Phạt vi phạm hợp đồng theo pháp luật thương mại Việt Nam

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các căn cứ phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam, dẫn chứng việc vận dụng phạt vi phạm hợp đồng trên thực tiễn. Tác giả cũng nêu ra những bất cập và đề ra những kiến nghị hoàn thiện quy định này.

Phạt vi phạm hp đồng là một trong những hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm hợp đồng một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật, nhằm kịp thời điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của các bên trong các quan hệ hợp đồng hợp tác thương mại. Chế định phạt vi phạm hp đồng đã “ra đời” rất sớm và được quy định tại các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự 1991, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995, Luật Thương mại (TM) năm 1997, BLDS năm 2005,  Luật TM năm 2005 và hiện nay là BLDS năm 2015.

1. Các căn cứ phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật

Luật TM năm 2005 quy định về phạt vi phạm như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”[1]. BLDS năm 2015 quy định “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”[2]. Các quy định này cho thấy, điều kiện áp dụng phạt vi phạm là: hợp đồng phải có hiệu lực, có hành vi vi phạm hợp đồng, có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.

Thứ nhất, hợp đồng phải có hiệu lực: Đây là điều kiện đầu tiên và có tính quyết định của vấn đề phạt vi phạm hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực pháp luật mới làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ tương ứng, trực tiếp giữa các chủ thể giao kết hợp đồng, trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, chế định phạt vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật.

Vụ việc thực tiễn đã minh chứng điều này: Ngày 22/09/2016, Công ty Cổ phần K Việt Nam (sau đây gọi tắt là K) và Công ty TNHH S (sau đây gọi tắt là S) có ký kết Hợp đồng kinh tế số KV/HD/16/2209 về việc mua bán hàng hóa (mua bán mặt hàng thép). Hợp đồng được xây dựng trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận; nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật; về hình thức, hợp đồng được lập bằng văn bản, được đại diện có thẩm quyền của K Việt Nam và S cùng tiến hành ký kết và đóng dấu đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, K đã nhiều lần thực hiện việc bàn giao hàng hóa, xuất hóa đơn VAT, kê khai thuế..., S cũng đã nhận hàng, nhận hóa đơn, xác nhận công nợ và thanh toán một phần công nợ cho Công ty Cổ phần K Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, K luôn tuân thủ các quy định đã giao kết, S lại liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo các cam kết trong hợp đồng.  Vì vậy, Công ty cổ phần K Việt Nam khởi kiện  yêu cầu Công ty TNHH S thanh toán số tiền nợ gốc, tiền lãi chậm trả và số tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Trên cơ sở biên bản xác nhận công nợ đối với Hợp đồng kinh tế số KV/HD/16/2209, TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã nhận định: “việc Công ty TNHH S không thanh toán được tiền hàng cho Công ty cổ phần K Việt Nam theo Hợp đồng đã ký kết nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền gốc là 2.060.162.802 đồng là có căn cứ, cần được chấp nhận[3].

Như vậy, tại bản án này, Tòa án đã xác định trước khi giải quyết vấn đề thanh toán số tiền nợ gốc, tiền lãi chậm trả và số tiền phạt vi phạm hợp đồng, Tòa án phải xác định hợp đồng ký kết giữa Công ty Cổ phần K Việt Nam và Công ty TNHH S phải có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng có hiệu lực pháp luật mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên[4]. Nhận định của Tòa án tại bản án vừa nêu là thuyết phục.

Thứ hai, có hành vi vi phạm hợp đồng: Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý cần thiết để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. “Hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi “không thực hiện”, “thực hiện không đầy đủ” hoặc “thực hiện không đúng” hợp đồng”[5].

Việc xác định được hành vi vi phạm hợp đồng là cần thiết vì đó là căn cứ pháp lý không thể thiếu để áp dụng các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và chế tài buộc thực hiện hợp đồng nói riêng. Nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng thì tất nhiên không thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng.

