Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Niu Di-lân: Chú trọng giám sát khu vực công

Ngày 22-2-2018, Tổ chức Minh bạch quốc tế ( TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, năm 2017, Đan Mạch- quốc gia sau nhiều năm liên tục dẫn đầu lùi xuống vị trí thứ 2. Quốc đảo Niu Di-lân vươn lên trở thành quốc gia có thành tích phòng, chống tham nhũng tốt nhất thế giới. Thành công đó có được do nhiều yếu tố: chính trị, quản trị, pháp luật… trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của Văn phòng gian lận nghiêm trọng Niu Di-lân (SFO).

Hệ thống tư pháp chặt chẽ

Thực tế, trong nhiều năm qua, Niu Di-lân liên tục nằm trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới. Cũng như nhiều nước phát triển, Niu Di-lân là thành viên của Công ước về chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2001. Niu Di-lân ký kết Công ước về chống tham nhũng của LHQ năm 2003.

Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống tham nhũng, các yếu tố như nguyên tắc pháp quyền, hệ thống pháp luật đầy đủ và chặt chẽ, sự độc lập và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tư pháp, trách nhiệm phản biện và giải trình, minh bạch, tự do báo chí và trình độ dân trí đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tất cả các yếu tố này được thực hiện khá tốt tại Niu Di-lân.

Niu Di-lân là một trong những quốc gia xây dựng pháp luật về chống tham nhũng, hối lộ sớm nhất thế giới. Nước này có 2 văn bản điều chỉnh các hành vi liên quan đến các tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là Luật Các khoản hoa hồng bí mật (ban hành năm 1910) và Luật Hình sự (ban hành năm 1961).

Luật Hình sự Niu Di-lân xác định rõ các đối tượng là chủ thể của tội tham nhũng, nhận hối lộ là người thuộc khu vực công: các thẩm phán, nhân viên tòa án, công chứng viên ho đến các bộ trưởng, đại biểu quốc hội, cảnh sát, công chức… Hình phạt nặng nhất, 14 năm tù, có thể áp dụng với các thẩm phán phạm tội. Đối với các chủ thể còn lại, hay đối với người đưa hối lộ thì hình phạt nặng nhất là 7 năm. Điều đó cũng thể hiện rõ, “người nắm rõ luật mà phạm luật” thì phải bị xử nặng hơn.

Trong khu vực tư nhân, các hành vi “đưa và nhận hối lộ” sẽ được điều chỉnh bởi Luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910. Các chủ thể tội nhận hối lộ bao gồm luật sư, môi giới chứng khoán, giám đốc doanh nghiệp… Tuy nhiên, hình phạt được quy định nhẹ hơn so với hình phạt trong Luật Hình sự.

Theo đánh giá của người dân Niu Di-lân, số lượng văn bản pháp luật không phải là yếu tố mang tính quyết định tới cuộc chiến chống tham nhũng. Điều quan trọng là hiệu quả của các cơ chế, quy trình của việc đưa ra ánh sáng các trường hợp phạm tội.

Hệ thống Tòa án Niu Di-lân được tổ chức theo 4 cấp: tòa án khu vực, tòa án cấp cao, tòa phá án (phúc thẩm) và tòa án tối cao. Tòa án khu vực xét xử đối với hầu hết các vụ việc từ dân sự, kinh tế, thương mại đến hình sự. Tuy nhiên đối với các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị từ 200,000 NZ đô la trở lên hay các tội phạm nghiêm trọng sẽ được xét xử bởi Tòa án cấp cao. Như năm 2009, Tòa án nước này từng phạt tù đại biểu Quốc hội Taito Phillip Field, vì tội nhận hối lộ, dùng ảnh hưởng của mình để giúp một số người Thái Lan nhập quốc tịch Niu Di-lân trái phép.

Niu Di-lân không giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho một cơ quan duy nhất, mà nhiệm vụ này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau. Một số cơ quan tập trung vào việc củng cố các giá trị để bảo đảm rằng Niu Di-lân có một môi trường phi tham nhũng, số khác tập trung vào việc thi hành pháp luật và các quy tắc. Tuy nhiên, giữa các cơ quan luôn có sự phối hợp chặt chẽ.

SFO- “cánh tay thép”

Hai cơ quan thực thi pháp luật chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra và truy tố tham nhũng là SFO và Cảnh sát Niu Di-lân.

SFO được thành lập năm 1990, tập trung vào các vụ gian lận nghiêm trọng hoặc phức tạp. Hầu hết các trường hợp hối lộ, tham nhũng và các khoản hoa hồng bí mật thuộc thẩm quyền của tổ chức này. SFO tiến hành hoặc hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến các giao dịch tài chính. Các trường hợp hối lộ hoặc tham nhũng thường chỉ được xác định sau khi phân tích cẩn thận giao dịch tài chính và đường đi của đồng tiền. Quyền hạn của Giám đốc SFO vượt ra ngoài thẩm quyền của cảnh sát Niu Di-lân. Giám đốc có thể xin lệnh khám xét và các thẩm phán phải đáp ứng yêu cầu này khi có đủ căn cứ. Giám đốc SFO có thể ra thông báo yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân đưa ra thông tin hoặc tài liệu cần thiết cho điều tra. Ngoài ra, Giám đốc có thể yêu cầu bất kỳ ai đến trả lời phỏng vấn.

Các cuộc điều tra do SFO đảm nhiệm được thực hiện bởi một nhóm đa ngành, bao gồm một điều tra viên giàu kinh nghiệm, một kế toán pháp lý và một công tố viên. Nhóm này lại được một điều tra viên cao cấp rất có kinh nghiệm hoặc một kế toán pháp lý giám sát để loại trừ tham nhũng trong đội ngũ chống tham nhũng. Để phát hiện và ngăn chặn hối lộ, tham nhũng, SFO khuyến khích các tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin hữu ích cho chính quyền. Kể cả các đơn thư nặc danh về vấn đề hối lộ và tham nhũng cũng được SFO và Cơ quan cảnh sát chấp nhận. Quốc gia này đã có Đạo luật bảo vệ người tiết lộ tin tức, bảo đảm an toàn cho người cung cấp tin.

Trang web của SFO có thể dịch tự động sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Khi người truy cập ở lãnh thổ quốc gia nào thì trang web này hiển thị ngôn ngữ của quốc gia đó, trong đó có cả tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Pháp… Người xem có thể gửi khiếu nại, phàn nàn, cung cấp thông tin, nêu yêu cầu và được đáp ứng chu đáo. Đặc biệt trong mục Vụ việc, SFO cung cấp thông tin về tiến độ điều tra các vụ việc, những khó khăn khi điều tra, mong muốn độc giả cung cấp thông tin cho nhân viên phụ trách để hỗ trợ điều tra. Theo đánh giá của SFO, cách làm này đem lại hiệu quả khá cao. Như trong năm 2016, SFO tiến hành điều tra và kết án 8 công ty tài chính với các vụ gian lận có tổng trị giá lên tới 2,2 tỷ USD. Tỷ lệ thành công của họ đạt 100%.

Tăng cường công khai, minh bạch, giáo dục đạo đức

Các hoạt động chống tham nhũng của Niu Di-lân nhằm trực diện vào đội ngũ công chức, viên chức thuộc các dịch vụ công. Lý do là các công việc dịch vụ công đảm nhiệm cần nhiều đến sự minh bạch, liêm chính khi phải đối mặt với nguy cơ hối lộ và tham nhũng.

Để chống tham nhũng hiệu quả ở khu vực công, Niu Di-lân công khai thông tin về ngân sách nhà nước nhằm ngăn chặn lãng phí và tránh sử dụng sai nguồn ngân sách công. Đồng thời, tìm kiếm biện pháp tăng cường công khai, minh bạch thông tin cũng như gia tăng sự giám sát của công chúng trong suốt quá trình lập, phân bổ và sử dụng ngân sách. Là nước tiên phong trong việc tiếp cận quản lý tài khóa theo hướng tăng cường tính minh bạch, năm 1994, Niu Di-lân ban hành Luật Trách nhiệm giải trình tài khóa. Đồng thời, quy định rõ ràng trách nhiệm giải trình của chính phủ. Theo đó, các cán bộ của cơ quan công quyền có nghĩa vụ giải thích các chính sách, quyết định và hành vi của họ tới người dân. Trách nhiệm giải trình được thực hiện thông qua các cơ chế khác nhau (chính trị, luật pháp và hành chính) nhằm ngăn ngừa tham nhũng cũng như đảm bảo rằng các cán bộ của cơ quan công quyền luôn chịu trách nhiệm trả lời trước người dân. Sau khi trả lời, các cán bộ này có thể phải chịu những trách nhiệm nhất định, ví dụ như bỏ phiếu tín nhiệm, cách chức…

Bên cạnh SFO và cảnh sát, Văn phòng Tổng Kiểm toán và Văn phòng Thanh tra có quyền giám sát các hành vi tham nhũng của khu vực công. Các cơ quan này báo cáo độc lập và điều tra các hoạt động khu vực nhà nước. Kiểm toán Niu Di-lân đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo đảm mức độ minh bạch cao đối với việc sử dụng tiền công quỹ. Điều tiên quyết để ngăn ngừa tham nhũng phát sinh là các thỏa thuận phải minh bạch. Văn phòng Thanh tra ở Niu Di-lân xem xét các khiếu nại về hành vi tham nhũng.

Thành phố Auckland là trung tâm dân cư và kinh tế lớn nhất của Niu Di-lân.

Chính phủ Niu Di-lân luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để bảo đảm người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời. Năm 1982, quốc gia này đã ban hành Đạo luật Thông tin buộc các chủ thể nhà nước phải cung cấp thông tin. Chính phủ khuyến khích các cơ quan nhà nước đăng tải dữ liệu và thông tin lên mạng internet để người dân dễ tiếp cận hơn, hiển nhiên là điều này cũng mang lại lợi ích đối với cộng đồng và nền kinh tế. Báo chí là một phần rất quan trọng trong việc phát hiện, đưa tin, tố giác tham nhũng. Vai trò của báo chí Niu Di-lân trong lĩnh vực này được bảo đảm bởi các quy định của pháp luật.

Niu Di-lân là nước ít tham nhũng nhất và cũng nằm trong nhóm 5 nước có trình độ dân trí cao nhất thế giới. Giáo dục đạo đức liêm chính được coi trọng trong cả khu vực công và tư. Hiện có 44% trong số 50 công ty hàng đầu của quốc gia này xây dựng chính sách cấm hối lộ và 16% các công ty xây dựng quy tắc đạo đức hành nghề. Pháp luật quy định cụ thể về liêm chính và ứng xử, coi đó là nền tảng ứng xử cho hơn 100 cơ quan khu vực nhà nước.

Dù được đánh giá dẫn đầu thế giới về phòng, chống tham nhũng, người Niu Di-lân nhận thức rằng với 89/100 điểm, kết quả đó vẫn chưa đạt tới sự hoàn hảo. Rà soát, bịt kín những “lỗ hổng”, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện và huy động người dân tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng đang là những nỗ lực được Niu Di-lân tiếp tục đẩy mạnh.

PHƯƠNG LINH ( UBKTTW)