"Dấu ấn Võ Văn Kiệt" trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta

Tôi có may mắn được là người cộng sự, người giúp việc gần gũi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong suốt 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới. Trong 5 năm 1987-1992, đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, còn tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công nghiệp.

Trong 5 năm tiếp theo (1992-1997) đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, còn tôi được bầu làm Phó Thủ tướng, phụ trách các ngành kinh tế-kỹ thuật bao gồm nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông.

Nhờ quan hệ công tác gần gũi đó, những dấu ấn về đồng chí Võ Văn Kiệt đã hình thành và đọng lại sống động mãi trong tôi. Đó là dấu ấn về các cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; những dấu ấn về phong cách và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo Chính phủ tài ba trong một thời kỳ đầy biến động và thử thách.

Trước hết, nói về cống hiến của đồng chí Võ Văn Kiệt cho sự nghiệp đổi mới của Đảng Nhà nước và nhân dân ta.

Ngày nay, nhân dân ta và cộng đồng quốc tế đều biết rõ rằng "đổi mới" là một sự kiện, một quá trình bắt đầu từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là dấu mốc lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam, một bước ngoặt của cách mạng Việt Nam mang tầm vóc thời đại. Nhờ đổi mới, đất nước ta đã có thể vươn mình thoát ta khỏi nghèo nàn lạc hậu, ngày nay đã vượt ngưỡng nước chậm phát triển có thu nhập thấp, đang vững bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để sớm trở thành một nước công nghiệp trong tương lai không xa.

Nhớ lại những ngày đầu đổi mới, khi đó đất nước ta ở vào tình trạng thật hiểm nghèo. Đó là nạn lạm phát phi mã (đến trên 700%/năm); nạn thiếu đói khá nghiêm trọng (đất nước đã phải nhập khẩu lương thực và nhận viện trợ nhân đạo chống đói); sự bất ổn định nặng nề trong đời sống chính trị-xã hội; là tình trạng bị cô lập, bị bao vây cấm vận nghiệt ngã do đế quốc Mỹ chủ xướng;là quan hệ gián đoạn căng thẳng với Trung Quốc; là tác động cực kỳ bất lợi từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Nhiệm vụ của 10 năm đầu đổi mới là phải bằng chính nội lực của đất nước và nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo đó, đưa đất nước ta vào thế ổn định, tạo dựng bàn đạp và đà tăng trưởng phát triển cho các bước tiếp theo: thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện thật xuất sắc.

Những thành tựu vĩ đại và to lớn đó bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn ý chí quật cường của cả dân tộc là tinh thần lao động miệt mài, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã đảm nhiệm xuất sắc sứ mạng lãnh đạo cả dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 80 năm qua. Đương nhiên, sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc sẽ không phát huy được nếu thiếu vắng vai trò dẫn dắt của cơ quan đầu não.

Nhiệm vụ của 10 năm đầu đổi mới là phải bằng chính nội lực của đất nước và nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo đó, đưa đất nước ta vào thế ổn định, tạo dựng bàn đạp và đà tăng trưởng phát triển cho các bước tiếp theo: thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện thật xuất sắc.

Trong thiết chế lãnh đạo đất nước ta, đầu não đó là tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cô đọng hơn nữa là bộ phận chủ chốt của Bộ Chính trị, đó là một "lãnh tụ tập thể". Đồng chí Võ Văn Kiệt là Ủy viên Bộ Chính trị trong nhiều khóa, trước và sau Đại hội VI, đã từng kinh qua các trọng trách là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, là người đã trải qua nhiều trăn trở nước những khó khăn, trì trệ và những trải nghiệm trước đổi mới.

Trong nhiều vấn đề, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn đứng về phía đòi hỏi có sự cách tân, cải tiến, chống bảo thủ, trì trệ. Sau Đại hội VI, với trọng trách là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng và tiếp đó là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí là người có những đóng góp to lớn cho việc cụ thể hóa đường lối của Đảng, đưa đường lối vào cuộc sống. Đã có lúc tôi tự đặt ra câu hỏi giả định: nếu trong 10 năm đầu đổi mới, đường lối đổi mới của Đảng không đi vào được cuộc sống, không thành công thì điều gì sẽ xảy ra ở nước ta? Từ đó tôi cho rằng khi nói về thành công của sự nghiệp đổi mới, cần dành cho 10 năm đầu một sự đánh giá đặc biệt.

