Yêu cầu thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của nền tư pháp dân chủ, nhân đạo, là tiêu chí “phẩm giá của một nền tư pháp văn minh”, “nguyên tắc nền tảng của tố tụng hình sự ”. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền con người. Với nội dung cơ bản, xuyên suốt là việc không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nguyên tắc suy đoán vô tội đặt ra các yêu cầu chi phối toàn bộ hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong đó, quan trọng nhất là Tòa án – cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chủ thể duy nhất có quyền xác định một cá nhân là có tội hay không có tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
  1. 1.Nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội

Suy đoán vô tội manh nha từ thời cổ đại trong Bộ luật cổ Manu của Ấn Độ, xuất hiện lần đầu tiên ở thời La Mã cổ đại thế kỷ thứ VI khi hoàng đế La Mã ban hành bản tóm lược luật La Mã với nội dung: “Chứng minh là công việc thuộc về anh ta – người khẳng định chứ không phải là người phủ định”. Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc đã quy định: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự đảm bảo đủ khả năng bào chữa của người đó”. Pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nguyên tắc trên và coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự.

Ở Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội được cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982. Được quy định chính thức tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Suy đoán được hiểu là sự công nhận một vấn đề nào đó là đúng cho đến khi chứng minh được điều ngược lại. Trong pháp luật, là suy đoán pháp lý nên suy đoán vô tội là một quan điểm pháp lý coi một người không phải là người phạm tội khi người đó chưa bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Suy đoán vô tội thể hiện quan điểm của Nhà nước tôn trọng danh dự, nhân phẩm của con người, tôn trọng tính “bản thiện”, loại trừ định kiến, kết tội một chiều trong quá trình tố tụng.

Theo nghĩa chung nhất, nguyên tắc suy đoán vô tội gồm bốn nội dung sau đây:

Thứ nhất: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được suy đoán vô tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đòi hỏi bất cứ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định, quyền suy đoán vô tội được áp dụng trong toàn bộ quá trình tố tụng, ngay cả trước khi khởi tố vụ án cho đến khi có bản án kết tội, do đó, chủ thể của quyền suy đoán vô tội bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền này bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Thứ hai: trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình.

Chủ thể buộc tội phải chứng minh rõ việc phạm tội, nếu còn bất cứ sự nghi ngờ nào, phải được suy đoán có lợi cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nếu không chứng minh được tội phạm mặc dù có niềm tin nội tâm về việc phạm tội và có những căn cứ để nghi ngờ việc phạm tội thì Tòa án có thể không kết tội và tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, có nghĩa: 1) họ không bị buộc phải đưa ra lời khai hoặc phải nêu về những chứng cứ mà họ có; 2) việc họ nhận tội không được coi là “nữ hoàng của chứng cứ” và có thể được sử dụng làm căn cứ để buộc tội, chỉ khi được khẳng định bằng hệ thống những chứng cứ trong vụ án; 3) việc từ chối không tham gia vào việc chứng minh không dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với việc thừa nhận một phần lỗi của mình, cũng như đối với việc xác định biện pháp trách nhiệm hình sự[1]. Theo đó, sẽ không có sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp hay áp lực tâm lý từ các cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bị tạm giữ, bị can hay bị cáo nhằm ép họ nhận tội; nghiêm cấm việc tra tấn và các hình thức đối xử tồi tệ khác để buộc bị cáo phải thú tội; và những lời khai hoặc lời nhận tội thu được từ những hành động này không được sử dụng làm chứng cứ, trừ khi chúng được sử dụng làm bằng chứng của việc tra tấn hoặc những đối xử khác trái với quy định[2]. Đồng thời, đây cũng là một nội dung của quyền im lặng, theo đó, người bị cáo buộc phạm tội có quyền nói hoặc giữ im lặng trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử tại Tòa án, và sự im lặng này không được coi là một lý do để xác định có tội hay vô tội[3].

Thứ ba: mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho họ.

Hay, “Trong trường hợp tội phạm được hiểu theo hai nghĩa thì phải giải thích có lợi cho người bị điều tra, truy tố, xét xử.[4]

Nghi ngờ là trạng thái hoài nghi, lưỡng lự, do nhận thức chưa đầy đủ nên không khẳng định được chắc chắn về sự đúng đắn hay không đúng đắn của vấn đề nào đó. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi nghi ngờ phải được kiểm tra, làm rõ, nếu không thì phải giải thích theo hướng có lợi cho họ. Trong thực tế nếu xảy ra tình huống các chứng cứ buộc tội yếu, có khả năng làm oan và có khả năng bỏ lọt mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà pháp luật quy định, thì trong trường hợp này, nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện theo hướng “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”.Tính nhân đạo của nguyên tắc ở nội dung này còn thể hiện ở việc trách nhiệm chứng minh thuộc về bên buộc tội, cho nên nếu không chứng minh được thì người bị buộc tội luôn được hưởng lợi từ những sự nghi ngờ. Do đó, nguyên tắc suy đoán vô tội vừa có vai trò bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đồng thời là một động lực buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định sự thật khách quan của vụ án.

Thứ tư: Bản án kết tội của Tòa án không được dựa trên các giả định.

Bản án của Tòa án là văn bản pháp lý thể hiện kết quả của hoạt động xét xử. Bản án kết tội của Tòa án xác định một người là tội phạm và phải chịu hậu quả pháp lý hình sự, do đó, bản án phải chính xác, có căn cứ, hợp lý, không thể dựa trên các giả định. Bởi vì giả định chỉ là khả năng, không phải là sự thật khách quan. Tòa án không thể bác bỏ “suy đoán” vô tội bằng các “giả định” phạm tội.

Bên cạnh bốn nội dung cơ bản nêu trên của nguyên tắc suy đoán vô tội, một số nhà khoa học luật hình sự còn cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội còn hai khía cạnh nội dung là: bảo vệ sự suy đoán vô tội trong thực tế: mọi cơ quan công quyền không được có định kiến về kết quả xét xử; sau khi tuyên bố trắng án: nếu một người đã được tha bổng bởi phán quyết cuối cùng của Tòa án thì phán quyết này có giá trị ràng buộc đối với tất cả các cơ quan nhà nước[5]. Chúng tôi cho rằng, hai khía cạnh nội dung này cũng nằm trong bốn nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội, thể hiện giá trị pháp lý của bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với bị cáo.

2.Yêu cầu thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử

Với tư cách là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của tố tụng hình sự, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội chi phối tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó có giai đoạn trung tâm của quá trình tố tụng – giai đoạn xét xử.

Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử đòi hỏi (yêu cầu) phải được bảo đảm thực hiện bằng nhiều khía cạnh nội dung và hình thức. Có thể đề cập đến một số yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất: Xây dựng nhận thức thống nhất trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc dù có tiến bộ đến đâu cũng không có ý nghĩa nếu không được thực thi trong xã hội. Để áp dụng đúng đắn nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử thì yêu cầu trước tiên đối với cán bộ, công chức Tòa án là phải quán triệt, nhận thức sâu sắc những nội dung của nguyên tắc này.

Để xây dựng nhận thức thống nhất của cán bộ, công chức Tòa án về nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự nói riêng.

– Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khắc phục các biểu hiện vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội như: xu hướng buộc tội một chiểu, chỉ căn cứ kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát; xem xét phiến diện, chỉ tập trung vào khía cạnh buộc tội; luôn “thống nhất” cao giữa các cơ quan tố tụng trong mọi vụ án…

Thứ hai: Bảo đảm quyền suy đoán vô tội của bị can, bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tố tụng tại phiên tòa.

– Hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo: Bởi vì bị can, bị cáo được suy đoán vô tội nên các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự như tạm giam chỉ được áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, tương xứng giữa mức độ nghiêm khắc của biện pháp cưỡng chế và mục đích của biện pháp này. Tòa án phải cân nhắc thận trọng khi tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam bị can. Chỉ tạm giam bị can trong giai đoạn xét xử khi không áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn nào khác mà vẫn đạt được mục đích mong muốn. Đồng thời, cần tăng cường xem xét trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nếu áp dụng biện pháp ngăn chặn không hợp pháp, hợp lý xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị buộc tội.

– Tòa án có trách nhiệm xét xử nhanh chóng, kịp thời: Bị can, bị cáo bị đặt vào trình trạng pháp lý bất lợi, phải chịu các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự và luôn bị đe dọa áp dụng trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng nhất là hình phạt, trong khi theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì họ được coi là người vô tội. Do đó, thời hạn xét xử dài sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người liên quan trong vụ án. Vì vậy, xét xử nhanh chóng, kịp thời là một yêu cầu của việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Tòa án được nghiên cứu hồ sơ, giải quyết vụ án trong thời hạn do pháp luật tố tụng quy định nhưng đồng thời Tòa án cũng có trách nhiệm phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết, rút ngắn tối đa thời gian tố tụng tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Đặc biệt, Tòa án không được kéo dài thời gian tố tụng để “cố gắng” chứng minh được tội phạm.

– Bị cáo được xuất hiện tại phiên tòa với trang phục phù hợp, không bị coi là người phạm tội: Hình ảnh bị cáo tại phiên tòa là ấn tượng ban đầu, có tác động đến tư tưởng hoặc có thể tạo ra định kiến về nhân thân bị cáo đối với những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tại Tòa án. Do đó, được suy đoán vô tội yêu cầu bị cáo phải có trang phục như người không phạm tội. Cụ thể: “Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo đang tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm; bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.[6]

Đồng thời, việc xưng hô tại phiên tòa cũng phải thể hiện rõ sự tôn trọng sự suy đoán vô tội của bị cáo. HĐXX và những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng không được sử dụng những cách xưng hô có tính chất ám chỉ, miệt thị, đay nghiến hoặc biểu hiện thái độ bực tức, khó chịu đối với bị cáo.

– Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, căn cứ kết quả tranh tụng để Tòa án ra bản án kết tội hoặc tuyên bố vô tội.

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, thì bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, nhưng được tạo các điều kiện để chứng minh mình không phạm tội. Vì vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội yêu cầu Tòa án luôn phải đảm bảo quyền bào chữa và quyền được tranh luận dân chủ với bên buộc tội của bị cáo tại phiên tòa.

“Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng truớc pháp luật… việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn dân sự và những người có quyền, lợi ích hợp pháp.” “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa.” Đó là những định hướng cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Thực hiện BLTTHS năm 2003, thủ tục xét hỏi tại phiên tòa đặt trách nhiệm buộc tội – chứng minh tội phạm hầu như tập trung vào HĐXX. HĐXX phải chịu toàn bộ gánh nặng trách nhiệm chứng minh, còn các bên buộc tội và gỡ tội chỉ tham gia quá trình này ở mức độ rất hạn chế. Chính vì vậy, làm cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa không đúng bản chất, dẫn đến Tòa án vừa không đảm nhiệm tốt chức năng xét xử của mình và lại đồng thời làm chức năng buộc tội. Nó hạn chế tính tích cực, chủ động của các bên tranh tụng, ảnh hưởng tới vịêc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được thực thi trên thực tế: 1) Bổ sung vào hệ thống các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, quy định rõ để bảo đảm tranh tụng trong xét xử: quá trình tranh tụng phải được thực hiện ở mọi giai đoạn; các chủ thể có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ; mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. 2) Bổ sung cho người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ. 3) Bổ sung cơ chế bảo đảm cho người bị buộc tội nắm được các chứng cứ buộc tội. 4) Đổi mới trình tự xét hỏi tại phiên tòa nhằm tăng cường trách nhiệm, sự chủ động của các chủ thể tố tụng: chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định người hỏi trước, hỏi sau hoặc cho bị cáo được hỏi về các vấn đề liên quan đến bị cáo nếu được chủ tọa đồng ý. 5) quy định không giới hạn Kiểm sát viên tham dự phiên tòa và trách nhiệm tranh tụng đến cùng của Kiểm sát viên. 6) Quy định tranh tụng ở mọi phiên tòa: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.[7]

Như vậy, việc cụ thể hóa nội dung nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS năm 2015 đã khắc phục được một số hạn chế trước đây. Thực hiện tốt những nội dung của nguyên tắc tranh tụng này là đồng thời đảm bảo cho nguyên tắc suy đoán vô tội của bị cáo.

Thứ ba: Thực hiện nghiêm chỉnh quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự.

– Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Bởi vì không thể buộc người đang được coi là vô tội chứng minh mình vô tội. Do đó, bị cáo có quyền im lặng, không khai báo về hành vi phạm tội của mình. Tòa án không thể coi việc bị cáo không khai báo làm căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự khi buộc tội và quyết định hình phạt đối với bị cáo.

– Mọi nghi ngờ phải được giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho bị cáo. Nếu có nghi ngờ về lỗi của bị cáo mà không thể bổ sung gì hơn được về chứng cứ thì phải tuyên là bị cáo vô tội chứ không đòi hỏi phải có căn cứ xác định bị cáo vô tội. Hay nói cách khác, trong giai đoạn xét xử mà không thể thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm, không thể kết luận được những nội dung chủ yếu quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015 thì Tòa án không kết tội bị cáo.

– Bản án của Tòa án không được dựa trên giả định, phải có căn cứ, xác định, hợp lý, hợp pháp. Bản án kết tội phải là bản án có đủ các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, chứng minh được là bị cáo có tội. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án (khoản 2 Điều 98 BLTTHS 2015); không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội (khoản 3 Điều 98 BLTTHS 2015); Không được dùng làm chứng những tình tiết do người làm chứng, người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ hơn vì sao biết được tình tiết đó (khoản 2 Điều 91, 92 BLTTHS 2015). Trong nội dung bản án phải phân tích lý do mà HĐXX không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng (Điều 260 BLTTHS 2015).

Thứ tư: Yêu cầu chất lượng bản án, quyết định.

Bản án của Tòa án là văn kiện pháp lý nhân danh Nhà nước xác định sự kiện có tội hay không có tội của bị cáo. Bản án có ý nghĩa thực hiện đồng thời chức năng của pháp luật hình sự là giáo dục phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.

Để đạt mục đích này, đòi hỏi bản án phải làm cho bị cáo “tâm phục, khẩu phục”, làm cho người dân thấy rằng quyết định của bản án là hệ quả tất yếu của việc phạm tội nếu bị cáo phạm tội hoặc luôn là bằng chứng minh oan cho bị cáo nếu bị cáo không phạm tội hoặc không chứng minh được việc phạm tội của bị cáo.

Theo đó, bản án phải phân tích đầy đủ, có căn cứ pháp lý và thực tiễn vững chắc, có lý lẽ thuyết phục, logic, thấu tình, đạt lý, hợp pháp, hợp lý, dễ hiểu, phải đánh giá một cách khách quan, công bằng, bình đẳng những chứng cứ buộc tội, chứng cứ không có tội, chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu bị cáo không có tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đặc biệt, bản án phải phân tích lý do mà HĐXX không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện… (Điều 260 BLTTHS)

Thứ năm: Thực hiện phối hợp các nguyên tắc có liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong tố tụng hình sự có nhiều nguyên tắc khác nhau, nhưng các nguyên tắc này có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau. Sẽ là sai lầm nếu chỉ thực hiện hay chỉ đề cao một nguyên tắc nào đó. Suy đoán vô tội là nguyên tắc thể hiện tính chất dân chủ và nhân đạo, có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với các nguyên tắc: tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân; bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án; nguyên tắc đảm bảo hai cấp xét xử; nguyên tắc bảo đảm bình đẳng trước Tòa án[8]:

– Trong đó, nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân là nguyên tắc mang tính nền tảng, nguyên tắc suy đoán vô tội là sự thể hiện cụ thể và chi tiết của nguyên tắc này, thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội tức là thực hiện nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

– Trong quan hệ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo thì nguyên tắc suy đoán vô tội là nền tảng, là sự thể hiện những bảo đảm pháp lý cho nguyên tắc này. Vi phạm quyền bào chữa ở chừng mực nhất định nào đó là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và ngược lại.  Việc thực hiện nguyên tắc bào chữa góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn của nhân dân về vị trí của bị cáo trong tố tụng hình sự – họ chưa phải là người có tội.

– Thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ là tiền đề để thực hiện nguyên tắc xác định sự thật của vụ án và ngược lại thực hiện tốt nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án giúp nguyên tắc suy đoán vô tội được thực thi trên thực tế.

– Thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ đảm bảo cho việc tuân thủ nguyên tắc hai cấp xét xử và ngược lại.

– Nguyên tắc bình đẳng yêu cầu Tòa án phải bảo đảm tranh tụng, không thể coi trọng bên buộc tội hơn bên gỡ tội và ngược lại. Do đó, việc tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng và ngược lại.

Do đó, để thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội, đòi hỏi phải thực hiện phối hợp với các nguyên tắc cơ bản, có liên quan của tố tụng hình sự. Tóm lại, suy đoán vô tội là một nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự, góp phần hạn chế các vụ án oan, sai nghiêm trọng. Đối với cơ quan Tòa án, nguyên tắc suy đoán vô tội lại cần phải được đặc biệt quan tâm và bảo đảm thực thi tốt trong thực tiễn để nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, đặt ra yêu cầu phải thực hiện đồng thời, đồng bộ các giải pháp và thống nhất với các nguyên tắc cơ bản khác của tố tụng hình sự.

[1] TS. Nguyễn Thành Long, Nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 57.

[2] Điều 15 Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT, 1984).

[3] Điều 55(2)(b), 67(1)(g) quy chế Rome.

[4] Điều 82 quy chế Rome.

[5] Xem thêm: PGS.TS. Vũ Công Giao, Ths. Nguyễn Minh Tâm, Bảo đảm quyền được suy đoán vô tội theo tinh thần hiến pháp năm 2013, trong sách: Thực hiện các quyền Hiến định trong Hiến pháp năm 2013, Nxb Hồng Đức.

[6] Xem Nghị quyết số 743/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 24/12/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[7] Xem thêm: PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2016, tr. 33-34

[8] Xem thêm: TS. Nguyễn Thành Long, Nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 77-84.

PHÍ THÀNH CHUNG (Tòa án nhân dân tp Hà Nội)