Vấn đề định giá tài sản trong tố tụng hình sự - Một số vướng mắc, bất cập và hướng hoàn thiện

Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (hư hỏng, huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép...) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thực tế áp dụng vẫn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết dưới đây tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về vấn đề này.

Việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản.

1. Quy định của pháp luật về định giá tài sản

Hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự trước đây được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

BLTTHS năm 2015 ra đời, đã quy định cụ thể về định giá tài sản (Điều 69; Điều 101; Điều 215 đến Điều 222) bao gồm: Yêu cầu định giá tài sản; thời hạn định giá tài sản; tiến hành định giá, định giá lại tài sản; định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn; định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; kết luận định giá tài sản; quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.

Để hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015 về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018; sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong TTHS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.

Để hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về định giá tài sản, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018; sau đó ban hành Thông tư 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 để hướng dẫn Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018; Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019, thay thế Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018. Quy định về phân loại tài sản cần định giá, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản; tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá tài sản; thành lập Hội đồng định giá tài sản; quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản, Tổ giúp việc Hội đồng định giá tài sản; căn cứ định giá tài sản; lập kế hoạch định giá tài sản; khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá tài sản; chi phí định giá, định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự.

2. Một số vướng mắc, bất cập

2.1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị can đề nghị Tòa án định giá lại tài sản vì cho rằng giá trị định giá quá cao so với giá trị thực tế của tài sản. Tòa án giải quyết như thế nào?

Ví dụ: Nguyễn Văn H bị VKSND huyện A truy tố về tội trộm cắp tài sản. Tài sản bị chiếm đoạt là một chiếc xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA INNOVA đã qua sử dụng. Chiếc xe ô tô đã được Hội đồng định giá tài sản trong TTHS huyện A thực hiện định giá lần đầu theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A và có kết luận giá trị chiếc ô tô tại thời điểm bị chiếm đoạt (năm 2020) là 300.000.000đ. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị can H có đơn đề nghị định giá lại tài sản vì cho rằng kết quả định giá này là quá cao so với giá trị thực tế của chiếc xe (xe ô tô mua năm 2006, xe vận tải hành khách thường xuyên nên xuống cấp nghiêm trọng). TAND huyện A đã ra văn bản yêu cầu định giá tài sản gửi Hội đồng định giá tài sản trong TTHS cấp tỉnh định giá lại tài sản. Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh tiến hành việc định giá lại và có kết luận chiếc xe ô tô nói trên có giá trị là 180.000.000đ.

Vấn đề đặt ra là việc ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản nêu trên của Tòa án nhân dân huyện A có phù hợp hay không?

Quan điểm thứ nhất: Theo quy định tại khoản 5 Điều 252 BLTTHS, Tòa án có quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Nên nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì Tòa án có quyền ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản.

Quan điểm thứ hai: Tòa án không ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản mà trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản. Nếu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản thì Tòa án căn cứ vào kết luận định giá lại tài sản để giải quyết vụ án. Nếu Viện kiểm sát không tiến hành định giá lại tài sản mà chuyển hồ sơ lại cho Tòa án, nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì căn cứ khoản 5 Điều 252 BLTTHS, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Theo quan điểm của chúng tôi, để giải quyết chính xác, đảm bảo chặt chẽ và khách quan vụ án, Tòa án không ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản mà tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành định giá lại tài sản, như hướng giải quyết theo quan điểm thứ hai là phù hợp. Trường hợp Viện kiểm sát không tiến hành định giá lại tài sản mà chuyển hồ sơ lại cho Tòa án, nếu xét thấy nghi ngờ về kết luận định giá tài sản lần đầu thì căn cứ khoản 5 Điều 252 BLTTHS, khoản 1 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản.

Vấn đề thứ hai là Tòa án có được sử dụng kết quả định giá lại tài sản để giải quyết vụ án không?

Từ ví dụ nêu trên, có quan điểm cho rằng việc định giá lại tài sản mặc dù có sự khác nhau với kết quả định giá lần đầu nhưng đảm bảo đúng thủ tục quy định do Hội đồng định giá tài sản trong TTHS cấp tỉnh thực hiện. Nên kết quả định giá lại tài sản được sử dụng để giải quyết vụ án.

Theo chúng tôi, khi có kết luận định giá lại tài sản, nếu có mâu thuẫn với kết luận định giá lần đầu thì Tòa án kiểm tra tính xác thực của kết quả định giá lại. Nếu kết luận định giá lại tài sản đảm bảo thủ tục theo quy định, không có nghi ngờ về kết quả định giá lại thì sử dụng để giải quyết vụ án. Nếu có căn cứ nghi ngờ về kết quả định giá lại thì căn cứ khoản 2 Điều 218 BLTTHS, khoản 2 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Tòa án ra văn bản yêu cầu định giá lại lần hai, kết luận định giá lại tài sản lần hai được sử dụng để giải quyết vụ án.

2.2. Trong vụ án có 2 người bị thiệt hại về tài sản nhưng 1 người từ chối định giá tài sản, không cung cấp thông tin về tài sản cần định giá, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì giải quyết như thế nào?

Trước hết, đây là hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhưng chưa được cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra cụ thể; trong khi tình tiết này dùng để xác định có hành vi phạm tội không; có thể ảnh hưởng tới việc xác định khung hình phạt; để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội làm cơ sở giải quyết vụ án. Tuy nhiên, khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định yêu cầu định giá tài sản đối với tài sản của 2 người bị thiệt hại về tài sản, 1 người từ chối việc định giá tài sản vì cho rằng tài sản của họ không đáng kể, nên không cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá. Tòa án giải quyết vụ án như thế nào?

Quan điểm thứ nhất, Tòa án đề nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát yêu cầu định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự để có căn cứ đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Khi có kết luận định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

Quan điểm thứ hai, Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu định giá tài sản, nhưng người bị thiệt hại về tài sản vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối việc định giá tài sản thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử và Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo chúng tôi, quan điểm thứ hai là phù hợp. Sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại phiên tòa, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đã thuyết phục nhưng người bị thiệt hại về tài sản vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối việc định giá tài sản, không cung cấp thông tin về tài sản cần định giá. Do đó, khi nhận lại hồ sơ vụ án không có kết luận định giá tài sản, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử, xác định tư cách tham gia tố tụng của người này là người làm chứng. Khi không có thông tin về tài sản cần định giá thì việc định giá tài sản thông qua loại tài sản tương tự là không đúng quy định của pháp luật.

2.3. Vấn đề định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường (tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử) như thế nào?

Đối với tài sản bị xâm phạm là tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử: Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đối với cách nhìn của mỗi người khác nhau, đối với người bình thường, ít quan tâm thì giá trị tài sản là tác phẩm đó không lớn. Còn đối với những người đam mê đối với tác phẩm nghệ thuật thì tài sản đó có giá trị rất lớn, thậm chí là vô giá.

Ví dụ: Một người xâm phạm tài sản người khác là một bình gốm sứ, trên thân bình có in hoa văn và chữ Hán (được cho là tác phẩm nghệ thuật). Qua lời khai của bị hại, đây là tài sản rất quý, là cổ vật xuất xứ từ Trung Quốc có giá trị hơn 1 tỉ đồng, nên bị hại đề nghị cơ quan chức năng định giá đối với chiếc bình gốm sứ và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hội đồng định giá tài sản cấp huyện định giá tài sản đối với chiếc bình gốm sứ (là tác phẩm nghệ thuật) có trị giá  80 triệu đồng. Bị hại không chấp nhận với kết luận định giá tài sản nêu trên và đề nghị Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh định lại tài sản vì cho rằng giá trị chiếc bình gốm sứ cao hơn nhiều lần so với giá trị 80 triệu đồng đã được định giá.

Đối với tài sản bị xâm hại là “quyền sở hữu trí tuệ”: 

Ví dụ: Nguyễn Văn A vì mâu thuẫn với Trần Văn N nên A đập phá và đốt chiếc máy tính của N. Hậu quả làm toàn bộ chiếc máy tính bị hư hỏng (trong máy tính có công trình nghiên cứu khoa học của N). Vậy việc xác định hậu quả thiệt hại đối với loại tài sản này như thế nào?

Tài sản là tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật, quyền sở hữu trí tuệ… là những tài sản không có khung giá, thậm chí là tài sản vô giá. Vì vậy việc định giá gặp rất nhiều khó khăn, rất khó để định giá đúng giá trị của những loại tài sản này. Mặc dù Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ đã có hướng dẫn về vấn đề này nhưng trên thực tế làm thế nào để định giá tài sản bị thiệt hại một cách khách quan, chính xác để vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu vừa làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như áp dụng đúng khung hình phạt và việc bồi thường thiệt hại đối với những người xâm phạm tài sản là công việc rất phức tạp, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Để việc định giá những tài sản có tính đặc thù này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đề nghị các cơ quan chuyên môn cử người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực như cơ quan sở hữu trí tuệ, bảo tàng hoặc khảo cổ tham gia Hội đồng định giá khi định giá định giá đối với các loại tài sản nêu trên.

2.4. Đối với những tài sản khi định giá cần giám định, khi không có kết luận giám định hoặc không giám định được thì việc định giá có tiến hành được không?

Ví dụ: Cơ quan điều tra đang điều tra về hành vi buôn lậu đối với hàng hóa là lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng, là hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Cơ quan điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định. Kết quả giám định: “Toàn bộ mẫu cần giám định có tình trạng đã qua sử dụng, không xác định được xuất xứ, năm sản xuất, thời gian sử dụng lần đầu, chất lượng còn lại của các thiết bị cần giám định”.

Với kết luận giám định nêu trên thì việc định giá có tiến hành được không?

Theo chúng tôi, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, số 97/2019/NĐ-CP và Thông tư số 30/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định đầy đủ, chi tiết từ nguyên tắc định giá tài sản, căn cứ định giá tài sản, phương pháp định giá tài sản… Nên việc định giá tài sản vẫn tiến hành.

Theo đó, trong từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tế về thông tin, đặc điểm tài sản về công năng, thiết kế, cấu tạo, khả năng vận hành và sử dụng của tài sản... cơ quan tiến hành định giá căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP lựa chọn phương pháp định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có) để tiến hành định giá theo quy định.

Đối với trường hợp tài sản cụ thể là trang thiết bị y tế là tài sản có tính chất kinh tế - kỹ thuật phức tạp, mang tính chất chuyên ngành cao, cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu khi tiến hành thành lập Hội đồng định giá phải có thành phần là đại diện các cơ quan chuyên môn có kinh nghiệm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Gắn với đó, cơ quan tố tụng cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan để đảm bảo xác định được đầy đủ các thông tin về công năng, thiết kế, cấu tạo, khả năng vận hành của tài sản… phục vụ việc định giá tài sản theo quy định.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

- BLTTHS  năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung so với BLTTHS  năm 2003, quy định hẳn một chương về giám định và định giá tài sản, đã tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng về định giá tài sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi để quy định chặt chẽ hơn cần bổ sung vào Chương XV của BLTTHS  năm 2015 hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định:

+ Bổ sung quy định về việc người bị thiệt hại về tài sản không đề nghị định giá tài sản thì buộc họ phải cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản được định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án.

+ Bổ sung quy trình định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; quyền sở hữu trí tuệ; tác phẩm nghệ thuật; di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử; quy định việc định giá phải dựa trên kết quả giám định đồng thời phải có thành phần là đại diện các cơ quan chuyên môn, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực của tài sản được định giá.

- Về quyền của những người tham gia tố tụng đối với Kết luận định giá tài sản theo khoản 3 và khoản 4 của Điều 222 BLTTHS năm 2015. Theo đó, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá tài sản; được đề nghị định giá lại tài sản. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, quy định trên chỉ mang tính đánh giá chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, chưa có cơ sở pháp lý. Hiện luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết đề nghị của đương sự theo cảm tính chủ quan, dễ dẫn đến tùy tiện, không thống nhất.

Từ đó đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác về định giá lại tài sản./.

 

Cơ quan chức năng  khám xét nơi làm việc của một bị can trong một vụ án - Ảnh: ĐẶNG VINH/ Báo TT

NGUYỄN XUÂN KỲ (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)