Ở góc độ thực tiễn, đa phần các vụ việc giải quyết tranh chấp phạt vi phạm hợp đồng tại Tòa án đều xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của một bên hoặc của hai bên chủ thể trong việc các bên thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn như: “ Ngày 16/10/2017, Công ty TNHH M (sau đây gọi tắt là “Công ty M”) có đặt mua hàng hóa của Công ty TNHH L (sau đây gọi tắt là “Công ty L”) theo đơn hàng số 2017- 10-51R1. Trị giá đơn hàng là 177.727.000đ, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Thời hạn thanh toán là trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng và hóa đơn giá trị gia tăng. Ngày 07/12/2018, Công ty L đã giao toàn bộ số lượng hàng theo đơn hàng trên cho Công ty M và giao hóa đơn giá trị gia tăng số 71. Đến hạn thanh toán, Công ty L đã liên hệ yêu cầu trả tiền nhưng Công ty M không trả. Công ty L yêu cầu Tòa án buộc Công ty M phải trả toàn bộ số tiền mua hàng còn thiếu và các khoản tiền khác liên quan đến hợp đồng. TAND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã nhận định “Tuy nhiên cho đến ngày xét xử (ngày 28/11/2018) Công ty M vẫn chưa thanh toán cho Công ty L là vi phạm thời hạn thanh toán quy định tại Điều 55 Luật Thương mại năm 2005[6]

Thứ ba, có thỏa thuận phạt vi phạm: Khác với các chế tài khác, chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ có thể được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng. Và vấn đề đặt ra là thỏa thuận phạt vi phạm này có nhất thiết phải “xuất hiện” trong hợp đồng hay không? Tức là các chủ thể phải thỏa thuận với nhau về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng và có cần phải được ghi vào trong hợp đồng không?

Theo quy định tại Luật TM: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”[7], và với sự tiến bộ của BLDS 2015 đã đưa “trách nhiệm do vi phạm hợp đồng[8] vào phần “Nội dung của hợp đồng”.

Từ đó, có thể thấy: Vì phạt vi phạm là một nội dung của hợp đồng nên các thỏa thuận nhất thiết phải được ghi cụ thể trong hợp đồng để làm cơ sở giải quyết cho các bên sau này; phạt vi phạm không còn là một vấn đề do pháp luật quy định mà là do các bên thỏa thuận trong nội dung của hợp đồng (pháp luật điều chỉnh). Tức là vấn đề phạt vi phạm không bắt buộc đối với tất cả hợp đồng dân sự, thương mại. Nếu các chủ thể có thỏa thuận phạt vi phạm thì Tòa án giải quyết và nếu không thỏa thuận thì Tòa án không giải quyết.

Tại một bản án đã làm rõ điều này: Bà Lương Thị Th, là chủ cửa hàng vật liệu xây dựng D (sau đây gọi tắt là cửa hàng vật liệu) có ký hợp đồng số 166/HĐBH/2015/RTL ngày 01/4/2015 và hợp đồng số 171/HĐMB/2016/RTL ngày 25/12/2015 với  Công ty cổ phần vật liệu xây dựng V (sau đây gọi tắt là Công ty) vào ngày 01/4/2015 , theo hợp đồng công ty cung cấp xi măng STARMAX PCB40, trọng lượng 50kg cho cửa hàng vật liệu và phải thanh toán đơn hàng cho công ty trong thời gian 14 ngày kể từ khi nhận hàng. Sau khi ký hợp đồng hai bên nhiều lần giao dịch mua và thanh toán tiền hàng, ngày 30/5 /2015 là ngày cuối cùng bà Th mua hàng của công ty, còn dư nợ 31.059.091 đồng. Đến ngày 10/7/ 2016 thì bà Th còn nợ công ty số tiền là 24.200.000 đồng. Công ty yêu cầu bà Lương Thị Th - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng D trả số tiền nợ là 24.200.000 đồng, và tiền lãi quá hạn từ ngày 15/6/ 2015 đến 15 /4/2018, lãi suất 6,5%/năm (0,5417%/tháng) bằng 4.457.107 đồng và tiền phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 8% giá trị hợp đồng là 1.936.000 đồng, tổng cộng 30.593.107 đồng. Với yêu cầu phạt vi phạm của Công ty, TAND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nhận định Tuy nhiên, hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 8% giá trị hợp đồng. Do đó, việc yêu cầu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 1.936.000 đồng là không có cơ sở[9].

Nhận định này của Tòa án về cơ bản là thuyết phục, bởi vì trong hợp đồng không thể hiện có sự thỏa thuận của các bên. Từ đó, không có cơ sở cho Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, giả thiết rằng, với vụ việc trên, trong hợp đồng chính không thể hiện, phụ lục hợp đồng lại thể hiện thỏa thuận phạt vi phạm hoặc là các bên có thỏa thuận phạt hợp đồng sau khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì Tòa án có giải quyết không? Vấn đề pháp lý này luật còn “bỏ ngõ”.

2. Mối quan hệ giữa bồi thường và phạt vi phạm

Theo quy định của Luật TM 2005: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”[10]. Từ đó cho thấy chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại và chế tài phạt vi phạm là hai chế tài có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nếu như chế tài phạt vi phạm với chức năng chủ yếu là “trừng phạt”, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm, và chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thì chế tài bồi thường thiệt hại là nhằm khôi phục, bù đắp, bồi hoàn lợi ích vật chất bị thiệt hại cho bên bị vi phạm. Bồi thường thiệt hại được áp dụng khi có đủ các căn cứ pháp lý theo luật định như có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhản trực tiếp gây ra thiệt hại và có lỗi của bên vi phạm. Tuy nhiên, chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm vẫn có một điểm chung đó là cả hai chế tài này đều nhằm mục đích thúc đẩy các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải có trách nhiệm và thiện chí thực hiện các cam kết đã thỏa thuận.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận có hai văn bản pháp luật có giá trị điều chỉnh quan hệ về chế tài phạt vi phạm là BLDS 2015 và Luật TM 2005.

Theo quy định của BLDS 2015 về mức phạt vi phạm được áp dụng cho các quan hệ dân sự thì mức phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận[11]. Tức là các bên có quyền tự do ý chí lựa chọn mức phạt vi phạm mà không hề bị khống chế bởi quy định của pháp luật. “Điều luật không quy định mức phạt vi phạm mà chỉ dựa trên sự thỏa thuận của các bên, theo đó mức phạt vi phạm có thể rất cao hoặc thấp, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng”[12].Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự .

Còn đối với Luật TM 2005 điều chỉnh thì mức phạt vi phạm bị hạn chế ở mức không quá 8%[13].Và điều chỉnh các quan hệ thương mại đó là “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”[14]. Những quan hệ này khi có tranh chấp xảy ra và có điều khoản về phạt vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 8%.

Vấn đề đặt ra là, nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ví dụ: hai bên thỏa thuận, mức phạt 10%, 20%, 50%... thì sẽ xử lý như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, tại các diễn đàn pháp luật, các nhà khoa học pháp lý có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thỏa thuận này là vô hiệu, vì vậy khi giải quyết yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu này.

Quan điểm thứ hai cho rằng, việc thỏa thuận vượt quá 8% chỉ vô hiệu một phần đối với mức phạt vượt quá 8% còn điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực, trong trường hợp này có thể áp dụng mức tối đa 8% yêu cầu của bên bị vi phạm, phần vượt quá không được chấp nhận.

Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ hai, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận vượt quá 8% thì sẽ áp dụng mức phạt từ 8% trở xuống để giải quvết yêu cầu bồi thường cho bên bị vi phạm. Chẳng hạn như tại bản án Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội như đã nêu ở trên, Công ty cổ phần K Việt Nam và Công ty TNHH S có thỏa thuận mức phạt tối đa là 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của pháp luật về giới hạn mức phạt vi phạm tại Điều 301 LTM 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Toà án quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chấp nhận mức tối đa của Công ty TNHH S là “8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm”[15].

Tại bản án này, Tòa án đã nhận định để phù hợp với Điều 301 Luật Thương mại nên K chỉ yêu cầu phạt từ 10% xuống 8% và được Tòa án chấp nhận. Tác giả cho rằng điều này hoàn toàn hợp lý dưới góc độ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dưới góc độ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, nếu K chứng minh và thật sự bị thiệt hại tương đương 10% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm mà bản án chỉ cho K chỉ nhận được 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm do “mức trần” của Luật TM là không thuyết phục. Thay vì bảo vệ bên bị vi phạm, pháp luật lại hạn chế quyền của họ trong việc đòi được bù đắp thiệt hại do bị vi phạm thỏa thuận hợp đồng bằng những quy định cứng nhắc và thiếu căn cứ thực tế. Tác giả cho rằng việc giới hạn mức phạt tại Luật TM 2005 không còn hợp lý để tồn tại trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

3.Kiến nghị hoàn thiện

Pháp luật nói chung và pháp luật về thương mại nói riêng là một trong những công cụ của Nhà nước trong việc quản lí nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh thì pháp luật phải phù hợp với thực tiễn của cuộc sống; các quy định của pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, không được chồng chéo, không được mâu thuẩn với nhau.

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng với việc thực hiện hai chức năng của mình, đó là chức năng đền bù và chức năng trừng phạt đã góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia các giao dịch dân sự, thương mại. Tuy nhiên, pháp luật thương mại Việt Nam chưa can thiệp sâu vào việc thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng thông qua việc giới hạn mức phạt như đã phân tích ở trên. Từ đó, tác giả xin có một số ý kiến đề xuất để góp phần hoàn thiện chế tài phạt vi phạm trong thời gian tới:

Thứ nhất, Thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm hợp đồng đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với bên vi phạm, phạt vi phạm không nhất thiết phải tồn tại trước khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà có thể được các bên thỏa thuận sau khi hành vi vi phạm đã xảy ra. Bởi vì, chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một loại chế tài thỏa thuận, vì vậy, ý chí của các chủ thể tham gia hợp đồng cần được pháp luật tôn trọng. Do đó, miễn là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng tồn tại vào thời điểm mà bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với bên vi phạm thì chế tài phạt vi phạm cần thiết phải được áp dụng.

Thứ hai, Trong các quan hệ hợp đồng, chỉ có các chủ thể mới biết rõ mức phạt bao nhiêu là phù hợp với tính chất của việc vi phạm hợp đồng và khả năng chi trả tiền phạt của bên vi phạm hợp đồng. Vì vậy, Pháp luật thương mại không nên khống chế mức phạt vi phạm, nên để các chủ thể trong quan hệ hợp đồng tự quyết định mức phạt vi phạm. Việc quy định “mức trần” của luật chuyên ngành về phạt vi phạm hợp đồng cũng không phù hợp với quy định của BLDS 2015./.

 

Trung tâm thương mại trong mùa Covid-19 - Ảnh: Thái Vũ

 

 

[1] Điều 300 Luật Thương mại 2005

[2] Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015

[3] Xem thêm Bản án số: 04/2018/KDTM-ST Ngày 26/04/2018 V/v Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

[4] Khoản 2 Điều 401 BLDS 2015

[5]Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005

[6] Xem thêm Bản án số: 35/2018/KDTM-ST ngày 28-11-2018 V/v tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của Tòa án nhân dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

[7]Điều 300 Luật Thương mại 2005

[8]Theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 398 BLDS 2015

[9] Xem thêm Bản án số: 06/2018/KDTM-ST Ngày 13-11-2018 V/v tranh chấp hợp đồng mua bán của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

[10] Điều 307 Luật Thương mại 2005

[11] Khoản2 điều 418 Bộ luật dân sự 2015

[12] Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, năm 2017,  tr.643.

[13] Điều 301 Luật Thương mại năm 2005.

[14] Khoán 1 điều 3 luật thương mại 2005.

[15] Xem thêm Bản án số: 04/2018/KDTM-ST Ngày: 26/04/2018 V/v Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Th.S NGUYỄN ĐỨC ANH (Phòng Tư pháp huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)