Trong nhận thức của tôi, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhân tố tích cực trong bộ phận đầu não của Đảng và Nhà nước ta, đã có công lao to lớn trong việc góp phần hoạch định đường lối đổi mới cũng như đưa đường lối đó vào cuộc sống, nhất là trong 10 năm đầu đổi mới. Đóng góp xuất sắc của đồng chí cần được ghi công trong bảng vàng danh dự của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng chí đã để lại trong tôi và trong đồng chí, đồng bào cả nước tấm gương sáng về "phong cách" và "bản lĩnh" của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một "phong cách và bản lĩnh" rất Võ Văn Kiệt.

Nói về phong cách, tôi muốn nhấn mạnh hai điều:

Một là, đồng chí có một lòng tin vững chắc vào sức sống, sức sáng tạo và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam nước mọi thử thách của lịch sử. Trên cơ sở đó, đồng chí rất coi trọng việc đi sát thực tế ở các địa phương cơ sở và đời sống của nhân dân, coi tinh thần cơ bản của đổi mới là phát động một phong trào dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, lắng nghe và tiếp thu từ thực tiễn những giải pháp, quyết sách để tháo gỡ các khó khăn tưởng như bế tắc của đất nước đồng thời kiến tạo thế phát triển lâu dài cho từng địa phương, từng vùng lãnh thổ, cho các ngành kinh tế -kỹ thuật trên phạm vi cả nước.

Hai là, đồng chí biết cách tổ chức, lôi cuốn cả tập thể Chính phủ và hệ thống chính quyền cả nước, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, tấn công vào lề lối làm việc quan liêu, xa thực tiễn, xa dân vốn là căn bệnh khá nặng nề trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Trong nhiệm kỳ 1992-1997, do đồng chí làm Thủ tướng, số bộ và các cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ đã từ 36 rút xuống còn 27; số phó thủ tướng từ 10 người đã rút xuống còn 3 người. Đồng chí là người sớm mở đầu cho cả quá trình cải cách hành chính ở nước ta.

Tôi nhớ lại không khí làm việc khẩn trương, sôi nổi trong những ngày đầu đổi mới. Khi đó, thay vì việc hội họp liên miên để thảo luận, cân đối kế hoạch nhà nước với hệ thống đồ sộ các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, các chỉ tiêu pháp lệnh chi phối mọi yếu tố của sản xuất, lưu thông phân phối, tiêu dùng của cả xã hội, thì thủ tướng, các phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ thực hiện một chương trình dày đặc các chuyến đi công tác về với các địa phương, cơ sở, các tổ chức kinh tế-kỹ thuật nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn ách tắc, đồng thời rút ra từ thực tiễn những kết luận cần thiết cho việc thể chế hóa, hiện thực hóa đường lối chủ trương của Đảng. Đây là một nhiệm vụ nặng nề của Hội đồng Bộ trưởng và Chính phủ trong những năm đầu đổi mới. Ngày nay chúng ta có được hệ thống luật pháp đồ sộ được Quốc hội thông qua và ban hành bao trùm mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhưng ngày đó, việc cấp bách trước mắt của Chính phủ là ban hành hệ thống các văn bản pháp quy dưới các hình thức nghị định và quyết định làm nền tảng cho việc cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân từ cơ chế cũ sang cơ chế mới được diễn ra nhanh chóng, tích cực song cũng tránh đổ vỡ lớn. Đó là một quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu có ai dành thời gian nghiên cứu, hệ thống hóa các văn bản pháp quy và luật pháp nước ta từ đầu đổi mới đến nay thì sẽ thấy rất rõ tính kế thừa và nâng cao không ngừng của luật pháp, chính sách của đất nước, thấy được những nội dung cơ bản của chính sách đã được bắt đầu định hình từ những nghị định, quyết định của Chính phủ trong 10 năm đầu đổi mới.

