Đạo luật chống tham nhũng FCPA (Hoa Kỳ): Chặn những thương vụ “đi đêm” giữa doanh nghiệp Mỹ và quan chức các nước

Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.

Ở Mỹ, việc chống lạm quyền nói chung và chống tham nhũng nói riêng chủ yếu được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội. Nguyên tắc này được thể hiện trong một loạt chính sách về tổ chức bộ máy chính trị và công quyền.

Các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Mỹ gồm 3 yếu tố chính: Ngăn chặn và tăng trách nhiệm giải trình thông qua tăng cường thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật về PCTN xuyên biên giới; giải quyết mối liên hệ giữa tham nhũng và an ninh. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về đạo đức trong chính quyền, nhằm giúp công chức tránh lâm vào tình huống xung đột lợi ích riêng và chung.

Luật sư Danforth Newcomb – một trong những chuyên gia hàng đầu về phòng, chống tham nhũng của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã cho biết: tham nhũng ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu tư của các công ty nước ngoài vào mỗi quốc gia. Các công ty đa quốc gia sẽ căn cứ vào chỉ số tham nhũng ở mỗi quốc gia để quyết định đầu tư ở những nước có chỉ số tham nhũng thấp hơn.

Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) được chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 1977, đạo luật này nghiêm cấm các hành vi hối lộ của các doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài vì mục đích kinh doanh. Đạo luật FCPA được ban hành khi có tới hơn 400 doanh nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Đạo luật FCPA được củng cố vào năm 1998 với những điều khoản bổ sung về chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý nước ngoài tiếp tay cho các hành vi tham nhũng khi đang hoạt động kinh doanh trên đất Hoa Kỳ.

Đạo luật này cũng đề ra các điều khoản về kế toán doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp này sẽ phải thiết lập và vận hành một hệ thống kế toán trong đó kiểm soát chặt chẽ và ghi nhận lại mọi khoản thu chi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm “hối lộ” chưa thực sự được làm rõ trong đạo luật này. Lấy ví dụ, đạo luật có sự phân biệt giữa hành vi “hối lộ” và việc thực hiện các khoản “tiếp khách”, được cho là hợp pháp nếu không vi phạm vào các điều luật của đất nước đó.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa có những bộ luật chống tham nhũng, hối lộ đối với các giao dịch thương mại quốc tế. Một số doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng đạo luật FCPA ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của họ, do các doanh nghiệp cạnh tranh ở các nước khác không bị hạn chế bởi những điều luật như thế này. Thêm nữa, FCPA ngày càng áp dụng những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm. Các doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt đến hai triệu Đô la Hoa Kỳ, còn các cá nhân thì mức phạt lên đến 100,000 đô la Hoa Kỳ và có thể phải chịu án tù.

Đạo luật FCPA đã và đang trở thành “mối đe dọa” đối với những vụ “đi đêm” của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Các điều khoản của FCPA bao gồm hai mảng chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách giấy tờ. Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.

Đối tượng điều chỉnh của FCPA không chỉ bao gồm công dân và doanh nghiệp Mỹ mà còn cả những người lưu trú dạng thẻ xanh ở nước này, cũng như bất kỳ công ty nào hoạt động theo luật pháp Mỹ hoặc có địa điểm kinh doanh chính nằm ở Mỹ. Kể từ năm 1998, FCPA mở rộng áp dụng cả với công ty nước ngoài, cá nhân nước ngoài có hành vi tham nhũng khi đang ở trong lãnh thổ Mỹ.

Khái niệm quan chức nước ngoài khá rộng, chẳng hạn Bác sĩ tại các bệnh viện công ở nước ngoài, hoặc bất kỳ ai làm việc cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay do chính phủ nước ngoài quản lý, điều hành. Ngay cả nhân viên của các tổ chức quốc tế như LHQ cũng được FCPA coi là quan chức nước ngoài.

Lãnh đạo doanh nghiệp có thể phải chịu án 20 năm tù nếu công ty của họ bị kết tội vi phạm Đạo luật FCPA. Về mặt lý thuyết thì có thể họ sẽ bị tống giam chỉ vì một nhân viên quèn tại một chi nhánh nào đó tại nước ngoài hối lộ một quan chức địa phương. Trong một số trường hợp, đạo luật FCPA nhấn mạnh rằng các giám đốc biết và phải biết cái chuyện “đưa và nhận” này, dù thật sự họ có chẳng biết gì.

Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định “sẽ mở rộng sự khoan hồng hơn” cho những công ty tự nguyện khai báo các nhân viên có hành vi hối lộ quan chức nước ngoài (ảnh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, Rod Rosenstein)

Hành vi hối lộ được quy định bao gồm cả việc chào mời, gợi ý, hứa hẹn sẽ hối lộ chứ không nhất thiết phải có hành động đưa tiền. Và cũng không chỉ giới hạn ở tiền mặt: FCPA quy định bất kể thứ gì có giá trị mà bị dùng vào việc lót tay cho quan chức nước ngoài, nhằm giành lợi thế không thỏa đáng thì đều là bất hợp pháp. Quan trọng là dụng ý chứ không phải số lượng. Đạo luật này cho rằng ngay cả việc một công ty Mỹ tình nguyện “trả tiền học phí cho con em quan chức nước ngoài”, thậm chí ăn nhậu quá sang trọng, xa hoa với quan chức nước ngoài cũng bị coi là hối lộ nếu nhằm mục đích kiếm chác.

Theo ông Tom Coyner, một chuyên gia tư vấn người Mỹ, kể từ khi FCPA được thông qua, chính phủ Mỹ đã xúc tiến tạo một sân chơi đẹp cho các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài bằng cách gây sức ép buộc các nước khác phải thông qua các luật chống tham nhũng ở nước ngoài tương tự, ví dụ Hàn Quốc đã phải ban hành một luật như vậy vào năm 2001.

Từ năm 1998, đạo luật này mở rộng phạm vi điều chỉnh, thêm điều khoản cấm các công ty cũng như cá nhân nước ngoài có hành vi hối lộ khi đang kinh doanh ở Mỹ. Đây được cho là cột mốc quan trọng, bất chấp giới kinh doanh cho rằng nó có thể cản trở đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Theo luật, chủ doanh nghiệp có thể ngồi tù lên đến 20 năm nếu bị tòa kết tội phạm luật FCPA. Để dàn xếp thoát khỏi cáo buộc, các doanh nghiệp phải đồng ý nộp phạt bộn tiền. Tính từ năm 2009, chính quyền Mỹ đã thu được 2 tỷ USD tiền phạt đối với các cá nhân, công ty vi phạm đạo luật trên.

FCPA đã “sờ gáy” được những tên tuổi lớn. Có thể kể đến như chính quyền Mỹ vào cuộc điều tra Công ty Panasonic Avionics Corp (PAC) chuyên cung cấp các thiết bị truyền thông – giải trí hàng không thuộc tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) với cáo buộc hối lộ vì mục đích kinh doanh. Các thương hiệu từng nhận được danh hiệu “một trong những công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới” như Oracle, General Electric, HP, AstraZeneca cũng từng phải dàn xếp hoặc bị điều tra vì vướng FCPA. Năm 2008, tập đoàn Siemens của Đức từng đồng ý nộp phạt hơn 1,3 tỷ USD tại Đức và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc tham nhũng.

Kể từ khi FCPA có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải lựa chọn sự trung thực, gạt bỏ cách đi tắt bằng hối lộ để chấp nhận tụt lại trong cuộc chạy đua kinh doanh. Song hành với Mỹ, nhiều nước cũng đã ban hành các luật chống tham nhũng, tạo hành lang pháp lý để hợp tác với FCPA của Mỹ. Một nghiên cứu do TI thực hiện với 49 quốc gia cho thấy tham nhũng khiến đầu tư nước ngoài đối với những nước này giảm 70%. Liên hiệp quốc cho rằng, vấn nạn này làm thiệt hại 5% kinh tế thế giới mỗi năm. Quay lưng với tham nhũng, hối lộ là điều mà không chỉ người dân, chính quyền Mỹ mong đợi mà còn là đòi hỏi cho một môi trường kinh doanh hiện đại, chấm dứt sự bành trướng của tham nhũng, hối lộ, một “vấn nạn” đang làm đau đầu nhiều lãnh đạo các nước.

Thành Chung (tổng hợp) – Theo phaply.vn