Công nhận và cho thi hành bản án dân sự của Tòa án nước ngoài - Kinh nghiệm của Pháp

Bài viết tập trung giới thiệu, phân tích quan điểm pháp luật của Cộng hòa Pháp thông qua một số thực tiễn xét xử của các tòa án Pháp đối với vấn đề công nhận và cho thi hành bản án tòa án nước ngoài.

Một bản án dân sự của tòa án nước ngoài có thể được công nhận và cho thi hành tại Cộng hòa Pháp theo các trình tự và thủ tục tố tụng riêng biệt. Tuy nhiên, việc công nhận và cho thi hành này cần đảm bảo các nguyên tắc đặc thù như không xem xét lại nội dung vụ việc; đảm bảo quyền lựa chọn tòa án của các bên; có đi có lại; áp dụng luật của nước công nhận và bảo lưu trật tự công cộng.

1. Bản án dân sự của tòa án nước ngoài

Để hiểu như thế nào là bản án dân sự theo luật Pháp, trước hết cần tìm hiểu hệ thống tòa án tại Pháp có thẩm quyền như thế nào trong việc ban hành ra các bản án, quyết định dân sự. Tại Pháp, hệ thống cơ quan xét xử được chia ra làm hai loại: cơ quan xét xử theo thủ tục tư pháp (les juridictions de l’ordre judiciaire) và cơ quan xét xử theo thủ tục hành chính (les juridictions de l’ordre administrative)[1].

Cơ quan xét xử theo thủ tục tư pháp có thẩm quyền xét xử vụ án dân sự và vụ án hình sự[2]. Đối với thủ tục xét xử các vụ án dân sự, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên dân sự (cá nhân, pháp nhân tư) được luật tư điều chỉnh[3]. Nói cách khác, liên quan đến các bản án, quyết định dân sự, chỉ có nhánh các cơ quan xét xử theo thủ tục tư pháp (les juridictions de l’ordre judiciaire) mới có thẩm quyền ban hành.   

Bản án (jugement) theo nghĩa hẹp được hiểu là các bản án được ban hành bởi các tòa án ở cấp sơ thẩm theo thẩm quyền chung cũng như các tòa án có thẩm quyền đặc biệt như Conseil de Prud’homme (tạm dịch là Hội đồng lao động), Tribunal de commerce (Tòa thương mại)... Ngoài jugement, tòa án còn ban hành các quyết định (ordonnance). Điểm khác biệt lớn nhất giữa jugement và ordonnance là jugement được ban hành bởi tập thể nhiều thẩm phán, trong khi ordonnance chỉ được ban hành bởi một thẩm phán duy nhất. Đối với phán quyết trọng tài, Pháp không dùng jugement hay ordonnance mà dùng sentence arbitrale. Các bản án được ban hành bởi tòa phúc thẩm hoặc tòa phá án được gọi là arrets.

Ngoài ra, tại Pháp còn tồn tại những quyết định cũng có khả năng được thi hành mặc dù không được ban hành bởi tòa án. Đó chính là grosses được ban hành bởi công chứng viên, các titres exécutoires được ban hành bởi các thừa phát lại để yêu cầu chi trả séc, các contraintes bởi các cơ quan hành chính để cưỡng chế việc chi trả thuế, bởi Quỹ Bảo hiểm xã hội hay cơ quan hưu trí để yêu cầu chi trả các khoản nợ liên quan[4].

Như vậy, theo pháp luật của Pháp, bản án dân sự hiểu theo nghĩa chung nhất là các bản án, quyết định dân sự do cơ quan có thẩm quyền ban hành để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, thương mại, lao động... phát sinh giữa các chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân tư và do luật tư điều chỉnh. Còn nếu hiểu theo nghĩa hẹp, bản án dân sự chỉ là các bản án, quyết định (jugement, ordonnance, arrêt) do tòa án có thẩm quyền, xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự, ban hành nhằm giải quyết các vụ việc phát sinh giữa các chủ thể tư về các vấn đề dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... Theo nghĩa này, bản án dân sự sẽ không bao gồm các phán quyết trọng tài hay các quyết định khác do các cơ quan công chứng, thừa phát lại...

 Đối với bản án nước ngoài, bản án dân sự của tòa án nước ngoài là các bản án dân sự được tuyên bởi các tòa án nằm ngoài lãnh thổ của Pháp[5].

2. Mối quan hệ giữa công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài

Việc công nhận bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp là việc tòa án Pháp xem xét bản án dân sự của tòa án nước ngoài có hiệu lực trên lãnh thổ Pháp hay không, dựa trên các nguyên tắc pháp lý và giá trị xã hội của Pháp[6]. Như vậy, về nguyên tắc, nếu bản án dân sự của tòa án nước ngoài không trái với các nguyên tắc pháp lý và giá trị xã hội của Pháp thì tòa án Pháp sẽ tuyên bố công nhận bản án đó. Xét về mặt bản chất, thủ tục công nhận bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp chính là thủ tục tuyên bố về hiệu lực trên lãnh thổ Pháp của một bản án do tòa án nước ngoài tuyên.

Để thi hành một bản án dân sự của tòa án nước ngoài trên lãnh thổ Pháp, đòi hỏi bản án đó phải được tòa án Pháp công nhận và cho thi hành tại Pháp. Thủ tục này được gọi là exequatur[7]. Với thủ tục này, đương sự có các quyền và lợi ích hợp pháp theo bản án tuyên, được tòa án Pháp bảo đảm thực hiện.

Tại Pháp, nếu đương sự muốn thi hành bản án nước ngoài trên lãnh thổ Pháp (nếu bên phải thi hành cư trú hay có trụ sở chính tại pháp hoặc tài sản tọa lạc ở Pháp), đương sự phải nộp đơn đến tòa án Pháp để yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án[8]. Tuy nhiên, nếu các bản án dân sự của tòa án nước ngoài chỉ liên quan đến tư cách chủ thể của bên phải thi hành mà không liên quan đến tài sản phải thi hành trên lãnh thổ Pháp, thì việc công nhận là mặc nhiên (de plano). Mặc dù không có yêu cầu thi hành bản án, nhưng các bản án liên quan đến vấn đề trên vẫn phát sinh hiệu lực[9].

 3. Các nguyên tắc của việc công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài

3.1. Không xem xét lại nội dung vụ việc - Non révision au fond

Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp. Theo đó, tòa án Pháp khi được yêu cầu công nhận và cho thi hành sẽ không xem xét lại nội dung vụ việc mà chỉ ra quyết định có công nhận hay không cộng nhận bản án dân sự của tòa án nước ngoài.

Chúng tôi minh họa nguyên tắc này bằng một quyết định của Tòa phá án như sau: Một cặp đôi người Pháp đã được tòa án Maroc tuyên bố công nhận việc đăng ký khai sinh cho đứa trẻ được sinh ra tại Maroc. Sau đó, cặp đôi này đã yêu cầu ghi nhận thông tin về hộ tịch cho đứa trẻ tại Pháp. Yêu cầu này đã bị tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm của Pháp bác bỏ với các lý do như không có bằng chứng về việc người mẹ có thai và sinh ra đứa trẻ tại Maroc, không có hồ sơ theo dõi thai kỳ, không tuân thủ việc đăng ký khai sinh cho con đúng hạn theo quy định của Maroc... Phán quyết này sau đó bị Tòa phá án Pháp bác bỏ với lý do tòa án Pháp không được tiến hành xem xét lại nội dung vụ việc. Việc xem xét công nhận bản án của tòa án nước ngoài tại Pháp chỉ nên dựa trên việc xem xét các điều kiện về thẩm quyền và thủ tục[10].

3.2. Nguyên tắc lựa chọn tòa án - Forum shopping

Forum shopping được xem là một trong những nguyên nhân tạo ra sự xung đột thẩm quyền tòa án giữa các quốc gia khác nhau. Toà án Công lý Châu Âu (CJCE) thông qua án lệ Gasser đã đưa ra nguyên tắc giải quyết hiện tượng forum shoppping như sau: Tòa án được các bên lựa chọn theo thỏa thuận ban đầu sẽ có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Nguyên tắc này căn cứ trên Quy tắc số 44/2001 ngày 22/12/2000 (còn gọi là Quy tắc Brussels I) về thẩm quyền tư pháp, công nhận và cho thi hành các bản án trong lĩnh vực dân sự và thương mại.

Theo đó, Điều 23 của Quy tắc Brussels I nói rằng các bên trong hợp đồng được lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp. Như vậy, tòa án được lựa chọn này là tòa án có thẩm quyền duy nhất giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên. Điều 27 của Quy tắc Brussels I cũng đã khẳng định lại nguyên tắc này khi tuyên bố rằng tòa án thứ hai phải hoãn việc xét xử cho đến khi tòa án thứ nhất xác định thẩm quyền của mình. Điều này có nghĩa là khi tòa án thứ nhất tuyên bố mình có thẩm quyền xét xử vụ việc thì tòa án thứ hai phải ngừng mọi hoạt động xét xử liên quan đến vụ án đó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng trong trường hợp liên quan đến thẩm quyền riêng biệt của tòa án đối với các vụ án mà đối tượng là bất động sản (Điều 22 Quy tắc Brussels I).    

