invoice ngày 01/04/2018-30/4/2018; ngày 01/05/2018-31/05/2018; ngày 01/6/2018-30/6/2018. Tuy nhiên, các chứng cứ trên gửi qua email đều có nội dung là tiếng nước ngoài, chưa được dịch sang tiếng Việt và không rõ người gửi, không rõ mối quan hệ giữa người gửi và bị đơn nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem các email mà bị đơn cung cấp là chứng cứ.

2.2. Thu thập chứng cứ điện tử

Khai thác dữ liệu điện tử có thể được thực hiện ngoại tuyến trên máy tính, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác hoặc có thể được thực hiện trên mạng truyền thông. Bởi vì dữ liệu điện tử có thể được tìm kiếm dễ dàng thay vì các tài liệu cứng cần kiểm tra thủ công. Những dữ liệu điện tử này có thể xuất hiện trên nhiều ổ đĩa và các tệp kỹ thuật số, ngay cả khi bị xóa có thể vẫn có lệnh khôi phục chúng và nếu muốn hủy một tập dữ liệu thì phải hủy mọi ổ cứng nơi dữ liệu đã được lưu trữ. Điều nay làm cho chứng cứ điện tử trở nên đáng tin cậy hơn về tính khả dụng thay vì các chứng cứ truyền thống có thể dễ dàng phá hủy mà có khả năng khôi phục lại.

Hơn nữa, sự đa dạng của chứng cứ điện tử giúp việc tiến hành khai thác dữ loại có thể làm nguồn chứng cứ như văn bản điện tử, tệp tài liệu, cơ sở dữ liệu, tệp âm thanh và hình ảnh, trang web và chương trình máy tính đều là những nguồn chứng cứ đáng tin cậy, ngay cả phần mềm độc hại như vi rút, Trojan và phần mềm gián điệp cũng có thể được xem xét chấp nhận.

Tuy nhiên, có một số vấn đề trong việc thu thập chứng cứ điện tử là việc khôi phục các dữ liệu đã bị phá hủy hay giám định tính hợp pháp của dữ liệu hoặc việc mã hóa các dữ liệu điện tử... trong việc đánh giá chứng cứ trong trường hợp bảo vệ bên yếu thế như người tiêu dùng, người lao động hay người thu nhập thấp... Tuy nhiên, vấn đề này pháp luật chưa thảo luận về chi phí khôi phục dữ liệu và xác minh chứng cứ bởi vì thông thường chi phí này do bên yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh và chịu chi phí. Do đó, chi phí khôi phục dữ liệu và xác minh chứng cứ sẽ ảnh hưởng đến tính đầy đủ và khách quan của các dữ liệu điện tử được thu thập hay cung cấp bởi đương sự.

Bên cạnh đó, khi khai thác dữ liệu điện tử phát sinh nhiều vấn đề pháp lý về an ninh, chính trị và quyền riêng tư cá nhân trong quá trình khai thác, tìm kiếm dữ liệu điện tử. Chẳng hạn, đương sự có thể yêu cầu Tòa án xem xét tiến hành tìm kiếm dữ liệu nhưng đôi khi không cần thiết và không có luật nào có nghĩa vụ xóa dữ liệu đã được sao chép trong quá trình tra cứu dữ liệu. Đều này làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Ngoài ra, phạm vi địa lý cũng ảnh hưởng đến việc tra cứu bởi dữ liệu điện tử không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian có tính chất chuyển đổi và xuyên biên giới. Điều này đẫn đến việc tra cứu dữ liệu điện tử không khả thi khi liên quan đến yếu tố ngoại giao về chính trị và an ninh của một quốc gia.

​​​​​​​2.3Bảo quản chứng cứ điện tử

Do sự tăng trưởng vượt bậc của quản trị điện tử nên các cơ quan, tổ chức đang mở cửa để đưa các chính sách quản trị khác nhau bằng điện tử và các hồ sơ định kỳ để điều chỉnh và kiểm soát các ngành được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử.

Nguyên nhân của xu hướng này xuất phát từ lý do, theo truyền thống, các tài liệu giấy được lưu giữ tốn kém tiền bạc, không gian và thời gian. Để hạn chế vấn đề này, nó dẫn đến sự gia tăng của các phương pháp lưu trữ và tạo tài liệu điện tử. So với tài liệu giấy, hầu hết các tài liệu điện tử có thể duy trì tính trọn vẹn và chính xác của tài liệu. Do đó, các hình thức khác nhau của chứng cứ điện tử ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong pháp luật ở giai đoạn xét xử, thẩm phán được yêu cầu đưa ra phán quyết về việc chấp nhận chứng cứ điện tử và nó ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của vụ án.

Tuy nhiên, dữ liệu điện tử có thể bị thay đổi mà không để lại bất kỳ dấu vết nào, nó có thể bị bịa đặt hoặc giả mạo hay các loại chứng cứ điện tử như CD/VCD, dữ liệu đĩa cứng/ thẻ nhớ có thể xuất hiện vấn đề lỗi phần cứng hoặc phần mềm hay dữ liệu trang Web, giao tiếp các mạng xã hội, email, tin nhắn SMS/MMS và các dữ liệu do máy tính tạo ra đặt ra vấn đề và thách thức riêng cho việc xác thực tính phù hợp. Tất cả những lo ngại này làm nổi bật một vấn đề cơ bản khi thông tin được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử.

​​​​​​​2.4. Sử dụng chứng cứ điện tử

Khả năng truyền tải và loại bỏ chứng cứ có nhiều lợi thế so với chứng cứ truyền thống là độ tin cậy thể hiện qua tính chính xác, đầy đủ và khách quan của chúng. Chứng cứ điện tử dễ dàng thu thập, lưu trữ và bảo quản bởi vì chứng cứ điện tử có thể thu thập trực tuyến và lưu trữ tại dữ liệu riêng cá nhân hay nếu chứng cứ đó được máy tính lập trình thì cá nhân không thể thay đổi dữ liệu trong đó ngoại trừ người quản trị hệ thống đó và đôi khi các dữ liệu còn được lưu trữ bộ nhớ phụ mà khó có ai có thể xâm nhập.

Tuy nhiên, bảo mật thông tin làm lo ngại một vấn đề cơ bản khi thông tin được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử có thể không khai thác, thu thập chính xác tất cả dữ liệu điện tử dẫn đến tính trọn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện tử không đảm bảo. Chính điều này ảnh hưởng đến tính xác thực của các loại chứng cứ điện tử mà hiện nay và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định các tiêu chuẩn liên quan đến chứng cứ điện tử dẫn đến sử dụng chứng cứ điện tử không được khách quan.

Từ phân tích trên có thể thấy, Thứ nhất, Xác lập giá trị pháp lý đối với các loại chứng cứ điện tử như tài liệu điện tử và chữ ký điện tử... là khó khăn về thủ tục trong quá trình xử lý dữ liệu và quy định về mặt tố tụng. Khó khăn này là do thiếu các quy định phù hợp và chưa có quy phạm pháp luật hướng dẫn về thủ tục xử lý dữ liệu điện tử. Hơn nữa, một vấn đề thực tế là Thẩm phán, Kiểm sát viên chưa hiểu rõ lắm về các loại chứng cứ điện tử và đó là lý do tại sao họ thường bác bỏ trong các phiên tòa.

Thứ hai, Thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử gặp khó khăn trong quá trình sao chép chứng cứ có thể mất dữ liệu, làm biến đổi dữ liệu hay việc các chứng cứ điện tử có liên quan đến bí mật nhà nước, riêng tư, thuần phong mỹ tục... dẫn đến chứng cứ điện tử không đảm bảo tính trọn vẹn. Thêm vào đó, chứng minh chủ thể khởi tạo các chứng cứ điện tử là một thách thức lớn trong môi trường mạng, bởi vì không gian mạng vừa hữu hình vừa vô hình và đặc biệt, Cơ quan chuyên môn ở Việt Nam trong môi trường mạng chưa đồng bộ cũng gặp khó khăn trong xác định chủ thể khởi tạo chứng cứ điện tử. Có thể thấy, xét về bản chất của chứng cứ điện tử là do sự khởi tạo về ghi nhận dấu vết và xác nhận dấu vết ảnh hưởng quan trọng trong thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử. 

3. Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử tại Việt Nam

3.1. Phương hướng nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chứng cứ điện tử ở Việt Nam trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay

Thứ nhất, Nâng cao hiệu quả của pháp luật thì cần thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[17].

Theo Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xây dựng hệ thống pháp luật phải đồng bộ, cơ bản phù hợp vớ sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo mặt bằng pháp lý chung, đảm bảo sự bình đẳng về pháp luật giữa các chủ thể, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Nâng cao hiệu quả của pháp luật trong nền kinh tế thị trường

Nhìn một cách tổng thể, trong nền kinh tế thị trường thì quan hệ pháp luật dân sự cũng như cách tranh chấp dân sự, kinh doanh và thương mại là phổ biến thì các quy đinh pháp luật cần được công khai rõ ràng, minh bạch phù hợp với cam kết quốc tế trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh và thương mại. Do đó, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành về chứng cứ đặc biệt là chứng cứ điện tử và quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ điện tử cần được chú trọng quan tâm hàng đầu nhằm sắp xếp có trình tự và có tính hệ thống những quy định pháp luật để cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dễ dàng tìm kiếm, vận dụng và áp dụng một cách đúng đắn, hiệu quả.

Thứ ba, Nâng cao hiệu quả của pháp luật về bảo đảm quyền con người, pháp chế xã hội chủ nghĩa

Trước hết cần đánh giá lại các văn bản pháp luật liên quan đến chứng cứ điện tử thông qua việc rà soát, tổng kết hiệu quả trong thực tiễn mà pháp luật đem lại để xem xét tính hợp pháp, tính hợp lý nhằm đảm bảo việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia, hướng tới mục tiêu thể chế hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Nghị quyết số 48-NQ/TW về” Chiến lược xây dựng và hoà thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

​​​​​​​​​​​​​​3.2.Các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chứng cứ điện tử ở Việt Nam trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay

Một là, Các công nghệ mới được phát minh và phát triển rất nhanh. Do đó, các thủ tục và kỹ thuật được áp dụng cho chúng cũng cần được liên tục xem xét và cập nhật. Mỗi loại thiết bị điện tử đều có những đặc điểm cụ thể riêng, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình chính xác và phù hợp. Do đó, việc tuân thủ các thủ tục về chứng cứ điện tử là quan trọng để đảm bảo tính trọn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện cứ.

Hai là, Chi phí khôi phục và xác minh, thu thập dữ liệu điện tử đôi lúc gây khó khăn cho các bên đương sự trong quá trình cung cấp chứng cứ bởi chi phí quá cao. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến tính đầy đủ của chứng cứ cũng như ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án và Thẩm phán đôi khi lại khá thụ động trong trường hợp yêu cầu xác minh, thu thập các dữ liệu này, mặc dù Thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để đảm bảo tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết? Do đó, để giải quyết vấn đề này thì pháp luật cần quy định Cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin có nghĩa vụ hỗ trợ trong quá trình kiểm tra xem xét tính cần thiết của dữ liệu trong trường hợp các bên đương sự không thể cung cấp và Cơ quan này cũng có quyền truy cập, tra cứu miễn các dữ liệu quốc gia, ngoại trừ các dữ liệu trường hợp riêng biệt thì đương sự yêu cầu phải chịu chi phí nhưng chỉ được trích dẫn các dữ liệu có liên quan đến vụ án cho Tòa án

Ba là, Để xác thực chứng cứ điện tử thì cơ quan có thẩm quyền khi xem xét đánh giá chứng cứ cần xem xét tất cả các dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án và cần xem xét lại bất kỳ thay đổi nào của dữ liệu, kể cả lý do sửa đổi. Bên cạnh đó, cần xem xét, kiểm tra tính phù hợp bất kỳ kỹ thuật và cách thức thu thập, bảo mật và xử lý dữ liệu điện tử để đảm bảo tính trọn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện tử.

KẾT LUẬN

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động hầu hết các lĩnh vực như y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tai chính – ngân hàng... yêu cầu Nhà nước phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội và xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Trong đó đề ra chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về chứng cứ điện tử nói riêng nhằm tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.

 

TAND Quận 11, TP HCM tổ thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hình sự - Ảnh: Đỗ Hoàng Hảo

 

[1] Khoản 1 Điều 94 BLTTTDS.

[2] Khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử.

[3] Electronic evidence, truy cập https://en.wikipedia.org/wiki/Electronic_evidence, ngày 10/3/2021.

[4] Digital evidence,  truy cập https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_evidence, ngày 10/3/2021.

[5] Committee of Ministers of the Council of Europe, Electronic Evidence in Civil and Administrative Proceedings, Council of Europe Tr.6.

[6] Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử.

[7] Khoản 6 Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ: “Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số, chứng thực chữ ký số”.

[8]Katheleen Richards and Borys Pawliw (2014), Cryptography, https://searchsecurity.techtarget.com/definition/cryptography, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2021.

[9] Whitson Gordon (2014), A beginner’s Guide to Encryption: What It Is and How to Set it Up, https://lifehacker.com/a-beginners-guide-to-encryption-what-it-is-and-how-to-1508196946, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2021.

[10] Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13, Luật tố tụng hành chính 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử.

[11] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử.

[12] Khoản 1 Điều 13 Luật Lưu trữ.

[13] Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL, ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện”.

[14] Nguyễn Văn Điền  (2019), Chứng cứ điện tử trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2455, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2021.

[15] Signaturit Solution Blog (2017), Electronic evidence and its admissibility in court, https://blog.signaturit.com/en/electronic-evidence-and-its-admissibility-in-court, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2021.

[16] Nigel Jones and authors (2020) , Electronic Evidence Guide: A basis guide for police officers, prosecutors and judges, CyberCrime@IPA project of the European Union and Council of Europe (Version 2.0), tr.12.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr 76.

ThS. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH (Khoa Luật – Trường Đại học Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh)