Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội do lạc hậu

Khoản 1 Điều 51 BLHS quy định có 22 tình tiết giảm nhẹ cụ thể, trong đó có tình tiết “phạm tội do lạc hậu”. Đây là tình tiết chưa có hướng dẫn chi tiết và thực tiễn áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chưa thống nhất.

Bộ luật Hình sự (BLHS) không đưa ra khái niệm về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS). Qua thực tiễn công tác xét xử của Toà án các cấp, có thể nhận định rằng: Tình tiết giảm nhẹ TNHS là tình tiết được quy định trong BLHS hoặc là tình tiết được ghi nhận trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hay do Tòa án xem xét, cân nhắc và ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Đây là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội theo hướng giảm nhẹ hơn trong phạm vi một khung hình phạt hoặc khung hình phạt liền kề đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.

Về bản chất của tình tiết giảm nhẹ TNHS là những biểu hiện về các điều kiện, hoàn cảnh, tình huống có ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm, qua đó phản ánh mức độ nguy hiểm ít hơn của hành vi phạm tội và là cơ sở để người phạm tội có thể chịu TNHS ở mức thấp hơn.

1.Vướng mắc, bất cập

Khoản 1 Điều 51 BLHS quy định có 22 tình tiết giảm nhẹ cụ thể, trong đó có tình tiết “phạm tội do lạc hậu”. Đây là tình tiết chưa có hướng dẫn chi tiết và thực tiễn áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chưa thống nhất.

Theo từ điển tiếng Việt “Lạc hậu” có nghĩa là: Bị ở lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung. Như vậy, “phạm tội do lạc hậu” có thể hiểu là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội có nhận thức kém về tính trái pháp luật của hành vi họ thực hiện, hoặc hành động theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen cổ hủ, lạc hậu mà không biết là mình phạm tội (mặc dù pháp luật quy định buộc phải biết). Đối với những trường hợp này, họ có hành vi trái với pháp luật nhưng lại cho rằng phù hợp với lợi ích xã hội.

Trong thực tiễn, việc xác định yếu tố lạc hậu còn nhiều bất cập, không thống nhất.

Thứ nhất, việc xác định nguyên nhân của nhận thức lạc hậu còn chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng chưa chặt chẽ và thiếu tính thuyết phục.

Ví dụ: Sùng Văn A là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. A phạm tội “Cướp tài sản”, quá trình xét xử TAND huyện X đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” với lý do: A là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn, có trình độ học vấn thấp 6/12. Như vậy, việc xác định về nguyên nhân dẫn đến lạc hậu của Toà án X là chưa chặt chẽ bởi vì: A mặc dù là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn nhưng không đồng nghĩa với việc A có nhận thức kém về hành vi phạm tội của mình; bên cạnh đó A đã học đến lớp 6, đương nhiên sẽ được giáo dục những nội dung cơ bản về đạo đức không thể không nhận thức được hành vi của mình là trái với lợi ích của xã hội. Việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này của Toà án huyện X là cảm tính, chưa khách quan, toàn diện làm mất đi tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Thứ hai, chưa có sự phân biệt rạch ròi trong mối quan hệ giữa nhận thức lạc hậu và hành vi phạm tội.

Ví dụ: Trong vụ án giết người, A cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp, sinh sống ở vùng có điều kiện khó khăn. Qua nghiên cứu hồ sơ thể hiện được thủ đoạn giết người của A rất tinh vi. Như vậy đối với trường hợp này, Toà án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” là không chính xác, bởi vì xét trong mối quan hệ giữa nhận thức lạc hậu và hành vi phạm tội có sự không đồng nhất. Nếu A thật sự có nhận thức lạc hậu thì rõ ràng nhận thức đó không thể điều khiển A thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi như vậy. Nên xác định lý do vì trình độ học vấn thấp dẫn đến nhận thức lạc hậu là không chính xác.

2.Kiến nghị, đề xuất

Qua những vướng mắc, bất cập trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị đề xuất như sau:

- Một là, cần có quy định rõ ràng về nguyên nhân và điều kiện để xác định một người là có nhận thức lạc hậu: Nguyên nhân của nhận thức lạc hậu phải là nguyên nhân khách quan như: Do không được học tập, không có những điều kiện thực tế để nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu. Bởi lẽ có rất nhiều đối tượng mặc dù có điều kiện để được học tập nhưng không học, có điều kiện để tiếp thu những tiến bộ xã hội nhưng bảo thủ không tiếp thu… những đối tượng như vậy cần thiết phải nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật.

- Hai là, cần xác định đúng đối tượng và trường hợp đặc biệt để áp dụng: Tình tiết giảm nhẹ này thông thường áp dụng đối với người phạm tội là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; ở một số nơi mà tập tục còn lạc hậu, không được học tập.

Một trong các biểu hiện thường thấy nhất của tình tiết này là việc các đồng bào dân tộc miền núi chữa bệnh bằng các phương pháp cổ xưa như trói lại và đánh hoặc dìm xuống nước để “con ma” trong người đi ra khỏi người bệnh… cách làm này nhiều khi dẫn đến tình trạng chết người do người bệnh không chịu nổi đòn roi hay bị ngạt thở. Những trường hợp như vậy vẫn truy cứu TNHS nhưng nên xem xét giảm nhẹ TNHS “phạm tội do lạc hậu” là hợp lý.

- Ba là, mặc dù quy định tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” thể hiện bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, vẫn đề về nhận thức lạc hậu vẫn còn tồn tại là chưa thật sự phù hợp; hơn nữa bên cạnh mặt tích cực thì mặt trái của quy định này đó là không tạo động lực cho sự phát triển của con người và xã hội. Thiết nghĩ, những người có tư tưởng lạc hậu cần phải được giáo dục để loại bỏ tư tưởng đó; do vậy cần có quy định sâu sát và nghiêm khắc hơn với những đối tượng này tránh tạo “kẻ hở” pháp luật để những phần tử xấu lợi dụng đồng thời để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất những hành vi phạm tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước./.

 

Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người - Ảnh: L Nguyễn.

                                                                 

                                                                  

BÙI VIẾT VINH (Toà án quân sự Quân khu 5)