Chúng tôi minh họa nguyên tắc này bằng án lệ Gasser nổi tiếng. Đây là vụ án giữa một bên là doanh nghiệp Ý (MISAT) với một bên là doanh nghiệp Áo (Gasser). Theo đó, MISAT đã khởi kiện Gasser tại tòa án nước Ý để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng ký kết với Gasser đã chấm dứt. Việc này xảy ra ngay cả khi tòa án có thẩm quyền được các bên lựa chọn trong hợp đồng là tòa án Áo. Tòa án Áo sau đó (căn cứ theo đơn khởi kiện của Gasser) đã yêu cầu Tòa Công lý Châu Âu (CJCE) phân xử vể sự xung đột thẩm quyền. CJCE đã ra phán quyết công nhận thẩm quyền của tòa án Áo, dựa trên Quy định Brussels I[11]

Nguyên tắc giải quyết xung đột thẩm quyền nói trên một lần nữa được khẳng định lại trong Quy tắc số 1215/2012 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 12/12/2012 liên quan đến thẩm quyền tư pháp, công nhận và cho thi hành các quyết định dân sự và thương mại (Quy tắc Brussels Ia)[12].

3.3. Nguyên tắc có đi có lại

Nguyên tắc công nhận lẫn nhau (principe de reconnaissance mutuelle) là nguyên tắc quan trọng và được công nhận rộng rãi tại các quốc gia trong Liên minh Châu Âu, trong đó có Pháp. Trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài, căn cứ Quy định Brussels I, các tòa án của các nước thành viên Liên minh Châu Âu công nhận các bản án của nhau một cách tự động và không được bổ sung, chỉnh sửa[13].

Đối với nguyên tắc có đi có lại (principe de réciprocité), đây là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong tư pháp quốc tế Pháp. Trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài, tòa án Pháp chỉ sẽ công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài nào mà trước đây tòa án nước ngoài đó đã công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Pháp.

3.4. Nguyên tắc bảo lưu trật tự công cộng

Việc bảo lưu trật tự công cộng được ưu tiên đặt ra trong lĩnh vực yêu cầu thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp. Lý do nằm ở chỗ nếu không có yêu cầu thi hành bản án nước ngoài tại Pháp, việc công nhận bản án nước ngoài là tự động (de plano). Chẳng hạn một bản án do tòa án Đức tuyên công nhận một người đàn ông Đức là cha của đứa trẻ thì nó cũng tự động phát sinh hiệu lực tại Pháp, vì thế vấn đề bảo lưu trật tự công cộng không được đặt ra trong trường hợp này.

Khi xem xét vấn đề trật tự công cộng, tòa án Pháp sẽ phải xem xét liệu bản án do tòa án nước ngoài tuyên có vi phạm các giá trị cơ bản mà luật Pháp bảo vệ hay không. Nếu bản án đó vi phạm, thì bản án đó sẽ không được cho thi hành tại Pháp. Ví dụ điển hình cho nguyên tắc này là việc Tòa phá án Pháp đã quyết định từ chối việc thi hành tại Pháp các bản án do tòa án Algeria và Maroc ban hành do vi phạm trật tự công cộng mà luật Pháp bảo vệ vào năm 2004[14].

Cụ thể, năm 2004, Tòa phá án Pháp đã cho rằng phán quyết của tòa án nước ngoài cho phép việc từ bỏ hôn nhân đơn phương của người chồng và tước đi các quyền chính đáng khác của người vợ trong vụ án ly hôn là đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng được ghi nhận trong Công ước về quyền con người. Do vậy, luật Pháp phải bảo vệ các quyền này khi ít nhất một trong các bên đương sự cư trú tại Pháp. Nhận định này một lần nữa được nhắc đến trong bản án liên quan đến công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Maroc[15].

3.5. Nguyên tắc luật Tòa án - Lex fori

Lex fori là nguyên tắc quan trọng trong tư pháp quốc tế Pháp. Trong công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp tại Điều 509 quy định rằng các bản án, quyết định dân sự của tòa án và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được thi hành trên lãnh thổ Pháp theo cách thức và các trường hợp được quy định bởi luật Pháp.

Ngoài ra, nguyên tắc lex fori còn được áp dụng từ góc độ của tòa án nước ngoài. Cụ thể, khi vận dụng nguyên tắc này vào trong việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài, tòa án Pháp sẽ xem xét liệu tòa án nước ngoài đó có đủ thẩm quyền xét xử và cho thi hành bản án theo luật nước họ hay không (Lex fori étrangère – tòa án nước ngoài áp dụng luật nước ngoài). Bởi lẽ luật Pháp quan niệm rằng việc công nhận và cho thi hành bản án dân sự của tòa án nước ngoài tại Pháp chỉ là hệ quả phái sinh của việc tuyên bản án dân sự nước ngoài của tòa án nước ngoài[16].

Tiếp theo, tòa án Pháp sẽ xem xét quy trình tố tụng để cho ra đời bản án trên có đúng quy định của luật nước ngoài đó hay không. Có thể thấy rằng việc kiểm soát này là không dễ dàng bởi lẽ thẩm phán Pháp sẽ khó lòng tiếp cận một cách chính xác quy trình tố tụng của nước ngoài. Do đó, từ năm 1967, việc xem xét thủ tục xét xử vụ án của tòa án nước ngoài để bản án được công nhận và cho thi hành tại Pháp chỉ còn được gắn với trật tự công quốc tế và được Pháp thừa nhận, bảo vệ[17].

Như vậy, Pháp đã vận dụng quy định của luật Pháp (nguyên tắc Lex fori – Tòa án Pháp áp dụng luật Pháp) vào cách đối xử với các bản án nước ngoài được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Pháp. Nếu bản án đó vi phạm các nguyên tắc được luật Pháp thừa nhận thì bản án sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Pháp.

 

Biểu tình về một phán quyết của Tòa án Pháp - Ảnh minh họa: Lê Ánh ( TTXVN)

 

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia Tp HCM trong đề tài mã số CS/2020-03

[1] Vincent/Guinchard/Montagnier/Varinard, Institutions judiciaires - Organisation, Juridictions, Gens de justice, Dalloz, Paris, 7e edition, 2003, tr. 349 và 547.   

[2] Vincent/Guinchard/Montagnier/Varinard, Institutions judiciaires - Organisation, Juridictions, Gens de justice, Dalloz, Paris, 7e edition, 2003, tr. 349.

[3] Vincent/Guinchard/Montagnier/Varinard, Institutions judiciaires - Organisation, Juridictions, Gens de justice, Dalloz, Paris, 7e edition, 2003, tr. 353.

[6] Cora Valéry Olivera Angel, “Une decision étrangère est-elle valable en France?”, https://www.lagbd.org/index.php/Une_d%C3%A9cision_%C3%A9trang%C3%A8re_est-elle_valable_en_France_%3F_(fr), truy cập ngày 1/5/2021.

[7] Cora Valéry Olivera Angel, “Une decision étrangère est-elle valable en France?”, https://www.lagbd.org/index.php/Une_d%C3%A9cision_%C3%A9trang%C3%A8re_est-elle_valable_en_France_%3F_(fr), truy cập ngày 1/5/2021.

[12] José Ibanez, Mélanie Tollard,” Forum shopping et droit européen de la construction”, http://www.lvi-avocats.fr/files/publications/9929c89cbdf3a3a9778357d038c83950.pdf, truy cập ngày 1/5/2021.

[13] Maik Martin, “Franchir l’infranchissable? Coopération judiciaire et reconnaissance mutuelle dans un espace europeen de justice, liberté, et sécurité”, https://journals.openedition.org/conflits/2058?lang=en#ftn8, truy cập ngày 1/5/2021.

[14] 1re Civ., 17 février 2004, pourvoi n° 01-11.549, Bull. 2004, I, n° 47 et pourvoi n° 02.11-618, Bull. 2004, I, n° 48; 1re Civ., 25 octobre 2005, pourvoi n° 03-20.845, Bull. 2005, I, n° 379.

[16] M.G. Holleaux, “La reconnaissance et l’exécution des jugements étrangers de divorce dans les droits allemande et francais”, Travaux du Comité francais de droit international privé, 1958, 16-18, tr. 133 (https://www.persee.fr/doc/tcfdi_1158-3428_1958_num_16_1955_1341, truy cập ngày 1/5/2021).

[17] Án lệ “Bachir”: Cour de Cassation, Chambre civil 1, 4/10/1967, Légifrance, “Bachir”, https://www.legifrance.gouv.fr/affichJuriJudi.do?idTexte=JURITEXT000006976566, truy cập ngày 12/8/2020.

PGS. TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG - TS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM)