Xâm hại tình dục trẻ em – Thực trạng và giải pháp

Xâm hại tình dục là những từ ngữ "xấu xí" chứa đựng những hành vi "bỉ ổi" nhưng vẫn xảy ra trong cuộc sống. Ở ngoài kia có hàng ngàn trẻ em đang phải chịu đựng nổi đau do bị xâm hại tình dục nhưng liệu trong số đó có bao nhiêu em dám nói ra sự thật, dám đối mặt với những nổi đau đó? Họ là những người đặc biệt - những con người vừa phải đấu tranh với tất cả những vấn đề bình thường của tuổi mới lớn đồng thời còn phải đấu tranh với sự tổn thương về thể xác, tâm hồn, tình cảm, tinh thần khi bị xâm hại tình dục. Thực trạng đó có giải pháp nào để khắc phục?

CÁC HÀNH VI XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề diễn ra hết sức phức tạp; nhưng khi chúng ta càng nhận biết được thì khả năng phòng ngừa càng cao. Đó có thể tập trung vào những hành vi cụ thể như sau:

– Cưỡng dâm trẻ em;

– Hiếp dâm trẻ em;

– Giao cấu với trẻ em (sau đây xin được nhân xưng là “bạn”);

– Dùng tay, dương vật hay những vật khác cho vào âm đạo hay hậu môn của bạn;

     – Làm bạn chạm vào những bộ phận kín trên cơ thể của người đó (âm đạo, ngực, dương vật, mông);

– Bắt bạn xem những bức ảnh, phim khiêu dâm hay bắt bạn chụp ảnh ở tư thế khiêu dâm;

– Phơi bày cơ thể người đó cho bạn xem;

– Tìm cách để nhìn bạn trong tư thế khỏa thân hay bán khỏa thân;

– Động chạm vào bạn theo cách mà bạn không thấy thoải mái;

– Nói với bạn về chuyện khiêu dâm khiến bạn thấy lo lắng;

– Nói với bạn về cơ thể bạn hay những vấn đề riêng tư khác theo cách khiến bạn buồn nôn;

– Hoặc có những hành vi dâm ô khác…

Qua đó cho thấy hành vi xâm hại tình dục biểu hiện rất đa dạng, có những hành vi dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những hành vi rất khó nhận biết ngay. Trong thời đại ngày nay, một thế giới nguy hiểm mới đã phát triển và đe dọa trẻ em – mạng Internet. Đối với hầu hết mọi người, mạng Internet là một công cụ tuyệt vời để chúng ta nghiên cứu, thông tin, liên lạc và giải trí…. Nhưng mạng Internet  cũng có góc tối, đó là nơi trẻ em dễ bị tấn công và nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ xâm hại công nghệ cao. Trẻ em đang bị tấn công bằng những vũ khí khiêu dâm như chỉ đơn giản bởi vì các em vào mạng hay bởi vì các em vô tình truy cập vào một địa chỉ web đưa đến một trang khiêu dâm. Các em vào các chat room hay nhắn tin và bị những kẻ xấu tiếp cận; mối nguy hiểm lớn nhất là các em sẽ bị dụ dỗ đi gặp mặt kẻ mà các em chỉ biết thông tin trên mạng. Để đối phó với hiện tượng này một loạt quy định mới đã được ban hành.

 

Trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn

 

CHỦ THỂ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM RẤT ĐA DẠNG

Như vậy những kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là những ai?

+ Người bên ngoài gia đình: có thể là một giáo viên, một huấn luyện viên, một người trông trẻ, một bác sĩ, một trưởng nhóm, người hàng xóm…xâm hại tình dục trẻ em.

+ Người bên trong gia đình: có thể là bố, mẹ, anh chị em ruột- họ, cô dì chú bác… xâm hại tình dục trẻ em (đây là trường hợp mang tính chất loạn luân)

+ Người thuộc vào nhóm trung gian: chẳng hạn là người xâm hại không phải người trong gia đình nhưng lại sống trong cùng một ngôi nhà với nạn nhân.Ví dụ: người bạn thân của anh trai nạn nhân ở nhờ trong căn nhà…

Nạn xâm hại tình dục trẻ em đó là nỗi đau không của riêng ai. Có thể đã có một thời gian dài, trong chúng ta không ít người nghĩ rằng xâm hại  tình dục trẻ em là chuyển chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, chứ còn ở Việt Nam là rất hiếm, có chăng chỉ là những trường hợp cá biệt. Những suy nghĩa ấy cần phải thay đổi khi thực trạng đã xảy ra không ít các trường hợp các cô bé, cậu bé là những “khách hàng”, là nạn nhân bị xâm hại tình dục, phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng, có khi kéo dài hàng chục năm trời mà chẳng dám chia sẻ cùng ai.

Hãy nhớ đến em N.T ở quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội bị cha đẻ là một “ông to” hãm hại từ khi em 14 tuổi. Mẹ N.T đã biết, nhưng cấm con tố cáo vì biết ông ấy có thế lực, chắc cũng bị “ỉm đi” khi có đơn tố cáo. Ông bố cấm con gái chơi với với bạn trai, chỉ mình ông được “yêu con” mà thôi. Học xong lớp 12, N.T không được bố cho đi học Đại học vì sợ “mất con”. Uất hận quá, N.T đã uống thuốc tự tử, được đưa đến bệnh viện cấp cứu, thoát chết, nhưng hóa … điên.

Đáng nhớ nhất là một chàng trai gọi điện hỏi về chứng “Tâm thần” của nguời yêu. Cô là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, bị lạm dụng tình dục từ khi còn nhỏ. Không dám nói với ai, nhưng nỗi sợ đàn ông ám ảnh cô từ đó. Cùng với thời gian, tưởng nỗi đau đã qua đi, ai ngờ, một hôm đang ngồi tâm sự, chàng trai quàng tay người yêu và cô gái vùng dậy, bỏ chạy, kêu la. Mọi người nghi chàng trai làm trò “bỉ ổi”, hóa ra tự nhiên cô gái nhớ lại cảnh khủng khiếp năm xưa. Bây giờ cô gái bị mang tiếng là “tâm thần”, còn chàng trai xấu hổ tới mức chẳng dám đến với cô gái nào nữa.

Thật tệ hại! Khi chị N.T.P., chủ  một doanh nghiệp tư nhân tại thị xã Tuyên Quang phát hiện con gái riêng là N.T.L. (13 tuổi) bị cha dượng xâm hại tình dục (XHTD) gần bốn tháng qua, khiến bé L. bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Do từ khi lập gia đình mới, chị P. đã đưa cháu L. về ở cùng; bận việc kinh doanh, chị ít có thời gian chăm sóc con; bé L.  thường xuyên ở nhà với dượng và đã bị xâm hại tình dục. Tháng 03 vừa qua, chị P. đã chính thức nộp đơn ly hôn và người cha dượng mất nhân tính đã phải ngồi tù. Tuy nhiên, để xảy ra kết cục này, chị P. ngậm ngùi thừa nhận mình thiếu quan tâm đến con gái đang tuổi dậy thì nên đã để xảy ra trường hợp trên.

Gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước là vụ ca sĩ người Anh Gary Jlitter lạm dụng tình dục với 02 em Trần Thị Thu D, Trần Thụ Thảo N, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu xử phạt 03 năm tù về tội: “Dâm ô với trẻ em”; hay như vụ “Ông già dâm ô” Nguyễn Khắc Thủy (cán bộ hưu trí) thực hiện hành vi dâm ô với nhiều bé gái tại Chung cư Lakeside – Thành phố Vũng tàu…

Theo nguồn của Bộ Công an, từ năm 2012 đến năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Các vụ xâm hại thường xảy ra ở các khu chung cư, tập thể, một số vùng nông thôn… nơi không có người trông coi, giám sát thường xuyên…

Tại địa bàn Quận 10, qua công tác xét xử, thống kê số liệu trong vòng 12 năm trở lại (2004-2017) về nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Tòa án nhân dân Quận 10 đã thụ lý và xét xử 13 vụ án hình sự về nhóm tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, gồm: 08 vụ – 08 bị cáo phạm tội “Giao cấu với trẻ em”; 05 vụ – 05 bị cáo phạm tội: “Dâm ô với trẻ em”.Trong đó:

– Chủ thể xâm phạm trong các vụ: đều là nam giới, là người bên ngoài gia đình, đa số ở độ tuổi thanh niên, trung niên, thậm chí có người đáng tuổi cha chú của nạn nhân. Thuộc thành phần: lao động phổ thông (08), không nghề nghiệp (03), ca sĩ (01), sinh viên (01). Trình độ học vấn: mù chữ (01), cấp II(9), cẩp III (03).

Chủ thể bị xâm phạm: Các nạn nhân đều là nữ giới, có độ tuổi từ 06  tuổi đến dưới 16 tuổi. Thuộc thành phần: học sinh, lao động phổ thông, không nghề nghiệp.

Nguyên nhân và điều kiện: Xuất phát từ mối quan hệ xã hội thường là bạn bè hoặc trai gái yêu đương, hàng xóm, có điều kiện tiếp xúc; dụ dỗ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngây thơ, khả năng tự vệ yếu của nạn nhân; cá biệt có trường hợp phát sinh tình cảm, có sự chủ động từ phía nạn nhân; thậm chí còn có trường hợp sống như vợ chồng trái quy định pháp luật; bên cạnh đó cũng có phần là sự thiếu giáo dục, quản lý chặt chẽ của gia đình nạn nhân; sự lơi lỏng của nhà trường; ngoài ra còn có trường hợp nạn nhân là người chậm phát triển về tâm thần…

Đó là chưa kể đến những vụ mà phía nạn nhân trình báo nhưng cơ quan công an không khởi tố do thiếu chứng cứ buộc tội hoặc những vụ xảy ra mà phía nạn nhân hoặc gia đình không nói ra, không khai báo, tố cáo do sợ hãi, sợ xấu hổ, mặc cảm, tủi nhục, định kiến của xã hội; hoặc thiếu tự tin, nhất là đối với tâm lý trẻ em luôn có ý nghĩ: “người lớn luôn đúng” hay “mình luôn sai”, hay là “cũng có phần lỗi do mình”; hoặc là sự nhầm lẫn giữa “tình yêu thương” với “ lạm dụng tình dục”…

Nhìn chung xâm phạm tình dục chẳng phải ai xa lạ, nó hiện hữu quang ta, nhưng do cô cảm, thiếu hiểu biết, hoặc do những định kiến sai lầm nên ít ai chia sẽ, ít ai nói ra và vì thế nỗi đua sẽ kéo dài, đeo đẳng suốt cả cuộc đời nạn nhân.

HAI NHÓM GIẢI PHÁP

Qua thống kê, phân tích và phân loại các yếu tố, nguyên nhân như đã nêu trên, các nhân tôi đề nghị một số giải pháp làm giảm tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em, cụ thể như sau

+ Nhóm các giải pháp về tâm lý

– Khi nghe trẻ kể về sự việc có dấu hiệu lạm dụng tình dục, chúng ta không nên vội mắng át đi: “làm gì có chuyện đó”, “nhảm nhí”, “nói bậy”, “hổn”; nặng nề hơn: mắng nhiết: “đồ lẳng lơ”…; mà cần phải thận trọng lắng nghe, cân nhắc, xem xét. Nếu không sẽ tạo ra cho trẻ tâm lý sợ sệt, không dám nói ra điều gì, cuối cùng hậu quả không lường hết được.

– Ba điều bạn nên nói với một người bạn – người vừa kể cho bạn nghe chuyện bị lạm dụng tình dục: Mình tin cậu – Đó không phải do lỗi của cậu – Cậu không hề đơn độc.

– Những điều không nên nói: Mình không tin điều đó – Tại sao ông ấy lại làm điều đó với cậu? Chắc cậu đã quyến rủ ông ấy chứ gì?”- Đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Ý mình là thực sự cậu chẳng làm gì được…

– Cần an ủi, động viên người bị xâm hại “tiếp tục bước đi là việc làm cần thiết để có thể chữa lành vết thương”; và tránh khơi lại nỗi đau mất mát của trẻ. Nhất là các bậc phụ huynh cần hiểu rõ con cái và giúp phát huy tối đa các phẩm chất. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng là công việc mà các bậc phụ huynh phải làm.

+ Nhóm các giải pháp về xã hội – cơ chế pháp lý – chính sách

– Tăng cường phối hợp giáo dục, quản lý chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

– Sớm đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại tình dục, giáo dục giới tính theo từng cấp độ bậc học nhà trường cho phù hợp .

– Kịp thời quy định bổ sung vào Bộ luật hình sự một số tội danh, chẳng hạn như tội: “Quấy rối tình dục trẻ em” để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự – một trong những công cụ pháp luật có tính răn đe hiệu quả nhất.

– Giáo dục cho công chúng về những hậu quả tiêu cực của việc xâm phạm tình dục đối với trẻ em; ý thức trách nhiệm phát hiện, trình báo và việc giữ lại bằng chứng để làm cơ sở tố cáo kịp thời kẻ có hành vi xâm hại tình dục. Phổ biến tuyên truyền pháp luật về các quy định liên quan đến việc nghiêm cấm và xử lý các hành vi xâm phạm tình dục.

– Tập huấn các cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ xã hội và giám sát viên các kiến thức về nạn xâm hại tình dục và kỷ năng tiếp nhận, theo dõi, điều tra và giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em một cách hiệu quả và phù hợp với  tâm lý trẻ em.

– Tăng cường tư vấn, trợ giúp và hỗ trợ về mặt xã hội cho các nạn nhân cũng như gia đình của họ.

– Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng (nhất là các cơ quan tư pháp: Công an- Viện Kiểm sát –Toà án) trong việc phát hiện, điều tra và  xử lý nghiêm minh đối với các hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo đễ họ mạnh dạn khai báo, tố cáo.

– Tiếp tục tăng cường các chiến lược cũng như chương trình quốc gia về phòng ngừa lạm dụng tình dục và buôn bán trẻ em.

– Hình thành một cơ chế thu thập số liệu về các thủ phạm và nạn nhân của những vụ xâm phạm tình dục trẻ em, phân chia theo giới tính, độ tuổi, nhằm đánh giá đầy đủ về tình trạng này và đề ra các chính sách, chương trình giải quyết vấn đề này.

– Tiến hành khảo sát toàn diện về số lượng trẻ em bị khiếm khuyết về thể chất, không nơi nương tựa; nhằm xây dựng chương trình kế họach bảo vệ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm tình dục đối với các đối tượng này.

– Hoàn thiện hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên với thủ tục tố tụng đặc thù riêng biệt.

 

NGUYỄN TRIỆU LUẬT (Tòa án nhân dân Quận 10, TP HCM)