Cũng nói về phong cách, tôi nhớ lại quyết định mang dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt về chế độ làm việc "ba ca" của Thường trực Chính phủ. Bên cạnh thời gian làm việc ngày hai buổi như thường lệ, đồng chí kiến tạo thêm "ca sáng sớm" (kết hợp với buổi ăn sáng). Đó là "ca" làm việc độc đáo, có hiệu quả, hiệu lực rất cao. Buổi làm việc này là dịp để Thủ tướng bàn hẹp với từng phó thủ tướng, các bộ trưởng chuyên ngành có liên quan và trong không ít trường hợp có sự tham dự của các chuyên gia chủ chốt am hiểu từng lĩnh vực. Đó là những buổi làm việc với không khí cởi mở, thẳng thắn, đầy tình đồng chí và cũng đầy tinh thần trách nhiệm. Tôi được biết, thông lệ này đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ các nhiệm kỳ tiếp theo duy trì cho đến nay.

Về bản lĩnh, tôi luôn khâm phục đồng chí ở tính quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người chỉ huy, người đứng đầu Chính phủ luôn phải đứng nước hai loại áp lực: áp lực từ phía dư luận xã hội khi mà một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội vì những lý do khác nhau chưa đồng tình với các chủ trương chính sách; áp lực từ trong nội bộ nhất là ở lãnh đạo cấp cao, mỗi khi các chủ trương, chính sách cụ thể đòi hỏi được cân nhắc, phản biện giữa hai khả năng: đúng hay sai, thành hay bại.

Việc quyết định xây dựng đường dây tải điện (500KV) Bắc-Nam là sự việc có tính tiêu biểu. Khi đó đất nước ta gặp khó khăn lớn về điện lực, nhất là ở Nam Bộ và Trung Bộ. Ngay Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước ta lúc đó chỉ dựa vào Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức công suất khá nhỏ, do đó thành phố đã phải luân phiên cắt điện hai đến bốn ngày mỗi tuần. Trong khi đó ởphía Bắc, nhờ có các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình lần lượt phát điện đã có được năng lực dư thừa. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng đường dây tải điện (500kV) Bắc-Nam, khẩn trương xây dựng trong vòng hai năm (1992-1994). Ngày nay (chúng ta đã xây dựng thêm mạch tải điện thứ hai; việc chuyển tải điện không chỉ theo chiều Bắc vào Nam mà còn ngược lại) ai cũng thấy rõ vai trò cực kỳ quan trọng của hệ thống đường tải điện cao áp này.

Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách là Thủ tướng Chính phủ đã công khai bảo vệ nhận trách nhiệm về công trình và trực tiếp chỉ đạo xây dựng và công trình thành công mỹ mãn.

Công trình đã trở thành một trong những biểu tượng của đổi mới; thể hiện ý chí cách mạng của giai cấp công nhân nước ta, được sự ủng hộ sôi nổi của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương có đường tải điện đi qua. Công trình không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ mà còn trở thành xương sống của lưới điện quốc gia, giúp cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện được về cơ bản chương trình điện khí hóa toàn quốc. Tuy vậy, vào thời điểm lúc bấy giờ quyết định này đã gây nên không ít ý kiến nghi ngờ, phê phán coi đó là một quyết định duy ý chí, phiêu lưu mạo hiểm, gây lãng phí lớn, thậm chí gây hiểm họa (!). Dư luận khá ồn ào cả trong và ngoài nước được phản ảnh trên dư luận thông tin, báo chí, ởmột số diễn đàn kể cả diễn đàn Quốc hội, tác động đến cả một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách là Thủ tướng Chính phủ đã công khai bảo vệ nhận trách nhiệm về công trình và trực tiếp chỉ đạo xây dựng và công trình thành công mỹ mãn.

Việc xây dựng hệ thống hạ tầng thủy nông, giao thông, đê bao, cống điều tiết nước, tôn tạo các cụm và tuyến dân cư ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở hai vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, là hệ thống công trình cực kỳ quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long được đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Nhờ được xây dựng nhanh và quyết liệt, ngày nay đồng bằng sông Cửu Long đã thực sự trở thành vựa lúa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn xứng tầm vóc thế giới. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến nay đã đạt đến 6 triệu tấn/năm, trong đó có đến 80-90% là của đồng bằng sông Cửu Long. Hàng chục vạn nông dân ở các vùng ngập lũ nhiều tháng trong năm đã có thể ổn định cuộc sống ở các cụm, tuyến dân cư được tôn tạo; thay khẩu hiệu "chạy tránh lũ" bằng khẩu hiệu "sống chung với lũ". Chủ trương này đương nhiên được cán bộ, công nhân ngành thủy lợi, nông nghiệp và đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương sở tại đồng tình cao và dồn tâm sức thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, xuất hiện không ít ý kiến phản biện nhất là trong giới nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường. Loại ý kiến này cho rằng xây dựng các công trình này là sự vi phạm quy luật tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, lợi không bù hại. Đương nhiên, luận điểm này phải được quan tâm ở tầm nhìn dài hạn, nhất là trước hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng hiện nay. Tuy nhiên, quan tâm không có nghĩa là rút lui. "Rút lui thụ động" hay "ứng phó tích cực" vẫn đang là phương châm mang tầm vóc chiến lược không chỉ đặt ra với Việt Nam mà là cho cả cộng đồng quốc tế. Loại công trình mang tầm vóc thế kỷ như thế này còn nhiều, tôi chỉ thuật lại hai công trình tiêu biểu gắn liền với vai trò cá nhân của đồng chí Võ Văn Kiệt để minh chứng.

Một loạt quyết định khác mang dấu ấn Võ Văn Kiệt không phải vì quy mô to lớn của công trình mà vì tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, tấn công vào các tập quán lạc hậu đã tồn tại lâu đời. Thành công của các quyết định đó sẽ còn mãi mãi ghi dấu ấn trong đời sống của đất nước và nhân dân ta. Đó là các quyết định về việc giải thể các trạm kiểm soát trên các đường giao thông (Quyết định số 86-CT tháng 3/1987); quyết định về cấm sản xuất lưu thông và tiêu dùng pháo nổ trong phạm vi cả nước (8/1994); quyết định cưỡng chế, giải tỏa hành lang bảo vệ đê sông Hồng vùng Yên Phụ, Nhật Tân (1995); cuộc vận động xóa bỏ "cầu khỉ" 1, "cầu tõm" 2 và cấp nước sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long; quyết định triển khai chương trình "phủ xanh đất trống đồi núi trọc" trong phạm vi toàn quốc gắn với việc đẩy lùi nạn đốt phá rừng bừa bãi (Quyết định số 327/CT tháng 9/1992); v.v. Điều tôi muốn lưu ý ở đây là những loại việc như thế này còn nhiều lắm trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta cho đến tận hôm nay. Bài học kinh nghiệm ở loại quyết định này là người lãnh đạo phải có dũng khí, tính quyết đoán, biết tổ chức vận động phong trào quần chúng và tổ chức chỉ đạo thật quyết liệt. Những thành công của các quyết định nêu trên để lại cho các thế hệ các nhà lãnh đạo, nhất là trong hệ thống chính quyền hành pháp của chúng ta hôm nay và mai sau những bài học quý giá.

Một loạt quyết định khác mang dấu ấn Võ Văn Kiệt không phải vì quy mô to lớn của công trình mà vì tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, tấn công vào các tập quán lạc hậu đã tồn tại lâu đời. Thành công của các quyết định đó sẽ còn mãi mãi ghi dấu ấn trong đời sống của đất nước và nhân dân ta.

Là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều khóa, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Thủ tướng Chính phủ trong 10 năm đầu đổi mới, những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt trải rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Lĩnh vực nào đồng chí cũng để lại những dấu ấn đậm nét.

Do khuôn khổ của bài viết và phạm vi công tác của tôi trong thời gian làm việc ở Chính phủ, bài viết này tôi chỉ dẫn ra một số sự việc có tính chất tiêu biểu, có tính minh chứng cho "phong cách" và "bản lĩnh" của đồng chí Võ Văn Kiệt chủ yếu là trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, coi như người trong cuộc.

Mong được bạn đọc chia sẻ.

Theo Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (hồi ký). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật

-----------

1, 2. "Cầu khỉ" là cầu bắc qua kênh rạch chỉ bằng một cây tre hoặc gỗ; "Cầu tõm" là cầu tiêu xả thẳng xuống sông, kênh, rạch.

 

Chiều 12/7/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đến thăm và kiểm tra hoạt động của trạm biến áp 500 KV đường dây cao thế Bắc-Nam ở cầu Đò, Đà Nẵng. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

 

 

TRẦN ĐỨC LƯƠNG (Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)